Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Đôi điều cùng cụ Nguyễn Duy Vinh

 

Đôi điều cùng cụ Nguyễn Duy Vinh

Nguyễn Đình Cống

25-8-2021

Thấy Nguyễn Duy Vinh xưng là thầy giáo già, về hưu, đang dạy học ở Phi châu, nên tôi tạm gọi là cụ. Vừa đọc bài “Hiến pháp năm 1992 trong mắt tôi”, của cụ đăng báo Tiếng Dân mà rùng mình. 

Hiến pháp đó đã bị vứt bỏ từ năm 2013. Sao cụ lại tốn công sức bới lại “Đống rác cũ” làm gì. Đã mất công sao không lôi Hiến pháp 2013 ra mà phân tích, mà mổ xẻ như GS Hoàng Xuân Phú và nhiều người khác đã làm.

Cụ đã kể ra 10 khập khiễng. Đều đúng cả, chỉ là chưa vạch ra được bản chất phản động của một số điều ẩn giấu đâu đó. Tôi chỉ phân tích vài điều.

Khập khiễng thứ nhất là Quốc hội. Cụ cho rằng đại biểu quốc hội là do đảng cử dân bầu nên không thể là “Cơ quan quyền lực cao nhất” (điều 83). Điều đó chỉ đúng một phần và không thể hiện rõ trong Hiến pháp. Điều quan trọng là mâu thuẫn nội tại giữa điều 83 và điều 4 về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, là vạch ra thực chất hoạt động Quốc hội. Phê phán Quốc hội quan trọng là ở hoạt động của nó, việc bầu ra nó như thế nào, chỉ là một phần nhỏ.

Khập khiễng thứ hai là vai trò của Đảng Cộng sản. Cụ phán “Đọc bản hiến pháp 1992 chúng ta không thể nào biết đảng CSVN là gì, do ai đại diện… Chúng ta cần có một chương trong Hiến pháp giải thích điều này thật cặn kẽ.

Người ta có thể cãi lại rằng, điều 4 đã viết rõ: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Xin chưa bàn đến định nghĩa về Đảng như trên là đúng hay sai ở chỗ nào, nhưng đã nói rõ đảng CSVN là gì. Còn hỏi “do ai đại diện” thì hơi khắt khe. Là một tổ chức thì đại diện là lãnh đạo của tổ chức đó chứ còn ai nữa mà hỏi. Nói “Chúng ta cần một chương trong Hiến pháp…” là một đòi hỏi quá đáng. Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng, cần có một luật về đảng, như vậy có thể thích hợp hơn.

Khập khiễng thứ ba, Dân có quyền có tài sản hợp pháp. Cụ viết “Ở đây phải có định nghĩa rõ ràng hơn. Hiến pháp phải biên thật rõ những tài sản đó là những tài sản nào: Nhà, cửa, xe hơi, xe đạp, vàng bạc, châu báu v.v…”.

Trời ơi, làm sao mà Hiến pháp phải biên thật rõ ràng như thế, mà không thể nào kể ra cho hết được. Phải chăng đây là tư duy kiểu “bánh mì có phải là lương thực hay không”.

Chỉ xin tạm vài lời phản biện như thế. Xin ghi nhận tấm lòng của cụ đối với đất nước, xin thông cảm với tâm tư của cụ khi phát hiện ra những điều ngang trái, khập khiễng. Mong cụ có những đóng góp có giá trị, làm nổi bật sự kém trí tuệ của một số người tự xưng là sáng suốt trong hàng ngũ lãnh đạo và quản lý xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.