Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Harris: Đông Nam Á không giống như A Phú Hãn

 

Harris: Đông Nam Á không giống như A Phú Hãn

Lê Minh Nguyên

23-8-2021

Đông Nam Á nằm trong quyền lợi cốt lõi của Mỹ, còn A Phú Hãn thì không.

Mỹ và Singapore hôm nay, thứ Hai 23/8, đã đạt được một số thỏa thuận an ninh nhằm tái khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, thông qua “việc triển khai luân phiên các máy bay trinh sát P-8 và tàu cận chiến duyên hải của Mỹ tới Singapore”, mở rộng hợp tác an ninh mạng trong các lĩnh vực tài chính, quân sự và tăng cường trao đổi thông tin về các mối đe dọa mạng.

Theo cựu đại sứ Ted Osius, người vừa chính thức nắm chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN thì với dân số 662 triệu người và GDP là 3,200 tỉ đô la, 10 nước của khối ASEAN hết sức quan trọng đối với Mỹ.

Ông chỉ ra rằng khu vực tư nhân Mỹ đầu tư hơn 338 triệu đô la ở ASEAN trong năm 2020, nhiều hơn tổng số tiền họ đầu tư vào 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong cùng năm, Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá 122 tỉ đô la sang ASEAN, là mức cao thứ tư sau kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Canada, Mexico và Trung Quốc.

Khi là quyền lợi cốt lõi thì như bà Susan Sutton, cựu Phó đại sứ Mỹ ở VN 2015-2017 nói: Biển Đông khác A Phú Hãn, Mỹ can thiệp vào Biển Đông không phải vì lòng vị tha. Bà cũng hàm ý rằng nếu VN đi với Mỹ thì cũng sẽ hùng mạnh như nước Đức vì VN lớn hơn Đức.

Mỹ coi sự giàu, thịnh vượng của mình trong thế kỷ 21 là vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đang lo cho Mỹ, những cản trở để Mỹ thực hiện đại chiến lược, bằng cách này hay cách khác (tạo tình huống – viện trợ kinh tế – viện trợ quân sự – gởi cố vấn – gởi lực lượng áp đảo), sẽ được vượt qua.

Các nước Đông Nam Á và đặc biệt là VN, nên xây dựng phần cứng (định chế thích hợp) và phần mềm (đường lối, chính sách) để đón luồng gió mạnh, biến nó thành thoáng khí để làm mát nhà mình.

Tận dụng đồng đôla, công nghệ, phuơng pháp quản trị, sản phẩm… để xây dựng nội lực, tự đứng vững trên đôi chân của mình khi những điều kiện này không còn nữa, tức một ngày nào đó Mỹ sẽ ra đi.

Gấp rút dân chủ hoá đất nước để bắt đầu việc xây dựng nội lực, cũng như xây dựng khả năng thuyết phục các đại cường.

Trung Quốc, Mỹ hay bất cứ đại cường nào, họ đến VN không phải vì lòng vị tha.

Nếu có sự khác biệt thì là cá lớn nuốt cá bé (thường xảy ra trong các chế độ độc tài) hay cùng phát triển (thường xảy ra trong các chế độ dân chủ).

Dùng Mỹ để tạo trớn (momentum) trong việc xây dựng quốc gia và tự chủ — một VN mới của Dân Bản – Tự Do – Độc Lập – Hoà Bình – Trung Lập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.