Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Hòa ước Doha và cuộc sụp đổ báo trước của Kabul

 

Hòa ước Doha và cuộc sụp đổ báo trước của Kabul

Nhã Duy

16-8-2021

Đặc sứ Zalmay Khalilzad ký hòa ước Doha với lãnh tụ Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar tại Doha, Quatar vào ngày 29 tháng Hai năm 2020. Ảnh trên mạng

Cuối cùng thì kết cục của một cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng can dự và đã từng được dự đoán từ nhiều năm qua cũng đã xảy ra: Kabul thất thủ và quân Taliban đã kiểm soát được Afghanistan để thành lập một tân chính phủ.

Năm 2001, khi tổng thống George W. Bush ra lệnh đưa quân vào Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố mà Afghanistan đã được trùm khủng bố Bin Laden chọn làm nơi trú ẩn sau vụ khủng bố 9/11, hầu như cuộc chiến đã được đa số dân Mỹ cùng chính khách cả lưỡng đảng ủng hộ.

Nhưng rồi cuộc chiến đằng đẵng 20 năm, qua bốn đời tổng thống – hai Cộng Hòa, hai Dân Chủ, đã làm Hoa Kỳ và người dân Mỹ mệt mỏi với những thiệt hại nhân mạng và phí tổn chiến tranh hơn 2,000 tỉ đô la, gấp đôi kế hoạch tái thiết cấu trúc hạ tầng nước Mỹ vừa được thông qua, trong khi chẳng có lối thoát nào khả dĩ trong tương lai nếu vẫn còn kéo dài. Sớm hay muộn nó phải cần chấm dứt. Và hôm nay nó đã chấm dứt.

Quyết định của tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan không phải là việc bỏ rơi Afghanistan mà đúng ra, ông chỉ là người cuối cùng dứt khoát thực hiện những kế hoạch chưa thực hiện được của các tổng thống tiền nhiệm, dựa trên lợi ích của nước Mỹ.

Tổng thống Barack Obama đã có ý định rút quân ra khỏi Afghanistan trong các nhiệm kỳ của ông. Năm 2011, đúng 10 năm sau vụ khủng bố 9/11 và Bin Laden đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, công luận Mỹ đã xem sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Afghanistan là không còn cần thiết, TT Obama đã đưa lộ trình rút quân khỏi Afghanistan cho đến Hè 2016. Các cuộc tấn công của quân Taliban đã làm hoãn kế hoạch của TT Obama vì các cố vấn của ông e ngại chính phủ Afghanistan sẽ không đủ sức chống cự. Khi ông rời nhiệm sở thì quân đội Mỹ còn giữ khoảng 8,400 quân, chủ yếu làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và tình báo.

Khi Donald Trump nhậm chức, trong hai năm đầu tiên Trump đã không đưa ra chính sách hay thời hạn kéo dài hay rút quân rõ ràng. Tuy nhiên chính sách của nội các Trump là nhắm đến việc thương lượng với quân Taliban để tìm hòa bình hơn là bảo vệ cho chính phủ Afghanistan thân phương Tây kể từ cuối năm 2018.

Tháng Chín năm 2019, khi Trump thông báo ý định mời các lãnh tụ Taliban sang họp bí mật tại Camp David ngay trước ngày tưởng niệm 9/11 là một điều đầy bất ngờ với thế giới. Ngay cả các dân biểu đảng Cộng Hòa cũng đã phản đối mạnh mẽ việc mời một tổ chức khủng bố không chính danh đến nước Mỹ và họp cùng tổng thống Mỹ. Dân biểu Adam Kinzinger thuộc đảng Cộng Hòa viết, “Không bao giờ cho phép một tổ chức khủng bố và đang tiếp tục làm điều xấu xa đến đất nước vĩ đại chúng ta. Không bao giờ. Ngừng ngay lập tức”. Trump sau đó đã hủy cuộc hội đàm này.

Dẫu vậy, các cuộc thương lượng riêng giữa Hoa Kỳ và Taliban vẫn tiếp tục ngầm diễn ra. Tháng Hai năm 2020, Đặc Sứ Hoa Kỳ riêng vấn đề Afghanistan là Zalmay Khalilzad đã ký hòa ước với lãnh tụ chính trị của Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Doha, Qatar mà không có sự tham dự của chính phủ Afghanistan.

Hòa ước Doha (Doha Agreement 2020) cam kết Hoa Kỳ và NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan và ngược lại, Taliban cam kết sẽ không cho khủng bố al-Queda hoạt động trong vùng kiểm soát của mình và mở “đối thoại” với chính phủ Afghanistan. Trump mong muốn đến Giáng Sinh 2020 thì lính Mỹ phải rút khỏi Afghanistan.

Hòa ước Doha chẳng mấy được công luận Mỹ chú ý vì đại dịch Covid ngay sau đó đã làm cả nước Mỹ hốt hoảng và lo đối phó với nó trong suốt cả năm qua, kéo theo là cuộc bầu cử với lắm biến động và gây xáo trộn cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Hơn vậy, theo cuộc thăm dò của AP/NORC hồi năm trước, chỉ khoảng 12% dân Mỹ cho biết họ còn để ý ít nhiều đến cuộc chiến Afghanistan và sự hiện diện của lính Mỹ tại đây.

Việc Taliban tiến quân vào Kabul và xem như Afghanistan đã sụp đổ chẳng là điều mấy quan tâm với dân Mỹ bởi họ đã không còn mấy chú ý đến nó như đã nói trên. Hàng chục tỉ đô la đổ vào hàng năm để nuôi một chính phủ và quân đội không có khả năng chiến đấu dù đã được Mỹ viện trợ và huấn luyện suốt nhiều năm qua. Tổng thống và cả nội các Afghanistan là những người đã trốn chạy đầu tiên khi quân Taliban tiến vào Kabul. Họ không sụp đổ hôm nay thì cũng tháng tới, năm tới bởi Mỹ không thể hiện diện mãi mãi tại đây. Đã đến lúc để cho chính người Afghanistan quyết định vận mệnh của dân tộc họ.

Với người Việt Nam, khá dễ hiểu với những cảm xúc hay suy nghĩ khi một số người liên tưởng đến cuộc chiến Việt Nam, cũng đã được giới truyền thông so sánh. Hay với một số người từng ủng hộ Donald Trump, đây là cơ hội để họ tấn công tổng thống Joe Biden là “phản bội” hay “bỏ rơi” đồng minh mà bất cần biết đến lịch sử cuộc chiến ra sao. Đó là lý do cần nhắc sơ lại Hòa Ước Doha 2020, bởi nếu xem chính phủ Afghanistan là một “đồng minh” của Hoa Kỳ thì đồng minh này đã bị phản bội và bức tử ngay tháng Hai năm 2020 theo sau Hòa Ước Doha của nội các Donald Trump ký với Taliban chứ không phải hôm nay.

Liệu có cần nhắc lại hòa đàm Paris vào năm 1973 đã dẫn đến sự sụp đổ báo trước của miền Nam Việt Nam vào tháng Tư năm 1975? Và giới sử gia thường nhắc lại vai trò của tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger trong việc bỏ rơi Nam Việt Nam chứ không phải tổng thống Gerald Ford, vị tổng thống Mỹ đương nhiệm năm 1975.

Không có cuộc chiến nào giống cuộc chiến nào và thời điểm cùng những mối quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ và người dân Mỹ cũng thay đổi theo các giai đoạn cùng tình trạng nước Mỹ khác nhau. Nếu xét lại bốn đời tổng thống thì có lẽ tổng thống Joe Biden là người ít can dự và chịu trách nhiệm nhất vào cuộc chiến Afghanistan hiện nay, ngoài việc ông đã dứt khoát với việc đã quá hạn mà nước Mỹ phải làm từ lâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.