Liêm sỉ và quyền lực
Lý Trần
17-8-2021
Đúng, liêm sỉ và quyền lực không bao giờ đi với nhau dưới chế độ độc tài phong kiến trá hình, nhất là độc tài CS. Người CSVN vô liêm sỉ từ việc tham quyền cố vị, tàn ác với nhân dân như trong CCRĐ, … đến tranh chấp với dân cả miếng ăn thời ‘bao cấp’ và nay là suất chích ngừa.
Thói ‘cha truyền con nối’ là một trong những hành vi vô liêm sỉ của quan lại CS. Bây giờ là con Trần Đại Quang, trước là Trịnh Xuân Thanh, con các loại Thanh, Chinh-Chiến, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Tòng Thị Phóng, v.v… Và sau này là con các “đồng chí” khác, bất chấp năng lực của chúng thế nào.
Chúng ta không vội trách mấy cô cậu này được cha mẹ đặt vào ghế khi “vừa nứt mắt”. Trước hết, chúng ta cần phải lên án cái gốc là chế độ chính trị độc tài, thủ tiêu sự tranh đua, không cho phép chọn được người có khả năng – chưa nói đến chọn được người tài.
Nếu có tài, thì chúng sợ gì không tranh đua trong cuộc thi sòng phẳng với con em nhân dân mà phải dấm dúi bằng mọi thủ đoạn bẩn thỉu, đưa con qua khe nọ, ngách kia vào bộ máy nhà nước? Hiểu được thức tế như vậy, nhiều thanh niên du học quyết định ở lại “phục vụ đế quốc” thay vì về nước để pha trà rót nước.
Một khi chế độ phong kiến trá hình này còn tồn tại, con đường hủ bại cha truyền con nối kia vẫn kéo dài, thì con em nhân dân dù có khả năng đến đâu cũng chỉ đi “quét lá đa” mà thôi.
Ăn cây nào, rào cây ấy
Có người hi vọng rằng thế hệ trẻ được “Tây học” sẽ khá hơn cha mẹ chúng nên chúng sẽ dân chủ hóa đất nước … (?) Suy nghĩ như vậy là quá ngây thơ và vô tình bao che cho nạn cha truyền con nối hủ bại của chế độ CSVN.
Hãy nhìn ra ngoài một chút sẽ có câu trả lời. Con cái của Saddam Hussein, Gaddafi, … đều học ở những nước có nền giáo dục đứng đầu thế giới. Khi về nước con cái của những tay độc tài này còn tàn bạo và thú vật hơn cha chúng.
Lũ người này từng được hưởng tính ưu việt của chế độ dân chủ nơi chúng du học và quá biết về tính ưu việt của các xã hội này. Nhưng, chúng không chọn chế độ dân chủ và nhân bản cho người dân.
Môi trường xã hội, thể chế chính trị mới có vai trò quyết định. Thể chế chính trị lành mạnh mới dung dưỡng được tài năng, đạo đức. Ngược lại, chế độ chính trị hủ bại và phi dân chủ sẽ chỉ chọn những kẻ trung thành và loại bỏ người có khả năng. Đúng như ông tổ Lenin của họ đã dạy rằng “chế độ CS cần người trung thành hơn là người tài”.
Bằng chứng có thể thấy từ những chính sách trong mọi lĩnh vực, các quy định, văn bản, … ngu xuẩn, đến cách điều hành lúng túng nhưng đầy sự khoác lác, như hiện nay.
Không phải cứ có Tây học là ắt sẽ có tiến bộ. Cộng hòa XHCN Việt Nam đã dùng ngân sách đưa không ít con em quan lại CS đi học ở Tây. Những Hoài Bảo (con đ/c Thanh – Quảng Nam), Xuân Anh (con đ/c Chi), Thanh Nghị/ Thanh Phượng/ Minh Triết (con đ/c Ba X), v.v… là vài ví dụ, đều đã học ở Tây, cho dù học thật hay học giả.
Cũng khoan bàn đến chuyện các cô cậu này có đủ năng lực học được hay không. Số học được chắc rất ít vì không phải ai cũng đủ năng lực học được đại học. Một con lừa đưa sang Harvard về thì cũng vẫn chỉ là con lừa. Lũ này sang Tây là để ‘tráng men, dán mác’, còn chủ yếu sang đó để tiêu tiền bố mẹ trộm cắp được của nhân dân.
Kể cả khi các cậu này học thật sự xuất sắc, nhưng khi được đặt vào ghế trong bộ máy CS, họ cũng chẳng dại gì phá bỏ cái hệ thống mang lại quyền-tiền cho gia đình họ. Họ lại tiếp tục chăm sóc cho cái hệ thống hại dân hại nước nhưng lợi gia đình họ.
Liên tưởng đến nền giáo dục của VN, chúng ta không khỏi xót xa khi thấy quan giáo dục cũng gửi con đi du học ở những nước ‘giãy chết’, dù năm nào những “con gà chọi” đáng thương phải gồng mình lên để chứng minh cho tính “siêu việt” của hệ thống giáo dục XHCN.
Những tấm gương xấu cho lũ trẻ
Nhìn vào cha mẹ họ, những “cán bộ” trẻ thấy phần nhiều là tấm gương vô liêm sỉ. Họ thấy sự giàu có bất chính của gia đình họ chỉ thông qua cái ghế quyền lực mà chẳng cần học hành đến nơi đến chốn. Chính những thủ đoạn sắp xếp ghế của cha mẹ cũng là hành động vô liêm sỉ trực tiếp mà họ là người chứng kiến.
Và, họ hiểu ra rằng, muốn có quyền và tiền ở chế độ này thì phải vô liêm sỉ. Bản thân sự tham quyền cố vị là sự vô liêm sỉ, nhất là khi năng lực không có và “cái chổi đã cùn”.
Nhìn vào tầng lớp chóp bu, bọn quan lại trẻ, có thể thấy ông Nguyễn Phú Trọng cũng chẳng hơn gì những kẻ tham quyền cố vị khác dưới ông. Người lãnh đạo không giỏi thì không bao giờ dám chọn và sử dụng người giỏi, nhất là người giỏi hơn mình.
Ông từng dạy lũ quan tham cấp dưới rằng “tiền bạc lắm làm gì, danh dự là thiêng liêng, …” Ông tỏ ra chê tiền, nhưng trong thâm tâm, ông rất hiểu quyền lực ở chế độ độc tài sẽ mang lại nhiều tiền hơn tất cả các cách tham nhũng vật chất khác – nó sẽ mang lại RẤT RẤT nhiều tiền và sự an toàn cho bản thân. “Danh dự” trong thâm tâm ông Trọng chính là Quyền lực.
Ông đừng quên hai thứ tha hóa con người nhanh nhất là Quyền lực và Tiền bạc, tiền bạc chỉ đứng thứ hai sau quyền lực. Ông coi trọng “danh dự” vậy mà ông vẫn cố bám víu lấy chiếc ghế một cách không danh dự.
Vừa tỏ ra khinh tiền vừa thích tiền sẽ sinh ra đạo đức giả.
Mọi kẻ tham quyền cố vị đều viện đầy những lý do để biện minh cho mình bám giữ ghế. Ông Trọng không phải là ngoại lệ. Lý do của ông là “người Bắc có lý luận” do ông tự nhận.
Ngay tại thời điểm này, khi mỗi ngày mấy trăm người mất mạng vì dịch Covid-19, hàng ngàn người chạy tán loạn khỏi Sài Gòn vì ở đó thì sẽ chết đói, kiếm không ra tiền trong khi tiền điện, tiền thuê nhà vẫn phải trả, và chính quyền “của dân, do dân, vì dân” này hoàn toàn không có kế hoạch nào có hệ thống để cứu người dân khỏi chết đói và chết vì dịch, để mặc dân “lá rách đùm lá rách nát”, … thì những kẻ cai trị còn chút liêm sỉ nên từ chức.
Những đại nạn hiện nay chính là hậu quả của thói khoác lác nhưng ngu dốt và vô trách nhiệm của những kẻ vô liêm sỉ đang cai trị đất nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.