Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Sự nguy hại của việc mất lòng tin đối với báo chí

 

Sự nguy hại của việc mất lòng tin đối với báo chí

Ngô Huy Cương

31-7-2021

Tôi khuyên nhiều người bạn của tôi đi tiêm phòng Covid-19 ngay khi có thể. Trong số đó không ít người phản đối tiêm phòng, ngay cả những nhân viên y tế đã nghỉ hưu.

Những người phản đối có thể được chia thành 03 nhóm chủ yếu như sau:

(1) Nhóm cho rằng không thể chống Covid-19 vì đó là ý trời, do đó dẫn đến phủ nhận quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của chúng ta. Những người này thường là những người có tuổi và có tín ngưỡng;

(2) Nhóm bị ảnh hưởng bởi phong trào phản đối tiêm chủng lan truyền từ nước ngoài vào nước ta qua mạng xã hội. Họ cho rằng có thể tạo ra sự phòng bệnh một cách tự nhiên; vaccine có hại cho cơ thể; và virus biến đổi nhanh chóng thành các biến chủng khác nhau làm tiêm phòng trở nên vô tác dụng.

(3) Nhóm sợ tác dụng phụ của tiêm chủng và hy vọng đa số tiêm chủng đạt được miễn dịch cộng đồng và như vậy họ hưởng lợi theo mà không phải tiêm.

Tôi ngạc nhiên và hỏi họ tại sao không xem TV hay báo chí khác để có hiểu biết chính xác hơn về tiêm ngừa Covid-19. Họ hầu như chỉ xem các chương trình giải trí trên TV và xem những tin giật gân trên báo chí và mạng xã hội.

Họ không thích xem chương trình thời sự trên TV hoặc báo chí khác. Hỏi dò tôi được biết có mấy lý do chủ yếu sau:

(1) mất lòng tin đối với những thông tin, tuyên truyền chính thống (vì có quá nhiều sự khác biệt giữa các thông tin, tuyên truyền đó với thực tế, thậm chí từ giá cả trở đi);

(2) cách thức thông tin, tuyên truyền bị vón cục trong một số mục rất nặng nề;

(3) các thông tin đó nặng tính chuyên môn, tính hàn lâm và dài dòng không cần thiết, gây khó hiểu…

Nói tóm lại: Nhu cầu xem thời sự hay các vấn đề chuyên môn trên báo chí “chính thống” bị triệt tiêu chủ yếu do mất lòng tin. Trong khi đó mạng xã hội đa dạng, phong phú, cực kỳ nhanh gọn và linh động phù hợp với mọi trình độ, mọi lứa tuổi,…

Liệu có cần cải cách toàn diện hệ thống thông tin, truyền thông “chính thống”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.