“Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”, chính quyền làm nổi không?
Hoàng Hải Vân
Hình dân lũ lượt về quê tránh dịch lấy từ Tuổi Trẻ, Lao động, csgt. vn
Giữa lúc từng đoàn người từ Sài Gòn và một số tỉnh Đông Nam bộ lũ lượt kéo nhau về quê thì nhiều tỉnh “hoả tốc” tuyên bố ngừng tiếp nhận sau khi tình tứ tuyên bố mở rộng vòng tay đón bà con từ vùng dịch về quê hương để chăm sóc, rầm rầm trên báo chí và truyền hình.
Những đoàn người như thế này nếu bị quê hương họ đóng cửa không cho về thì phải làm sao ? Họ phải sống vất vưởng trên đường, lấy gì ăn, lấy gì nương náu khi mưa gió đổ xuống ? Những trẻ sơ sinh có sống nổi không ?
Trong thảm cảnh đó, cũng có một điểm sáng, là chiều qua Chủ tịch tỉnh Phú Yên tuyên bố sẽ đưa hết dân Phú Yên từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai về quê. Nhưng Phú Yên chỉ có khả năng đón dân của họ, còn bà con các tỉnh khác thì làm sao ? Hôm qua chính quyền TP.HCM cũng gửi công văn đến các tỉnh đề nghị phối hợp đưa người có nhu cầu về địa phương một cách có tổ chức, nhưng chính quyền TP.HCM làm sao có thể yêu cầu được các tỉnh ngang cấp với họ ?
Đừng đổ lỗi cho dân tự ý đi không có tổ chức. Họ đã chờ, không chờ được họ mới phải đi để tự cứu bản thân và gia đình họ. Tha hương mà không được kiếm sống thì họ lấy gì sống, lấy gì nuôi con ?
Rất may là Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các tỉnh hết hạn giãn cách theo Chỉ thị 16 tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần nữa, trong đó yêu cầu “ai ở đâu ở yên đấy”, đối với những người đang trên đường về quê thì các địa phương có trách nhiệm đưa họ đến nơi cần đến. Tức là, bà con ta không phải vất vưởng tới không được lùi không xong như mấy ngày qua nữa.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa chữa trị đối với dịch bệnh, Thủ tướng còn yêu cầu các tỉnh, thành phố “tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”.
Cuộc “chống dịch như chống giặc” ở nước ta hiện nay chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Tri thức về “cuộc chiến” này không hề có, cho nên chính quyền chỉ có thể yêu cầu người dân tuân thủ luật pháp chớ không thể yêu cầu người dân tin ai. “Không để cho người dân thiếu ăn thiếu mặc” là chủ trương nặng như núi, lẽ ra cần có phương án hậu cần chu đáo với những nguồn lực được xác định trước khi áp dụng các biện pháp giãn cách.
“Không để cho người dân thiếu ăn”, yêu cầu này đã nói từ lâu, Chính phủ nói, chính quyền địa phương cũng nói, nhưng sự thật là chưa làm được. Không làm được vì những người thiếu ăn thiếu mặc quá đông Nhà nước không thể tính hết, không thể tính hết nên không đủ nguồn lực. Nếu không có sự đùm bọc chia sẻ từ các nhóm thiện nguyện và từ mỗi người dân thì chắc chắn rất nhiều người đã chết đói.
Truyền thống người Việt chúng ta chưa từng có chuyện người dân lợi dụng chiến tranh hay dịch bệnh để đục nước béo cò, chưa từng có cảnh dân ta nhìn đồng bào mình chết mà không cứu, chưa hề có cảnh nhìn đồng bào mình đói mà không chia sẻ miếng ăn. Tuy không có truyền thống “chống dịch như chống giặc” nhưng người Việt ta có truyền thống “vua tôi đồng lòng cả nước góp sức”, có hình ảnh một ông vua Lê cởi áo bào đắp cho người sắp chết rét đến đạo lý nhường cơm sẻ áo thấm đẫm trong tâm khảm của mỗi người.
Bởi vậy, các “tầng lớp trên”, từ quan chức cho tới nhà báo và các “chuyên gia”, hãy bớt nói những thứ mình không biết, bớt cao đạo bớt mị dân đi, bớt hứa những gì mình không có khả năng, bớt dùng truyền hình quốc gia để chê mắng dân là không có não. Ai có não ai không, ai não to ai não bé khó nói lắm đó. Và xin thưa, các vị không cứu nổi dân đâu.
Chỉ có dân mới cứu được nhau. Vì thế không nên kêu gọi dân đóng góp vào quỹ này quỹ khác mà hãy trân trọng mỗi một hành vi giúp dân của các nhóm thiện nguyện và của từng người, trong khu dân cư và trên các nẻo đường. Chính quyền phải thấy rằng dân giúp nhau hiệu quả hơn chính quyền, nên phải bảo vệ, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, phải hậu thuẫn chứ không phải hoạnh hoẹ gây khó khi dân giúp đỡ lẫn nhau. Không có sự đùm bọc chia sẻ lẫn nhau của người dân thì chủ trương “Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc” mà Chính phủ đưa ra sẽ cầm chắc thất bại.
Truyền thông cũng nên bớt bớt đưa tin tức gây sợ hãi để hù doạ dân đi. Những tin tức, những câu chuyện tốt lành chính là những liều thuốc hỗ trợ giúp dân vượt qua dịch bệnh.
H.H.V.
Nguồn: Fb Hoàng Hải Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.