Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Một khái niệm chưa rõ nghĩa nhưng được nhắc tới rất nhiều

 

Một khái niệm chưa rõ nghĩa nhưng được nhắc tới rất nhiều

Ngô Huy Cương

4-6-2021

Không một người Việt nào không một lần được nghe tới “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Thế nhưng nó có nghĩa là gì thì tôi dám chắc rằng không phải bất kỳ ai, ngay cả những chính trị gia, những nhà nghiên cứu, giảng dạy hiểu đúng về nó.

Ấy thế mà Hiến pháp 2013 tuyên bố tại Điều 2 rằng: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (khoản 1).

Hiến pháp 2013 (như trên đã dẫn) và phần lớn các lý giải ở nước ta về “nhà nước pháp quyền” đều đánh đồng “nhà nước pháp quyền” với một hình thức nhà nước cụ thể, tổ chức nhà nước cụ thể.

“Nhà nước pháp quyền” trước hết là một học thuyết có một hạt nhân lý luận mà bất kể nhận thức nào cũng không thể xa rời- đó là “nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật để bảo vệ quyền tự do của cá nhân con người”.

Vì thế khi dịch thuật ngữ “État de Droit” từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, các học giả của Việt Nam Cộng hòa dịch thành “quốc gia thượng pháp” (hiểu mộc mạc là nhà nước luôn đặt pháp luật lên trên đầu).

Các học giả của ta ngày nay dịch thành “nhà nước pháp quyền” (có lẽ từ tiếng Nga). Cách gọi này gây khó hiểu hơn nhưng có thể cắt nghĩa mộc mạc là nhà nước thuộc quyền của pháp luật.

Tiếng Anh gọi khái niệm “nhà nước pháp quyền” là “The Rule of Law” mà không có từ “nhà nước” nào trong đó cho thấy rõ hơn là “nhà nước pháp quyền” không chỉ một hình thức hay một tổ chức nhà nước cụ thể nào.

Đây là một học thuyết của Phương Tây đã trở thành một nguyên tắc vận hành của bất kỳ nhà nước cụ thể nào thừa nhận nguyên tắc đó. Lưu ý rằng nó cũng khác với khái niệm chế độ chính trị.

Ý tưởng và nội dung chủ yếu của “nhà nước pháp quyền” xuất hiện đầu tiên (trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ) tại Đại Hiến chương Magna Carta (Magna Carta Libertatum) ở Anh Quốc vào năm 1215 là một Đại hiến chương về những quyền tự do thỏa hiệp giữa nhà vua Anh với những người dân và quý tộc chống lại nhà vua. Nhà vua bị ràng buộc bởi luật lệ để bảo vệ quyền tự do cá nhân của con người và tiếp cận công lý.

Ở ta hiện nay rất nhiều người, ngay cả các học giả nhầm lẫn giữa nguyên tắc “nhà nước pháp quyền” với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa hay nguyên tắc pháp trị.

Vì vậy “nhà nước pháp quyền” gần gũi với tư pháp và đối lập với nguyên tắc dân chủ hướng tới số đông gần gũi với lập pháp.

Khi ta nói “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” có nghĩa là ta đã làm hẹp đi nguyên tắc “nhà nước pháp quyền” nói chung bởi nhà nước pháp quyền buộc phải thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa và tính chất dân chủ (lưu ý: “chính quyền của dân, do dân, vì dân” là một câu nói của Abraham Lincohn ở Mỹ để nói về dân chủ).

Nếu gộp “nhà nước pháp quyền” với “dân chủ” làm một thì ta có thể tưởng tượng đó là “dân chủ tự do” ở Phương Tây.

Học thuyết “nhà nước pháp quyền” nói chung xem nhà nước chỉ là một cấu trúc pháp lý (có nghĩa là do pháp luật tạo dựng nên, khác với coi nhà nước là tổ chức bạo lực của giai cấp thống trị như chủ nghĩa Mác- Lê Nin) và coi công dân ngang bằng với nhà nước.

Vậy tính chất “xã hội chủ nghĩa” trong khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” là gì?

Học thuyết “nhà nước pháp quyền” du nhập vào nước ta từ sau khi chúng ta “đổi mới”. Luận án tiến sĩ luật học đầu tiên nghiên cứu về vấn đề này là của cố PGS. TS. Lê Văn Hòe (từng là Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật của Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Sau đó có một phong trào nghiên cứu, hội thảo rầm rộ về “nhà nước pháp quyền”.

Người nước ngoài nhiệt thành nhất trong việc phổ biến học thuyết “nhà nước pháp quyền” vào Việt Nam là giáo sư Umbach (nguyên thẩm phán Tòa án Hiến pháp của Cộng hòa Liên Bang Đức) và Viện Cộng hòa của Hoa Kỳ. Tôi cũng hăng hái viết nhiều về “nhà nước và pháp quyền” trong nhiều cuốn sách và đăng tải trên nhiều tạp chí chuyên môn, nhất là Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.

Nhưng nay những cơ quan và học giả có trách nhiệm đã ai giải thích rõ, dễ hiểu và công khai cho nhân dân thấm khái niệm “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” chưa?

Trong dịp bầu cử vừa qua, chúng ta tuyên truyền và nhắc tới quá nhiều khái niệm này, cho nên nhiều người không hiểu nhờ tôi giải thích. Chắc chắn là tôi từ chối giải thích vì tôi không có trách nhiệm, tôi cũng không chắc chắn và tôi e ngại nhiều vấn đề khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.