Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Tin giải và “Tuyên truyền giả”

 

Tin giải và “Tuyên truyền giả”

Ngô Huy Cương

30-7-2021

Tối qua, VTV1 có một chương trình nói về tin giả rất đáng chú ý và rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh phòng, chống Covid-19 đang căng thẳng hiện nay ở nước ta.

VTV1 thậm chí coi những bài thuốc chống Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội mà không thể minh chứng được tác dụng thực tế của chúng cũng là tin giả. Có lẽ đây cũng là điều cần thiết để bảo vệ cộng đồng.

Thế nhưng, trong những phát ngôn hay trong những báo cáo hay trong những diễn văn đọc tại kỳ họp Quốc hội vừa qua và trong thông tin, tuyên truyền của VTV1 về kỳ họp này, chúng ta thấy có nhiều kết luận xanh rờn rằng: “…được cử tri cả nước đồng tình”, “…được cử tri cả nước nhất trí cao” hay “…được cử tri hoàn toàn ủng hộ”…

Làm thế nào để những người nói hay viết như vậy biết được ý nguyện đó của khoảng 50 triệu cử tri cả nước trong một khoảng thời gian có mấy ngày họp Quốc hội với cực kỳ nhiều nội dung mới và lớn như vậy?

Những nhận định đó có minh chứng được không?

Nếu không minh chứng được thì ta có thể xếp chúng vào loại tin giả hay “tuyên truyền giả” được không?

Người ta chỉ có thể nhận định chẳng hạn như “nhân dân ta rất anh hùng” hay “nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết chống giặc ngoại xâm” hay “nhân dân ta đã từng một lòng theo cách mạng”. Bởi những nhận định đó có thể chứng minh bằng truyền thống lịch sử hay qua những sự kiện mà ai cũng biết hoặc không thể chối bỏ được.

Tôi nghĩ dân luôn ủng hộ Quốc hội nếu Quốc hội thật tâm với dân.

Dân trí bây giờ khác xưa rất rất nhiều, nên đừng dùng kiểu tuyên truyền cũ rích, hạ sách, thô thiển và mất uy tín như vậy nữa!

Phỏng vấn vài ông, bà cán bộ đã nghỉ hưu, rồi đi đến đánh đồng tất cả cử tri cả nước với họ thì có nên không? Ai tin?

Muốn không có tin giả lan truyền trên mạng xã hội hay được thì thầm lan truyền trong dân chúng thì trước hết những người có trách nhiệm tuyên truyền phải làm gương không đưa ra những “nhận định giả” như vậy!

Thiếu gì cách nói để dân ủng hộ mà phải làm vậy (!?)

Không lẽ những người viết bài tuyên truyền hay bài diễn văn, bản báo cáo được học hành đến nơi, đến chốn mà kém vậy sao, hay muốn đẩy cấp trên của mình ra để cho thiên hạ chửi?

Không những phải làm gương, lãnh đạo còn phải có trách nhiệm nghiêm trị những dối trá của cấp dưới của mình nữa. Chứ lãnh đạo lại sướng theo đó, thì việc làm hỏng tâm lý của dân tộc mình rất có thể xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.