Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Thư ngỏ gửi các đồng nghiệp và các chuyên gia cao cấp phòng chống dịch Covid-19

 

Thư ngỏ gửi các đồng nghiệp và các chuyên gia cao cấp phòng chống dịch Covid-19

Trần Tuấn

22-7-2021

“TỪ BAO GIỜ NGÀNH Y TẾ VIỆT NAM CHO PHÉP BẢN THÂN VÀ TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG GỌI TẤT CẢ CÁC F0, F1, F2 LÀ “CA BỆNH”?

Sáng dậy, thấy trên Zalo (trang các bạn bác sĩ cùng lớp Y1B Đại học Y Hà nội khóa 1977-83) tin thông báo tình hình dịch bệnh ở quận Ba Đình, và đề nghị chia sẻ.

Tin mở đầu bằng:

“UBND Quận Ba Đình: Địa điểm theo dõi y tế phòng chống dịch covid-19 (cập nhập 19h00 ngày 18/7/2021) 19:41 18/07/2021

Theo thống kê của cơ quan y tế, địa điểm theo dõi y tế phòng chống dịch covid-19 liên quan đến các ca bệnh F1, F2 trên địa bàn quận Ba Đình hiện đang theo dõi tại các địa điểm sau: (liệt kê 13 phường có F1, F2, với cụ thể số nhà. Phường nhiều nhất 12 địa chỉ, ít nhất 2).

Kết thúc tin là dòng nhắn trách nhiệm:

“Đề nghị mọi người chia sẻ nội dung này cho người thân, bạn bè và hướng dẫn họ cách “quan tâm” trang zalo UBND QUẬN BA ĐÌNH để được nhận các thông tin chính thức từ UBND quận Ba Đình. (Hết trích).

Tôi đã nhắn lại cho các bạn cùng lớp Y1 B mấy dòng tâm tư buồn cho hệ thống y tế Việt nam thời 4.0!

Nhưng rồi tâm không an. Bởi đây là vấn đề chung tầm hệ thống! Đã nhắc ở một số bài viết liên quan tới dịch COVID-19 rồi, mà vẫn không đổi!

Đành viết lại ra đây để tất cả những người ngành y chúng ta suy nghĩ. Đặc biệt, với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ ở vị trí cố vấn cao cấp cho chính phủ phòng chống dịch COVID-19, như Trần Đắc Phu, Nguyễn Trần Hiễn, Phạm Ngọc Đính, Nguyễn Kim Tiến…

Xin hãy quan tâm hơn và hãy trả lời những câu hỏi tôi đưa ra dưới đây:

1- Từ bao giờ, trên cơ sở khoa học nào, các bác sĩ nói chung và các chuyên gia dịch tễ học nói riêng của Việt nam cho phép mình (hoặc chấp nhận truyền thông) gọi “F1, F2” là CA BỆNH?

2- Từ bao giờ, trên cơ sở khoa học y học nào, các chuyên gia kết luận tất cả các trường hợp F0 (có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-COV2) mà không kèm biểu hiện bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào, phải được xem là bệnh nhân đưa vào bệnh viện điều trị? Phác đồ các bác sĩ áp dụng điều trị (cho trường hợp F0 chưa hoặc không có triệu chứng lâm sàng) tại bệnh viện khác gì với phương thức theo dõi, điều trị tại nhà áp dụng với F0 ở các nước có nền y học tiền tiến? Hiệu quả đem lại trong phòng chống dịch cụ thể là gì?

Nếu cứ chấp nhận lối tư duy như vậy là phù hợp, thì các đồng nghiệp ngành y hãy tự hỏi:

1- Tất cả những người có tiếp xúc hoặc thậm chí chăm sóc những người mắc bệnh lây nhiễm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm như lao, sởi, bạch hầu,… và mở rộng ra, tất cả những người đến khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai (thời chúng ta còn là sinh viên Y), có bao giờ “được coi” là CA BỆNH không?

2- Nếu tới đây, chống dịch lao, sởi, bạch hầu… cũng áp dụng cách làm “chỉ định xét nghiệm phát hiện, truy vết” rộng khắp có thể, “cách ly tất tật F0, F1, F2”, rồi “phong tỏa” rộng khắp theo thời gian lây nhiễm của bệnh, thì hệ thống y tế sẽ thế nào? Tương lai xã hội sẽ ra sao?

3- Sự nguy hiểm của lối tư duy xem có “kết quả xét nghiệm dương tính” là đủ “định nghĩa bệnh nhân”, sẽ để lại hậu quả gì trong phòng chống dịch bệnh nói riêng và công tác khám chữa bệnh nói chung? “ LỢI AI”, và “HẠI AI”?

Chúc tất cả an bình đi qua mùa đại dịch!

Trận trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.