Bun không chỉ có hoa hồng
Nam Nguyễn
21-6-2021
Trích “Đông Âu Anh Hùng Truyện”
Cuối năm 1980 bắt đầu có nhiều người Việt Nam sang Bungaria làm việc ở các nhà máy và trang trại theo diện “hợp tác lao động” và tạo ra cộng đồng người Việt Nam tương đối đông với mục đích chung chả cần phải bảo cũng đều biết, là kiếm tiền chuyển thành hàng hóa mang về làm kinh tế gia đình.
Cũng từ những năm 80-81, một số nhỏ sinh viên Việt Nam ở Sofia bắt đầu quan tâm đến việc làm ăn như buôn bán đô la Mỹ, chuyển hàng may mặc từ Việt Nam sang (ngày đó chỉ có một vài kiểu áo nữ nghèo nàn như áo phông cành mai, áo thêu rồng phượng và quần jeans) và mua hàng từ cửa hàng miễn thuế (cassette, quần áo,…) ra bán cho dân “quốc tịch” Digan và Thổ.
Từ năm 1982 khi có nhiều người thuộc diện hợp tác lao động bắt đầu về phép thăm gia đình thì hình thành dịch vụ sân bay chuyên lo vé máy bay và chuyển hàng hóa về nước. Đường dây của anh L và anh Ph chiếm lĩnh sân bay Sofia và được coi là những người “gặt hái” được nhiều tiền nhất lúc bấy giờ. Nước Bungari nhỏ bé, dân số khoảng 8-9 triệu người, người Bun hiền lành và chân chất với thu nhập khiêm tốn nên thị trường rất nhỏ so với Liên Xô và các nước Đông Âu khác.
HỌC PHÍ
Nó học ở thành phố lớn thứ hai của Bun là Plovdiv. Vào kỳ nghỉ hè năm 1984, anh C. học trên 3 khóa vừa tốt nghiệp nói với nó “anh bắt đầu làm ăn cùng vợ chồng anh Th. (là đồng hương Hải Phòng của anh C. và là công nhân xuất khẩu lao động) nhưng anh sẽ chỉ ở lại được 1 năm, muốn tìm người tin cậy tiếp tục hợp tác với vợ chồng anh Th. vì hai người không biết tiếng dễ bị mất mối. Ở trường Hóa anh thấy em là đứa nhanh nhẹn, đàng hoàng nên rủ em”. Nó rất ngạc nhiên vì từ trước tới giờ có biết làm ăn gì ngoài “đi cày” vào những dịp nghỉ hè (ngày ấy tụi sinh viên thường gọi việc đi làm vào mùa hè là “đi cày”). Các mùa hè trước nó thường tham gia lao động hè một tháng do Đại Sứ Quán tổ chức – đây là việc bắt buộc cho các sinh viên chưa có chương trình thực tập trong mùa hè theo chuyên ngành học (thông thường từ hè năm thứ 3 mới có thực tập môn ngành) – sau đó xin việc ở nhà máy hoặc trang trại nào đó làm cho hết hè.
Mức thu nhập từ lao động hè cao hơn học bổng một chút nên chỉ đủ mua chút quà nhỏ gửi về cho gia đình. Nó suy nghĩ và đồng ý với điều kiện có sự tham gia của “lão” B. sau này là bố của các con gái nó. Anh C. đồng ý cho B. cùng tham gia với điều kiện chỉ tham gia các công việc “hậu cần” chứ không tham gia việc “ngoại giao” với mối hàng. Khởi đầu là việc may quần jeans với nguồn vải mua từ một cửa hàng anh C. đã tạo được mối quan hệ. Việc đầu tiên chúng nó cần làm là vay vốn để mua máy khâu, thuê một căn nhà nhỏ cho anh C. ở và là nơi may quần jeans. Vợ chồng anh bạn tên Nenko rất nhiệt tình đã cho chúng nó vay 1.000 Lê-va là khoản tiền rất lớn đối với sinh viên lúc đó để mua một chiếc máy khâu Ba Lan hiệu “Lucznik 466” và mấy trăm tiền mặt còn dư góp vốn cùng nhóm.
Nó đã quen lao động từ bé, từ nấu nướng giặt giũ cho đến đan len may vá từ thưở còn cắp sách tới trường để giúp bố mẹ, thậm chí cỗ bàn cũng có thể một tay đảm đương được hết. Vốn đã biết may từ thuở học cấp hai nên việc may quần jeans rất dễ dàng với nó, mặc dù cái “nghề may quần bò” này những chủ lực chính thường là đàn ông cơ! Cứ hết giờ học là nó chạy thẳng ra nhà thuê, ngồi lỳ trên máy khâu tới 10 – 11 giờ đêm, nó may nhanh và đẹp nên là thợ may chính của nhóm. Anh C. lo liệu mua vải, phụ liệu, B. lo khâu cắt, vợ chồng anh Th. chuyển quần xuống các mối nơi L. là vợ anh Th. ở, cách thành phố Plovdiv khoảng 2-3 tiếng đi tàu xe. Giá thành một chiếc quần jeans chừng 30 Lêva, giá bán sỉ khoảng 45-50 Lêva, mỗi tuần bán ra được khoảng 40 cái. Nó chỉ biết chăm chỉ ngồi may mà chả quan tâm đến việc mua bán diễn ra như thế nào nhưng dường như anh C. và vợ chồng anh Th. rất hài lòng với mọi việc.
Thời gian trôi thật nhanh, tới lúc anh C. phải về nước vì đã ở quá hạn 1 năm. Thời gian này vải ka-tê của Bungari đã có giá ở thị trường Việt Nam, anh C. mua chật 1 góc nhà các loại vải và chuẩn bị đóng hàng. Có thể sau gần 1 năm làm cùng nhau, tạo dựng được mối quan hệ với nguồn cung cấp vải lớn các anh thấy việc chia chác sẽ bị thiệt thòi (thống nhất tỷ lệ chia lúc đầu là anh C. 1/3, vợ chồng anh Th. 1/3 và nó cùng B. 1/3) và vợ chồng anh Th. có thể đứng vững mà không cần biết tiếng Bun nên biến cố đã xảy ra: Tháng 6/1985, anh C. và anh Th. tuyên bố không làm ăn chung nữa vì anh C. sắp về nước và vợ chồng anh Th. sẽ làm riêng. Nó hỏi anh C. sao lại khác với mục đích hợp tác ban đầu anh ấy đặt ra và chỉ nhận được những câu trả lời ngang ngang, cùn cùn. Nó hỏi về vấn đề ăn chia thì bị ông Th. trừng mắt dọa nạt nói là không có gì để chia chác.
Lúc này nó mới nhớ ra khi rủ nó hợp tác anh C. đã lưu ý rằng anh Th. giỏi võ nên khi cần chiến đấu với nhóm công nhân Việt Nam để giữ mối thì anh Th. sẽ lo liệu và giờ đây nó đang được chứng kiến sự trở mặt đến trơ tráo của hai ông anh này. Tự trách mình quá ngây thơ, chỉ biết chăm chỉ làm việc mà chả quan tâm đến kết quả và giờ đây ôm nỗi lo lớn về khoản vay vợ chồng anh bạn Nenko. Suy nghĩ mãi cuối cùng nó hiểu thêm một phần nguyên nhân anh C. rủ hợp tác là vì anh ấy đã tốt nghiệp nên không có giấy tờ để thuê nhà, vợ chồng anh Th. là công nhân phải ở theo bố trí của nhà máy nên chỉ có nó hoặc B. mới thuê được nhà. Nắm được điểm yếu này và biết chỉ có nó là nữ đứng ra “chiến đấu” thì hai lão kia mới không dám gây sự nên nó yêu cầu thanh toán phần của chúng nó, nếu không thì phải dọn hết đồ ra khỏi nhà thuê trong vòng 1 ngày. Bí quá hai lão kia áp đặt một khoản chia phần cho thời gian làm việc cật lực gần một năm của chúng nó là 20 cái quần jean được tính theo đơn giá 60 Lê-va. Số quần này đã lỗi thời kể cả bán lẻ cũng không tới giá đó nhưng nó đành chấp nhận coi như trả học phí cho việc tập tọe làm kinh doanh.
(Ghi chú: học bổng sinh viên Việt Nam ở Bun thời đó 110 Leva, khoảng 35 $, quần jeans Levis 27-28 $/cái. Nhà ăn dành riêng cho sinh viên có giá được giảm là 0,50 Lê-va/bữa chính, ăn sáng khoảng 0,30-0,40 Lê-va nhưng chất lượng bữa ăn giống như cơm bụi cho sinh viên Việt Nam bây giờ nên các nhóm hay tụ tập nấu ăn thêm vào buổi tối hoặc cuối tuần. Món khoái khẩu và dễ nấu nhất là món Fide (mì trứng) nấu với cá hộp đã trở thành món truyền thống của sinh viên. Nói chung, học bổng cũng chỉ mức đủ ăn mặc bình thường cho sinh viên. Một vài người quanh năm ăn nhà ăn và tiết kiệm mặc thì hàng tháng cũng dành được một khoản nho nhỏ cộng với tiền “đi cày” vào các mùa hè để trước khi về nước cũng có được 1-2 “viên gạch” mua đồ mang về (sinh viên dùng đơn vị “viên gạch” để ví von cho khoản tiền tương đương 1,000 Lê-va)
Công nhân thu nhập 200-300 Lêva/tháng, nhưng thường tự nấu ăn do không có nhà ăn rẻ như cho sinh viên và nhiều người không quen được với món ăn “Tây” nên cũng không dư dả nhiều.)
ÔNG BÀ XA-SÔ
Số lượng sinh viên Việt Nam ở thành phố Plovdiv – thành phố lớn thứ 2 của Bungari – không đông như ở các thành phố khác nhưng công nhân xuất khẩu lao động thì tương đối nhiều. Họ làm việc ở các nhà máy sản xuất xe nâng hàng, nhà máy dệt, nhà máy chế biến rau quả và rất nhiều công nhân làm việc tại các công trường xây dựng. Plovdiv được người Việt biết đến là nơi bán nhiều loại vải hợp với yêu cầu người Việt mang về nước, các loại vải jean và vải nhung nhập từ các nước Tây Âu và Trung Quốc để may quần áo nhái các nhãn hiệu, bán tại chỗ.
Cả thành phố có khoảng 3-4 cửa hàng bán loại vải hợp với “khẩu vị” của người Việt và Bagra là cửa hàng vải lớn nhất với nhiều loại vải được chia thành các quầy khác nhau. Cửa hàng nằm ngay trung tâm nhìn ra quảng trường nhỏ có đài phun nước xinh xắn là nơi người dân thường ngồi thư giãn. Quản lý cửa hàng là ông Alekxanđưr (tên gọi thân mật là ông Xa-sô) khoảng 60 tuổi là người nhanh nhẹn, hơi nóng tính và có mối quan hệ rộng ở thành phố.
Cuối năm 1984, nó được anh C. dẫn đến nhà ông bà làm khách và giới thiệu là em họ. Căn hộ một phòng ngủ của ông bà nằm ngay góc ngã tư bên kia sông Marisa cách ký túc xá sinh viên chừng 1 km. Bà Elena làm việc văn phòng, tính tình nhẹ nhàng, ít giao tiếp với bên ngoài. Ông bà có vẻ quý nó ngay từ lần đầu gặp nên dặn dò “cháu ở gần đây thì thỉnh thoảng qua chơi với bà cho vui cửa nhà”. Sau lần gặp đó nó chỉ ghé cửa hàng chào hỏi ông một đôi lần cho tới khi xảy ra “cuộc chia tay không mong đợi” với hai ông anh kia. Việc trở về “âm vốn” đã dạy nó bài học khôn lỏi đầu tiên là im lặng chờ anh C. về nước rồi mới bắt đầu việc làm ăn. Hè năm đó nó đi nghỉ biển Varna chỗ cô bạn thân lâu hơn mọi năm, trở về Plovdiv với nước da không thể đen hơn và lúc đó anh C. đã về nước, chúng nó tiếp tục thuê căn nhà đó để làm ăn.
Một chiều thu nắng vẫn chói chang, nó đi qua cửa hàng Bagra thấy ông Xa-sô đang đứng ở bàn vải kê bán ở mặt đường, ông nhận ngay ra nó vội hỏi “Anche, sao lâu nay không thấy cháu đâu cả?”, nó bột phát nói dối rất nhanh “dạ, hè này cháu về Việt Nam thăm gia đình, mới quay lại đây được 2 ngày ạ” rồi ông khen da nó đen đẹp chắc do về Việt Nam phơi nắng nhiều và mời nó ghé nhà chơi – một cơ hội mà nhiều người Việt Nam ở đó rất muốn. Nó hẹn sẽ tới thăm ông bà vào tối hôm sau là tối cuối tuần.
Về ký túc xá nó chạy kiếm mấy thứ đồ mà mọi người hay mang từ Việt Nam sang. Mua được cái lọ hoa bằng đá cộng với mấy bộ mành mành và bộ khăn phủ giường với vỏ gối bằng vải sa tanh màu đỏ đô có thêu hoa bằng tay rất đẹp mà nó còn giữ được cùng với hộp nhân nem rán và ít vỏ nem là đủ “gói quà ngoại giao”. Buổi tối ở nhà ông bà thật vui và ấm cúng, nó trình diễn món nem rán ngay tại bếp và ông bà rất thích thú vì lần đầu được thưởng thức. Ông bà chưa biết nhiều về Việt Nam nên nó tha hồ bi bô các chuyện về quê hương rồi đến chuyện cá nhân và đặc biệt nó cũng phải “diễn” như thật khi ông bà hỏi về người anh họ tên C. của nó. Nó đã chiếm được cảm tình của ông bà sau lần đó. Thời gian sau nó thường gọi điện nói chuyện với bà vào chiều tối khi bà đợi ông đi làm về trễ hơn và thỉnh thoảng đi dạo qua cửa hàng chào hỏi ông mấy câu.
Những năm này đại sứ quán đã cho phép các đôi kết hôn và nhiều cặp đã tính đến làm đám cưới để đỡ gánh nặng khi về nước cũng như sinh con ở nước ngoài cho con cái được hưởng chút sung sướng lúc chào đời. Lúc này mối quan hệ với ông bà đã trở nên thân thuộc, nó nói chuyện với ông bà về dự định làm đám cưới, ông bà mừng lắm và nhiệt tình lo liệu cho chúng nó. Tiệc cưới rất đơn giản vì toàn là lũ thanh niên với nhau trong điều kiện tài chính hạn hẹp. Ông bà nhận là người đỡ đầu đám cưới, lo liệu mua vải may quần áo và mua rượu nho từ người quen ở ngôi làng nho nổi tiếng. Việc ông bà xuất hiện với vai trò là đỡ đầu đám cưới của nó như đánh dấu chấm thất vọng cho một số người đang dày công tạo dựng mối quan hệ với ông.
Một ngày nó nói với ông là muốn tiếp tục mua vải jeans và nhung để may đồ, đồng thời thu xếp mọi thứ để khởi động: hoàn thành việc bán đống quần cũ với giá bèo bọt được mấy trăm Lê-va, làm lại rập giấy cho mẫu quần áo mới, tìm mối bán hàng mới. Dân da đen thường qua Thổ Nhĩ Kỳ mang quần áo về Bun bán, nó đặt hàng anh bạn da đen cùng ký túc xá các phụ kiện như chỉ, cúc, đinh trang trí, nhãn mác… Nhãn mác quần áo phụ thuộc nhiều vào các sự kiện lớn đặc biệt là bóng đá. Đầu năm 1985, cầu thủ Zico đang nổi như cồn nên dân Bungaria chuộng nhãn hiệu quần jeans “Zico” và việc kinh doanh của nó bắt đầu với nhãn quần áo mang tên cầu thủ Brazil tên hiệu là “Pele trắng” này.
Vốn ít, đường dây tiêu thụ mới chưa ổn và năm học thứ tư cũng đòi hỏi nhiều thời gian hơn nên nó cũng chỉ gọi là túc tắc cho quen việc, lúc này nó cũng chuyển hẳn về căn phòng được phân ở ký túc xá. Công việc tốt hơn khi chúng nó tạo thêm được mối giao hàng với anh Bình – công nhân ở thành phố Stara Zagora cách Plovdiv khoảng hơn 100 km nhưng đi bus hay tàu hỏa phải mất hơn 3-4 giờ. May mắn về việc kinh doanh gắn liền với dấu hiệu của việc sắp được làm mẹ làm nó càng phải cố gắng hơn. Cứ mỗi tuần hoặc hai tuần chúng nó phải mang quần jeans xuống Stara Zagora. Để tránh bị công an kiểm tra, phải đi bằng bus và về bằng tàu nhưng chẳng hiểu sao cứ lão chồng xách hai túi đựng đầy quần jeans ra bến xe là bị kiểm tra, may mà năn nỉ và thoát được nên nó đành phải đảm nhiệm việc giao hàng: 7h sáng ra bến xe Plovdiv với 2 tay hai túi nặng, xe chạy chừng 11h tới Stara Zagora, lại xách tay đi bộ khoảng 1 cây số mới tới nhà anh Bình (thực ra anh Bình cũng ra bến xe bus đón nó nhưng không dám xách giúp vì sợ bị công an tóm mà chỉ đi theo cách nó vài chục mét), trở về trên chuyến tàu 4 giờ chiều tới 8 giờ tối mới về tới nhà. Thời gian đi lại và xách nặng không làm nó ngại bằng quãng đường đi bộ trơn trượt vào những hôm tuyết nhiều.
Số lượng vải jeans hay nhung ông Xa-sô nhập về không nhiều nhưng cũng đủ cho nó kỳ cạch may giao bán cho mối anh Bình và một mối ngay Plovidv. Nó tổng kết số lượng vải mua mấy đợt và mang tiền đến gửi ông, lúc đầu ông không chịu nhận vì coi như giúp con cháu trong nhà nhưng nó nói với ông là việc ông dành vải cho nó đã là tình cảm rồi, nó sẽ gửi ông như những người khác đã làm. Giá vải jeans nhập khẩu là 16 Lê-va/mét, nó gửi riêng cho ông 5 Lê-va/mét cao hơn hẳn so với các mối khác vẫn trả ông trước đó.
Sau 3 tháng miệt mài, chúng nó đã trả được món nợ cho vợ chồng anh Nenko, coi như ngoi được lên mặt đất cũng là lúc nó siêu âm và biết tin mình có thai đôi. Nó đã chứng kiến các chị năm trên tự nuôi con vất vả như thế nào mà bây giờ nó sẽ phải vất vả hơn nhiều so với nuôi một em bé nên rất hoảng sợ khi nhận kết quả siêu âm. Nó chạy ngay sang nhà ông bà nước mắt giàn giụa làm ông bà hốt hoảng không hiểu chuyện gì xảy ra với nó. Được an ủi và bình tĩnh trở lại, nó báo cho ông bà việc có con sinh đôi, ông bà vỗ tay ầm lên “Ôi thế là ông bà không phải tranh cãi lấy tên ai đặt cho cháu nữa, mỗi người sẽ có một đứa cháu đứng tên mình!”. Đấy, ông bà cứ tự nhận những việc mà chỉ làm cho những người rất thân, ông bà đã coi chúng nó là người thân của gia đình. Nó vẫn bần thần nói với ông bà “Con không biết sẽ nuôi hai bé như thế nào khi mà học bổng chỉ có 110 Lê-va/tháng – tiết kiệm lắm cũng chưa chắc đã đủ ăn!”. Ông nói “con xem cần ông giúp được gì để làm ăn được thì cứ nói, không phải ngại gì nhé! Bây giờ là phải lo cho cháu của ông bà”. Ông tự nói với nó là sẽ dành vải jeans và nhung cho mình nó mà không chia cho mối khác nữa.
Nó lại cắm đầu vào việc may! Tháng 4 đã tới, thời tiết ấm hơn và tin tức về World Cup 86 cũng bắt đầu nhộn nhịp nên quần áo bán chạy hơn. Bụng nó to nhanh hơn nhưng vẫn ngồi gập người chăm chỉ may. Nó được ưu tiên giảm số giờ lên lớp nhưng chả được nghỉ ngơi mà dồn hết thời gian rảnh vào công việc. Cứ may được bằng nào là có mối tới nhận ngay. Có lần vừa giao xong 10 quần jeans, vừa kịp nằm gác chân dốc lên cho thông máu (ngồi may lâu máu dồn xuống hai bắp chân phù to) và ăn tối thì thằng mối người Việt quay lại nói “mình vừa xách về tới nhà là khách lấy hết ngay, muốn sáng mai lấy thêm 10 chiếc nữa!”. Lão chồng không biết may nhưng vội nhận ngay và mời mối ăn tối và chờ nó may, xong lúc nào xách đi luôn. Mệt mỏi lắm rồi mà nó phải cố may từ 7h tối tới 2h đêm cũng xong được 10 cái để 4h sáng mối kia vác đi (sợ đi sớm hơn bọn bảo vệ ký túc xá lại sinh chuyện vì phải dậy lục đục để mở cửa)!!! Bọn bạn cùng lớp mỗi lần nhìn thấy nó bước vào lớp lại nhìn nhau cười vì nó bé xíu mà cái bụng thì to, còn vợ chồng anh bạn Bun đến thăm nó sau khi sinh thì nói “em sinh an toàn xong rồi vợ chồng anh mới yên tâm chứ lúc trước nhìn em bưng cái bụng ngoại cỡ anh chị lo lắm – không thể nghĩ là em có thể “mẹ tròn con vuông được”.
Thu nhập lúc này chủ yếu vẫn từ việc may quần áo vì các nhà máy thường xuất bán vải ka-tê vào đầu hè. Bụng bầu đôi to nhanh cũng không làm giảm năng suất may của nó và nó gần như kết thúc việc may mặc khi sinh hai bé sớm hơn so với dự sinh hơn hai tháng.
Hai bé sinh non nên rất nhỏ, phải nằm trong bệnh viện dành riêng cho các bé thiếu tháng thiếu cân. Nó xuất viện sau khi sinh một tuần khi vừa bắt đầu giải World Cup Mexico 86. Nghỉ ngơi vài ngày, nó lại tiếp tục giải quyết nốt số vải còn lại để thu dọn nhà cửa đón hai bé. Siêu sao Zico đã làm ùn số quần áo jeans của nó lại khi đá hỏng quả penalty với đội Pháp ở trận tứ kết. Dân làm nhãn mác ở Thổ Nhĩ Kỳ rất thức thời! Sau 1-2 tuần nhãn mác tên Zico bị dân Bun tẩy chay, anh bạn da đen đã xách ngay về cho nó nhãn mác mới “Careca” – tên của cầu thủ đồng hương Zico nổi lên trong Mexico 86 – nên nó chỉ việc đổi nhãn mới là xử lý được hết hàng tồn.
Vải ka-tê của Bun đã có giá hơn nên trong lúc nó say sưa may quần áo thì người Việt bám ông Xa-sô nhiều hơn hòng giành mối hàng. Thỉnh thoảng nó mua một ít để thử tìm mối bán lại mà chưa nghĩ đến việc đòi độc quyền.
Người Việt tập trung ở Thủ đô Sofia khá đông kể cả sinh viên và hợp tác lao động. Những lứa công nhân đầu tiên sang Bun theo diện “hợp tác lao động”, được các nhà máy/công ty bố trí sống rải rác ở các khu ký túc xá của họ nhưng sau đó chính quyền Sofia đã xây dựng một khu với nhiều nhà lắp ghép 2 tầng dành riêng cho công nhân Việt Nam mà người Việt tự đặt tên là “Khu Lâm Đồng”. Lâm Đồng chính là Việt Nam thu nhỏ! Mọi hoạt động buôn bán của người Việt cũng tập trung về đây: nguồn quần áo và hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam mang sang; nguồn quần áo phụ kiện và đặc biệt là đồng hồ điện tử từ Thổ Nhĩ Kỳ; nguồn hàng của Bun như vải vóc, thuốc men cũng được tập trung buôn bán ở đây. Nổi tiếng về buôn bán đồng hồ điện tử ở khu Lâm Đồng là anh Dũng và anh Khoa người Ninh Bình. Anh Dũng rất nhanh nhẹn, khôn khéo còn anh Khoa có vẻ hiền lành, ít nói chuyên lo các việc hậu cần. Vô tình biết hai anh qua người quen, nó thấy các anh thân thiện và nhẹ nhàng khác hẳn với ý nghĩ của nó trước đấy về hai “ông trùm” này. Biết chúng nó có mối vải ở Plovdiv nhưng không đủ vốn, hai anh đặt vấn đề hợp tác ngay.
Ông Xa-sô có mối quan hệ thân mật với Nhà máy Dệt Marisa ở ngay Plovdiv chuyên sản xuất loại vải ka-tê một màu, ông còn có bạn thân là giám đốc nhà máy vải ở Gabrovo là nơi sản xuất nhiều nhất loại vải ka-tê kẻ sọc hoặc ca rô mà người Việt đang săn lùng. Sau khi gặp anh Dũng để yên tâm về tiền vốn, nó gặp ông Xa-sô đặt thẳng trách nhiệm kiếm tiền nuôi hai cháu cho ông. Nó đòi ông phải để hết vải ka-tê cho nó và hình như điều này ông đã nghĩ tới từ trước nên ông chỉ cười.
Ông Xa-sô rất cẩn thận, dặn nó không nói chuyện làm ăn qua điện thoại không xuất hiện nhiều ở cửa hàng vì hầu hết nhân viên cửa hàng Bagra đã biết mối quan hệ thân thiết của ông bà với gia đình nó. Ông dặn nó cứ 1-2 tuần gặp ông để cập nhật thông tin nhập hàng bằng cách gọi điện cho ông khi tới gần cửa hàng, ông sẽ ra ngoài nói chuyện. Thế là cứ 1-2 tuần một lần, nó lại ra ngồi ở quảng trường trước cửa hàng đợi ông.
Đầu mùa xuân nên thời tiết vẫn lạnh, hôm nào lạnh quá ông nói nó vào quán cafe nhỏ mịt mù khói thuốc lá sát cửa hàng của ông ngồi đợi. Nó thường đợi khoảng 10-15 phút là ông tới, khi rảnh thì hai ông con nói chuyện dài, khi ông vội thì chỉ báo khoảng thời gian vải sẽ về. Có những hôm ông bận quá quên không ra quán café để nó được hưởng khói thuốc cả tiếng đồng hồ rồi phải điện thoại lại ông mới nhớ ra cuộc hẹn chạy vội ra chỉ báo gọn mấy câu như ‘tuần sau vải sẽ về nhé”.
Chúng nó đã trở nên thân thiết với anh Ivan sau mấy lần anh lái taxi chở hàng qua qua dịch vụ thuê xe. Anh đã từng đi lao động thời gian dài ở Xibiri (Liên Xô) nên rất thấu hiểu nỗi vất vả khi xa nhà. Anh rất thật thà và quý mến vợ chồng nó nên chúng nó hay gửi vải ở nhà của anh gần ký túc xá rồi lấy dần về may đảm bào an toàn hơn. Việc buôn bán vải của nó đặc biệt cần đến người như anh Ivan nên nó giữ mối quan hệ thân thiện với anh bằng việc may cho anh những bộ jeans hay nhung mà nó tự thiết kế làm anh rất sung sướng khoe với bạn bè về những món thời trang “độc lạ” chỉ mình anh có được.
Hai bé ở bệnh viện tháng rưỡi thì đạt “chuẩn” được về nhà cũng là lúc nó thu xếp xong việc may mặc để chăm các bé. Ông bà rất vui khi nhìn thấy hai bé mang tên của ông bà trong giấy khai sinh được UBND quận cấp. Ông bà Xa-sô cùng đi đón các bé và đòi nhận bé từ tay các cô điều dưỡng của bệnh viện, ông bế bé Xaska còn bà ôm bé Elena. Bà rất ấn tượng về việc nó chuẩn bị bộ đồ tã lót đón con: bộ tã chuẩn được là phẳng phiu và gấp theo đúng hướng dẫn để các cô y tá mở ra là biết loại nào cùng với bộ chăn quấn ngoài trắng phau được nó thêu tay các hình vui mắt cho bé con. Bà nói “ông bà nhìn bộ đồ con chuẩn bị đón cháu là yên tâm con sẽ chăm sóc các cháu cẩn thận, nhìn con bé Bun cũng đi đón con bị cô y tá mắng về tội cẩu thả bà thấy tự hào về con nhiều lắm!”
Hàng hóa tiêu dùng ở các cửa hàng ngày đó chủ yếu là hàng Bun tự sản xuất với mẫu mã rất nông dân như bản chất người Bun vậy. Ở một vài thành phố lớn có cửa hàng miễn thuế (Korekom) bán các hàng hóa nhập khẩu từ các nước tư bản cho người nước ngoài bằng tiền ngoại tệ. Người Việt thường mua cassette, TV màu, quần áo… bán lại cho dân Bun nhưng càng ngày càng khó do tranh nhau mối và công an Bun cũng để mắt tới việc này. Chúng nó sắm cho ông bà đủ thứ từ Korekom như cassette, TV, đồ dùng gia đình nhập từ các nước phương Tây…
Nó đã chuyển hẳn sang làm mối vải. Vải ka-tê có 2 loại: giá 1,7 Lê-va/mét và giá 2,5 Lê-va/mét. Nó thường gửi ông 0,3-0,5 Lê-va/mét bằng tiền mặt và luôn để ý mua sắm những thứ ông bà thích từ cửa hàng miễn thuế. Giá bán lại cho mối tùy vào màu sắc và kiểu dệt của từng lô vải và khoản lợi nhuận của nó cũng chỉ bằng khoản gửi ông. Khi chấm dứt việc may nó đã tích lũy được hơn 2 ngàn Lê-va tạm đủ cho mỗi lần lấy khoảng 1 ngàn mét vải, có lô lớn hơn là nó bắt ông tách thành hai lần giao hàng. Ông hỏi nó sao không lấy luôn một lần cho tiện nó đành khai thật về khả năng vốn của chúng nó. Ông trầm ngâm rồi nói “lần sau con cứ lấy nguyên cả lô rồi thanh toán sau cũng được nhưng sẽ phải bố trí theo kiểu khác là các con không được tới cửa hàng thanh toán tiền khi giao nhận vải mà chỉ nói Ivan tới nhận chở đi thôi!”. Thì ra ông sẽ làm thủ tục chuyển vải sang một kho khác, anh Ivan chỉ là người được thuê vận chuyển cho ông. Ông sẽ báo thời gian nó phải trả tiền cho ông làm thủ tục thanh toán nhập tiền vào cửa hàng, thông thường sau một tuần.
Quy trình đơn giản và nhẹ nhàng cho nó rất nhiều: ông báo ngày giờ xuất hàng (thường trước 1-2 ngày), anh Ivan đến nhận hàng chở thẳng lên mối anh Dũng ở khu Lâm Đồng, nó hoặc lão chồng đi tàu hỏa lên chờ ở nhà anh Dũng để giao hàng và nhận tiền rồi về cùng xe anh Ivan. Thế nhưng đã có ngay sự cố khi lần đầu thực hiện theo cách này: chồng nó đi về với nét mặt lo âu nói với nó bị ông chửi và đuổi về với câu chốt “không làm gì với mày nữa!”. Thì ra lão chồng này te te đến cửa hàng hỏi ông việc giao hàng ngay trước mặt các nhân viên mà quên mất lời ông dặn!!!
Ông là người nóng tính nên nó rất lo lắng. Sáng hôm sau bỏ con cho chồng, nó gọi điện cho ông hẹn gặp ở quán café quen thuộc, nó nói với ông là không hiểu có chuyện gì mà hôm qua lão chồng về nhà không thèm nói năng gì. Như tức nước, ông giận dữ xả hết “tội” lão kia ra. Nghe xong, nó làm bộ nổi giận hơn cả ông, nói với ông là không thể chịu nổi cái dốt đó, sẽ về nhà để xử lý và ca cẩm cứ như vậy không biết sẽ làm gì để nuôi được hai con. Ông lại là người phải kìm cơn giận của nó “con bình tĩnh, ông phải lo cho các cháu của ông chứ!”. Nó nói với ông “vậy từ nay mọi việc ông báo với con thôi, con sẽ tự sắp xếp với anh Ivan để không xảy ra sự cố nữa.” Ông đồng ý ngay phương án này và nhấn mạnh “không để B. lo liệu việc này nữa nhé!”.
Mọi việc diễn ra bình thường. Tháng hoặc 2 tháng mới có một lô hàng vì ông muốn gom được 2-3 ngàn mét mới xuất một lần. Mặc dù đây cũng là chuyện làm ăn của ông nhưng chắc chắn ông phải coi chúng nó như con cái mới dám rủi ro đưa hàng mà không nhận tiền trước như vậy. Thời gian chúng nó ở Bun cũng là lúc Việt Nam đóng cửa với Trung Quốc nên khan hiếm hàng từ nước này. Bun vẫn nhập nhiều loại vải của Trung Quốc như tơ tằm, vải len dạ, nhung kẻ… nhưng người Việt chỉ quan tâm đến vải nhung the.
Nó rất nhớ lô vải nhung the duy nhất mà ông nhập được là ba ngàn mét, giá gốc 16 Lê-va/mét, ông vẫn đưa hết lô vải cho nó mang đi giao ở khu Lâm Đồng rồi 2 tuần sau mới thu tiền. Số tiền này là giá trị 1 căn hộ 3 phòng ngủ mà đến gần 60 tuổi ông bà vẫn chưa mua nổi. Nó lo lắng cho lòng tốt của ông nên hỏi ông “Ông ơi! Ông có nghĩ đến trường hợp chúng con không trả ông tiền hàng không?”. Nó không ngờ ông trả lời rất nhẹ nhàng “Con ạ, con biết là nếu con không trả thì ông sẽ phải chịu hậu quả thế nào rồi nhưng ông chắc chắn không con cái nào lại muốn bố mình vào tù cả!” Nó rưng rưng nước mắt vì biết là ông đã coi nó là con từ lâu rồi nhưng nó vẫn dặn ông “Ông ơi, ông chỉ được làm việc này cho chúng con thôi nhé, con không muốn ông bị rủi ro với bất kỳ người nào khác!”. Rồi ông kể cho nó nghe nhiều đồng hương của nó gặp ông trả giá cao hơn nhưng ông không quan tâm vì với chúng nó ông vừa có thu nhập thêm và lại có thêm con cháu, có một hai lần ông bán cho vợ chồng anh Th. chút vải vì mối quan hệ cũ với anh C. Nhân dịp này nó “thú tội” với ông về việc nói dối ông lúc đầu để bắt mối quen với ông, ông nghe xong giận lắm nói sẽ không quan tâm đến vợ chồng Th. nữa. Ông nói ông rất cảm động vì chúng nó luôn hiểu và quan tâm đến những sở thích của ông bà, luôn gần gũi trò chuyện… Chắc ông hiểu nó bù đắp phần chênh lệch giá mà người khác trả cao hơn nó chính là những đồ nó mua sắm cho ông bà. Ông có vẻ là người thích “công nghệ” (nói theo ngôn ngữ bây giờ) nên cứ nhìn thấy mẫu mã cassette hay TV nào mới là tỏ ra thích thú, chúng nó lại thu hồi mẫu cũ về và mang ngay cái mới sang thay thế. Thực ra chúng nó chẳng bị thiệt đồng nào vì những đồ đã sử dụng này mang bán cho dân Zigan vẫn thu về thừa tiền mua đồ mới cho ông.
Ông là người chu đáo thích quan tâm đến người khác, thỉnh thoảng ông gọi nó vào trung tâm, dẫn đến cửa hàng bán đồ trẻ em để mua quần áo cho hai bé, loại quần áo nhập ngoại chỉ để cho các mối quen biết chứ không bao giờ bày bán trên quầy hoặc ông điện thoại nói nó “có áo nhập khẩu rất đẹp, ông mua cho bà rồi, con qua xem có ưng để ông mua cho”. Nhờ vậy mà nó và hai con luôn được ăn diện model.
Sau hơn một năm làm ăn cùng chúng nó, ông đổi được căn hộ 1 phòng ngủ sang căn 2 phòng ngủ ở ngay góc đối diện của ngã tư vào đầu mùa hè 1987.
Nói thêm về chuyện con cái của ông bà: ông bà có một anh con trai tên Rumen, hơn nó gần 10 tuổi đã ly dị vợ và về ở cùng với ông bà trong căn hộ chật hẹp một phòng ngủ. Thỉnh thoảng ông bà đón thằng cháu nội Xasko 3 tuổi tới nhà chơi nhưng dường như việc đón cháu không dễ dàng vì mối quan hệ với vợ cũ của anh Rumen không tốt lắm. Nó chỉ quan sát và tự hiểu chứ không dám hỏi ông bà về việc này. Anh Rumen cũng quản lý một cửa hàng vải nhỏ, chủ yếu bán các loại vải len dạ cho quần áo lạnh, anh trầm tính và có không thích giao tiếp nên thỉnh thoảng gặp nó cũng chỉ chào hỏi anh cho qua chuyện. Chắc anh được ông bà chiều chuộng lắm nên ông rất vất vả khi hoàn thiện căn hộ mới theo ý anh.
Chúng nó sang thăm và giúp ông thu dọn, vệ sinh và làm sạch những đốm sơn bị vương trên cửa kính, ông than thở “Ông phải thay lại gạch men mới ốp tường nhà tắm vì Rumen không chịu màu này, mà màu nó thích lại không kiếm được nên chưa biết làm thế nào?” Nó xui ông “Ông đưa tiền cho anh ấy đi mua cho đúng ý!” và cuối cùng là chẳng phải thay đổi gì. Hơn một tuần liền, chiều nào nó cũng dẫn con sang phụ giúp ông bà thu dọn vệ sinh nhà mới, ông bà nhận trông hai cháu nhưng lúc đầu hai bé không chịu lại gần ông nên ông có vẻ hơi buồn. Kỉ niệm vui nhất là hôm đó trời nắng khô, ông lôi bia ra ban công để cả nhà nhâm nhi, vô tình ông cho 1 bé nhấm thử ly bia của mình, nó nhăn mặt một chút rồi đòi uống tiếp vì bia mát lạnh, đứa kia thấy vậy cũng đòi uống theo. Một lúc sau cả hai đứa xà vào lòng ông bà bi bô ầm ĩ, ông vui quá nói “A! hôm nay ông biết cách để cho 2 cháu theo ông rồi, cứ cho uống chút bia là chúng nó vui ngay!”.
Nhà mới rộng rãi hơn nên chúng nó hay mang con sang chơi ở nhà ông bà hơn và đây là quãng thời gian mà chúng nó thực sự được hòa mình vào gia đình lớn. Anh Rumen cưới vợ mới là một chị rất xinh xắn, hòa đồng và kinh doanh giỏi. Sau đám cưới anh Rumen vui vẻ và cởi mở hơn nên không khí gia đình càng đầm ấm và hai bé thì quấn quít với ông bà nhiều hơn. Mùa thu là lúc các loại trái cây chín rộ nhất, cứ loại trái cây nào vào vụ ngon nhất là ông chở bà cùng mẹ con nó tới nhà người quen ở những ngôi làng quanh Plovdiv ăn thoải mái và mua đầy cốp xe mang về thành phố.
Khi mùa đông tới cũng là lúc ông Xa-sô phát hiện bị tiểu đường phải nằm bệnh viện điều trị. Qui định của bệnh viện rất nghiêm ngặt: chỉ cho người nhà gọi điện thoại hoặc vào thăm người bệnh từ 11h đến 12h trưa hàng ngày, thức ăn trong bệnh viện rất đơn giản chỉ gồm mấy đồ nguội như xúc xích, phomai và súp. Bà Elena và anh Rumen thỉnh thoảng điện thoại chuyện trò với ông mà không vào thăm hay mang thức ăn tới (thói quen của người Bun là như vậy). Văn hóa chăm sóc người bệnh của người Việt lại rất phù hợp với tính cách của ông là người thích trò chuyện và ăn ngon. Hàng ngày nó chuẩn bị thức ăn mang vào rồi trò chuyện với ông trong khoảng thời gian cho phép. Mấy ngày đầu ông có vẻ ngại phiền vì chúng nó phải đi quãng đường xa nên nói chúng không cần chăm ông như vậy nhưng thực lòng là ông rất mừng khi thấy chúng nó tới với túi thức ăn nóng hổi và được nói chuyện tưng bừng. Cuộc sống đã mang lại cho nó một quãng đời quý giá với ông bố bà mẹ khác màu da tuyệt vời vậy đó.
LÒNG TAN CHẢY THEO TUYẾT TRẮNG
Chuyến hàng vải hôm đó khoảng 5000 mét. Nó đi tàu lên khu Lâm Đồng và đợi xe anh Ivan chở hàng lên nhưng xe tới trễ mất hơn một tiếng so với bình thường. Vội vàng bốc hàng và nhận tiền xong là hơn 7 giờ tối, hai anh em lên xe chạy về Plovdiv. Từ Sofia về Plovdiv theo đường cao tốc chừng 2 giờ đồng hồ nhưng tối đó đúng thời điểm tuyết tan đường trơn nên xe chạy chậm hơn. Nó nói chuyện lung tung để có cảm giác được về nhà nhanh hơn và thỉnh thoảng sốt ruột nhìn biển báo khoảng cách quãng đường còn lại. Đang vui vì chỉ còn 30 km nữa là về tới thành phố Plovdiv thì tự nhiên xe bị giật giật và chậm lại, anh Ivan nhanh tay tạt xe vào cạnh đường, xe chạy chậm dần rồi dừng hẳn. Ivan xuống xe ngó nghiêng rồi lên xe nổ máy nhưng xe cứ xình xịch rối tắt lịm. Loay hoay kiểm tra cuối cùng anh Ivan thốt lên “hết xăng rồi!”.
Ivan là người rất cẩn thận, đã đổ xăng đầy trước khi đi nhưng hôm đó số lượng vải nhiều nặng hơn, chất đầy kín thùng xe, đường trơn nên không thể chạy nhanh cả lúc đi lẫn về vì vậy xăng cạn nhanh hơn. Sau khi nghe giải thích và nói chỉ còn mỗi cách là nhờ xe kéo đến trạm xăng, nó hăng hái xuống xe để cùng anh Ivan vẫy các xe chạy trên cao tốc nhờ trợ giúp. Xe bị dừng giữa đoạn đường mà hai bên là cánh đồng mênh mông, nhìn rất xa mới thấy những ánh đèn nhấp nháy của một ngôi làng nào đó. Xe dừng lúc gần 10 giờ đêm, trên đường cao tốc chỉ có xe container và xe tải chở hàng liên vận quốc tế sang Thổ Nhĩ Kỳ chạy vội vã và hầu như không xe nào quan tâm tới sự cầu cứu của xe nó. Khi vừa ra khỏi xe chỉ thấy gió lạnh táp vào mặt mà chưa cảm nhận được hết cái lạnh của gió lúc tuyết tan. Ivan chợt nghĩ ra điều gì và bảo nó “Cô vào ngay trong xe, đêm khuya tụi lái xe tải quá cảnh nhìn thấy phụ nữ sợ không an toàn cho cô đâu, để mình tôi đứng vẫy thôi!”. Phần vì sợ nhưng cũng là lúc nó cảm nhận được cái lạnh đang thấm dần vào cơ thể gầy guộc nên nó chui ngay vào xe.
Ai đã từng sống ở châu Âu đều hiểu được cái lạnh khi tuyết tan là thế nào đặc biệt là giữa cánh đồng hoang vu với những cơn gió rít vù vù bên tai. Cả nó lẫn anh Ivan đều không lường trước được tình huống này, chỉ mặc đủ ấm cho quãng đường ngắn lúc đổi tàu xe nên là rất phong phanh giữa trời đêm tuyết tan. Ngồi trong xe được một lúc nó cũng phải ra khỏi xe vì nhiệt độ trong và ngoài xe đã cân bằng như nhau, ngồi ở trong vừa ngộp hơi vừa không cử động được càng cảm giác lạnh hơn nên nó đứng sát vào cánh cửa bên phải xe tránh không bị nhìn thấy, vừa đứng vừa dậm hai chân liên tục cho bớt lạnh. Xe vẫn nườm nượp chạy nhanh qua, gió vẫn rít đều đều mà chả có cái nào chịu dừng. Nước mắt nước mũi chảy liên tục vì lạnh, lạnh nhói hai thái dương, hai chân buốt cứng vì không đi giày đủ ấm, anh Ivan cứ kiên trì vẫy còn nó vẫn đứng dậm chân, nhảy cò cò tại chỗ cố gắng chống chọi với cái lạnh cho tới gần 1 giờ đêm mới có một xe tải chở hàng giống xe của anh Ivan dừng lại.
Một sự may mắn hiếm có vì đó là đồng nghiệp của anh Ivan! Các anh nhanh chóng móc dây kéo và hai xe kéo nhau hơn 30 phút thì tới trạm xăng, anh bạn cẩn thận chờ anh Ivan đổ xăng và nổ máy ngon lành rồi mới chia tay. Về tới nhà nó là hơn hai giờ sáng, anh Ivan thả nó cùng bọc tiền ở cửa ký túc xá rồi vội vã chạy luôn. Làm phiền ông bảo vệ mở cửa ký túc xá giữa đêm khuya, nó leo lên nhà, gõ cửa nhẹ và khẽ gọi chồng vì sợ gây ồn cho các gia đình khác. Gọi mãi không được, nó đành gọi to hơn và chắc chắn chồng nó đã nghe thấy nhưng vẫn im lặng, sự im lặng gây cho nó cảm giác bực bội và mệt mỏi, nó quay xuống nhờ ông bảo vệ bấm chuông để buộc chồng nó phải mở cửa. Ông bảo vệ cũng chạy lên cùng nó thì cửa mở và một khuôn mặt hằm hằm nhìn nó với một câu hỏi gọn lỏn “làm gì mà giờ này mới về?” như dội thêm ca nước đá lên đầu nó. Nó kể nhanh về sự cố hết xăng nhưng dường như lão chồng không tin và buông mấy lời đầy ngờ vực nó mà chả quan tâm là nó vẫn chưa cắt được cơn lạnh vừa trải qua. Nó lặng lẽ đi thay quần áo, mò ra bàn ăn vì nghĩ thế nào cũng có phần cơm tối cho nó nhưng mặt bàn trồng rỗng và lại được hắt thêm vào tai “tưởng về muộn là phải được Ivan nó dẫn đi ăn ngon rồi chứ?”. Không thể làm gì khác, nó lẳng lặng lên giường nằm ôm con với cái bụng đói meo cộng cái lạnh của sự vô cảm kia làm lòng nó như tan chảy cùng với tuyết ở nơi đồng không mông quạnh mà nó vừa thoát khỏi nhưng dù sao nó vẫn cảm thấy may mắn là đã về được tới nhà với các con.
VỀ NƯỚC LẦN ĐẦU
Lão chồng bị đau dây thần kinh tọa và quen với ông bác sĩ điều trị – ông bác sĩ rất maphia so với thời đó. Chính ông là người gợi ý việc làm bệnh án để lão chồng được đúp 1 năm học (tất nhiên phải trả “phí bệnh án” khá cao) và đó cũng là cơ hội để chúng nó kéo dài thêm thời gian ở Bun. Một sự may mắn khác, bà Ivanova phụ trách sinh viên ngoại quốc của trường đã đề xuất và giúp nó làm thủ tục xin Bộ Đại Học Bungari cho nó ở lại thêm một năm vì có hai con nhỏ. Bà còn tư vấn nó nên bảo vệ luận văn trước và chỉ để lại môn thi quốc vào năm sau. Thế là hai bé của nó có cơ hội được hưởng cuộc sống đầy đủ thêm một năm nữa ở xứ Tây.
Các loại thuốc như vitamin B1, B6, B tổng hợp, thuốc khớp prednisone đặc biệt thuốc Anagin của Bun đã được nhiều người săn lùng mua về Việt Nam. Ông bác sĩ rất quan tâm sau khi nghe lão chồng nó nói chuyện về nhu cầu mua các loại thuốc trên. Ông lần mò mua thử từ mấy hiệu thuốc quen ở trong thành phố và khi biết nhu cầu “bao nhiêu cũng cân” thì ông đã lập rõ chiến lược. Mục đích mua thuốc là để đóng hàng mang về chứ không để bán lại nên chúng nó trả giá tương đối cao: giá 1 hộp thuốc chứa 100 vỉ khoảng 1,5 lần giá gốc nên ông rất hào hứng đi gom. Nguồn thuốc ở các cửa hàng ở Plovdiv dường như đã dành cho các mối của người Việt nên sau gần 1 năm ông bác sĩ cũng chỉ mua được một lượng đủ cho nó mang về theo đường hàng không.
Ai cũng nghĩ chúng nó kiếm được nhiều tiền lắm vì chúng nó làm chủ mối vải lớn nhất Bun. Cứ nhìn giá đầu vào và đầu ra thì đúng thế thật nhưng ít người hiểu được các chi phí, rủi ro,… Có những lô vải không hợp thị hiếu chỉ cố bán sao cho không bị lỗ là may mắn lắm rồi. Có những con nợ vay vài ngàn Lê-va không bao giờ trả vì lão chồng cho đồng hương là con bạc vay với lý lẽ rất vô tư “yên tâm anh ấy sẽ trả vì là đồng hương rất thân mà!”.
Cuối năm 1988, nó về nước trước cùng hai con gái với mấy thùng carton thuốc tây gửi theo đường hàng không và hai thùng hàng gửi tàu biển toàn vải trị giá khoảng 20 “viên gạch” thuộc loại khá giả trong số sinh viên về nước. Vốn để lại cho tay chồng ở lại làm phiên dịch cho chi nhánh của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội mở tại Plovdiv khoảng 3-4 “viên gạch”. Số hàng nó mang về bán được khoảng 20 cây vàng, lo liệu mua nhà ở quê cho bố mẹ chồng và để lại vốn cho gia đình nhà chồng làm ăn là hết một nửa số vốn của nó. Nó quan niệm rất rõ ràng là lo cho bố mẹ chồng đàng hoàng để chúng nó yên tâm đi làm ăn xa quê vì mục đích là nó sẽ cùng các con quay lại Bun để xin việc làm và ở lại lâu dài.
CHẠY TRỐN KHỎI BUNGARI
Cuối tháng 12/1989 nó đã xin được visa quay lại Bun cho ba mẹ con. Số tiền còn lại nó mua ít son gió Thái Lan và chuyển hết sang Đô Mỹ. Cuộn chặt từng đồng 100$ như đoạn đầu đũa, nó tỉ mỉ luồn vào các lỗ của thành thùng carton giấy 5 lớp rồi dùng bàn ủi là phẳng mặt giấy carton sau đó cho đồ dùng và quần áo đóng thành kiện hàng ký gửi theo máy bay – cách chuyển Đô Mỹ ngày đó đơn giản vậy đó và chả ai nghĩ đến rủi ro thất lạc hành lý hay xảy ra như bây giờ. Ba mẹ con khởi hành vào ngày 22/12 với hy vọng sẽ được cùng gia đình ông bà Xa-sô đón Noel. Khi hạ cánh ở sân bay Sheremetyevo mẹ con nó chứng kiến ngay cảnh mọi người nằm ngồi chật ních ở các phòng chờ, hỏi thăm mới biết do bạo động ở Rumani và thời tiết xấu nên tất cả các chuyến bay từ 2-3 ngày trước đó đều bị hủy. Lo lắng chờ đợi hết buổi sáng thì có chuyến bay đầu tiên sang Sofia ưu tiên cho người đi cùng trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Nó đang hướng dẫn hai con bám vào cái túi kéo ba tầng để nó dẫn qua an ninh vào phòng chờ ra máy bay thì đột nhiên một bác người Việt chạy tới bế thốc một bé lên chạy thật nhanh về hướng an ninh, nó hốt hoảng tay xách bé kia và kéo túi chạy theo thì bác kia quay lại nói “Cho anh mượn 1 cháu để anh được bay chuyến này vì anh nằm ở đây 3 ngày rồi!” Ôi! Hết hồn không hiểu chuyện gì xảy ra trước đó nhưng nó lại cười ngặt nghẽo khi nghe bác ý giải thích và cám ơn. Quản lý chuyến bay ngày đó thật đơn giản, không có thẻ lên máy bay mà chỉ chìa vé và hộ chiếu ra để kiểm tra là xong nên nó đã giúp được bác này bay được chuyến đầu tiên dễ dàng như vậy.
Về tới căn hộ lão chồng đã thuê ở 1 năm khi nó về nước thì được biết vốn liếng nó để lại cùng khoản tiền lão chồng làm được trong năm qua đã tan biến. Nó chỉ biết nghe lão chồng kể lại mà chả biết hư thực ra sao: sau khi nó về nước, ông bác sĩ đã tạo thêm được mối thuốc lớn ở thành phố Dimitorov Grad cách Plovdiv chừng 1 tiếng tàu hỏa. Lão chồng thuê căn hộ để ở và chứa thuốc cách khu ký túc xá cũ khá xa nhưng vẫn hay về đó vui chơi cùng lứa em các năm sau. Theo lão thì một thằng em ở trường Hóa đã “chơi” lão khi biết lão có mối thuốc lớn bằng cách báo công an theo dõi. Lão bị công an chộp khi đang mang thuốc từ Dimitorov Grad về Plovdiv. Khám căn hộ, công an chỉ tóm được thuốc mà không có vải (đây là điều may mắn cho ông Xa-sô). Chuyện xảy ra mới được 1 tuần thì ba mẹ con sang tới nơi. Lão chồng dặn chưa nên sang thăm ông bà Xa-sô vì vẫn sợ bị công an theo dõi. Hàng ngày lão chồng phải gặp công an để viết tường trình về vụ thuốc tây và rất có khả năng phải hầu tòa.
Sau một năm mà Bungari đã biến đổi rất nhiều theo chiều hướng xấu hơn. Kiếm thức ăn hàng ngày đã trở thành vấn đề khó khăn: hầu hết các cửa hàng thực phẩm không có thịt cá bày bán mà chỉ có ít trứng, bơ và đồ hộp. Hàng tuần một hoặc hai cửa hàng trong thành phố nhập về một lượng nhỏ thịt lợn, bò hay gà nên mọi người đã xếp hàng dài ngay khi nhìn thấy xe chở hàng tới. Người Việt Nam cũng tạo ra nhiều vụ scandal lớn nên nhận được sự kỳ thị rõ ràng từ người Bun. Nhiều người Việt đã bị dân Bun đánh khi đi ngoài đường hoặc trên tàu xe. Nó rất căng thẳng sau 1 tháng không tìm nổi căn hộ khác để thuê chỉ vì nó là người Việt Nam. Công việc của người Việt cũng xấu đi rất nhiều: nhiều công ty Việt Nam bị cắt giảm việc và bị chậm thanh toán tiền lương. Thời gian này vải Bun đã hết giá trị cũng là lúc ông Xa-sô chuẩn bị nghỉ hưu. Nó cảm nhận sự bất ổn của môi trường quanh nó và cũng cảm nhận rõ ràng sự đi xuống trong tình cảm vợ chồng sau 1 năm xa cách. Là người mạnh mẽ nhưng nó lại không thích cuộc sống bất ổn nên hết mùa đông nó quyết định trở về Việt Nam, lão chồng cũng đồng ý ngay vì sợ bị hầu tòa vụ thuốc tây.
Trả căn hộ ở Plovdiv, nó mang con đi chào tạm biệt ông bà Xa-sô và bạn bè thân, lên Sofia ở nhờ nhà bạn, bán hết đồ và tiền Đô mang từ Việt Nam sang để mua thuốc mang về. Nó phải mua thuốc Gentamicin ở khu Lâm Đồng, nhờ chỗ đóng thùng để gửi theo đường tàu biển mà không hề chắc chắn được là hàng có được chuyển về hay không. Hơn một tháng chờ đợi nó mới kiếm được vé về cho ba mẹ con, lão chồng cố tình đăng ký chuyến sau 1 tuần mà sau này nó mới biết là để lão có thời gian “vấn vương” với mối tình mà lão có trong thời gian 1 năm xa vợ.
Nó gửi con chỗ bạn và chạy vội về Plovdiv để gặp ông bà Xa-sô một lần nữa. Khác với lần chia tay năm trước, ông bà ôm nó khóc rất nhiều. Hình như ông bà đã đoán được điều sẽ xảy ra với gia đình nó nên dặn dò nó cố gắng thu xếp cuộc sống cho ổn và chăm sóc hai cháu của ông bà thật cẩn thận. Ông ra tận bến xe tiễn nó, tần ngần nhìn nó cứ như cảm nhận sẽ không bao giờ được gặp lại nó nữa.
KẾT
Nó vẫn liên lạc được với ông bà vài năm sau khi về nước. Sau đó bao biến cố xảy ra, số điện thoại nhà ông bà thay đổi nên nó mất liên lạc với ông bà tới năm 2000 nó mới nhờ bạn bè tìm lại được ông bà. Thì ra ông bà đã bán căn hộ về quê ở cách Plovdiv chừng 30km. Năm 2003 ông bà quay lại thành phố, mua căn hộ 1 phòng ngủ ở góc đối diện xéo căn hộ đầu tiên của ông bà (ba căn hộ của ông nằm trên ba góc của 1 ngã tư) và đến năm 2004 ông đã ra đi mãi mãi. Nó rất buồn vì không có cơ hội được gặp lại ông. Năm 2011, nó quay lại Bungari, anh Rumen đón nó ở sân bay Sofia chở về nhà bà. Bà gây bất ngờ cho nó với chiếc giường phủ tấm trải và hai gối bằng sa tanh màu đỏ đô thêu hoa là món quà đầu tiên nó tặng ông bà, rồi bà chỉ lên tường treo hai tấm mành mành cùng lọ hoa bằng đá để ngay bàn dưới các tấm mành đó. Tất cả quà Việt Nam nó tặng ông bà đều được giữ nguyên vẹn sau hơn hai mươi hai năm xa cách. Bà kể chuyện ngày ông còn sống, cứ tới mùa trái cây là ông lại hồi tưởng lại những chuyến ông chở cả nhà đi mua ở những làng quanh Plovdiv, ông vẫn luôn nhớ tới con và các cháu. Nó muốn đi thăm mộ ông nhưng bà nói mộ ông ở xa lắm không thể tới được.
Năm 2016, nó đưa hai con gái sang nơi “chôn nhau cắt rốn” để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 của chúng nó. Những tấm hình theo trend “30-29-28 năm trước và bây giờ” được bọn trẻ cùng bà, bác Ivan và các anh chị Bun hào hứng diễn. Chỉ tiếc là ông đã đi xa nên không thể có tấm hình “ngày nay” của ông bà cùng các cháu. Anh Rumen nói sẽ đưa ba mẹ con đến một nơi rất đặc biệt, nó nói nó muốn đến thăm mộ ông thay vì tới nơi đó nhưng anh nói mộ ông nằm ở nghĩa trang ngay trên đường đi nên ghé vào rất tiện. Nghĩa trang nơi ông yên nghỉ ở cách trung tâm Plovdiv khoảng 15 phút đi xe hơi! Khi tới thăm ông nó mới hiểu ra lần trước nó sang Bun khi bà đã 75 tuổi nên khoảng cách như vậy với bà là “rất xa”. Rất may lần gặp này nó lại đòi anh Rumen chở đi nên ba mẹ con đã được nhìn thấy nơi ở vĩnh hằng của ông. Bungari quan niệm rằng người chết sau khi chôn được 8 năm là thân xác đã được hòa vào cát bụi và những người thân mất sau có thể được an táng ngay trên ngôi mộ của người mất trước này như thể họ lại được gặp nhau. Người Bun thường dùng quan tài gỗ nhưng nắp bằng bìa giấy cứng và đặt hoa bên trong quan tài tạo ra vi sinh giúp thân xác người quá cố hòa vào lòng đất nhanh hơn. Ông Xa-sô đã được đoàn tụ với bố mẹ mình trong ngôi nhà chung được “xây dựng” lần đầu cho mẹ ông vào năm 1940 (mẹ ông mất năm 1940). Một sự tình cờ rất vui là nơi anh Rumen muốn chở ba mẹ con tới chính là Tu viện Baukovski nơi ông đã dẫn gia đình nó tới 28 năm về trước và khi đó ông đúng bằng tuổi anh Rumen năm này. Anh Rumen kể mọi sự kiện trọng đại của gia đình từ thời ông nội đều được tổ chức tại đây như lễ đặt tên của ông Xa-sô, lễ cưới của ông bà, lễ đặt tên anh và các con của anh và đây là nơi đặc biệt nhất đối với gia đình anh và cũng chính là lý do tại sao anh muốn dẫn ba mẹ con tới. Bà Elena đã ra đi vào giữa năm 2018, anh Rumen đã mang tro bà về đặt ở Tu viện này.
Ông Xa-sô và vợ con sẽ mãi là những người thân thiết, ruột thịt đối với nó. Nếu không bị Covid hoành hành thì giờ đây nó đang chuẩn bị cho chuyến đi như đã hẹn với người thân và bạn bè rằng cứ mỗi 5 năm nó sẽ trở lại thăm họ một lần. Nó vẫn luôn da diết về thành phố Sofia và Plovdiv với đầy ắp kỷ niệm vui buồn, với nhiều loại hoa hồng thơm ngát, trái cây ngọt ngào và những con người thắm đậm tình người. Như một định mệnh, nó đã có quê hương thứ hai là Bungari từ gần 40 năm trước mà từ khi hạ cánh xuống đây, bất chấp bao thăng trầm nó đã có món quà quý giá nhất Bề Trên ban cho: hai con gái hoàn toàn Việt Nam nhưng khai sinh với tên Xaska và Elena – hai cái tên luôn nhắc nó về lòng tri ân với ông bà Xa-sô!
Благодаря! Благодаря!
Ghi chú: hai vợ chồng đã chia tay từ lâu, câu chuyện này không phải là dịp người vợ cũ “kể tội” ông chồng năm xưa, mà muốn nói về một thời đã xa nhưng không thể nào quên tại Bungaria và về hai ông bà Xa-sô, họ đối với gia đình mấy mẹ con nó đã và luôn thân thương và gần gũi nhường nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.