Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Chuyện trồng cây và dùng người ở thủ đô

 

Chuyện trồng cây và dùng người ở thủ đô

Nguyễn Thông

20-6-2021

Những cây phong non trùm khăn đỏ được bế đi tránh nắng. Nguồn: Internet

Mấy hôm nay, công nhân công ty công viên cây xanh ở Hà Nội tất bật làm chuyện ngược đời: Di chuyển những cây phong lá đỏ trên 2 con đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng đi tránh nắng. Cứ kéo thêm vài ngày nữa thì toi hết.

Đám phong lá đỏ ấy, hơn 260 cây, do nhà giàu biếu tặng để thủ đô trồng cho đẹp cho mát. Mới trải phong sương hàn nhiệt được 2 năm, chúng lần lượt lăn ra chết. Đến khổ, cái cây ở xứ này cũng khó sống, nói chi người.

Người ta tặng là chuyện của người ta, mình cũng phải động não tí chứ, cái đầu để làm gì. Không phải chỗ nào cũng trồng được mọi thứ cây, cây nào cũng thích hợp. Phố xá, đường đi lối lại trong thành phố, đâu phải cái bờ ruộng thôn quê mà bất cứ cây gì cũng cắm xuống. Người Pháp thời cai trị đất này, dù chỉ trồng một cây, ở đô thị hay nông thôn, đều tính toán xem xét rất kỹ. Chuyện ấy hầu như ai cũng biết, không cần phải nhắc lại.

Tại sao đám phong lá đỏ bị di tản, sơ tán? Không phải tại nắng. Nếu cứ thấy nắng rồi chuyển cây, chắc quả đất này chỉ còn sa mạc. Theo nhà cầm quyền Hà Nội, đám phong lá đỏ tội nghiệp ấy không hợp với đất đai thổ nhưỡng khí hậu điều kiện sống… ở thủ đô. Không hợp thì chết dần chết mòn, lăn ra chết, vậy thôi.

Vấn đề ở chỗ, nếu cứ trồng xuống, không hợp sẽ chuyển, thì chỉ là chuyện cái cây. Điều cần phanh phui là con người. Thể chế này đang dùng những người trình độ lý luận suông, chỉ tay năm ngón, chỉ đâu đánh đấy, làm thì cứ nhắm mắt nhắm mũi làm, không hề biết suy nghĩ. Được tặng cây thì nhận, bảo trồng cây thì cắm, bảo nhổ lên thì đào. Đám thiên lôi không não đông hơn quân Nguyên, chỗ nào, tỉnh thành nào cũng có, chứ đâu phải riêng thủ đô. Dân còng lưng đóng thuế nuôi chúng, còn chúng chỉ có mỗi nhiệm vụ phá.

Thiên hạ đã phàn nàn ca thán quá nhiều xung quanh chuyện cây Hà Nội. Thời Nguyễn Thế Thảo làm đô trưởng, y ra lệnh chặt trụi cây cối, biết bao nhiêu là cây, cả những cổ thụ tuổi vài trăm năm từng làm nên vẻ đẹp kinh thành. Dân phản đối, xuống đường bảo vệ cây còn bị y (và cấp trên y) xua phú lít bắt, quy vào thế lực thù địch. Vài năm sau, gặp những đận nóng chang chang, dân chúng chạy ngoài phố không có bóng cây, đổ vã mồ hôi, chịu không nổi đã văng lên mạng “đm thằng Nguyễn Thế Thảo”.

Suốt bao nhiêu năm, ông Nông Đức Mạnh đảng trưởng đi đâu cũng ân cần khuyên nhủ, hướng dẫn, dạy dỗ người ta “trồng cây gì, nuôi con gì”, nhưng cây đâu chả thấy, chỉ thấy chặt, ngay trước mắt ông Mạnh. Nói quen mồm thôi, chứ vô tích sự, người còn chả thèm cứu, huống hồ cứu cây.

Đội ngũ cầm đầu bộ máy cai trị xứ này, lâu lâu để tỏ vẻ cá nhân, cũng biết nhờ vào cây cối. Múa chiếc xẻng cột nơ xanh đỏ, hất tí cát, phun tí nước, trồng diễn những cây đã tuế nguyệt vài chục, thậm chí vài trăm năm, được bứng từ nơi khác về. Trồng kiểu vậy, nói thật tình, không biết nhục, thế mà vẫn cứ nhơn nhơn không biết nhục. Tại trên ngồi chẳng chính ngôi, trách gì đám lính lác trồng cây ở kinh thành.

Phố phường thủ đô, ngày trước cũng như thời nay, đẹp nhờ cây. Phố Lò Đúc được người ta nhớ bởi hàng sao cổ thụ. Phố Hoàng Diệu khó quên với những gốc xà cừ lực lưỡng. Đường Nguyễn Trãi thời nửa đầu thập niên 70, tôi đạp xe đạp tuốt từ ga tàu điện Cầu Mới đến Hà Đông không cần đội mũ bởi hai hàng xà cừ xanh mát che kín trên đầu. May mà người ta đã không dám nhân danh sự phát triển để phá chặt hết. Giờ ngó đường Nguyễn Trãi chỉ còn con rắn xi-măng Cát Linh – Hà Đông bò như quái vật mà buồn.

Hàng xà cừ lực lưỡng trên các đường Kim Mã – La Thành giờ chỉ còn trong ký ức. Ảnh trên mạng

Lại có một dạo, bọn lâm tặc vác dao cứ nơi nào có cây sưa thì hạ thủ. Sưa là thứ quý mộc nhưng không phải để trồng lấy bóng mát trên phố trên đường. Đám trồng cây Hà Nội bất cần biết, cứ trồng, thế mới nên cái cảnh dở khóc dở cười: mỗi cây sưa lại phải may chiếc áo, làm cái hàng rào sắt kiên cố nhốt chúng lại, không cho ra chơi với lưỡi dao của bọn lâm tặc. Nhìn cảnh ấy, chỉ có thể thốt lên, không đâu nực cười như thủ đô.

Cây Sưa mặc áo sắt. Ảnh: Báo Tiền Phong

Kinh thành chuyện cây chuyện người, có nói cả ngày cũng chả hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.