Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Lấy dân làm gốc

 

Lấy dân làm gốc

Nguyễn Vi Yên

16-8-2021

Chưa bao giờ câu cửa miệng của các quan chức, “lấy dân làm gốc”, lại rất cần được thực thi như lúc này.

Lấy dân làm gốc, trước hết, là biết cân nhắc đến tình cảnh của người dân trước khi đặt bút ký bất kỳ công văn, chỉ thị nào, hay trước khi đặt ra một quy định nào mới.

Là khi muốn yêu cầu dân “khai báo di biến động” bằng điện thoại, thì phải nghĩ đến một thực tế rằng, không phải người dân nào cũng có smartphone, không phải smartphone nào cũng nối sẵn mạng 3G, 4G, không phải điện thoại nối mạng nào cũng lướt mạng êm ru chỉ mất 5 giây cho một thao tác. Các vị phải biết rằng tuy có “hơn 60 triệu smartphone ở việt Nam”, nhiều smartphone trong số đó rất… cà tàng, đã không nối mạng được thì chớ, lại còn lúc treo lúc tự sập nguồn. Bởi thế, sao không ách tắc, ùn ứ ngay các chốt kiểm soát cho được?

Là khi muốn người dân trình “giấy đi đường”, thì phải nghĩ xa thêm chút nữa, rằng để có một tờ giấy như thế, người dân muốn đi đâu cũng phải lên phường xếp hàng đợi chờ để được cấp giấy. Thành thử, muốn đi đường có một lần mà lại phải ra đường đến ít nhất hai lần. Chưa kể, các vị có nghĩ đến những người dân ốm đau, liệu họ có đủ thời gian để đợi cấp giấy rồi mới đi khám bệnh không?

Là khi ra quy định cấp phiếu đi chợ với đòi hỏi người dân có “hộ khẩu hoặc khai báo tạm trú tạm vắng”, thì phải biết rằng ở Sài Gòn có hàng triệu công nhân và sinh viên đang ở trọ, trong số đó rất nhiều người không đăng ký tạm trú tạm vắng. Không được phát phiếu, nhiều người chỉ biết chờ đợi vào việc mượn phiếu của chủ trọ, nhưng nên nhớ rằng có những khu trọ có đến hàng trăm người chứ không phải chỉ dăm ba người. Không thể đi chợ, họ biết ăn gì để sống?

Là khi đòi phạt những người dân ra đường “không vì mục đích thiết yếu”, thì phải nghĩ xem, trong lúc bệnh dịch tràn lan nguy hiểm này, tại sao nhiều người vẫn chấp nhận rủi ro để ra đường vì thứ mà các vị cho là không thiết yếu ấy: từ đi rút tiền ở trụ ATM cho tới đem thức ăn cho người nhà. Hơn nữa, hai triệu tiền phạt có thể không là gì với các vị, nhưng lại là tiền để nuôi miệng ăn cho cả gia đình trong suốt một tuần. Liệu các vị có nghĩ tới sinh kế của dân, tới cái đói mà họ và gia đình họ đang chịu đựng, trước khi soạn ra những danh sách rằng thiết yếu là gì và không thiết yếu là gì?

Là khi dùng khối bê-tông chắn quốc lộ nhằm kiểm soát việc “lén lút đưa công nhân, người dân về quê”, thì phải biết rằng nó có thể gây ách tắc trầm trọng, ảnh hưởng tới hàng loạt công ty, doanh nghiệp đang cần vận chuyển hàng hóa mỗi ngày qua tuyến đường này. Các vị có đếm được bao nhiêu người dân mà miếng cơm manh áo đang phụ thuộc vào doanh thu hằng ngày của các công ty ấy?

Là khi dồn nguồn lực để theo đuổi mục tiêu kép, vừa muốn chống dịch vừa muốn phát triển kinh tế, thì phải nhớ đến cả những người dân bị đặt ra ngoài mục tiêu kép ấy, từ những người dân đau ốm có thể chết vì những bệnh khác khi mà các bệnh viện phải dồn lực cho chuyện chống dịch, cho đến những người già neo đơn có thể chết trong nhà mà không ai hay biết. Và còn cả lực lượng nhân viên y tế, những người đã gần như phải vắt kiệt sức mình suốt hơn một năm qua, các vị quan chức có biết rằng họ phải ra đường đứng nắng bắc loa vẫy dân vào tiêm loại vắc-xin dễ tiếp cận nhất, nhưng cũng bị dân từ chối nhiều nhất lúc này, để đủ chỉ tiêu các vị giao cho?

Nhiều người đã chỉ ra vô số nhược điểm về quy trình quan liêu phức tạp, năng lực điều hành tệ hại, chất lượng nhân sự kém cỏi, vân vân. Tôi e rằng những nhược điểm ấy, ít nhiều, đều xuất phát từ nền tảng của một chế độ chính trị không lấy dân làm gốc.

Nếu không lấy dân làm gốc, chính quyền không chỉ không thực hiện tốt được mục tiêu nào trong “mục tiêu kép”, mà đến cả mục tiêu quan trọng bậc nhất của chế độ – tức là, ổn định chính trị – cũng khó lòng đạt được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.