Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Bức tường Berlin (Phần 1): Nước Đức chia cắt

 

Bức tường Berlin (Phần 1): Nước Đức chia cắt

Nguyễn Thọ

12-8-2021

Vào ngày này cách đây 60 năm, đêm 12, rạng sáng ngày 13.08.1961, bức tường Berlin đã bất ngờ được dựng lên, chia thành phố này ra Đông và Tây, gây đau khổ cho hàng vạn gia đình Đức.

Sáu năm sau, hè 1967, tôi đến Berlin với quan niệm Địch-Ta khá rõ ràng. Chúng tôi được dạy dỗ rằng bức tường Berlin là bức tường chống phát xít, bức tường bảo vệ hòa bình, rằng các bạn Đông Đức, Bắc Triều Tiên là những người đồng chí cùng cảnh ngộ, đang cùng đấu tranh thống nhất đất nước như người Việt mình.

Stalin, Roosevelt, Churchill tại hội nghị Teheran 1943. Quá trình chia cắt nước Đức và phân vùng ảnh hưởng ở châu Âu bắt đầu từ đây. Ảnh tư liệu

Sau khi học xong tiếng Đức tôi bỗng hiểu ra rằng, nước Cộng hòa Dân chủ Đức không hề muốn thống nhất. Họ chỉ muốn được công nhận như một nhà nước bình đẳng với CHLB Đức ở phía Tây. Tây Đức thì ngược lại, luôn đòi xóa bỏ biên giới, hiệp thương hai miền. Phía CHDC Đức coi đó là âm mưu thôn tính mà họ phải chống lại bằng mọi cách. Mấy ông cán bộ Việt Nam hay quen mồm “Chúc các đồng chí mau chóng thống nhất đất nước” làm họ rất khó chịu.

Tôi hiểu rằng CHDC Đức muốn chia cắt đất nước. Nhưng vì coi nửa kia nước Đức là tư bản, là đế quốc nên thằng bé 17 tuổi thấy chia cắt là tốt.

Chúng tôi ở Königs Wusterhausen, cách Berlin 30km về phía Nam nên mỗi khi chạy trên đường cao tốc (Autobahn-Berliner Ring) tôi vẫn thấy hàng rào thép gai bao bọc Tây Berlin. Bên trong thấp thoáng những chiếc xe ô tô đẹp, bóng loáng, khác hẳn những chiếc xe Trabant khiêm tốn của các thầy cô tôi.

Bản đồ chia cắt nước Đức và nước Áo tại hội nghị Potsdam. Cả hai nước đều bị chia làm bốn phần. Trong vùng Anh quản lý ở Đức còn có khu vực quân Bỉ (thay mặt Anh) quản lý. Hai thủ đô Berlin và Wien (Vienna) đều nằm lọt thỏm trong vùng của Liên Xô. Tình hình chính trị ở Đức và Áo từ 1945-1955 tương đối giống nhau. Nhưng tháng 10.1955 Liên Xô rút khỏi Áo. Ảnh tư liệu

– Ừ, trong đó giàu có thật. Nhưng ác và xấu như tư bản thì thì vứt – Thằng tôi tự nhủ vậy.

Là kẻ luôn đi sâu vào bản chất của sự việc, tôi đã đọc, xem rất nhiều tài liệu về quá trình chia cắt nước Đức và lịch sử của bức tường.

Trước khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Liên Xô và Mỹ, Anh đã định đoạt tương lai châu Âu tại các hội nghị Teheran và Yalta. Theo đó, châu Âu, nước Đức và cả thành phố Berlin đều sẽ được chia thành các vùng chiếm đóng của ba cường quốc này. Mục tiêu công khai là chia nhỏ nước Đức nhằm triệt tiêu Chủ nghĩa Quốc xã và xóa bỏ mọi âm mưu tái vũ trang của người Đức. Nhưng mục tiêu ngầm là giấc mộng thống trị thế giới của cả Stalin, Churchill và Roosevelt.

Kết quả của những thỏa thuận này là một bản đồ chi tiết cho sự chiếm đóng của Liên Xô ở Đông Âu, Mỹ và Anh ở phía Tây.

Biên giới Đức-Đức dài 1400km hình thành từ năm 1949, sau khi nước CHDC Đức ra đời. Khi đó Berlin vẫn là thành phố thống nhất, chưa có bức tường. Ảnh tư liệu

Trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, Hồng Quân Liên Xô đã chiếm sang cả những vùng ở Bắc Âu [1]. Ngược lại, Mỹ cũng giải phóng khu vực quanh Leipzig [2]. Sau này hai bên rút về theo đúng bản đồ đã thỏa thuận.

Sau khi Đồng minh đổ bộ vào Normandie hè 1944, quân Pháp của tướng De Gaulle cùng với phong trào kháng chiến (Résistance) trong nước chia lửa mạnh mẽ với quân Anh-Mỹ nên Pháp cũng được chia phần chiếm đóng nước Đức. 50.000 quân Bỉ cai quản vùng Cologne-Bonn từ tháng 8.1945 đến tận 2003 chỉ là lực lượng hỗ trợ cho quân đội Anh chứ Bỉ không được coi là lực lượng chiếm đóng.

Thế là nước Đức bị chia cắt thành bốn vùng. Liên Xô giữ 1/4 nước Đức ở phía đông là vùng trù phú và phát triển nhất với hơn 20 triệu dân, bao gồm các trung tâm công nghiệp như Dresden, Magdeburg, Berlin, Chemnitz v.v.

Ngoài ra, thủ đô Berlin nằm lọt thỏm trong lòng Đông Đức cũng bị chia làm bốn phần. Liên Xô kiểm soát phần Đông Berlin, sau này thành thủ đô nước CHDC Đức.

Ba phần tư nước Đức còn lại do Mỹ, Anh, Pháp quản với 62 triêụ dân. Ba vùng chiếm đóng này không trở thành ba miền khác nhau vì Đồng minh thỏa thuận để cho người Đức tự quản.

Ba vùng này đều duy trì nền kinh tế tự do trong thể chế dân chủ tư sản nên đã cùng nhau lập ra nước Cộng hòa Liên bang Đức vào ngày 23.5.1949. Lực lượng chính trị được đồng minh hỗ trợ ở đây là các phong trào dân chủ chống Hitler. Những người lập quốc như Konrad Adenau, Willy Brandt, Kurt Schumacher hay Theodor Heuss đều từng bị Hitler truy bức, bắt giam hoặc phải đi tỵ nạn ở nước ngoài nên họ đã làm ra một bản hiến pháp rất tiến bộ, đưa việc bảo vệ nhân quyền và dân chủ lên hàng đầu. Về mặt nhân quyền, hiến pháp Đức 1949 đã vượt qua hiến pháp Mỹ và Pháp. Điều 16a khẳng định quyền tỵ nạn chính trị tại Đức là một ví dụ.

Vì ở miền Đông đang hình thành một nhà nước công nông theo mô hình XNCN của Liên Xô nên những người lập quốc Tây Đức chưa coi nhà nước CHLB Đức là quốc gia hoàn chỉnh. Do đó bản hiến pháp 1949 được những người soạn thảo đặt tên là “Bộ luật cơ bản” (Grundgesetz). Họ dành việc viết hiến pháp (Verfassung) cho nước Đức thống nhất sau này.

Ngày 7.10.1949 nước CHDC Đức, nhà nước công nông đầu tiên của dân tộc Đức ra đời ở miền đông. Tại sao trong một nước Đức phát triển cao lại có một chính quyền công nông?

Bên cạnh việc Liên Xô chiếm đóng Đông Đức còn có nhiều yếu tố địa chính trị thú vị.

Về địa lý, toàn bộ lãnh thổ CHDC Đức là trung tâm của nước Phổ (Prussia, Preussen), nước mạnh nhất trong các nhà nước Đức phong kiến trước khi được thống nhất thành Đế chế Đức vào năm 1871.

Churchill, Truman và Stalin tại hội nghị Potsdam tháng 8.1945. Mọi chi tiết chia cắt nước Đức thành 4 miền và quy chế chia cắt Berlin được khẳng định. Ảnh tư liệu

Từ đó cho đến lúc Hitler lên cầm quyền 1931, nước Phổ vẫn được coi là “Nhà nước tự do” (Freistaat), là “Thành trì của nền dân chủ” (Bollwerk der Demokratie), nơi mà cánh tả luôn chiếm thượng phong. Từ sau cách mạng Đức 1918, các chính đảng cánh tả như đãng Xã hội (SPD) và đảng Cộng sản (KPD) luôn chiếm số lượng ghế lớn trong quốc hội Đức. Thủ tướng Phổ là Bismarck đã đưa ra chế độ bảo hiểm xã hội toàn dân từ cuối thế kỷ 19. Phụ nữ Phổ được đi bầu từ 1918, sớm nhất châu Âu. Từ năm 1840 ở Đông Đức đã có vườn trẻ. Từ đó danh từ “Kindergarten” được dùng nguyên thể trong nhiều thứ tiếng…

Tóm lại: Tư tưởng XHCN đã có chỗ đứng rất vững chắc ở Đông Đức. (Đó là chưa kể đến 85% dân Đông Đức theo đạo Tin lành, cách tân hơn những đồng bào Thiên chúa giáo ở miền Tây.)

Nước Phổ bên cạnh việc phát triển cao về công nghiệp và phúc lợi xã hội, còn có nền hành chính kỷ cương nhất thế giới. Sự kỷ cương này không chỉ tạo ra cung cách quản lý chặt chẽ, rất khoa học (mà bộ máy STASI sau này là một ví dụ). Nó còn tạo ra đức tính chấp hành mệnh lệnh tuyệt đối trong dân chúng (gehorsam = vâng lời). Đức tính này là đất sống cho các nền chuyên chế. Chủ nghĩa quân phiệt Phổ cũng thừa hưởng đức tính này.

Nước Phổ từng trải rộng đến sát nước Nga, quan hệ khăng khít với Nga. Rất nhiều tướng lãnh, quý tộc Phổ phục vụ các triều đại Sa hoàng, có huyết thống với người Nga. Sau cách mạng tháng 10, toàn bộ tinh hoa của nước Nga phong kiến chạy sang Phổ. Các yếu tố lịch sử, văn hóa này giúp cho mối liên kết Đông Đức-Liên Xô chặt chẽ hơn là giả sử Liên Xô chiếm đóng Tây Đức.

Có người coi CHDC Đức thực chất là nước Phổ hiện đại mang học thuyết XHCN. Tuy gọi là nhà nước công nông, nhưng quốc huy của nó không có lưỡi liềm của nhà nông. Thay vào đó là cái compa của trí thức.

Bên cạnh các yếu tố địa chính trị nói trên, vai trò của phong trào Cộng sản Đức vô cùng quan trọng. Là nước công nghiệp nặng, Đức có một giai cấp công nhân khổng lồ, tạo chỗ đứng vững chắc cho đảng Cộng sản Đức (KPD). Vì đảng NSDAP của Hitler và KPD đều muốn độc quyền lãnh đạo đất nước nên Hitler khủng bố, tiêu diệt đảng Cộng sản tàn khốc nhất. Nhiều người cộng sản chạy sang Liên Xô, thành lập Ủy ban Quốc gia nước Đức Tự do (National Kommitee Freies Deutschland NKFD) [3]. Ủy ban này thu phục thêm nhiều tướng lĩnh tù binh Đức, giúp Hồng quân và Đồng minh giải phóng nước Đức. NKFD gồm 5000 người được tổ chức chặt chẽ, trang bị tốt đã trở thành nòng cốt vũ trang của nhà nước CHDC Đức.

Quốc huy CHDC Đức (DDR) với compa và búa ở trung tâm.

Liên Xô cũng giải phóng nước Áo, cũng chiếm phần lớn nước Áo và một phần thủ đô Vienna từ năm 1945 y như Đức. Khổ nỗi người Áo sống bằng nhạc, lễ hội, ít công nghiệp, không có phong trào cộng sản nên Liên Xô loay hoay mãi không xây dựng được nhà nước XHCN ở đó. Năm 1955, Moscow đành trao trả độc lập cho nước Áo trung lập, sau khi đã bóc hết nhà máy, đường sắt, tàu hỏa v.v. để trả nợ chiến tranh [4]. Người Áo mừng húm vì “Của đi thay người“. (Chỉ người Việt hơi buồn vì sau này không ai được đi “Hợp tác lao động” ở Áo.)

Tướng Pháp De Lattre de Tassigny đến Potsdam để nhận lãnh trách nhiệm chiếm đóng nước Đức. Từ trái sang là tướng Montgomery của Anh, Eisenhower (Mỹ) và nguyên soái Sucob (LX). Ảnh tư liệu

Trong khi đó nước Đức bị chia hai. Biên giới Đức-Đức (innerdeutsche Grenze) dài 1.400km chia cắt hai miền cũng hình thành từ tháng Mười 1949, ngay sau khi nước CHDC Đức ra đời.

Nhưng Berlin vẫn là một thành phố thống nhất, vẫn chung một hệ thống nhà đèn, một hệ thống cấp thoát nước, một mạng lưới giao thông v.v Hai bên đông tây vẫn đi lại bình thường.

(Còn tiếp)

_____

Ghi chú:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Liberation_of_Finnmark

[2] https://www.l-iz.de/bildung/zeitreise/2020/04/Erinnerung-an-den-75-Jahrestag-der-Befreiung-Leipzigs-durch-die-US-Armee-vor-der-Gedenkstaette-Museum-in-der-Runden-Ecke-327090

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/National_Committee_for_a_Free_Germany

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Allied-occupied_Austria#Soviet_rule_and_reestablishing_Austrian_government

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.