Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Thoát khỏi địa ngục (Phần 3)

 

Thoát khỏi địa ngục (Phần 3)

The Times

Tác giả: Damian Whitworth

Trần Quốc Việt dịch

27-6-2021

Tiếp theo phần 1 và phần 2

‘Bị nhốt trong quan tài bằng bê tông’: Một ngày trong trại tập trung

Từ 7-9 giờ sáng: Dạy học cho những tử thi biết đi

Tôi vừa đặt chân vào phòng thì 56 học viên của tôi đứng lên, những xiềng chân ở mắt cá chân họ kêu chói tai và họ hô to: “Chúng tôi sẵn sàng!” Tất cả họ đều mặc áo quần màu xanh. Đầu họ bị cạo trọc, da họ trắng bệch như da xác chết.

Tôi đứng nghiêm trước tấm bảng, hai công an mang súng đứng hai bên. Mọi người phải ngồi thẳng lưng trên ghế đẩu, mắt phải nhìn đăm đăm thẳng trước mặt.

Không ai được phép cúi đầu. Bất kỳ ai không làm theo những nội quy này lập tức bị lôi đi. Đến phòng tra tấn.

Chính nhiệm vụ của tôi là dạy những con người bị đối xử tàn tệ và đáng thương này về Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 và về phong tục Trung Quốc. Ngày nọ trong “lớp học”, tôi được lệnh nói xấu Hoa Kỳ – mà Trung Quốc cho là nước thù địch số một. Đảng đã soạn ra danh sách 21 nước, phân loại theo những nước nào là thù địch nhất với Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc.

Số 1: Hoa Kỳ. Số 2: Nhật Bản. Số 3 và 4: Đức và Kazakhstan. Bất kỳ ai có quan hệ với những nước này đều bị coi là kẻ thù của nhà nước. Mọi khó khăn ở Trung Quốc đều là hậu quả của những chính sách của Mỹ nhằm chống lại nhân dân Trung Quốc và với ý đồ gây chia rẽ. Tôi giảng giải như thế bằng cách lặp lại những gì quản lý trại tù bảo tôi. Thậm chí, nếu như người Trung Quốc có tra tấn người Hồi giáo chăng nữa, thì Mỹ cuối cùng vẫn đáng trách, vì chính họ là người đã khiến cho những người theo tôn giáo khác suy nghĩ lầm lạc và hành động xấu xa. Theo Bắc Kinh, dân chủ theo kiểu Phương Tây là một mô hình thất bại mà chỉ rơi vào khủng hoảng và hỗn loạn.

Từ 9-11 giờ sáng: Những hình phạt hà khắc

“Đến giờ kiểm tra bài vở!” một công an bảo tôi, và tôi dịch lại cho những tù nhân. Thỉnh thoảng, công an gọi một số tù nhân đứng lên để trả bài. Những ai học tập tiến bộ thì được điểm. Họ được hứa hẹn là “Nếu ai học tốt sẽ được thả ra sớm”. Vì thế mọi người đều cố gắng tiếp thu bài vở đầy đủ.

Hầu hết các học viên đều không biết tiếng Trung Quốc hay biết rất ít. Có thể thấy họ đánh vật rất khổ sở với bài vở. Sau đó, nhân viên người Trung Quốc sẽ chấm các câu trả lời của họ để quyết định ai sẽ xuống lớp.

Bất kỳ ai vi phạm luật lệ ở bên ngoài lớp cũng bị mất điểm, mà cuối cùng có thể khiến họ bị đưa đến tầng khác. Theo nội quy trại, những vi phạm sẽ bị phạt càng ngày càng nặng hơn. Những vi phạm này bao gồm, đi không đúng đường, không biết điều gì đó, hay kêu lên vì đau đớn.

Từ 11 giờ sáng đến trưa: ‘Tôi tự hào là người Trung Quốc!’ 

Vào 11 giờ sáng, công an phát cho mỗi tù nhân một cái hộp các tông cỡ giấy A4, trên mỗi hộp có ghi một câu viết bằng chữ màu. “Số 1” nâng hộp của mình lên trên đầu rồi đọc to câu viết trên hộp, và mọi người lặp lại vài lần liên tiếp. “Tôi tự hào là người Trung Quốc!” Rồi đến người kế tiếp nâng cao hộp của họ lên. “Tôi yêu mến Tập Cận Bình!”.

Những ai không phải là người Hán đều bị Đảng và chính quyền Trung Quốc coi không phải là con người. Không chỉ người Kazakh và người Duy Ngô Nhĩ, mà tất cả dân tộc khác trên khắp địa cầu. Những lúc ấy chị cũng phải nói hùa theo tiếng hô vang của mọi người. “Cuộc đời tôi và những gì tôi có được tất cả đều nhờ ơn Đảng!” Trong khi ấy, ý nghĩ quay cuồng trong đầu tôi là: Toàn bộ thành phần tinh hoa của Đảng đã mất trí. Tất cả họ đều là những người hoàn toàn điên rồ.

Trưa đến 2 giờ chiều: Bắt ăn thịt heo

Công an đưa tất cả những tù nhân về lại xà lim, còn nhân viên trại trở về phòng họ. Tù nhân hầu như bị bỏ đói và họ buộc lòng ăn thịt heo vào mỗi thứ Sáu. Thoạt đầu, một số người Hồi giáo không chịu ăn thịt heo. Đáp lại sự phản kháng của họ là tra tấn. Sau một thời gian, những người này cũng ăn thịt heo luôn.

Từ 2-4 giờ chiều: Hát ca ngợi Đảng

Tất cả những tù nhân đều trở lại lớp học để hát những bản nhạc về Đảng trong hai giờ. Đầu tiên, tất cả họ hát quốc ca trước. Sau đó, có một bài hát “đỏ” khác. “Nếu không có Đảng, những trẻ em mới này sẽ không tồn tại…Đảng ra sức phục vụ tất cả các dân tộc ở trong nước. Đảng đã dùng tất cả sức mạnh của Đảng để cứu nước…” Ngày hôm sau, khi tù nhân lê bước vào nhà bếp, họ phải hát những lời nhạc họ vừa học.

Từ 4-6 giờ chiều: Thú tội

Hai giờ kế tiếp, chủ yếu là ngồi im để suy tư về lỗi lầm của bản thân. Rõ ràng cho rằng tù nhân không biết tại sao họ lại vào trại cho nên các nhân viên trại phải giải thích. Chẳng hạn, tù nhân có thể có tội là cầu nguyện, có những quan điểm tôn giáo rất bình thường, hay có những suy nghĩ tiêu cực về ngôn ngữ Trung Quốc, phong tục Trung Quốc hay người Trung Quốc nói chung.

Khi một nhân viên hỏi một em bé 13 tuổi ở hàng đầu: “Tại sao em ở đây?”, em bé gái vội vàng trả lời. “Tôi đã phạm lỗi lầm rất nặng là đã đi thăm người bà con ở Kazakhstan. Tôi nhất định sẽ không bao giờ làm chuyện như vậy nữa!

Từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối: Bị xiềng

Để ăn, tù nhân xếp hàng bên ngoài xà lim: nữ một bên, nam một bên. Một vạch đỏ kẻ thẳng ở giữa nền nhà. Họ phải bước đi dọc theo đúng vạch đỏ này. Bị xiềng ở mắt cá chân và bị xiềng ở cổ tay, cho nên họ chỉ có thể lê từng bước nhỏ. Ai vấp ngã sẽ bị tra tấn.

Từ 8-10 giờ tối: ‘Tôi là tội phạm’

Tù nhân được cho về lại xà lim của họ để “nhận tội trong lòng”. Điều này có nghĩa là bằng giọng thì thầm họ nói lặp đi lặp lại tội của họ. “Tôi là tội phạm vì tôi đã cầu nguyện. Tôi là tội phạm vì tôi đã cầu nguyện. Tôi là tội phạm…”

Từ 10 giờ tối đến nửa đêm: ‘Tôi không còn là người Hồi giáo’

Từ 10 giờ tối đến nửa đêm, mỗi tù nhân phải gò lưng trên nền xà lim của họ đến hai tiếng đồng hồ để viết bản thú tội. Nếu viết như thế này: “Tôi phạm tội tôn giáo, vì tôi nhịn ăn trong tháng Ramadan. Nhưng hôm nay tôi biết không có Chúa”, thì họ có nhiều cơ hội được tăng điểm. Sáng hôm sau họ phải nộp lại bản thú tội.

Một câu đặc biệt quan trọng, và phải luôn luôn ghi trong bản thú tội: “Tôi không còn là người Hồi giáo. Tôi không tin Chúa nữa”.

Ngay cả lúc họ cuối cùng được để yên, họ phải ngủ ép sát vào nhau, phải nằm nghiêng về bên phải, và lúc ngủ cũng vẫn bị xiềng ở cổ tay và mắt cá chân. Lật người qua là tuyệt đối cấm và sẽ bị phạt nặng.

Nửa đêm đến 1 giờ sáng: Phận sự cảnh gác

Vào nửa đêm, tôi phải đứng canh gác một giờ đồng hồ. Cầu thang cũng gần “phòng đen”, nơi họ tra tấn người. Sau hai hoặc ba ngày ở trại, lần đầu tiên tôi nghe những tiếng kêu thét thất thanh vang vọng khắp đại sảnh rất rộng và thấm qua từng lỗ chân lông trên người tôi. Trong đời mình, tôi chưa từng bao giờ nghe những tiếng kêu thét như thế.

Từ 1-6 giờ sáng: Không thể nào ngủ 

Sau khi hết phiên gác, tôi nằm thu mình lại trên tấm đệm nhựa, co hai đầu gối lên và kéo tấm chăn lên đầu. Khí lạnh từ nền xi măng tiết ra thấm vào tận xương. Không thể nào ngủ được. Mùi hôi thối của nhà vệ sinh, những tiếng kêu thất thanh vẫn còn vang vọng bên tai, những chuyện không thể chịu đựng nỗi tôi đã thấy trong ngày.

Rồi đến lúc nào đó tôi dần dần bắt đầu ngủ và hai giờ sau chuông lại vang lên chói tai. Cuộc sống ở trong trại chính xác là như vậy, ngày nào cũng như ngày nào. Ánh sáng nhân tạo 24 giờ mỗi ngày. Bị nhốt trong cỗ quan tài bằng bê tông.

Trích từ tác phẩm “The Chief Witness: Escape from China’s Modern-day Concentration Camps” của Sayragul Sauytbay, nhà xuất bản Scribe ấn hành vào ngày 6 tháng Năm 2021.

Nguồn: Dịch từ báo Anh The Times, số ra ngày 30/4/2021. Tựa đề tiếng Việt của người dịch. Tựa đề tiếng Anh “My escape from a Chinese internment camp”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.