Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Văn bản chỉ đạo 2490: Không phù hợp trong việc phòng chống dịch

 

Văn bản chỉ đạo 2490: Không phù hợp trong việc phòng chống dịch

Phạm Lê Vương Các

26-7-2021

Người dân xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm, đứng quá gần như thế này, cũng có thể bị lây nhiễm. Ảnh: HCDC

1. “Hạn chế tối đa ra đường” theo văn bản 2490 của UBND TP. HCM – về diễn giải ngôn ngữ pháp lý, nó được hiểu là một khuyến cáo chứ không phải ngăn cấm, tuy nhiên việc thi hành trên thực tế lại là “lệnh cấm”. Văn bản được ban hành một đằng nhưng thực thi một nẻo.

Ảnh chụp văn bản 2490 của UBND TP

2. Đặt thành phố vào tình trạng như một sự “giới nghiêm” từ 18h đến 6h ngày hôm sau là không cần thiết, vì kể từ khi áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng, khi trời sẩm tối đường xá Sài Gòn vắng tanh.

3. Văn bản này được ban hành “xét theo đề nghị của Công an Thành phố”. Chống dịch mà nghe theo tham mưu của Công an là không ổn. Cách thức phòng chống dịch hiện nay ở thành phố được thực hiện theo cách thức “kiểm soát bất đồng chính kiến” (công an ngồi canh trước nhà, trước ngõ, ngăn chặn đi lại…). Trong khi Virus Corona có khả năng đi xuyên biên giới quốc gia dễ dàng, huy động tất cả các nguồn lực hiện có để canh giữ các cá thể nghi nhiễm-trong một phạm vi hẹp, rõ ràng là sai phương pháp về y tế cộng đồng. Thí dụ, một shipper giao hàng đến khu phong toả, người trong khu phong toả trả tiền, khi tờ tiền đó dính virus, nó có thể đi chu du khắp cả nước Việt Nam.

4. Văn bản ra đời nhằm mục đích “giảm mật độ lưu thông trên đường” nhưng trên thực tế lại làm “tăng mật độ lưu thông trên đường”. Sáng nay, nhà chức trách giăng dây phong tỏa nhiều con đường dẫn đến hệ quả là lưu lượng xe sẽ cùng đổ dồn về con đường không bị phong toả. Vậy là mật độ lưu thông trên con đường đó sẽ tăng đột biến.

Cụ thể, sáng nay, mình tham gia lưu thông trên đường Bình Long (từ ngã tư Bốn Xã hướng vào nghĩa trang Bình Hưng Hoà). Mật độ lưu thông trên đường này còn đông hơn so với ngày thường, bởi các con đường song song với con đường này đều bị phong toả.

Và từ nơi ở của mình đi siêu thị AEOn Tân Phú, bình thường chỉ mất 10 phút. Giờ phong toả, làm mình phải chạy lòng vòng ngoài đường mất hơn 30 phút. Thế là góp phần làm tăng mật độ lưu thông trên đường 20 phút so với bình thường.

5. Dịch bệnh được lây lan chủ yếu từ những người trong gia đình, những nhà sống trong cùng con hẻm, tiếp xúc trong những không gian kín, chứ không phải do “chạy xe lướt ngang qua ngoài đường”. Cách làm giảm mật độ lưu thông trên đường bằng cách đặt các chốt phong toả kiểm soát, sẽ không cho thấy sự hiệu quả của giãn cách xã hội, mà chỉ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi sự tiếp xúc gần và giao tiếp thường xuyên giữa người tham gia giao thông và những người kiểm soát.

– Đổ lỗi cho nhiều người dân đi ra đường không có lý do chính đáng và không cần thiết là một sự quy chụp thô thiển. Giờ đây không còn dịch vụ vui chơi, giải trí, hay thăm viếng lẫn nhau. Cực chẳng đã mới phải ra đường vào thời điểm này, nếu không vì công việc mưu sinh thì cũng vì cứu trợ cộng đồng. Giải pháp hạn chế ra đường hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công, đó là nhà nước cần hỗ trợ tài chính cơ bản, giảm tiền điện, nước… giúp cho họ dù ở nhà vẫn đảm bảo được mức sống tối thiểu qua mùa dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.