Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Di biến động dân cư

 

Di biến động dân cư

Nguyễn Lệ Uyên

16-8-2021

Sau khi thành phố HCM tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 đến hết ngày 15/9, thì lập tức một đợt “tháo chạy” thứ hai diễn ra không kém phần bi hài như lần trước.

Bi hài ở đây là hàng ngàn lao động từ Sài Gòn, Bình Dương “qui cố hương” với những chiếc va li cột phía sau, vợ chồng con con cái chất chồng trên chiếc xe máy cà tàng. Họ phải từ bỏ miền đất hứa, bởi dịch bùng phát dữ dội, số ca chết hàng ngày cùng những hình ảnh xác người trong bọc ny lon chờ đợi đến lượt ở các lò hỏa thiêu là viễn cảnh không xa với thân phận họ, những người lao động nghèo, thiếu mọi điều kiện ăn ở tối thiểu.

Ba tháng, không việc làm, không tiền ăn, không trả nổi tiền thuê nhà, mặc dù đây đó vẫn có những ông chủ rộng lòng từ tâm giảm giá, những bó rau những gói mì tôm… cứu trợ cầm cự qua ngày.

Họ sống bằng gì với hầu bao rỗng? Trong khi đó, nhà nước mãi loay hoay tìm giải pháp chống dịch, tìm vaccine, trấn an dư luận với loại vaccine Vero Cell của Trung Cộng, đã quên đi hàng triệu lao động, trước đó từng đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước bằng chính sức lao động của họ!

Lệnh ban ra “ai ở đâu hãy ở yên đó” chẳng khác nào “đem con bỏ chợ” với trường hợp các lao động xa xứ, buộc họ phải chọn lựa giải pháp an toàn cho bản thân: về quê! Dầu gì ở chốn quê nghèo kia còn có cha mẹ, bà con, chòm xóm, còn mảnh đất cằn, dòng suối cạn… để mò cua bắt ốc, hơn ôm nhau nghe những cơn đói quặn thắt, mơ thấy con virus wuhan áp sát người.

Vậy là không ai bảo ai, tất cả gom hành lý cùng nhau lên đường, đồng nghĩa với việc họ từ bỏ nơi cư trú này để chuyển qua nơi cư trú khác cho an toàn trong đỉnh dịch.

Cảnh tượng này, được các báo lớn nhỏ rút titre là “di biến động dân cư”. Mới đọc, kẻ viết bài này không hiểu mối liên quan giữa nội dung, hình ảnh trong bài báo với cái tít trời ơi kia. Rồi lại đoán mò rằng, có sự dịch chuyển, thay đổi về mặt nhân chủng, dân tộc học trong cơn đại dịch chăng? Là suy đoán dựa theo quyển “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”, của nhà văn Bình Nguyên Lộc khi con virus wuhan tung hoành dọc ngang, khiến thế giới chao đảo và thay đổi mọi hoạt động?

“Di biến động dân cư” là cụm từ cố tình ghép các từ Hán-Việt để chỉ dân cư có sự thay đổi (chỗ ở, đi lại) cần khai báo? Cấu trúc di + biến động + dân cư không đi vào quy tắc quy phạm về mặt ngữ pháp, khiến nó trúc trắc, tối nghĩa, làm tăng thêm sự rối rắm, nhất là những người nghèo, ít học.

Không rõ ai là tác giả đã ngẫu hứng “sáng tạo” ra cụm từ Hán-Việt ghép các từ lại với nhau một cách vô nghĩa như vậy, khiến lòng người đang dao động càng rối trí dữ dội hơn.

Thử giở các tự điển Hán-Việt cũ mới ra tra, không thấy có từ ghép nào như vậy. Lên tiếp Google tra cứu thì ra chữ 移變動民居 có nghĩa gần như bố trí, sắp xếp chỗ ở (cho cá nhân, tập thể) một cách hợp lý nhất.

Để chắc hơn, mới thư hỏi anh Tô Thẩm Huy, người am hiểu về Hán học, kinh điển, cổ thư và nhận được câu trả lời: “Sáng nay nghe anh nói tôi mới biết là có một cụm từ lạ như vậy ở trên đời. Thật không hiểu được. Hoặc là di động hay biến động chứ sao lại di biến động 移變動民居? Ghép chữ kiểu này thì lạ thật! 

Mặt khác, tại sao muốn nói đến sự di chuyển, đi lại của người dân, chứ đâu có phải là sự thay đổi địa chỉ cư trú, mà lại dùng chữ “di động dân cư”, thay vì dùng chữ giản dị là dời đổi vị trí hay di chuyển qua lại? 

Các ông ấy ở trong nước thật có óc tưởng tượng một cách ‘trào phúng’ và phong phú hơn người”. 

Cách tưởng tượng, trào phúng của báo chí lề đảng là có thật, như sự thật phũ phàng mà ông phó bí thư thành ủy thành phố HCM vừa tuyên bố hôm qua: “Giãn cách thêm 1 tháng nữa, đồng thời phát động phong trào lấy sức dân chăm lo cho dân”.

Ủa, sao cái gì cũng đổ lên đầu dân hết vậy, còn nhà nước đâu, còn an sinh xã hội cho dân chỗ nào, tiền thuế của dân vào quốc khố hay vào túi sâu mọt cả rồi? Khi đặt câu hỏi này, lại nhớ đến cô giáo Trần Thị Thơ với sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc.

Và, nhân chuyện “di biến động… lấy sức dân chăm lo cho dân”, nhớ lại  những câu nói của Bạch Khuê, thời Chiến quốc, là người thông thạo đạo kinh doanh và đạo trị quốc với “Ngũ Tẫn”:

“Tín” là yếu tố cơ bản nhất của sự tồn vong một quốc gia. Một quốc gia đánh mất lòng tin của dân chúng thì tất sẽ tiêu vong.

“Danh” là tiếng tăm của người thống trị và quốc gia. Người có danh tiếng xấu thì tất sẽ không thể tồn tại được lâu dài.

“Thân” là lòng người với nhau, mất đi lòng người với nhau thì thiên hạ còn lý nào lo cho triều đình nữa.

“Tài vật” là nền móng để một quốc gia tồn tại. Một quốc gia không còn đủ tài vật thì sẽ không thể tồn tại.

“Công” là chỉ kiến công lập nghiệp. Một quốc gia mà người cai trị không biết sử dụng nhân tài, bản thân lại không có tài đức, công lao thời kiến lập đất nước trong lòng dân đã phai nhạt rồi, quốc gia ấy tất không thể giàu mạnh, ổn định và hòa bình lâu dài thêm được nữa.

Xin các tượng đài lớn nhỏ xây dựng khắp cả nước, từ Bắc chí Nam hãy thôi hất mặt lên trời mà ngó xuống mặt đất để nhìn thật rõ và chảy nước mắt cùng đồng bào đang khốn khổ trong cảnh cùng quẫn với con virus wuhan này?

Hình ảnh người dân trốn chạy khỏi Sài Gòn. Ảnh trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.