Thuế học
25-7-2021
Bạn gửi cho cái hình kèm phát ngôn của một đại biểu trên diễn đàn quốc hội. Dù “choáng” nhưng mình liền trấn an, “chuyện thường ngày ở QH” thôi mà. Nhưng lại vốn tính tò mò, mình search xem tỉnh nào đã vinh dự có được vị đại biểu QH kỳ khu ấy, giật bắn cả mình: Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội, ông Lê Quân, ông này vừa được điều về từ vị trí chủ tịch tỉnh Cà Mau để lãnh đạo một đại học to nhất nước.
Ý ông giám đốc là nâng học phí thì người ta sẽ không đổ xô vào đại học nữa, và cũng khiến người học không thể học qua quýt một cách vô trách nhiệm được nữa. Thú thật là “nghĩ mãi không ra”, nếu vì mục đích ấy thì có nhiều cách, mà toàn là những cách khoa học, mang tính giáo dục và sẽ đảm bảo chất lượng chắc chắn hơn. Hay ông Lê Quân đang nghĩ theo một logic khác rằng, việc học cũng cần bị đánh thuế giống như bia rượu thuốc lá để hạn chế sự tiêu dùng vì sự độc hại của nó?
Nếu muốn người ta không “lao vào đại học” thì cần một cơ cấu ngành nghề mang lại thu nhập, tức là tạo ra những nhu cầu xã hội cũng như cơ hội việc làm để đáp ứng năng lực và điều kiện cho những người vừa rời ghế nhà trường phổ thông, chứ sao lại đánh vào túi tiền của họ để “ngăn ngừa” không cho họ vào đại học? Còn để đại học không trở thành “học đại” thì cái quyết định là nằm ở cung cách tổ chức dạy học, ở chất lượng đào tạo, ở khâu quản lý chuyên môn v.v., chứ sao lại mang tiền ra để hù dọa?
Tôi không nói rằng tăng học phí là đúng hay sai, cái tôi nói là lý do của việc tăng học phí kia, nó thuộc vào tư duy giáo dục. Cái tư duy này của một giám đốc đại học quốc gia thật là nguy hại vì, thứ nhất ông ấy (đại diện cho lãnh đạo giáo dục và quản trị xã hội nói chung) đã tự mình trút bỏ trách nhiệm, cái trách nhiệm mà dĩ nhiên là thuộc về các ông trong việc kiến thiết xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông, thay vì làm cái công việc mà vị trí đã quy định cho mình thì lại bình thản đẩy nó sang người dân. Làm lãnh đạo như thế thì sướng quá! Cái nguy hiểm nữa của lối tư duy này là tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục: những con cái nhà nghèo dù học giỏi thì cũng khó có cơ hội vào đại học; trong khi nhà giàu, dù học dốt thì vẫn thẳng tiến vào giảng đường. Hay ông Lê Quân đang xây dựng một nền giáo dục của người giàu mà ở đó người nghèo dù có tài năng cũng sẽ bị xua đuổi?
Đây là quan điểm cực kỳ “khôn ngoan” của một “nhà giáo dục”. Vì nó vừa khỏe lại vừa thu được nhiều tiền, dân gian gọi là “ngồi mát ăn bát vàng”.
Tự dưng mình lại thèm được làm giám đốc một đại học quá! Và tôi đề nghị đổi tên “học phí” thành “học thuế”/”thuế học” cho đúng bản chất hơn, từ “học giá” từng xôn xao trước đây đã lỗi thời rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.