Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Câu trả lời về quyền lựa chọn vắc-xin

 

Câu trả lời về quyền lựa chọn vắc-xin

Lê Ngọc Luân

2-8-2021

Mạng xã hội đang náo loạn vụ tiêm vắc-xin, vậy dân có quyền lựa chọn vắc-xin không? Nếu không tiêm có bị phạt? Có bị tù? Dân có nghĩa vụ phải tiêm vắc-xin không? Dưới đây là giải đáp của tôi, hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành, bài viết chỉ mục đích duy nhất là chia sẻ pháp luật.

1) Nếu viện dẫn Nghị định 117/2020 ngày 28/9/2020 để cho rằng người dân (không làm trong lĩnh vực y tế) từ chối tiêm vắc-xin sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là không đúng, vì:

a) ĐỐI TƯỢNG áp dụng, nói cách cho dễ hiểu là nghị định này điều chỉnh “những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC trong lĩnh vực y tế” (Khoản 2, Điều 1). Có nghĩa là cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế mà vi phạm thì mới áp dụng nghị định này để xử phạt. Ví dụ: Địa phương X đang bị dịch bệnh Sởi, Lao… và giả sử có loại vắc-xin mà Bộ Y tế phê chuẩn, WHO phê duyệt nhưng báo chí lo ngại hiệu quả, nước sản xuất công bố chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến việc Giám đốc Bệnh viện, Bác sĩ… từ chối tiêm thì sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Còn người dân không hoạt động trong lĩnh vực y tế sẽ không bị chế tài.

2) Người dân có nghĩa vụ phải tiêm vắc-xin. Cụ thể trong trường hợp dưới đây.

Khoản 1, điều 29 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định: “Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh” và Khoản 2, Điều 30 quy định Bộ trưởng Bộ Y tế phải có trách nhiệm ban hành “danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”.

Hiện Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17.10.2017 Bộ Y tế quy định 8 loại bệnh truyền nhiễm người dân phải có trách nhiệm tiêm vắc-xin như: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, tả, sởi, viêm não Nhật Bản B và bệnh dại. Tôi chưa cập nhật và chưa biết Virus Corona đã được Bộ Y tế ban hành đây là bệnh truyền nhiễm buộc phải tiêm vắc-xin chưa? Nếu chưa công bố theo thì theo luật người dân có quyền tiêm hoặc không. Nếu đã công bố thì phải tiêm.

3) Người dân có quyền từ chối tiêm LOẠI vắc-xin không?

Như đã phân tích tại Phần (2) trên đây cho thấy người dân có nguy cơ mắc bệnh khi đang “ở trong vùng dịch” hoặc “đến vùng dịch” thì bắt buộc phải tiêm vắc-xin (đối với loại dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế công bố). Điều đó có nghĩa là pháp luật buộc người dân phải “TIÊM VẮC-XIN” chứ không hạn chế người dân có quyền “LỰA CHỌN LOẠI VẮC-XIN”.

Kết luận: Nhân dân ta có câu: Cán bộ, công chức phải có nghĩa vụ thực thi những gì pháp luật quy định còn người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm.

P/S: Tôi cầu mong toàn dân Việt Nam sớm được tiêm vắc-xin phòng, chống Virus Vũ Hán để cùng hàn thuyên bên ly cà phê, nâng chén tiêu sầu và nắm tay bạn gái, bạn trai tung tăng dạo bước bên sông Sài Gòn thơ mộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.