Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Quốc hội là gì?

 

Quốc hội là gì?

Ngô Huy Cương

24-7-2021

Quốc hội có thể là một nấc thang để đưa ai đó leo lên cao hơn. Quốc hội cũng có thể là nơi xếp ghế cho ai đó ngồi để hưởng vinh hoa. Quốc hội cũng có thể là nơi để ai đó tạo ra được nhiều mối quan hệ hữu ích cho công việc làm ăn của riêng mình.

Nhưng đối với dân, Quốc hội là sự mong mỏi cuối cùng.

Vậy vào Quốc hội không phải để nịnh nhau. Riêng trong lĩnh vực luật học thì chúng tôi quá biết các vị rồi. Hãy hiểu dân và phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của dân!

Trước hết mong các vị Đại biểu Quốc hội đừng nói “chúng tôi sẽ đồng hành với Chính phủ”. Nói như vậy là không hề hiểu biết gì về chính thể do Hiến pháp năm 2013 tạo ra ở nước ta.

Đối với chính thể Quốc hội, thì dân bầu ra Quốc hội và rồi từ Quốc hội tổ chức ra các cơ quan hành pháp và tư pháp. Vậy nên Chính phủ phải tuân thủ pháp luật và quyết sách do Quốc hội làm ra và phải chịu sự giám sát của Quốc hội.

Lưu ý rằng: Đảng lãnh đạo chứ không có nghĩa là một cá nhân nào đó trong Đảng lãnh đạo. Ngại Chính phủ chỉ vì nhìn vào vị thế trong Đảng của ông Thủ tướng là sai. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 đã qui định các tổ chức của Đảng và Đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cơ mà(!?)

Nếu chỉ chú ý đến cái ghế hiện tại và tương lai của mình thì khó làm Đại biểu của dân lắm!

***

Đại biểu của dân nói gì thế?

Mấy hôm nay theo dõi VTV1 hòng mong thu hoạch thêm được nhiều thông tin, kiến thức qua các phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội, chứ chưa dám nghĩ tới chuyện thực hành quyền của cử tri giám sát các vị đại biểu của mình, tôi thấy buồn quá.

Chưa thấy có ý kiến nào gây xúc động, nên tôi cứ đoán già, đoán non rằng Đài truyền hình Việt Nam chưa “để lộ” ra hay cố giấu đi những ý kiến trí tuệ và tâm huyết của các ĐBQH, hoặc các ĐBQH chưa muốn lộ tài năng và đức độ của mình để còn thăm dò lẫn nhau hay thăm dò dư luận?

Khoá Quốc hội này khá khác biệt là có tới 37% số Đại biểu có trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ luật học. Vậy có làm nên trò trống gì không?Chúng tôi sẽ lắng nghe và giám sát.

Đề nghị Đài truyền hình Việt Nam nếu không đưa tin đầy đủ thì cố gắng lựa chọn một số ý kiến nào đó có trí tuệ và tâm huyết một tí đưa lên để cử tri chúng tôi thấy lá phiếu của chúng tôi còn có tí giá trị.

***

Quốc hội cần chất vấn khẩn cấp các chính trị gia

Xã hội là thế, sinh ra các chính trị gia để lo việc lớn của toàn cộng đồng như phát triển kinh tế- xã hội, chống dịch và chống giặc…

Việt Nam có câu “Một người lo bằng cả kho người làm”. Người dân đầu tắt mặt tối đi làm kiếm sống nuôi bản thân và gia đình, đồng thời phải đóng thuế nuôi chính trị gia những mong chính trị gia “nhìn xa, trông rộng” để làm những việc lớn cho cộng đồng.

Ấy vậy mà cho tới nay mới lộ rõ những người có trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thiếu tầm nhìn để tới bây giờ cuống lên trong việc tìm kiếm nguồn vaccine tiêm phòng ngừa cho dân.

Có nhiều biện bạch cho rằng họ đã nhìn thấy vấn đề vaccine ngay từ ban đầu. Tôi không tin! Bất kỳ một dự án hay một kế hoạch nào đều gắn với tài chính. Vậy nếu đã có kế hoạch mua vaccine thì tại sao bây giờ mới cuống lên xây dựng quỹ vaccine để dân ủng hộ và cho tới giờ còn đang cuống lên đi tìm nguồn cung vaccine?

Ông Vũ Đức Đam bình thường thì ăn nói gãy gọn lắm nhưng khi biện bạch cho việc có tầm nhìn về vaccine thì có vẻ ấp úng hơn bình thường, sao vậy? Người dân đang có nhu cầu bức bách về vaccine để cứu mạng sống của chính mình và gia đình mình. Chính sách ưu tiên tiêm vaccine thiếu thích hợp dẫn đến tình trạng trong một gia đình người được tiêm, người không được tiêm. Người được tiêm có thể chủ quan gây lây nhiễm cho người chưa được tiêm trong gia đình?

Chúng tôi ngưỡng mộ các bác sĩ, nhân viên y tế và các chiến sĩ quân đội, công an ngày đêm lo chống dịch. Nhưng chúng tôi đòi hỏi các chính trị gia phải có câu trả lời minh chứng được về khả năng chỉ đạo phòng chống dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.