Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Bài học 14 năm chống dịch cúm gia cầm

 

Bài học 14 năm chống dịch cúm gia cầm

Mai Bá Kiếm

24-7-2021

Dịch cúm gia cầm H5N1 khởi phát tháng 12/2003 tại Hà Tây, Long An, Tiền Giang, mãi đến ngày 29/5/2017, Cục Thú y mới công bố hết dịch trên toàn quốc.

Tổn thất về gia cầm có gần 100 triệu con chết và bị thiêu hủy; thiệt hại về người có 127 ca mắc, trong đó có 64 ca tử vong, chiếm gần 50%! Thiệt hại tài chính cả tỷ USD!

Tháng 12/2003, dịch khởi phát chỉ 3 tỉnh thì đến tháng 2/2004 dịch lan ra 57 tỉnh, thành. Nên ngày 1/7/2004, Chính phủ có công điện hỏa tốc chỉ đạo: “Các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra huyết thanh gia cầm ở tất cả các cơ sở giống và cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn, nếu có kết luận dương tính đối với virus cúm thì tiêu hủy toàn bộ gia cầm…”.

Sau một năm giết lầm hơn bỏ sót dịch vẫn tăng, nên Chính phủ chấp nhận dự án vừa giết ở vùng có dịch, vừa tiêm vaccine ở vùng chưa có dịch, dùng vốn ngân sách 252 tỷ đồng nhập 500 triệu liều.

Tỷ lệ một BS thú y trên đầu gia cầm vô cùng thấp nếu so với tỷ lệ một BS trên đầu người dân, nên thú y không thể tiêm hết 300 triệu liều trong giai đoạn 1 (2005-2006).

Vaccine chùa, mà thú y thiếu, nên thú y cứ hướng dẫn cho các chủ trại gia cầm tiêm giùm để mình đạt thành tích. Chủ trại không tiêm đủ liều, tiêm không đúng kỹ thuật, không triển khai đúng kế hoạch (để vaccine lưu giữ ở những nơi không đủ điều kiện), nên vaccine vô hiệu quả!

63 tỉnh, thành báo cáo đợt 1 năm 2007 có 156,5 triệu con đã tiêm vaccine H5N9 của hãng Merial – của Ý, xịn mà! Và, các Công ty Chăn nuôi lớn đã tiêm 30 triệu liều vaccine TROVAC cho gà con một ngày tuổi.

Báo cáo đẹp như mơ… huyền mờ: 100% gia cầm từ 1 ngày tuổi đến 55 ngày tuổi (tuổi xuất chuồng) đều được tiêm!

Vậy mà sau 2 năm vừa “tiêm” vừa “diệt”, Tháng 7/2007, tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 43,9 triệu con (chiếm 16,79% tổng đàn), thiệt hại ước tính 3.000 tỷ đồng, chưa kể 252 tỷ đồng nhập vaccine!

Năm 2007, có một công ty “nổ” sẽ chế tạo vaccine H5N1 vào cuối năm, thử nghiệm tiêm trên đàn gà vô tư hơn thử trên người, vậy mà 7 năm sau (2012), Hội đồng khoa học ngành thú y mới quyết định sử dụng vaccine nội trên gia cầm!

Từ 2007 đến 2017, nhà nước phải chi hàng trăm tỷ đồng cho tiêm phòng, mà dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát, rồi tiêu hủy, tiếp tục tiêm vaccine, lại tái đàn… và tiếp tục dập dịch – một vòng luẩn quẩn.

Rất nhục, khi CP của Thái tái đàn giỏi hơn Bộ Nông nghiệp ta!

Cục thú Y nói thất bại tiêm vaccine cúm gia cầm là do không thực hiện đồng bộ với quy hoạch chăn nuôi (Cục Chăn nuôi quản lý) giết mổ, chế biến (QLTT và YTDP quản lý).

Một vài chuyên gia can đảm chê Chỉ thị của Chính phủ tiêu hủy cả đàn gia cầm nếu có con dương tính là cực đoan và không khoa học. Vì xét nghiệm huyết thanh chỉ là một loại xét nghiệm được áp dụng để đánh giá sự có mặt của virus trong cơ thể một vật dựa trên một ngưỡng nồng độ nào đó định sẵn.

Tóm lại, các công ty sinh phẩm, công ty thuốc sát trùng… hốt bạc, còn nông dân phá sản! Sợi dây kinh nghiệm 14 năm rút không ra, do tính dự liệu tình huống phát sinh khi thực hành các chỉ thị, dự án chống dịch không có!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.