Bất mãn chính trị gia tăng trong đại dịch
Bài của các phóng viên từ Bogota [Colombia], Durban [Nam Phi], Sao Paulo [Brazil] và Singapore
Người dịch: Nguyễn Trung Thực
31-7-2021
Lời người dịch: Vì sự an nguy của chính bản thân và gia đình, người dân khắp nơi đang xem chính quyền nước mình xử lý khủng hoảng Covid-19 ra sao, để có phản ứng phù hợp. Thủ tướng bị sa thải, quốc hội bị đình chỉ vì xử lý đại dịch quá kém, đó là điều đã xảy ra tại Tunisia ngày 25/7/2021. Chính khách Đài Loan trong các trận đại dịch cũng lên và xuống theo mức độ bất mãn của quần chúng. Nói chung, đứng sau Covid-19 là tên của một lãnh tụ nào đó, dập dịch giỏi thì lên, dập dịch tồi thì mất ghế.
Hàng loạt những bất cập trong xử lý đại dịch tại Việt Nam đã diễn ra trước mắt dân. Ai cũng nghe từ chính quyền, từ thủ tướng, từ phó thủ tướng, từ chủ tịch UBND, từ báo chí… những lời hô hào và các chủ trương như: “kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép”, “ba tại chỗ”, “xét nghiệm toàn thành phố tìm F0”, phun khử khuẩn toàn thành, “đi từng nhà” tiêm vaccine, “ai ở đâu ở đó”…
Nhưng rồi, ai cũng hiểu: Đầu tháng 7, thủ tướng Việt Nam kêu gọi kiên trì mục tiêu kép, đến cuối tháng 7, chủ tịch nước lại nói “bảo vệ tính mạng của người dân là mục tiêu trước hết, trên hết”; doanh nghiệp thì than trời vì “ba tại chỗ” quá tốn kém và có thể thành ổ dịch; xét nghiệm 9 triệu dân quá tốn kém, giấy thông hành âm tính làm rồi bỏ vì người âm tính có thể nhiễm ngay sau đó; phun khử khuẩn cả tháng mới thấy vừa tốn, vừa không hiệu quả nên ngưng; “đi từng nhà” tiêm ngừa là nói cho sướng miệng, làm sao nhanh và hiệu quả bằng dân tự đến điểm tiêm; và “ai ở đâu ở đó” mâu thuẫn với lời khuyến khích hồi hương, và phản ứng trái chiều tại nhiều địa phương, nơi cho về, nơi đóng. Dường như do quen dùng ngân sách nhà nước mà ít chịu trách nhiệm, nên quan chức thường đưa chính sách nhưng ít tính đến chi phí, dù đó là chi phí tiền bạc, chi phí thời gian, hay chi phí cơ hội.
Ở những nước pháp trị, có báo chí tự do và tòa án độc lập, thì việc chủ quan chậm mua vaccine khiến dân hoang mang, và việc để hàng chục ngàn người, kể cả trẻ sơ sinh, tự vượt cả ngàn cây số đi về nhà, đội nắng mưa, đi xuyên đêm, vạ vật ngủ đầu đường xó chợ, về đến nơi vẫn chưa biết đi đâu, nội chuyện đó thôi cũng đã đủ để búa rìu dư luận giáng xuống, và một thủ tướng với lòng tự trọng cao có thể nghĩ đến việc từ chức.
Dĩ nhiên, dịch bệnh quy mô này chưa có tiền lệ, nên người dân sẵn lòng thông cảm với chính quyền bối rối. Và việc chính quyền thành Hồ xin đồng bào lượng thứ cũng cho thấy ít nhiều thiện chí. Nhưng, xin lượng thứ thôi thì chưa đủ, sức chịu đựng và lòng bao dung của dân cũng có hạn.
Nếu người dân cứ phải chứng kiến người có quyền, có thế, người có tiền, người ở gần trung ương cứ ung dung được ưu tiên tiêm vaccine tốt và được trị bệnh khi cần, trong khi họ và gia đình thì lại không thể đi lại, không thể kiếm ra tiền, không có trợ cấp đúng mức và đúng lúc, không có vaccine, không có thuốc, không có ăn, thì đó là lúc lòng bao dung sẽ cạn kiệt và phẫn uất bùng nổ.
Bài dưới đây nói đến tác động của đại dịch Covid-19, sự phẫn nộ và phản ứng của người dân nhiều nước, nhất là tại các nước có thu nhập trung bình, nơi bất mãn thường ở mức cao nhất, cụ thể là bảy nước: Thái Lan, Cuba, Nam Phi, Colombia, Belarus, Brazil và Malaysia. Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi xin ghi thêm các tiêu đề trong ngoặc vuông.
***
[Ở THÁI LAN]
Nhiều xác chết giả nằm la liệt giữa thủ đô Bangkok. Các tử thi giả này – làm bằng túi vải trắng bọc rơm, vẩy thêm sơn đỏ – là biểu tượng cho nạn nhân Covid-19 tử vong tại Thái Lan. “Họ chết vì chính quyền này thất bại!” Người biểu tình hô to như thế qua loa phóng thanh. Để nhấn mạnh hơn, người biểu tình đặt các “xác chết” này trên tấm chân dung khổng lồ của thủ tướng, rồi châm lửa đốt cháy cả xác lẫn thủ tướng.
Ở nhiều nước trên thế giới, từ Brazil đến Belarus, đại dịch đang gây ra bất ổn. Người dân phẫn nộ vì những khó khăn kinh tế họ phải đối diện. Họ chứng kiến người giàu và người quen biết lớn được lên hàng đầu chích vaccine, được chữa trị y tế và được hưởng trợ giúp từ chính phủ. Họ phẫn nộ vì lãnh đạo nước họ đã không làm tốt hơn nữa việc khống chế dịch Covid-19. Cùng lúc, thống khổ của người dân khiến họ đoàn kết và sự đoàn kết ấy càng thổi bùng sự phẫn nộ đã âm ỉ từ lâu, trước cả khi thiên hạ nghe nói về Covid-19.
Các cuộc biểu tình ở Thái Lan bùng ra vào ngày 18/7/2021 khi chủng Delta đang lây nhiễm tràn lan, đưa Thái Lan vào đợt dịch Covid-19 tệ hại nhất từ trước đến nay. Bệnh viện thì tràn ngập bệnh nhân. Dân số thì chỉ có 5% được chích vaccine đầy đủ. Chính phủ Thái hy vọng sẽ phục hồi kinh tế nhanh sau khi GDP giảm mất 6,1% năm 2020, nhưng mục tiêu tăng trưởng này giờ khó thành. Ngân hàng Thái Lan mới giảm mức tăng trưởng dự kiến cho 2021 từ 3% xuống chỉ còn 1,8%.
Nhiều người dân Thái uất ức, chửi mắng chính quyền đã không có đủ vaccine sớm hơn, hoặc đã mở cửa đón du khách nước ngoài quá sớm, góp phần đưa đến đợt dịch hiện nay. Một số người khác thì chỉ trích chính phủ đã lệ thuộc quá nhiều vào vaccine của Trung Quốc thay vì của Pfizer hay Moderna, là các loại vaccine họ tin sẽ giúp bảo vệ tốt hơn.
***
[TOÀN CẦU: BẤT ỔN NHẤT, KỂ TỪ NĂM2008]
Ở mức độ toàn cầu, bạn có thể nghĩ rằng Covid-19 sẽ khiến bất ổn chính trị khó xảy ra. Trước đại dịch, những phong trào biểu tình lớn trên thế giới đang gia tăng mạnh mẽ, tăng đến 2,5 lần từ năm 2011 đến 2019, theo thông tin của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hoà bình (Institute for Economics and Peace – IEP), một trung tâm nghiên cứu tại Sydney. Tuy nhiên, những đám đông chật cứng người giận dữ, ai nấy hô vang khẩu hiệu và vô tình phun giọt bắn nước bọt vào nhau, làm virus rất dễ lây lan. Dĩ nhiên, trong những tuần đầu của đại dịch, số lượng biểu tình trên thế giới sụt giảm ở nhiều nơi như Ấn Độ, Pakistan, Chile, Iraq và Nicaragua.
Nhưng sự im ắng không kéo dài lâu. Bất mãn lại một lần nữa bùng ra ở các nước, bao gồm Colombia, Nam Phi và Miến Điện, ngay cả khi virus đang tiếp tục lây lan ở mức nặng nề nhất. Ở Tunisia tuần này, giữa những cuộc biểu tình rầm rộ và bạo lực nổ ra vì chính phủ xử lý đại dịch quá kém, tổng thống nước này đã sa thải thủ tướng và đình chỉ quốc hội.
Viện nghiên cứu IEP thấy rằng trong năm 2020, các cuộc bất ổn dân sự gia tăng đến 10%. Họ đếm được 5.000 trường hợp bạo động liên quan đến đại dịch tại 158 quốc gia. Biểu tình bạo động nổ ra thường xuyên hơn bất kỳ thời kỳ nào, kể từ năm 2008. Những cuộc biểu tình ôn hoà cũng gia tăng, theo thống kê của Dự án Dữ liệu Khu vực và Vụ Xung đột Vũ trang (Armed Conflict Location & Event Data Project – ACLED), một tổ chức phi chính phủ. Trong một năm tính đến ngày 1/3/2021, ACLED ghi nhận có 51.549 cuộc biểu tình hoặc bạo loạn. Chỉ tính các nước được khảo sát trong cả hai năm, họ cũng ghi nhận một mức gia tăng lớn.
Về vấn đề dịch bệnh gây bất ổn, đại dịch lần này có vẻ đang đi theo lộ trình quen thuộc, như các vụ dịch bệnh truyền nhiễm trước đây. Trong một nghiên cứu phổ biến năm ngoái, Tahsin Saadi Sedik và Rui Xu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phân tích dữ liệu của 133 nước từ năm 2001 đến 2018 và thấy rằng bất ổn xã hội thuờng gia tăng ở thời điểm tháng thứ 12 hoặc 14 sau khi đại dịch bắt đầu, như đã xảy ra sau đại dịch Zika, đặt theo tên một loại virus lan theo muỗi, và bất ổn xã hội sẽ lên đỉnh điểm sau 24 tháng tính từ khi đại dịch bắt đầu. Đại dịch Covid-19 tất nhiên nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn những dịch bệnh khác, ở hầu như mọi quốc gia. Và tất nhiên, những đổ vỡ nó gây ra cũng sẽ nặng nề hơn hẳn.
[Ở CUBA]
Một nguyên nhân trực tiếp gây ra những cuộc biểu tình, như dữ liệu của IMF cho thấy, chính là khó khăn kinh tế. Một ví dụ rõ ràng là trường hợp Cuba, nơi có một hệ thống rộng lớn công an chìm và người chỉ điểm sẵn sàng phát hiện và đè bẹp những người bất đồng, trước cả khi họ có thể gây chuyện. Tuy vậy, vào ngày 11/7/2021, hàng ngàn người đã xuống đường tại hơn 50 thành phố và thị trấn, bất chấp chế độ nổi giận, họ hô vang “tự do!”, và lật nhào vài xe cảnh sát. Có lẽ đó là cuộc biểu lộ cảm xúc phẫn nộ chống chính quyền lớn nhất tại Cuba trong 60 năm qua.
Người dân Cuba phẫn nộ vì cửa hàng trống trơn, họ không có gì để ăn tối, điện thì cứ chập chờn, và họ lại không được phép bỏ phiếu loại những kẻ đang cầm quyền. Covid-19 đã khoét sâu thêm nỗi khổ kinh niên, khi làm tan hoang kinh tế Cuba. Du khách, nguồn ngoại tệ mạnh chủ yếu của nước này, đã ngưng, không tới nữa. GDP giảm mất 10,9% trong năm 2020, và còn sụt giảm nữa trong năm nay.
Không còn gì để mất, ngoài áo cơm
Việc đóng cửa biên giới Cuba để chặn virus cũng đã cắt đứt mối liên kết với thế giới tư bản bên ngoài, vốn là nguồn tài nguyên giúp cuộc sống người dân Cuba dễ thở hơn. Mọi thứ, từ cục xà bông đến cà phê, thường được thân nhân sống ở nước ngoài gửi về, hoặc do những tay cò hàng đi đến các nơi như Panama, Mexico, Nga hoặc Miami mua rồi bán lại cho họ ở chợ đen. Việc cắt đứt chuỗi cung ứng này đã khiến lạm phát gia tăng, người mua xếp hàng dài hơn, và nhắc người dân Cuba nhớ chính quyền nước họ yếu kém đến đâu trong việc chăm lo cho những nhu cầu cơ bản nhất của dân.
Ngành du lịch sụp đổ kéo theo hậu quả dây chuyền trong hệ thống y tế. Khi không có tiền đô la từ du khách, vốn hậu hĩnh và có khi hợm hĩnh chi cho khách sạn và những buổi tiệc rượu, chính quyền xứ này đã phải vật vã với việc tìm mua nguyên liệu cần thiết để bào chế thuốc. Thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, insulin, thuốc hen suyễn và các thuốc thử chẩn đoán trở nên khan hiếm, khiến cả những người mắc bệnh dễ chữa cũng phải khốn khổ vì thiếu thuốc. Cũng nên biết rằng, trước đây chăm sóc y tế tốt vẫn được xem là một trụ cột của cách mạng Cuba, như lời một bác sĩ Cuba chia sẻ: “Rất nhiều người Cuba từng chấp nhận rằng dù khó có được một kỳ nghỉ hạng sang, nhưng ít nhất chúng tôi chắc chắn được chăm sóc sức khoẻ tốt.”
[DỊCH GIÀU, DỊCH NGHÈO]
Những bất ổn do đại dịch tác động tấn công cả nước nghèo lẫn nước giàu, nhưng những nước có thu nhập trung bình là nơi dễ bị tổn thương nhất, trước dịch bệnh và những tác động xã hội của nó. Các nước giàu được bảo vệ bởi vaccine – dù một số công dân nước họ ngại chính ngừa. Trong khi ở những nước nghèo nhất thế giới, virus corona cũng chỉ là một trong những gánh nặng khác, chính quyền các nước này cũng không đủ mạnh để thực thi phong toả, và dân số trẻ của họ cũng có khả năng phòng vệ tốt hơn để chống lại Covid-19.
Biểu đồ vaccine – Thế giới chia mảng: Số liều vaccine Covid-19 được chích, phần trăm người từ 12 tuổi trở lên, năm 2021. Các nước phân loại theo mức thu nhập (High: cao; Upper-middle: trung cao; Lower-middle: trung thấp; Low: thấp)
Ở các nước có thu nhập trung bình, ngược lại, việc tiêm chủng diễn ra vá víu và cũng thường có phong toả (xem biểu đồ dưới). Các nước đó cũng có nhiều người lớn tuổi hơn, hoặc nhiều người béo phì hơn, nên dễ nhiễm virus hơn. Thêm vào đó, người dân ở các nước có thu nhập trung bình đặt kỳ vọng cao hơn vào chính phủ của họ.
Biểu đồ phong toả nghiêm ngặt: Chỉ số nghiêm ngặt trong cách ly, 100 = nghiêm ngặt nhất. Phân loại các nước theo thu nhập, dân số tính bình quân. (High: cao; Upper-middle: trung cao; Lower-middle: trung thấp; Low: thấp)
Nhưng rất nhiều khi, những kỳ vọng cao này đã trở thành thất vọng, như trường hợp của Nam Phi sau đây.
[TẠI NAM PHI]
Đầu tháng 7/2021, những cuộc biểu tình được kích hoạt bởi những người ủng hộ cựu tổng thống Jacob Zuma, lúc đó đang bị giam giữ đúng theo luật, nhằm kêu gọi trả tự do cho ông. Nhưng một trong những lý do khiến biểu tình sau đó biến thành bạo loạn, hôi của, đốt cháy cửa hàng và trụ sở doanh nghiêp, đó là có quá nhiều người Nam Phi lâm cảnh nghèo khó, thất nghiệp và phẫn nộ vì chính quyền tham nhũng mục nát đã khiến họ phải sống mãi trong cảnh túng quẫn như thế.
Covid-19 đã phơi bày tất cả những mặt trái đó ra ngoài. Phong toả đã diễn ra với mức độ khắt khe quá đáng, và nhiều người Nam Phi thấy quy định phong toả thực sự gây phiền phức khó chịu. Một khẩu hiệu viết bằng sơn xịt trên một cửa hiệu bị hôi của tại Edendale, tỉnh KwaZulu-Natal, tỉnh bị bạo loạn nặng nhất trong chín tỉnh ở Nam Phi, ghi dòng chữ “Tầng 4 địa ngục” – nhắc tới mức báo động dịch bệnh nghiêm trọng thứ nhì, và nhân đó chính quyền cho áp dụng “biện pháp phòng ngừa cực độ”.
Lệnh cấm mua dép hở ngón đã gây rối loạn một thời gian ngắn, trước khi bị rút lại. Lệnh cấm rượu định kỳ cũng khiến đông đảo người dân cho là bất công. Người giàu có cả hầm rượu thì vẫn tiếp tục nhâm nhi đằng sau những căn nhà kín cổng cao tường, còn người nghèo thì bị cướp mất một nhiềm vui, họ còn bị công an quấy nhiễu nếu mua liều. Chẳng lạ gì trong các cuộc bạo loạn, tiệm bán rượu là một trong những nơi bị hôi của đầu tiên.
Khi Covid-19 xảy ra, “mọi thứ đều dừng lại; cơ sở làm ăn của tôi không thể hoạt động được” anh Patrick Dlamini, thợ sửa xe hơi, cho biết rằng, vì có giới nghiêm liên quan Covid nên ít người lái xe hơn, anh cũng thu lượm ve chai để tái chế, nhưng do lệnh cấm rượu nên ít người uống rượu hơn. Anh lo ngại “Không kiếm ra tiền”. Các vụ hôi của, anh nhận xét, là do “ông Zuma [cựu tổng thống] kết hợp với con Cô-vi gây ra”.
Căng thẳng tại Nam Phi trở nên trầm trọng hơn cũng vì bất bình đẳng. Đại dịch phơi bày rõ ràng hố ngăn cách giữa người có của và người trắng tay. Hơn nữa, phân tích của IMF cho thấy khi đại dịch gây nên khó khăn kinh tế thì gánh nặng nhất hầu hết đè lên đầu người nghèo. Vào lúc đáng lẽ mọi người cùng chịu chung cảnh khó, thì thật ray rứt khi người bình thường thấy những người có đặc quyền vừa thoát khỏi khó khăn, vừa được nhiều ưu đãi. Tình cảnh đó khiến những con người phẫn nộ phải xuống đường.
[Ở COLOMBIA]
Tình hình ở Colombia còn cho thấy cảm giác bị đối xử bất công có thể lấn áp mọi nỗ lực cứu trợ của chính phủ. Là một trong những nước có mức bất công lớn nhất thế giới, xứ sở này cũng trải qua những đợt phong toả lâu nhất, so với hầu hết các nước khác. Tình trạng tại đây có thể kể qua vài con số: GDP năm 2020 rớt 6,8%; có đến 2,8 triệu người lâm cảnh túng quẫn; cả một thập niên có nhiều tiến bộ trong việc xoá đói giảm nghèo xem như mất trắng; nỗi đau lại không được chia đều: số thất nghiệp trong giới trẻ từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2020 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, lên tới mức 30%, trong khi tổng số thất nghiệp của năm 2019 chỉ là 20%.
Xin lượng thứ: chưa đủ
Chính quyền Colombia muốn cải thiện tình hình. Họ lập ra một quỹ gọi là Ingreso Solidario (Thu nhập Đoàn kết) để giúp người nghèo sống được trong thời gian phong toả, nhưng nhiều gia đình vẫn không đủ tiền sống qua ngày. Vào tháng 4/2021, nhà nước đưa ra cải cách thuế khoá, nhằm tái phân bổ tiền bạc cho những người nghèo nhất trong dân Colombia, một phần bằng cách huỷ bỏ các khoản miễn thuế VAT cho người giàu, và mở rộng thêm mạng lưới đánh thuế thu nhập.
Nhưng người dân Colombia, đang vất vả chống chọi với đại dịch, lại cho rằng cải cách thuế như vậy càng làm họ bị đánh thuế nhiều hơn. Được ban hành vào đầu tháng 4/2021, vào lúc bệnh dịch đang lên cao và hầu hết các thành phố đều tái phong toả, luật thuế mới kia đã khiến người dân xuống đường biểu tình, đặc biệt là giới trẻ thất nghiệp. Trong một số ngày vào tháng 5/2021, người biểu tình đã bám trụ ở các chiến luỹ tự phát, tấn công các trạm cảnh sát và phá cửa hôi của các doanh nghệp ở Cali, thành phố lớn thứ ba của Colombia.
Một khi biểu tình diễn ra, lại có nhiều cuộc biểu tình theo sau. Một lần nữa, đời sống khó khăn là yếu tố thúc đẩy. Một bài nghiên cứu phổ biến vào tháng 5/2021 – của các tác giả Metodij Hadzi-Vaskov, Samuel Pienknagura và Luca Antonio Ricci, làm việc cho IMF – đã phân tích chỉ số biến động xã hội trong 130 quốc gia và kết luận rằng: 18 tháng sau đợt bất ổn, kinh tế sẽ suy giảm 0,2%, và ảnh hưởng đó ở các nền kinh tế đang phát triển diễn ra nhanh gấp hai lần so với các nền kinh tế tiên tiến. Thêm vào đó, bản thân việc biểu tình có thể tạo cho người tham dự cảm giác đoàn kết, như đã diễn ra ở Belarus.
[Ở BELARUS]
Ở Belarus, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân đứng lên đặt vấn đề với chế độ. Và họ đã nếm trải được kinh nghiệm phản kháng. Đốm lửa châm ngòi đã đến vào mùa xuân 2020, khi Alexander Lukashenko, lãnh tụ độc tài của xứ này, bác bỏ Covid-19, xem nó như “cơn lên đồng tập thể” và đổ lỗi cho người dân đã chết vì bệnh này. Trong khi các nước thành viên EU khuyên công dân ở nhà và giúp đỡ tài chính cho dân, thì ông Lukashenko nói với dân ông rằng chỉ cần uống một ly rượu mạnh, tắm hơi và lái xe công nông ra đồng là ổn.
Ông Lukashenko, kẻ cai trị Belarus 27 năm, từ 1994, thích xem mình là ‘cha già dân tộc’. Ông thường huênh hoang về hệ thống hỗ trợ xã hội rộng lớn của Belarus, vốn xuất phát từ thời Liên Xô cũ. Nhưng khi ông thất bại trong việc đương đầu với đại dịch Covid-19, các nhà hoạt động Belarus thấy ngay cơ hội hiếm hoi mở ra.
Một nhóm chuyên gia công nghệ thông tin liền tung ra phong trào #ByCovid19, một phong trào hoạt động dựa trên mạng xã hội, với mục tiêu cứu trợ, nhằm trám vào lỗ hổng của nhà nước. Chỉ trong vài tuần, phong trào đã thu hút được hàng trăm ngàn tình nguyện viên cả nước và cung cấp trang bị bảo vệ cá nhân cho y bác sĩ và máy móc thiết bị cho bệnh viện. Andrei Strizhak, một trong những người sáng lập phong trào, nói điều đó chứng tỏ cho người dân Belarus thấy rằng họ có thể cùng nhau hành động. Sau khi ông Lukashenko gian lận cuộc bầu cử vào tháng 8/2020, họ đã làm đúng điều đó, cùng nhau hành động, bằng cách xuống đường với những số người khổng lồ.
[Ở BRAZIL]
Điều tương tự có thể cũng đang diễn ra ở Brazil. Khi đại dịch bắt đầu, người ủng hộ tổng thống Jair Bolsonaro thống lĩnh đường phố. Không khẩu trang, mặc màu xanh lá và màu vàng, hàng ngàn bolsonaristas [người ủng hộ ông Bolsonaro] tập họp khoảng hai tuần một lần để ủng hộ việc tổng thống lên án quyết định phong toả của các thống đốc tiểu bang. Vào tháng 8/2020, có 37% người Brazil hài lòng với ông Bolsonaro, theo số liệu của Datafolha, một đơn vị thống kê, một phần vì chính quyền lúc đó đang chi 600 reais (110 USD) mỗi tháng, tiền trợ giúp khẩn cấp, cho một phần ba dân số Brazil.
Đến nay thì trợ giúp khẩn cấp đã bị cắt bỏ và những đám đông lại tiếp tụp biểu tình, nhưng để đòi truất phế tổng thống. Tháng 5/2021, một cuộc điều tra của thượng viện về công tác xử lý đại dịch cho thấy ông Bolsonaro đã cự tuyệt những lời đề nghị mua vaccine vào năm 2020, và sau đó mặc kệ một vụ nghi tham nhũng liên quan. Hiện nay, cứ 7 người Brazil lại có 1 người mất việc, và cứ 10 người thì 1 người đang đói ăn. Trong một cuộc thăm dò gần đây, có ít hơn 30% người dân Brazil ủng hộ tổng thống và một con số kỷ lục là 51% bất bình với chính quyền do ông cầm đầu.
Ba lần chỉ trong vòng hơn một tháng, kể từ cuối tháng Năm, mọi tiểu bang của Brazil đều diễn ra biểu tình cùng lúc, kết nối hàng ngàn người ở nhiều thành phố với nhau. Những đồng minh cũ của Bolsonaro giờ đây cũng tham gia diễu hành phản đối, họ hành động vì số tử vong do Covid-19 quá cao, hiện ở mức trên 550.000 người. Anh Creomar de Souza của công ty Dharma, một công ty tư vấn có trụ sở tại Brasilia, nhận xét: “Ly nước đã gần như đầy ứ. Để xem cái gì sẽ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly”.
***
Có nhiều nước tránh được những cuộc biểu tình liên quan đến covid. Ấn Độ tỏ ra khá yên tĩnh, dù chính quyền mắc phải những sai lầm. Malaysia cũng vậy, là nước xử lý tốt đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Nhưng ngay cả ở những nước này, bất mãn vẫn đang được nung nấu. Những người chỉ trích chính quyền của ông Modi tại Ấn Độ đã ngày càng lớn tiếng hơn, và giờ đây có cả những người đã từng đồng hành với lực lượng quốc gia Ấn giáo của Modi. Một ví dụ điển hình là việc thành lập nhóm các cựu công chức cao cấp – một số từng có quyền lực rất cao – và họ đang lên tiếng chỉ trích chính quyền.
[Ở MALAYSIA]
Trong vài tuần vừa qua, Malaysia đang đối đầu với một làn sóng lây nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên trên 1.000.000. Những người dân nghèo gốc Mã Lai không được hưởng trợ cấp xã hội, vốn rất chắp vá ở nước này, nhưng họ đã thấy các bộ trưởng và giới doanh nhân tinh hoa ngang nhiên xem thường quy định giữ gìn sức khoẻ, mà nếu thường dân vi phạm thì sẽ bị phạt rất nặng. Những nhà máy có chủ nhân quen biết lớn vẫn được phép hoạt động – dù đó là nơi siêu lây nhiễm cho nhân viên. Chỉ có khoảng 18% dân số được chính ngừa, nhưng trong giới có quan hệ tốt thì thỉ lệ này cao hơn nhiều.
Nhiều gia đình đã cho treo cờ trắng trên cửa sổ như một cách kêu cứu. Nhưng ngày càng có nhiều lá cờ đen phất phới cạnh cờ trắng, hầu hết do những người Malaysia trẻ tuổi và có học giương lên, để biểu lộ bất mãn với những sai lầm của chính quyền. Phong trào cờ đen* hay Bendera Hitam, đang làm bối rối nhà cầm quyền, hiện đang tìm chứng cớ xem phong trào có bị ai xúi giục không. Bridget Welsh, thuộc Đại học Nottingham phân viện Malaysia, nói rằng cuộc vận động mở rộng này cho thấy tuy Malaysia vẫn tự hào nhận mình là một quốc gia trung lưu, nhưng trên thực tế đó vẫn là đất nước của một bên có đủ và một bên không có gì.
BA MƯƠI CHƯA PHẢI LÀ TẾT
Đại dịch còn lâu mới hết. COVAX, sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu, nhằm mục tiêu cung cấp cho các nước đang phát triển đủ liều vaccine để tiêm chủng cho 1/5 dân số vào cuối năm 2021, nhưng mục tiêu đó khó có thể đạt được. Cho đến nay, gần 4 tỉ liều vaccine đã được tiêm. Để đạt được 70% độ phủ, thế giới cần phải cho thêm 7 tỉ liều nữa, nếu cần cả mũi thứ hai. Điều đó khó xảy ra trước năm 2022.
Trong khi chờ vaccine, các chính phủ sẽ tìm cách kiểm soát dịch bệnh bằng quy định và luật lệ – bao gồm luôn các biện pháp hạn chế những người bất đồng quan điểm. Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Freedom House, có ít nhất 158 trên 192 quốc gia đã đưa ra những hạn chế mới đối với việc quần chúng biểu tình. Một số chính phủ làm việc đó một cách khách quan, không định kiến và chỉ tạm thời, để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhưng lại có các chính phủ khác nắm lấy Covid-19 như một cái cớ để bỏ tù những người chống đối, với lý do họ vi phạm giãn cách xã hội, trong khi nhà cầm quyền cứ vô tư để đảng phái thân chính quyền tổ chức những cuộc tụ tập rầm rộ.
Về lâu dài, đàn áp chính trị sẽ là chất liệu làm nảy sinh bất ổn. Đại dịch cho thấy sự phẫn nộ của người dân không hao mòn đi khi họ phải đóng cửa ở trong nhà, mà nó vẫn âm ỉ sôi sục như nước trong nồi, dù chính quyền làm mọi cách để đậy kín nắp nồi. Ở Thái Lan, những cuộc tụ tập trên năm người bị cấm, lý do chính thức là để giảm virus lây nhiễm. Và người biểu tình hôm 18/7/2021 đã phải đối phó với lựu đạn cay và đạn cao su. Nhưng điều đó chỉ làm họ càng thêm phẫn nộ. Họ nói: “Chúng tôi chỉ muốn được chích ngừa thôi mà. Covid-19 đang phà vào mặt chúng tôi rồi, mà chính quyền chẳng làm gì hết!”
______
Ghi chú của người dịch:
* Phong trào cờ đen: 11:35 sáng ngày 31/7/2021 cuộc biểu tình của nhóm “cờ đen” diễn ra ơ Quảng trường Merdeka ở thủ đô Kualar Lumpur, Malaysia, người biểu tình ôm theo những “xác giả” làm bằng túi vải đựng rơm, tượng trưng cho người tử vong vì Covid-19. Đến ngày 2/8, cũng tại Quảng trường này, diễn ra cuộc biểu tình của phe đối lập, đòi thủ tướng Malaysia từ chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.