Huyền thoại Cuba (Phần 2)
22-7-2021
Tiếp theo Phần 1
Một số người đọc bài trước của tôi tỏ ý khâm phục một mô hình “XHCN Cuba”.
CNXH nào cũng phải chấp nhận nguyên tắc cơ bản mà Marx và Engels, những người sáng lập ra nó đã đề ra. Đó là xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất (nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất v.v.), từ đó sinh ra sự điều tiết sản xuất tập trung và cuối cùng là sự phân phối công bằng của cải làm ra cho mọi thành viên trong xã hội (xã hội =society, tính từ = social và học thuyết là Socialism).
Theo khái niệm này thì việc gắn mác XHCN cho các nhà nước phúc lợi Bắc Âu là sai. Ở đó kinh tế tư nhân là chính. Nhà nước tư bản chỉ thu thuế và làm tốt việc chia lợi tức cho dân (vế sau của CNXH). Ngược lại, Bắc Triều Tiên cũng không phải là nước XHCN. Ở đó tuy không một sợi lông nào của kinh tế tư nhân mọc được (vế đầu của CNXH) nhưng của cải chỉ chia cho triều đình dòng họ Kim, dân chết đói.
Về sau ông “Lenin ở nước Nga” đưa thêm vế “Nhà nước chuyên chính vô sản” vào học thuyết đó để xây dựng thành CNXH hiện thực (Real Socialism), nhằm phân biệt với CHXH không tưởng (Utopian Socialism) của các ông Saint-Simon và Fourrier [1], vốn không công nhận vai trò nhà nước.
CNXH hiện thực chủ trương thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản lên giai cấp tư sản (và các giai cấp khác trong xã hội). Giai cấp vô sản không chỉ độc quyền chiếm giữ tư liệu sản xuất, phân phối phúc lợi xã hội, mà nắm giữ quân đội, cảnh sát, điều hành xã hội, báo chí, giáo dục, y tế v.v. kể cả tôn giáo. Ở mọi nước XHCN Đông Âu, châu Á cũng như châu Phi [2] các nguyên tắc này được áp dụng triệt để. Cuba cũng không ngoại lệ.
Nhưng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, tâm lý (mentality) của từng dân tộc tạo ra lối sống khác nhau ở mỗi nước. Lối sống của cả một dân tộc ảnh hưởng đến đường lối chính trị của các đảng cầm quyền là điều hiển nhiên. Hungary và Ba-Lan là những trường hợp thú vị. (Khi nào sảng khoái tôi sẽ kể).
Nước Lào, tuy cũng theo đuổi mục tiêu XHCN, tuy cán bộ của họ đều học ở Việt Nam về, nhưng với bản chất hiền lành, chân thực của người dân, với nền tảng đạo phật ít bị phá vỡ, luôn tạo ra một cảm giác dễ chịu cho khách viếng thăm. Chỉ riêng việc chấp hành luật lệ giao thông, người Việt chưa biết bao giờ mới học nổi người Lào. Ngược lại, thói chụp giật, tham lam thì họ phải gọi người Việt bằng cụ.
Người Cuba đa số có nguồn gốc Tây Ban Nha, và khoảng 30% từ những người nô lệ gốc Phi. Trải qua mấy trăm năm chung sống và đấu tranh giành độc lập, họ đã trở thành một dân tộc, với một nền văn hóa đặc trưng. Siboney, Guantanamera… là những nhạc phẩm nổi tiếng thế giới. Người Cuba với tinh thần hiệp sỹ kiểu Tây Ban Nha, sống trong thiên nhiên ưu đãi khiến họ rộng rãi hào hiệp (như những người dân Nam Bộ). Họ hiền lành, chất phác, giỏi chịu đựng, thích đàn ca nhảy múa như anh bạn Lào. Người Cuba không láu cá, khôn vặt và không thích ngang tắt.
Một xã hội Cuba nghèo khổ nhưng ít nhem nhuốc là do yếu tố văn hóa và truyền thống dân tộc chứ không phải do chế độ chính trị. Mấy trăm năm qua, Cuba vẫn như vậy.Hình ảnh người Cuba trật tự xếp hàng dài chờ được mua một chút nhu yếu phẩm chứ không tranh giành, cướp giật khiến tôi nghĩ đến những người dân thật thà, tử tế trong một nhà nước thất bại. Anh hùng cũng thất bại chứ!
Vì vậy khi những người dân hiền lành kia xuống đường hôm 11.7 đòi cơm áo thì chớ nên vội vã ghép ngay cho họ cái tội phản động, bị bọn xấu xúi giục. Ba hôm sau 14.7, phát biểu trên truyền hình, thủ tướng Marrero bên cạnh việc lên án những người biểu tình và các thế lực ngoại bang đã hứa sẽ mở rộng việc sản xuất điện và thuốc men, thực phẩm. Việc hạn chế người dân mang thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm về nước theo hàng xách tay sẽ được xóa bỏ ngay lập tức. Quyết định này có hiệu lực đến hết năm. Chủ tịch nước Diaz-Canel cũng hứa sẽ “phân tích một cách phê phán” (Critical analyze) tình hình đất nước [3].
Các nhân nhượng này tạm thời giảm bớt căng thẳng cho thị trường, nhưng bi hài ở chỗ: Những người trung thành với chế độ tham gia các cuộc “phản biểu tình” hôm đó cũng được hưởng lợi từ các cuộc biểu tình mà họ lên án.Tin về các cuộc biểu tình khiến một số người hả hê. Họ lạc quan cho rằng nhà nước XHCN ở Cuba đã cáo chung. Họ đã nghĩ vậy từ khi Cuba thay đổi hiến pháp năm 2019, công nhận tư hữu và không nhắc gì đến mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng từ đó đến nay, xã hội Cuba hầu như không thay đổi. Một số khác thì buồn cho dân tộc Cuba thông minh, nhân đạo, nghĩa hiệp phải chịu đựng một số phận khắc nghiệt mà họ gọi là “Lời nguyền Castro”: XHCN Hay Là Chết.
Số còn lại thì hoang mang, không rõ thực hư thế nào, lo cho nhà nước XHCN anh em. Tôi thì biết chắc là người Cuba khổ lắm. Các bạn tôi học ở Cuba về, sau quay lại thăm trường cũ cũng thấy vậy. Cô Sol, hàng xóm của tôi ở đây cũng khẳng định điều đó. Khi ngồi nói chuyện với tôi, cậu em cô vẫn chat qua mạng kể chuyện nhà.
Để hiểu rõ tình trạng của xứ sở đáng ngưỡng mộ đó, tôi cất công tìm tòi và xin đơn cử một vài số liệu về cuộc sống vật chất.
Tháng 12.2020, Cuba đưa ra chính sách tiền tệ và lương mới. Đó cũng là một bước cải đi cách lại như thời kỳ “Giá-Lương-Tiền” ở ta 40 năm trước. [4]
Theo đó, từ ngày 1.1.2021 chế độ hai đồng tiền CUP (Cuba Peso = tiền Cuba) và CUC (Cuba Peso Convertible = tiền Cuba chuyển đổi từ ngọa tệ) tồn tại từ gần 20 năm qua bị xóa bỏ. Trên toàn quốc chỉ lưu hành tiền CUP. Ngoại tệ sẽ đổi trong các ngân hàng nhà nước với giá 1 USD = 24 CUP sang thẻ MLC (Moneda Libremente Convertible) để dùng trong các cửa hàng giao tế (Intershop).
Lương tối thiểu (công nhân, y tá) sẽ nâng lên 2.100 CUP/tháng = 87 USD. Tối đa là 9.510 CUP = 396 USD/tháng (Chủ tịch nước). Vì 1 USD gần bằng 24.000VND nên tôi cứ tạm tính 1 CUP = 1.000 VND.Ông bác sỹ Cuba nào đó may mắn được lĩnh 5.060 CUP/tháng (210 USD hay 5.000.000 VND), chưa bằng cô công nhân ở Bình Dương.
Nhiều người sẽ không tin vào mức lương thấp như vậy. Họ hỏi: Cuba có thu nhập đầu người khoảng 7.500 USD/năm, cao hơn gấp đôi Việt Nam, sao người lao động lại ít tiền như vậy? Chuyện này tốn khá nhiều giấy, xin để bài sau.
Chỉ biết rằng: Sau đợt cải cách tiền lương tháng 6.2019, dân Cuba đã hân hoan khi mức lương thấp nhất được nâng lên 400 CUP (16 USD). Ông giáo sư đại học mừng húm khi cầm 1700 CUP(68 USD), theo “Thời báo Havana” [5].
Nhưng chỉ sau 18 tháng, cải cách đó phá sản vì vật giá leo thang nhanh quá. Nay chính phủ phải tăng lương gấp 4-5 lần.
Người Cuba ngay thẳng, không hay ngang tắt, xé rào nên không có chuyện 6 triệu theo bảng lương nhưng lãnh 30 triệu như ở ta. Vậy ông bác sỹ Cuba với 5.000.000 VND/tháng có đủ nuôi một gia đình 4 miệng ăn?
Trang mạng Numbeo.com[5] thường xuyên cập nhật giá sinh họat ở từng nước. Người đọc có thể, quy ra tiền nước mình. Nếu chọn Cuba, dùng tiền VND sẽ thấy: 1kg gạo=24.600 VND, 1 cân cà chua= 54.000VND, một lít sữa 65.000VND, một cân hành 50.000 VND, đắt hơn ở VN. (Nhưng giá 12 quả trứng, chỉ có 18.600VND, rẻ bằng nửa ở ta).
Bác nào sống ở Cuba có thể xác định các số liệu về lương và giá ở đó thì tôi vô cùng cảm ơn.
Dù sao thì những ai lĩnh 2.100 CUP (2.100.000 VND) cũng đủ mua gạo và trứng ăn hà tiện cả tháng. Vậy thì lý do gì họ phải xuống đường để ăn đòn của cảnh sát và vào tù? (tin chưa kiểm chứng nói là 5.000 người bị bắt).
Xin thưa: Đây giá và lương theo quy định của chính phủ. Muốn có giá đó phải xếp hàng cả ngày để rồi có lúc về không. Ở chợ đen, giá một cân thịt bò là 24 USD= 570 CUP hay 560.000VN, một cân gạo 145 CUP hay 140.000 VND (Cô Sol cho tôi biết như vậy).
Khan hiếm hàng hóa và các vấn nạn tiền tệ (quan hệ giữa CUC, CUP, MLC), các quy định về ngoại hối, thuế nhập, Covid 19 v.v làm cho vấn đề gay gắt hơn nhiều.
(Còn tiếp)
*Ghi chú:
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Utopian_socialism
[2] Các nước Ethiopia, Angola và Mozambique đã có thời kỳ thử nghiệm chế độ XHCN
[4] https://www.dw.com/de/w%C3%A4hrungsreform-kuba-und-der-tag-null/a-56082952
[5] https://havanatimes.org/news/cuba-raises-minimum-wage-to-16-usd-a-month/
[6] https://www.numbeo.com/cost-of-living/country_result.jsp?country=Cuba&displayCurrency=VND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.