Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Afghanistan: Cắt bỏ thủ tục nghịch lý

 

Afghanistan: Cắt bỏ thủ tục nghịch lý

Asia Sentinel

11-8-2021

Tác giả: David Brown

Người dịch: Song Phan

Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ lâu năm, là người đã chứng kiến ​​sự sụp đổ của Sài Gòn, nhìn về Afghanistan hiện nay.

Vào đầu tháng 4 cách đây 46 năm, các sư đoàn quân đội Bắc Việt đã tràn qua hầu hết miền Nam Việt Nam. Họ đã nhanh chóng tiến sát tới Sài Gòn. Quốc hội Hoa Kỳ không chấp nhận bỏ phiếu viện trợ thêm, thậm chí không yểm trợ không lực. Nhà tôi và tôi biết điều mà cha cô ấy không muốn tin: Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, sẽ sớm rơi vào tay Cộng sản.

Nhiều ngàn người Việt Nam đang trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Họ đã từng làm việc với quân đội Mỹ hoặc đã trợ giúp cho các nhân viên người Mỹ làm cứu trợ, phóng viên, giáo viên và huấn luyện viên thực hiện công việc một cách hiệu quả. Bây giờ, về mặt chiến lược và chiến thuật, chế độ Sài Gòn đang tuyệt vọng. Những người bạn Việt Nam thân thiết nhất của Hoa Kỳ, những người đã tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, họ có thể xây dựng một nước hiện đại và tự do, của Việt Nam, đã bị mắc kẹt trong mớ bòng bong các thủ tục xin thị thực nhập cư.

Lịch sử đang lặp lại ở Afghanistan. Từ Kabul, phóng viên Jane Ferguson đã cho biết ngày 30 tháng 7, rằng “Hệ thống xét đơn xin thị thực của Mỹ cho người Afghanistan vẫn còn giữ nguyên vẹn bài bản và tốn thời gian… Hơn 20.000 người nộp đơn, một nửa trong số họ chưa hoàn thành giai đoạn đầu của quy trình… Cuộc rút quân của Biden ngày càng có vẻ kém kế hoạch, vội vã và hỗn loạn“.

Vào ngày 1 tháng 8 đã xuất hiện một tia hy vọng: Các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng tiêu chuẩn thị thực nhập cảnh bao gồm thêm nhiều tầng lớp người Afghanistan. Nhưng Nhà Trắng cũng sẽ cắt bỏ các thủ tục rườm rà. Họ sẽ cho phép các nhân viên toà đại sứ cấp giấy thông hành khẩn cấp. Họ có chỉ thị cho Lầu Năm Góc không vận những người tị nạn này ra khỏi tình trạng nguy hiểm không?

Mạng sống của những người bạn Afghanistan thân thiết của Mỹ có thể được cứu vớt nếu Washington hành động mạnh trong khi vẫn còn thời gian – như đã từng làm trước đây.

Tại Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, chắc chắn không khác ở Kabul bây giờ, các sĩ quan cao cấp của Phái bộ Hoa Kỳ vẫn công khai lạc quan. Lúc đó họ sợ, những bước đi sai lầm sẽ làm mất đi hy vọng ít ỏi còn sót lại, rằng chế độ miền Nam Việt Nam có thể thương lượng một hiệp định đình chiến.

Gần như tất cả những công chức Mỹ và những người phụ thuộc của họ đã được di tản. Chỉ một số ít còn lại, tất cả đều tự nguyện. Với một cái nháy mắt và cái gật đầu từ Washington, họ đã được phép cắt bỏ nhưng thủ tục phiền toái của hệ thống nhập cư Mỹ.

Tôi không biết lệnh gì đã được gửi sau cuộc tham vấn giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng trong những tuần cuối cùng trước khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt, những ứng biến về thủ tục của các nhân viên Phái bộ Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn người Việt Nam di tản; những người mà theo trách nhiệm làm việc của họ, được coi là đang gặp nguy hiểm.

Tin tức về điều này đến với tôi ở Tokyo qua tin hành lang trong Bộ Ngoại giao. Vào ngày 23 tháng 4, tôi đã mua vé máy bay một chiều. Ngay sau khi tôi đang ở trên không, một đồng nghiệp ở Tokyo đã báo với đại sứ rằng – trái với chỉ thị rõ ràng từ Washington – tôi đang trên đường bay đến Sài Gòn. Anh ấy đã trao thư cáo lỗi của tôi.

Sáng hôm sau, tôi tìm đường đến một ‘ngôi nhà an toàn’ – nơi một số viên chức Mỹ đang hoạt động “chuyển lậu người”. Đều là người tình nguyện, họ đang làm hết công suất. Đã bỏ nhiều ngày giờ trong vài tuần, rồi tra cứu danh sách những người Việt Nam được cho là đang gặp nguy hiểm. Hoặc là ‘hướng dẫn’ của Washington đã cực kỳ co giãn, hoặc các anh em viên chức toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã quyết định theo cách phóng khoáng. Những quy tắc phức tạp đã biến mất.

Tôi giải thích mục đích của mình. Ai đó đã tìm thấy tên của cha mẹ vợ tôi và tám anh chị em trong một danh sách. Tôi có thể xin giấy tờ thêm không, tôi hỏi, cho hai con và dâu rể của chị vợ tôi? Trong một vài phút, điều đó đã được thực hiện ngay. Tôi được cấp một xấp giấy tờ mang tên và số căn cước những người thân của vợ tôi đã được đóng dấu.

Mặt trời đang lặn khi một chiếc xe 12 chỗ của toà đại sứ với kính sậm đã chạy qua một số điểm hẹn để đưa người phía bên vợ tôi và tôi đến một khu nhà cố vấn quân sự Mỹ ở sân bay. Chúng tôi nằm chờ ở đó: Marcos, là Tổng thống Philippines lúc đó, đã cấm đưa thêm người tị nạn Việt Nam đến hai căn cứ lớn của Hoa Kỳ ở nước này. Việc không vận đã bị tạm dừng cho đến khi thu xếp được các chỗ tạm trú an toàn khác.

Đến giờ ăn tối ngày hôm sau, ngày 25 tháng 4, những hàng người đang chờ bắt đầu di chuyển trở lại. Đến 10 giờ tối, người phía bên vợ tôi và tôi cùng khoảng 250 người tị nạn khác đã ngồi xếp bằng, nắm chặt những sợi dây căng trên khoang hàng của một chiếc máy bay C-141. Không ai trò chuyện, không một đứa trẻ nào khóc lóc khi máy bay của Không quân Mỹ lao ra đường băng, rồ ga bốn động cơ phản lực và cất cánh theo hướng bay lên dốc nhất. Sáu giờ sau, chúng tôi đã an toàn trên đảo Guam.

Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4. Trong trại ở Orote Point, một nỗi buồn lớn lao xâm chiếm, mỗi người tị nạn đều có những tâm sự riêng vây quanh. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi đã kết thúc tốt đẹp. Tái định cư ở California, những người bà con bên vợ tôi nhận làm những công việc mọn, học tiếng Anh và gia nhập vào tầng lớp trung lưu Mỹ. Tôi không bị Bộ Ngoại giao sa thải. Trên thực tế, lúc tôi trở lại công việc của tôi ở đại sứ quán ở Tokyo tôi đã được hoan nghênh với chút khích lệ.

Hơn 50.000 người tị nạn đã thoát khỏi Sài Gòn qua cuộc không vận mà tôi đã mô tả. Trong những năm sau đó, hàng trăm ngàn người khác tìm cách rời khỏi Việt Nam bằng đường biển. Tính đến năm 1983, khoảng 600.000 người Việt Nam đã được nhận vào Mỹ trong tư cách người tị nạn. Nhiều người khác đã được định cư ở Úc, Canada và các nước khác.

Rất ít trong những người Việt Nam đó muốn rời bỏ quê hương. Họ đã chấp nhận nguy hiểm lớn. Hai thế hệ sau, họ và con cái của họ là một tài sản đặc sắc của Hoa Kỳ.

Nếu nước Mỹ cho phép những người Afghanistan là bạn thật của người Mỹ thoát khỏi phe Taliban, thì cùng lắm họ cũng sẽ chỉ là gánh nặng nhất thời, giống như những người tị nạn từ ‘cuộc chiến không dứt’ đầu tiên của chúng ta. Tuy nhiên, hiện nay họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trừ khi, như đã xảy ra cách đây 46 năm, có lệnh cho phép cắt bỏ cách cung cấp visa quá phức tạp và khó thực hiện.

Nếu điều đó xảy ra, chi tiết làm thế nào không thành vấn đề. Tôi chỉ muốn biết rằng một cuộc không vận từ Kabul đang hoạt động ở mức tối đa.

David Brown là người thường xuyên đóng góp bài cho Asia Sentinel và Tiếng Dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.