Bản tin ngày 24-6-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng việc máy bay và tàu trinh sát Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Trả lời câu hỏi về vụ TQ đưa tàu trinh sát và máy bay quân sự cỡ lớn ra Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của VN, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói như cái loa, phát lại những điều mà mọi người đều biết:
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm đến chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị”. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”.
Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc gắn thẻ tên thực vật ở Hoàng Sa, VTC đưa tin. Khi được hỏi về vụ truyền thông TQ thông báo, chính quyền tỉnh đảo Hải Nam triển khai dự án gắn thẻ tên các loài thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của VN, bà Thu Hằng mở loa phát tiếp:
“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế… các hành vi dưới mọi hình thức vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận”.
Trước đó, đoàn cán bộ ngoại giao của Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 31 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển, theo báo Thế Giới và VN. Từ ngày 21 đến ngày 25/6, Đại sứ Đặng Đình Quý và đoàn ngoại giao VN tham dự Hội nghị tại Trụ sở LHQ ở New York, xem xét báo cáo về luật biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa, Cơ quan quyền lực đáy đại dương và các vấn đề thủ tục, ngân sách, nhân sự của các cơ quan này.
Hội nghị đã quyết định kéo dài nhiệm kỳ của các thành viên Ủy ban ranh giới thềm lục địa thêm một năm, do đại dịch Covid-19. Đại sứ Quý phát biểu, Biển Đông là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải tại khu vực này có ý nghĩa thiết yếu với hoà bình, phát triển của khu vực và quốc tế, mọi tranh chấp ở đây phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Báo Giao Thông có bài: Mỹ rục rịch kế hoạch mới, dành hẳn hạm đội mạnh nhất tập trung Biển Đông. Theo kế hoạch của Hải quân Mỹ, việc thành lập thêm 1 hạm đội và 2 lữ đoàn mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ giải phóng nguồn lực cho Hạm đội 7, để thực hiện các nhiệm ưu tiên hàng đầu ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, tăng cường hoạt động quân sự để ngăn chặn Trung Quốc ở phía Nam và Đông Nam Á.
Cựu tổng thống lãnh đạo Philippines thắng Trung Quốc vụ kiện Biển Đông qua đời, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Benigno Aquino III, tổng thống thứ 15 của Philippines (2010-2016), qua đời ở tuổi 61. Ông Aquino là vị tổng thống đại diện cho Philippines, kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế, bác bỏ “đường lưỡi bò” chín đoạn, liếm Biển Đông và đã thắng kiện năm 2016.
Mời đọc thêm: Việt Nam lên tiếng việc tàu trinh sát và máy bay Trung Quốc được phát hiện tại đá Chữ Thập (NLĐ). – Đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông (TTXVN). – Việt Nam kiên quyết phản đối hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc (DT). – Kiên quyết phản đối Trung Quốc gắn thẻ ghi nhận thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam(HNM).
– Việt Nam khẳng định quan điểm tại hội nghị các nước thành viên UNCLOS 1982(Tin Tức). – Nếu xung đột Mỹ-Trung thêm căng, kinh tế Australia ‘hứng đòn đau’ tới mức nào? (TG&VN). – Sau cuộc thao dượt lớn, Trung Quốc nói tương lai của Đài Loan gắn với ‘thống nhất’ (VOA).- Benigno Aquino III: Vị tổng thống từng kiện Trung Quốc, qua đời (BBC). – Cựu Tổng thống Philippines Aquino, một ngôi sao dân chủ, vừa qua đời (VOA).
Dịch Covid-19 ở VN
Bộ Y tế thông báo: Sáng 24/6, thêm 42 ca Covid-19, Việt Nam gần chạm mốc 14.000 bệnh nhân, riêng Sài Gòn có 26 ca mới. Bộ Y tế cập nhật: Trưa 24/6, thêm 127 ca Covid-19, riêng TPHCM 75 ca, là buổi trưa đầu tiên mà Sài Gòn ghi nhận thêm 75 ca nhiễm mới. Bộ Y tế cho biết: Tối 24/6, 116 ca Covid-19 trong nước, TPHCM dẫn đầu số ca mắc với 61 ca nhiễm mới, các ca còn lại rải rác ở 8 tỉnh từ Bắc vào Nam. Tổng cộng, hôm nay, VN có 285 ca nhiễm Covid-19 mới, riêng thủ phủ miền Nam có 162 ca, chiếm 56,8%.
Tổng số ca mới hôm nay không quá nhiều, nếu so với những ngày có hơn 400-500 ca nhiễm, nhưng các ca nhiễm của ngày 24/6 rải rác trên nhiều tỉnh, thành. VTC đưa tin: Hải Phòng phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2 sau gần một tháng không có ca mới. Đó là bệnh nhân đã ngồi chuyến xe khách của nhà xe Trung Đức, đi lại giữa Sài Gòn và Hải Phòng, có đi qua Đồng Nai, mà cả tài xế và phụ xế đều được xác nhận dương tính với Covid-19.
Dịch lan tới Phú Yên: Phú Yên ghi nhận 8 ca dương tính COVID-19 đầu tiên, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Tất cả các ca nhiễm này đều là F1 của một bà chủ quán cơm ở Phú Yên, được xác định dương tính trước đó ở tỉnh Khánh Hòa, sau khi di chuyển từ TP Tuy Hòa tới TP Nha Trang. Cơ quan chức năng nghi ngờ bà chủ quán này bị lây Covid-19 từ một tài xế.
Dịch tiếp tục lây lan ở vùng công nghiệp lớn nhất Đông Nam Bộ: Bình Dương ghi nhận thêm 27 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng, báo Tiền Phong đưa tin. Trong đó có 25 trường hợp liên quan đến các ổ dịch tại một số doanh nghiệp đã được ghi nhận từ trước, 2 trường hợp đang điều tra dịch tễ, được phát hiện do bệnh nhân chủ động đi khám, gồm một người lao động làm việc ở Sài Gòn và một tài xế của Công ty Sách, thiết bị trường học TPHCM, chi nhánh KCN Sóng Thần 3, Thủ Dầu Một.
Tình hình dịch lây lan phức tạp nhất vẫn ở TP HCM: Phát hiện 58 người nhiễm SARS-CoV-2 tại một khu chợ, báo Người Lao Động đưa tin. Có 58 người được xác nhận dương tính Covid-19, nên 95 hộ gia đình với 365 nhân khẩu bị phong tỏa, liên quan đến khu chợ Sơn Kỳ ở quận Tân Phú. Hai ca nhiễm đầu tiên liên quan đến khu chợ này được ghi nhận ngày 20/6, khi cơ quan chức năng truy viết chuỗi lây nhiễm ở chợ đầu mối Hóc Môn, đều thuộc vùng dịch của vành đai phía tây Sài Gòn.
Dịch cũng lây lan ở miền Tây Nam Bộ: 5 ca dương tính nCoV trong KCN, hơn 1.000 công nhân phải ở lại công ty, theo VietNamNet. Tối qua, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh xét nghiệm ngẫu nhiên hàng trăm mẫu tại Công ty TNHH Winga VN, thuộc khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, đồng thời gửi 900 mẫu khác tại công ty đến Viện Pasteur TP HCM. Kết quả xét nghiệm các mẫu tại Viện Pasteur TP HCM phát hiện 5 trường hợp dương tính.
Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục lây lan, phương pháp “chống dịch” bằng cách ly tập trung ở VN ngày càng xuất hiện vấn đề: Bất ổn tâm lý trong khu cách ly tập trung, theo VnExpress. Các F1 bị cách ly tập trung còn chịu áp lực tâm lý hơn cả F0, vì dù sao F0 cũng đã được xác định có bệnh, cứ điều trị đến khi xét nghiệm nhiều lần âm tính là được về nhà, còn với các F1, chỉ cần xuất hiện một ca F0 trong phòng là các F1 chung phòng đều bị “reset” thời gian cách ly. Dù thời gian cách ly theo chuẩn trước đó là 14 ngày, một số F1 bị cách ly lâu hơn, cách ly nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
Tin cho biết, tại một khu cách ly tập trung ở quận 3, “những ngày đầu cách ly, người dân chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch. Họ hòa đồng, trò chuyện, chia sẻ thông tin… song giữ khoảng cách, đeo khẩu trang. Sau khi khu ghi nhận ba ca mắc Covid-19, bốn trường hợp chung phòng với các F0 này phải cách ly lại từ đầu, dù có người gần đến hạn hết cách ly”.
***
Vụ Doanh nghiệp Nanogen muốn vaccine “cây nhà lá vườn” Nanocovax được cấp phép sớm, VOV dẫn lời GS.TS Phạm Ngọc Đính, thành viên Hội đồng Đạo đức Quốc gia trong lĩnh vực Y – Sinh học, Bộ Y tế: “Không cho phép bỏ qua bất cứ giai đoạn nào khi thử nghiệm vaccine”. Ông Đính cho biết:
“Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều từ góc độ một nhà khoa học, liệu đề nghị này có dẫn đến các thiếu sót không. Sau khi kiểm tra lại các thông tin, trực tiếp hỏi cơ sở thử nghiệm là Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM, với trên khoảng 1.000 tình nguyện viên được tuyển chọn cẩn thận, chu đáo, tất cả bước thử nghiệm đều được tôn trọng”.
Trước đó, có người ở Thái Nguyên bị phạt năm triệu sau khi bình luận “người dân đang chết mòn vì dịch bệnh sao không lo”, RFA đưa tin. Vào ngày 16/6, trang Facebook “Gang Thép” đăng bài viết dẫn thông tin về vụ lãnh đạo tỉnh này giao hơn 4.600 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công, thì có người dân vào bình luận: “Khi người dân đang chết dần, chết mòn vì dịch bệnh sao không lo cho dân đi; thay đổi diện mạo có khiến dân no cái bụng”. Sở TT&TT đã cùng với công an tỉnh Thái Nguyên truy tìm người này để phạt tiền.
Mời đọc thêm: Sáng 24/6: Thêm 42 ca mắc COVID-19, Việt Nam có tổng số 13.989 bệnh nhân — Trưa 24/6: Thêm 127 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM đã 75 trường hợp— Ngày 24/6: Có 285 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM 162 trường hợp (SKĐS). – Đà Nẵng thêm 18 ca nhiễm SARS-CoV-2, có 2 ca làm việc tại KCN Hòa Khánh (NLĐ).
– Nha Trang phong tỏa các nơi liên quan chủ quán cơm ở Phú Yên (TT). – Long An: Thêm 22 ca dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 (Tin Tức). – Vì sao dịch Covid-19 lại bùng phát ở Tiền Giang? (VOV). – Người phát ngôn: New York Times ‘không khách quan’ khi nói VN may mắn trong chống dịch(VOA). – Covid-19: Biến thể Delta sẽ tràn ngập châu Âu từ giờ tới tháng 8 — – Covid-19: Y Sĩ Không Biên Giới đề nghị cải cách khẩn cấp cơ chế chia sẻ vac-xin Covax(RFI).
Vụ án trục lợi ở CDC Hà Nội
Sáng nay, TAND cấp cao tại TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu tại CDC Hà Nội, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Đó là vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội). Phiên tòa sơ thẩm tuyên án chiều 12/12/2020, bị cáo chính là cựu GĐ CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên 10 năm tù. Bị cáo Cảm và một số đồng phạm đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Diễn biến lạ, CDC 30 tỉnh, thành xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu Giám đốc Nguyễn Nhật Cảm, VTC đưa tin. Trong phần thủ tục, HĐXX xác nhận, đã nhận được đơn của các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thuộc 30 tỉnh, TP, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cảm và các bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội.
Không chỉ thế, hơn 430 bác sĩ xin giảm án cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội, theo Zing. LS của ông Nguyễn Nhật Cảm cung cấp danh sách 430 bác sĩ ở nhiều BV, cùng với 42 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ đồng loạt xin giảm án cho cựu giám đốc và cán bộ CDC Hà Nội.
Một số tổ chức khác và 2 nhà khoa học cũng có kiến nghị tương tự gửi HĐXX của tòa phúc thẩm. Đại diện CDC Hà Nội cũng có đơn xin tòa phúc thẩm xem xét giảm hình phạt cho ông Cảm và 2 bị cáo là cựu cán bộ của cơ quan này. Các tin trên báo “lề phải” đều không giải thích rõ vì sao có nhiều người trong ngành y ngầm phản đối bản án của tòa sơ thẩm.
Báo Tiền Phong có bài: Cựu Giám đốc CDC Hà Nội nói về ‘10% hoa hồng’ thiết bị chống dịch COVID-19. Bị cáo Cảm giải thích, vào thời điểm xảy ra vụ sai phạm, Covid-19 là dịch bệnh mới xuất hiện ở VN, CDC Hà Nội buộc phải đấu thầu không theo quy trình: “CDC Hà Nội phải gồng mình lên tham khảo, tìm hiểu trên thị trường, đề xuất danh mục cụ thể từ chủng loại, giá… Sự việc xảy ra trong thời gian cấp bách nên chúng tôi lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu”.
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định, chưa từng nghe bất cứ ai nói rằng ông sẽ được hưởng bao nhiêu “hoa hồng” nếu mua hệ thống máy đó. Ông Cảm nói thêm, trước thời điểm bị bắt, bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất đã liên hệ để 2 bên gặp nhau vào một buổi tối. Ông Nhất nói với ông Cảm rằng đã bị ép cung, phải khai nhận có ăn chia. Ông Cảm nói: “Nhất nói là em bị ép. Bị cáo đã làm bản tường trình rất đầy đủ với cơ quan điều tra”.
Diễn biến chính trong phần tranh luận của phiên xử phúc thẩm vụ CDC Hà Nội: VKS đề nghị y án, các bị cáo, luật sư mong tòa xem xét tình tiết mới, theo báo Pháp Luật VN. Đại diện VKS nói, dù bị cáo Cảm được CDC Hà Nội và đồng nghiệp khắp nơi gửi đơn xin giảm nhẹ, bản thân bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật, nhưng VKS vẫn thấy căn cứ để xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là không có căn cứ để xem xét.
LS Trần Thị Ngọc Hiếu phản biện, cần đặt các hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu thầu của bị cáo Cảm và các bị cáo khác của CDC Hà Nội “trong một bức tranh tổng thể khi dịch bệnh ập đến ngay từ đầu đã rất phức tạp, khó lường, không thể tránh khỏi sự lúng túng trong chỉ đạo, thực hiện công tác chống dịch của đội ngũ y tế tuyến đầu, dễ dẫn đến sai sót, vi phạm pháp luật”.
Chiều nay, HĐXX của TAND cấp cao TP Hà Nội quyết định giữ nguyên mức án 10 năm tù đối với cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, VOV đưa tin. Phiên tòa diễn ra theo đúng bài bản của tòa “bỏ túi”, tất cả thủ tục, trình tự diễn ra trong một ngày, phần tranh luận chỉ mang tính hình thức.
Mời đọc thêm: Xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu tại CDC Hà Nội(HNM). – Hàng trăm người xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo vụ CDC Hà Nội (VNN). – Rất nhiều bác sỹ và CDC các tỉnh xin giảm án cho cựu giám đốc CDC Hà Nội (PLTP). – Cựu Giám đốc CDC Hà Nội: “Bị cáo làm việc quên mình mà bỏ qua rủi ro” (VOV).
– Nguyên giám đốc CDC Hà Nội muốn tiếp tục bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân(NLĐ). – Vụ vi phạm trong đấu thầu tại CDC Hà Nội: Viện kiểm sát đề nghị y án sơ thẩm với các bị cáo (KTĐ). – Bác kháng cáo, y án sơ thẩm đối với cựu Giám đốc CDC Hà Nội(TP). – Toà phúc thẩm tuyên y án 10 năm tù cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm (VTC).
***
Thêm một số tin: Hoa kỳ sẽ áp thuế chống trợ cấp đối với lốp xe từ Việt Nam (RFA). – 3 cán bộ ở Huế kê khống hàng trăm mộ giả để lấy tiền bồi thường (NV). – Hồng Kông : Ấn bản cuối cùng của tờ báo độc lập Apple Daily (RFI). – Người Hong Kong có ‘cuộc chia tay đau đớn’ với báo ủng hộ dân chủ Apple Daily (BBC). – Thái Lan : Người dân biểu tình đòi dân chủ bất chấp lệnh cấm tụ tập phòng ngừa Covid-19 — Liên Âu lên án chính quyền Hungary kỳ thị cộng đồng LGBT (RFI).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.