Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Chúng ta, thế hệ vứt đi?

 

Chúng ta, thế hệ vứt đi?

Thái Hạo

23-8-2021

Thời gian này tôi thường trực nhìn vào bên trong mình để cố hiểu… mọi người – những người “trưởng thành” đang sống trong thời đại này và cả các vị của thuở trước, để cố giải thích xem tại sao mình và mọi người lại chấp nhận sống như thế này.

“Sống như thế này” nghĩa là sống cũng có biết chút ít đạo lý, chút ít tri thức và chữ nghĩa trong cái kho tàng rộng lớn của nhân loại nhưng lại không thể hành xử và hành động như những gì mình đã biết. Và tôi phát hiện ra rằng, mình là “người của hai thế kỷ”, cũng như tất cả mọi người mà tôi đã gặp đã quen, tất cả đều là người hai thế kỷ.

Thế hệ của tôi cùng những người lớn hơn và người nhỏ hơn đôi chục tuổi đã bị sinh ra trong đói nghèo, trong kìm kẹp và nô dịch tinh thần đến mức gần như không có một cánh cửa nào hé ra để cho nhìn thấy điều gì khác nữa. Rồi chúng ta lớn lên giữa tất cả những cái đó cho đến khi bước chân ra ngoài và cầm được cuốn sách lên tay. Tôi đã mất 10 năm để gột rửa những hiểu biết và ý niệm sai lầm, song song với việc tiếp thụ “cái mới”. Tuy nhiên, dù trên mặt ý thức chúng ta đã không tin vào các giá trị bịa đặt kia nữa nhưng “3 tuổi định 80”, tính cách đã hoàn thành, lối sống đã định hình, phản ứng vô thức đã thành sự chi phối không thể cưỡng lại.

Tôi đang nói ngôn ngữ của thế kỷ 21 nhưng, khốn khổ, lại đang sống bằng con người của thế kỷ 20, thậm chí còn xa hơn nữa. Đó là một cuộc vật lộn, giằng xé và bi kịch, mà tôi nghĩ sẽ không có mấy triển vọng về một sự cởi bỏ linh hồn đúng nghĩa. Con người tôi vẫn là con người “cũ”, theo đúng nghĩa đen của từ này. Bởi tôi không thoát được những điều tầm thường trong hành xử vốn đã nhiễm vào tận xương tủy máu huyết. Nhất là những hành xử trong các tình huống đòi hỏi phải lựa chọn rất cam go. Và bao giờ cũng thế, tôi chọn an toàn, tôi dùng chữ “an toàn” là bởi muốn tránh chữ “an phận” mà thôi.

Cái thế hệ của chúng ta, như thế, hình như là một “thế hệ vứt đi”, bởi chúng ta đã chọn “một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn”. Tôi, anh, và em, chúng ta sẽ không làm gì cả, nỗi sợ hãi quá lớn. Chúng ta đã thua cuộc khi còn chưa bắt đầu. Nó như là một thứ định mệnh có tính lịch sử đối với thế hệ chúng ta mà ở đó chỉ có những cá nhân đặc biệt do bởi một nhân duyên nào đó sâu xa mà ta không thể biết, mới có thể bước ra khỏi được.

Điều này có giải thích được cho những léo nhéo, ồn ào, lăng xăng rất nhàm của chúng ta trước những vấn đề hệ trọng bậc nhất của một xã hội, một dân tộc, một đất nước trong những ngày tháng này?

Tất nhiên là nói không phải để buông xuôi. Khi chúng ta không may đã bị trói chặt vào cả vô thức cá nhân lẫn vô thức tập thể để không thể nào cất tay lên nổi thì ta có thể làm gì? Đặt gánh nặng lên vai thế hệ kế tiếp ư? Không, không hẳn như thế. Tôi đang nghĩ nhiều hơn đến một thế hệ chuyển giao, một thế hệ sẽ đỡ thế hệ sau trên lưng mình bằng tất cả sức lực mà ta có.

Con người không phải chỉ có hiểu biết sách vở mà đủ được cho một lối sống, một hành động, một chọn lựa. Họ cần cả phong hóa và văn hóa như là một thứ khí quyền để trưởng thành. chúng ta có thể làm thành cái khí quyển ấy chăng? Hãy nhìn những người trẻ và không còn trẻ nữa du học và trở về từ Tây phương xem họ hành xử thế nào. Không khác là mấy, vì họ cũng là “người của hai thế kỷ”.

Cái giáo dục ấu thơ là hệ trọng bậc nhất cho sự ra đời của một CON NGƯỜI đúng nghĩa. Và song song với đó là sự trao truyền tất cả những gì mà ta có cho thế hệ tương lai, và cho cả những người đi sau ta vài bước. Một “mưu cầu” và “toan tính” như thế có cần được xác lập và kiên trì bền bỉ?

Nếu không, cũng như chúng ta, thế hệ kế tiếp sẽ không những vẫn phải sống trong bi kịch mà còn phải chết đi trong dằn vặt. Mãi là một tương lai không có ánh sáng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.