Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Chỉ chống “Văn mẫu” thôi sao?

 

Chỉ chống “Văn mẫu” thôi sao?

Chu Mộng Long

18-8-2021

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tuyên bố: “Chấm dứt học văn theo bài mẫu”. Tuyên bố này làm nức lòng các em bé, dù trong số các em bé này có người là giáo sư tiến sỹ.

Tôi từng vỗ nát tay trước tuyên bố các loại “nói không” của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và ngay sau đó tự nhận ra mình là em bé ăn cứt gà. Người đương thời Đỗ Việt Khoa thân bại danh liệt chỉ vì làm em bé hơi bị lâu.

Bài trước, tôi khẳng định, không thể chống văn mẫu, vì bỏ mẫu cũ thì mẫu mới sẽ ra đời. Không gì con buôn giáo dục không làm được. Chúng làm vì đủ thứ nguỵ danh: đổi mới, cải cách, chất lượng… Khi giáo dục còn vì tiền thì đúng như Marx nói, chỉ cần tỷ suất lợi nhuận 200% thì không có gì ác chúng không làm, còn đến 300% thì chúng sẵn sàng tự đút đầu vào giá treo cổ!

Trong khi mỗi lần bịa ra dự án cải cách với “tay trắng làm nên”, các con buôn giáo dục thu hàng ngàn ngàn tỷ đồng, từ chương trình đến sách giáo khoa, sách mẫu và các loại học liệu khác. Giáo dục lẽ ra làm cho dân giàu nước mạnh, nhưng các con buôn này đã vét kiệt sức dân.

Ông Sơn dân văn nên chỉ nhè vào văn mẫu mà phán chứ nếu ông biết chút Toán, Lý, Hoá, Sử, Địa, Sinh, tiếng Anh… thì tình hình cũng chẳng thua Văn. Tất tần tật đều bài mẫu cả. Cả một hệ thống mẫu: từ giáo án đến giải bài tập, từ đề thi đến đáp án các môn học đều theo mẫu cả. Giáo viên mua giáo án mẫu, sách mẫu để dạy và ra đề thi, học sinh cũng phải làm theo, từ khâu chuẩn bị bài đến học tủ, học vẹt và thi cử như con vẹt. Còn hiểu được… chết liền!

Năm con tôi học tiểu học, tôi đã phải cãi cô giáo một trận khi con tôi thi môn toán bị điểm kém. Nó làm đúng, nhưng bị cô giáo trừ điểm vì viết câu này: “Khối lượng gạo cửa hàng bán ra là…” Cô giáo quẹt ngang thành sai cả bài và bắt phải sửa đúng mẫu: “Số gạo cửa hàng bán ra là…” Có phải đứa khôn cũng thành ngu vì cái gọi là mẫu không?

Ở trường tôi từng xảy ra hiện tượng kỳ quặc về đề thi tốt nghiệp môn toán. Đề thi một đằng đáp án một nẻo, nhưng cả lớp làm bài đúng… như đáp án! Đại học mà cũng dạy toán mẫu, huống hồ là phổ thông!

Ông Sơn có lẽ không biết tường tận mánh khoé của những con buôn giáo dục tham gia làm chương trình và sách giáo khoa nên tưởng mình có quyền là giải quyết được. Ông có biết bí quyết nào mà chúng buộc người dạy và người học phải dạy và học theo mẫu không? Chưa nói những trò quản lý yêu cầu tất cả phải làm theo khuôn mẫu, từ hình thức đến nội dung giáo án và đề thi, đặc biệt đáng quan tâm là chúng tạo ra những thứ phản tri thức để đánh đố người dạy và học. Cả người dạy và người học đều không hiểu gì thì chỉ có thể phụ thuộc vào mẫu. Người ta hay nói “học vẹt” chứ sự thực bắt nguồn từ “dạy vẹt”. Mỗi thầy cô giáo là con vẹt giảng bài cho các con vẹt.

Không ngẫu nhiên mà xã hội ta có hơn 90% loại người ăn theo nói leo như con vẹt mà không hiểu đúng sai, kể cả không hiểu mình đã nói gì. Nhớ một lần, tại Đại hội Công chức – viên chức trường tôi, khi thư ký đọc Nghị quyết xong, cả hội trường biểu quyết và vỗ tay rầm rầm, tôi ngạc nhiên và đứng lên nói: “Tôi nghe như là Nghị quyết của Đại hội Đoàn thanh niên chứ không phải nghị quyết của hội nghị này!” Bấy giờ Hiệu trưởng mới ớ ra và bảo thư ký cho xem lại. Thì đúng là Nghị quyết của Đại hội Đoàn thanh niên thật! Thì ra tay thư ký này gốc là Bí thư Đoàn trường, soạn sẵn bản Nghị quyết cho đại hội công chức – viên chức nhưng lấy mẫu từ Nghị quyết của Đoàn Thanh niên, chỉ sửa ngày giờ và vài câu văn rồi biến thành Nghị quyết Hội nghị Công chức – viên chức! Ngộ nghĩnh chưa?

Giáo dục theo mẫu là giáo dục của thời cổ trung đại nhưng không đến mức tạo ra sản phẩm ngu xuẩn như tôi kể trên. Ông Sơn mà chống được cái món này thì có khác gì chống cả cái cối xay gió khổng lồ của thời đại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.