Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Bộ Nội vụ chỉ nhìn thấy chuột nhắt, không thấy con voi?

 

Bộ Nội vụ chỉ nhìn thấy chuột nhắt, không thấy con voi?

Mạc Văn Trang

22-7-2021

Chuyện Bộ Nội vụ đưa ra phương án sáp nhập 10 tỉnh diện tích nhỏ, dân số ít, đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều người đã phản biện, chê trách.

Tôi muốn nói thêm một vài khía cạnh.

1. Mục đích của việc sáp nhập là gì?

Đó là để giảm bớt bộ máy cồng kềnh, ngày càng phình to, bớt các quan chức, nhân viên ăn lương, quỹ lương không chịu đựng nổi (Số người hưởng lương ngân sách ở Việt Nam, nếu tính theo tỉ lệ dân cư, còn cao hơn cả Trung Quốc, cao hơn nhiều nước phát triển).

Mục đích đó được Bộ Nội vụ nói rõ sau đây: “Theo Bộ Nội vụ, qua việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, các địa phương trên cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã”…

“Sau sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư ra 589 người, cấp xã dôi dư ra 8.488 người. Bên cạnh đó, số người hoạt động không chuyên trách hưởng lương ở cấp xã sau sáp nhập dôi dư 7.723 người”…

“Báo cáo của 45 địa phương gửi về Bộ Nội vụ cho thấy sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, các địa phương đã giảm chi ngân sách khoảng 1.360 tỉ đồng, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp 1.011 tỉ đồng, giảm chi hoạt động 311 tỉ đồng, giảm chi khác hơn 40 tỉ đồng”…

Chủ trương này rất tốt, cứ làm tiếp đi!

Nhưng từ đó Bộ Nội vụ tiến tới sáp nhật các tỉnh “không đạt chuẩn” về diện tích và dân số, lại là một sai lầm như nhiều người đã phê phán.

“Về chủ trương sáp nhập các tỉnh, theo Bộ Nội vụ sẽ thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trước mắt, sẽ thí điểm sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển”.

2. Để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, có giải pháp tối ưu, sao không làm?

Đó là giảm các đầu mối cơ quan ở trung ương và các tỉnh; giảm biên chế các cơ quan trung ương và các tỉnh. “Thời đại 4.0”, chính phủ điện tử thì cần gì nhiều người, càng tinh gọn hợp lý, càng hiệu quả. Có đầy đủ cơ sở lý luận, có thực tế của các nước văn minh đã, đang làm, sao không biết bắt chước?

2.1. Giảm đầu mối và biên chế của “toàn hệ thống chính trị” đi.

Không dân nào chịu nỗi mãi “ba tầng cai trị” là Đảng, Chính quyền và các Đoàn thể đều ăn lương vào tiền thuế của dân rồi cai quản dân, “dạy dỗ” dân, thu tiền của dân… quanh năm suốt tháng.

– Hiện Đảng CSVN có 1 Văn phòng và 7 Ban. Mỗi Ban của Đảng có 1 Trưởng ban, 4-5 Phó ban tương đương với Bộ trưởng và các Thứ trưởng. Dưới Ban có các Vụ…Rồi hệ thống của Đảng đến Tỉnh, Thành, quận/huyện cũng vậy.

– Hệ thống Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc .. .đều như cơ quan ngang Bộ, có các Ban như bên Đảng, có Viện nghiên cứu, Học viên đào tạo … Hệ thống đoàn, hội này đến Tỉnh/Thành, huyện, xã/phường.

Các hội, đoàn này “ăn tàn, phá hại” cũng khủng khiếp lắm, vi dụ, riêng sử dụng xe ô tô công mà Tổng Liên đoàn lao động VN hiện sử dụng vượt mức quy định 167 xe công

Ở các nước dân chủ, văn minh, ngân sách nhà nước không phải chi cho các tổ chức nói trên, đã có bao nhiêu tiền để chi cho Y tế, Giáo dục, trợ cấp xã hội, mua vaccine phòng Covid-19 mà không cần xin dân, xin khắp nơi…

Vậy sao Bộ Nội vụ không dám đề xuất giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm chi tiêu của các tổ chức trên cho dân nhẹ gánh, mà nhăm nhe nhập mấy tỉnh?

2.2. Sao không nhập các Bộ và giảm biên chế trong hệ thống hành chính?

Hiện có 22 bộ, có thể thành 16 bộ được không? Sao không nhập Tổng cục dạy nghề vào Bộ Giáo dục- đào tạo? Nhập các Bộ thì chả ảnh hưởng, xáo trộn gì đến dân như kiểu tách nhập tỉnh, huyện, xã.

Chính phủ hiện có 5 Phó thủ tướng, giảm đi 3, còn 2 như các nước được không?

Các Bộ hiện có từ 4 đến 6 Thứ trưởng, bớt đi chỉ còn 1 đến 2 như các nước văn minh được không? Bớt 1 Thứ trưởng là bớt đi phòng riêng, xe riêng, nhà công vụ, thư ký riêng, bớt đi nhiều chuyến dẫn đoàn đi công tác nước ngoài; bớt đi nhiều cuộc họp vô ích, bớt đi nhiều chỉ thị thừa, nhất là bớt đi một ông quan thì dân bớt khổ.

Bộ máy Trung ương giảm đi tối đa thì bộ máy hành chính 63 tỉnh/thành, 705 quận/huyện, 10.599 cấp xã/phường cũng giảm theo. Tinh gọn bộ máy đến mức tối thiểu (cũng là tối ưu, trong thời đại 4.0) thì bớt được biết bao nhiêu loại cán bộ “ăn của dân không chừa thứ gì”, không những thế còn làm khổ dân như Phó Chủ tịch phường “bánh mì” Trần Lê Hữu Thọ ở Nha Trang.

3. Bớt các tướng lĩnh và giảm biên chế ngành Công an được không?

Hiện Bộ Quốc phòng có 489 tướng, Bộ Công an có hơn 200 tướng. Nghe nói Việt Nam nhiều tướng quân đội và công an nhất thế giới?

Riêng nhiệm kỳ của Chủ tịch Trần Đại Quang – Nguyễn Phú Trọng đã thăng 574 cấp tướng: “(Thanh tra) – Trong nhiệm kỳ 5 năm (2016-2021), Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm và cấp bậc hàm cấp tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân và 174 sĩ quan Công an nhân dân”…

Bớt đi vài trăm tướng, chỉ còn tối thiểu như thời Việt Nam DCCH được không? Thời đó ít tướng, sao quân đội Việt Nam hùng mạnh thế? Còn bây giờ nhiều tướng để làm gì? Thêm 1 tướng là thêm lương cao, quyền lớn, kẻ hầu người hạ, thêm đội quân cho tướng chỉ huy …gây biết bao tốn kém và phiền nhiễu?

Nhiều tướng, rồi tướng quan liệu, tham nhũng, đi tù hàng loạt, càng mất uy tín của lực lượng vũ trang, mà dân thêm xấu hổ!

Công an Việt Nam hẳn biên chế dôi dư nhiều, nên khi có sự kiện gì “nhạy cảm” là 3-4 công an đến canh gác mỗi “đối tượng nhạy cảm” ở thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh… Đại hội diễn ra 5 ngày thì canh cả 5 ngày; Phiên tòa “nhạy cảm” diễn ra 3 ngày là canh cả 3 ngày. Không biết trên thế giới có nước nào thừa công an để làm như vậy không? Bớt đi! Bớt được nhiều lắm, đỡ tốn cơm dân và đỡ làm xấu mặt thêm cho ngành công an, trước mắt nhân dân..

TÓM LẠI, Giảm đầu mối và biên chế như trình bày ở trên, sẽ hiệu quả gấp trăm, ngàn lần sáp nhập 10 tỉnh, mà dân rất vui mừng, hoan nghênh, xã hội không những không bị xáo trộn mà còn quang đãng, thông thoáng, sạch sẽ hơn.

Với mục đích tinh gọn bộ máy và giảm bớt biên chế ăn lương nhà nước mà Bộ Nội vụ đề xuất nhập 10 tỉnh thì chỉ nhìn thấy “con chuột nhắt” mà không nhìn thấy bộ máy cai trị cồng kềnh như “con voi” to lù lù trước mắt!

Không đề xuất được phương án xử lý “con voi” bộ máy quốc gia thì Bộ Nội vụ còn tồn tại làm gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.