“Trái táo cấm” Apple Daily không còn chỗ trong Tử Cấm Thành
Mẫn Nhi
25-6-2021
“Nhà báo con mẹ mày”. Những ai lần đầu tiên đến trụ sở của tờ báo Apple Daily, vô tình nhìn thấy dòng chữ trên được dán trịnh trọng ở một góc văn phòng, hẳn sẽ thấy sốc và khó hiểu.
“Những ai” ở đây tất nhiên là người nước ngoài. Sẽ không có người Hong Kong nào thắc mắc gì về nó.
Nguyên văn của những chữ đó là “記你老母”. Đó là câu chửi tục đã trở nên nổi tiếng từ các cuộc biểu tình vào năm 2019. Khi cảnh sát giải tán, truy xét người biểu tình, các phóng viên ở hiện trường giải thích “tôi là nhà báo” nhằm thông báo mình đang tác nghiệp. Nhiều lần cảnh sát đáp lại bằng câu chửi thề trên, và cố tình khám xét phóng viên, ngăn cản họ đưa tin. [1]
Không ít người dân thấy sốc khi chứng kiến những hành vi đó từ một lực lượng chấp pháp vốn từng được mệnh danh là văn minh nhất châu Á. Không ít nhà báo cũng thấy bị đe dọa trước thái độ thù địch này của cảnh sát. Những người làm ở Apple Daily thì không.
Họ in ra và dán câu chửi thề một cách trịnh trọng bên dưới tên tờ báo, vừa thách thức, vừa giễu cợt, lại vừa như có phần tự hào.
Sẽ không có người Hong Kong nào thấy ngạc nhiên. Từ những ngày đầu tiên cách đây đúng 26 năm, đây đã luôn là phong cách và tư tưởng nhất quán của Apple Daily, một cái gai lì lợm trong mắt chính quyền.
Câu chuyện về Apple Daily là một phiên bản rút gọn về cuộc đời của người sáng lập ra nó, đồng thời cũng là một bức tranh thu nhỏ về con người và mảnh đất Hong Kong.
***
Ngày 20/6/1995, Apple Daily (蘋果日報) đăng số đầu tiên. Bài xã luận đầu tiên ghi rõ: “tờ báo này là của người Hong Kong”. [2]
Đó không phải là tuyên bố suông.
Apple Daily không những đem lại một luồng sinh khí mới, mà còn khuấy đảo và biến đổi cả làng báo Hong Kong. [3]
Tờ báo xác lập một phong cách “hầm bà lằng” có một không hai thời bấy giờ: vừa có những mảng tin tức nghiêm túc trong và ngoài nước, vừa tràn ngập tin giải trí, tin án mạng, tin lá cải gây sốc, kể cả các trang ảnh khiêu dâm.
Trong bối cảnh các tờ báo in của Hong Kong chỉ có hai màu trắng đen theo đúng nghĩa, Apple Daily trình làng phong cách hoàn toàn mới, chú trọng thiết kế, đưa màu sắc sinh động, hình ảnh hấp dẫn lên các trang báo. Trong khi các tờ báo in chi chít chữ là chữ với kích thước nhỏ, Apple Daily tràn ngập những tiêu đề bắt mắt cỡ lớn. Khi báo chí dùng văn phong trịnh trọng nghiêm cẩn, “trái táo” truyền đạt nội dung qua thứ ngôn ngữ bình dân dung tục.
Cùng với chiến lược marketing ấn tượng, vừa bán vừa tặng, và việc đầu tư mạnh tay chiêu dụ nhân tài, chỉ trong một thời gian ngắn, tờ báo mới trở thành một cái tên quen thuộc đối với độc giả, có lượng tiêu thụ nhiều nhất nhì.
Apple Daily còn đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực khác, như việc mở báo mạng hay làm tin tức bằng hoạt hình, thu hút lượng theo dõi lớn.
Dưới áp lực đó, nhiều tờ báo của Hong Kong đều bị “táo hóa”, phải thay đổi phong cách, đầu tư nhiều hơn vào thiết kế, hình ảnh lẫn nội dung để phục vụ thị hiếu người đọc.
Việc chạy theo thị hiếu tạp nham khiến Apple Daily ngay từ ngày đầu đã là một tờ báo gây tranh cãi, đi kèm với danh xưng “lá cải” (tabloid).
Họ dính không ít vụ kiện và phải bồi thường vì các bài viết có nội dung sai sự thật hoặc có tính chất phỉ báng. [4] [5] Tai tiếng nhất là vụ việc bi kịch của một gia đình vào năm 1998. [6] Người vợ đau khổ vì chồng ngoại tình, đẩy hai đứa con nhỏ từ lầu cao xuống sau đó nhảy ra ngoài tự sát. Nhiều báo đưa tin người chồng không thể hiện sự đau khổ nào trước sự việc. Khi Apple Daily đăng ảnh anh chồng vui vẻ bên cạnh hai cô gái mại dâm, dư luận càng dậy sóng. Tuy nhiên, thông tin nhanh chóng lộ ra là tờ báo đã trả tiền cho nhân vật này để thực hiện loạt ảnh đó. Đích thân người sáng lập, ông Jimmy Lai, phải dành trọn trang nhất để đăng đàn xin lỗi.
Gần đây nhất, cái tên Apple Daily và Jimmy Lai gắn liền với một vụ tranh cãi liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Điều tra của tờ NBC (Mỹ) chỉ ra “báo cáo tình báo” về những mối quan hệ mờ ám giữa Hunter Biden, con trai của ứng viên Joe Biden, với Trung Quốc, có nhiều thông tin bị làm giả. [7] Tác giả của báo cáo này cho biết đã nhận tiền của Apple Daily để thực hiện công việc trên. Jimmy Lai, một ủng hộ viên nhiệt thành của Donald Trump, khẳng định mình không biết gì về việc này, dù thừa nhận một nhân viên cấp cao đã lấy tiền từ công ty riêng của ông để tài trợ cho báo cáo. [8] Nhân viên này sau đó đã xin nghỉ việc. “Thông tin tình báo” trên thì được các tờ báo cánh hữu lan truyền rộng rãi.
Dính nhiều vụ bê bối như vậy, nhưng Jimmy Lai chưa bao giờ lăn tăn về định hướng nội dung, hay nói một cách văn hoa là “triết lý” của tờ báo.
Ông xem Apple Daily cũng giống như các sản phẩm quần áo vải vóc mình từng làm trong những ngày đầu khởi nghiệp: đủ màu đủ kiểu đủ kích thước, đa dạng chủng loại thích hợp với mọi loại người đọc. [9]
***
Jimmy Lai (Lê Trí Anh) là một nhân vật truyền kỳ tại Hong Kong. [10]
Ông sinh năm 1948 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Theo lời kể lại, vào thời kỳ cải cách ruộng đất, mẹ ông bị đấu tố rồi phải vào trại lao động cải tạo. Năm 12 tuổi, ông một mình vượt biên, bơi đến Hong Kong. Vất vưởng trên đường phố, ông tự thân bươn chải, tự học, tự khởi nghiệp, từng bước trở thành một trong những thương nhân giàu có nhất xứ Cảng Thơm với các nhà máy may mặc và nhãn hàng thời trang Giordano.
Năm 1989, khi giới sinh viên biểu tình đòi cải cách dân chủ tại Bắc Kinh, ông tích cực vận động ủng hộ cho phong trào. Sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn, ông tặng 200 ngàn chiếc áo thun cho người biểu tình tại Hong Kong với dòng chữ “Cút xuống! Chúng tôi nổi giận rồi!”. [11]
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt mới, khi chỉ một năm sau, Jimmy Lai thành lập công ty truyền thông Next Media (sau này đổi tên thành Next Digital) và cho xuất bản tuần san Next Magazine (壹週刊), dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mà ông không hề có kinh nghiệm. [12]
Phong cách đường phố không ngán ai của người sáng lập được thể hiện rõ ràng qua Next Magazine và sau này là nhật báo Apple Daily.
Bên cạnh các tin tức giải trí câu khách, các tờ báo này đều dành nguồn lực lớn để theo đuổi các tin tức về hoạt động của chính quyền, các câu chuyện hậu trường, hoạt động và cả đời tư của quan chức, đặc biệt là luôn lớn tiếng chống lại chế độ cầm quyền của Bắc Kinh.
Tháng 7/1994, đích thân Jimmy Lai đăng đàntrên Next Magazine với “Lá thư công khai gửi thằng khốn Lý Bằng”. [13] Thời điểm đó, Lý Bằng, Thủ tướng của Trung Quốc, đã phát biểu trong chuyến công du Đức rằng sự kiện Thiên An Môn là bạo loạn, và hành động đàn áp học sinh – sinh viên là đúng đắn. Đáp lại, Jimmy Lai gọi Lý Bằng là “nỗi nhục nhã, à mà không, là nỗi nhục nhã siêu cấp của đất nước”. Thống kê trong bài viết, Jimmy có 28 lần chửi họ Lý là “thằng khốn” (王八蛋).
Những hành động gây thù chuốc oán với nhà cầm quyền nhanh chóng khiến công việc kinh doanh ở mảng may mặc và thời trang của ông gặp khó khăn. Các cửa hàng Giordano ở Trung Quốc đại lục bị buộc phải đóng cửa. Jimmy Lai phải rút khỏi các dự án kinh doanh này năm 1996. [14]
Đây không phải là tin tức tốt gì với nhà cầm quyền, khi giờ đây ông càng chuyên tâm hơn cho sự nghiệp truyền thông, nhất là đứa con cưng Apple Daily.
***
Dù ngay từ đầu đã ra mặt chống lại thể chế độc tài Bắc Kinh, nhưng phải đến năm 2003, cùng với cuộc biểu tình của 500.000 ngườichống lại việc thông qua một đạo luật an ninh quốc gia, Apple Daily mới bắt đầu mang danh xưng tờ báo cổ xúy cho phong trào dân chủ lớn nhất Hong Kong. [15]
Không chỉ làm nhiệm vụ đưa tin, tờ báo này còn lấn sang cả mảng hoạt động, khi các bài viết đều kêu gọi người dân xuống đường tham gia biểu tình. Trang nhất của báo còn in to những khẩu hiệu như “Cùng đi xuống đường, không gặp không về” hay “Tôi không muốn Đổng Kiến Hoa” (Đặc khu trưởng của Hong Kong vào thời điểm đó), cố tình để người dân có thể dùng các trang báo này làm poster khi đi biểu tình. [16]
Ở các sự kiện tiếp theo như Phong trào Dù vàng 2014 và các cuộc biểu tình phản đối Luật Dẫn độ năm 2019, Apple Daily, cùng với tuần san chị em Next Magazine, đều đóng góp công sức, tích cực vận động cho các phong trào này.
Lập trường của hai tờ báo này khiến họ mất đi một nguồn doanh thu quan trọng: các hợp đồng quảng cáo. Năm 2007, Jimmy Lai tiết lộ hầu hết các tập đoàn và doanh nghiệp lớn ở Hong Kong đều từ chối quảng cáo trên hai tờ báo của ông, bất chấp chúng có số lượng tiêu thụ thuộc hàng cao nhất. Các doanh nghiệp lo sợ bị Bắc Kinh gây khó dễ cho công việc làm ăn, khi tất cả đều có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với đại lục. Jimmy ước tính việc này khiến công ty truyền thông của ông thiệt hại 200 triệu HKD (gần 26 triệu USD) mỗi năm. [17]
Đổi lại, hai tờ báo của ông, đặc biệt là Apple Daily, thực sự trở thành tiếng nói của người Hong Kong, khi phản ánh hết mọi mặt đời sống tinh thần của họ lẫn những uất ức dồn nén trước sự kìm kẹp ngày một chặt của Bắc Kinh.
Điều đó giải thích vì sao người Hong Kong luôn sẵn sàng ủng hộ tờ báo, ngay cả khi họ không đồng tình với quan điểm hay các nội dung của nó.
Sự ủng hộ này thể hiện rõ ràng nhất khi Apple Daily bị chính quyền đàn áp.
Ngày 10/8/2020, hơn 200 cảnh sát Hong Kong bố ráp trụ sở của tờ báo, bắt giữ Jimmy Lai và một số lãnh đạo cấp cao khác. Ngay hôm sau, tờ báo in ra 550.000 bản, nhiều gấp tám lần so với số lượng thông thường. [18] Trang nhất là hình ảnh người sáng lập bị cảnh sát dẫn giải cùng dòng chữ in lớn “Trái Táo sẽ tiếp tục chiến đấu”.
Toàn bộ các ấn bản đều được bán hết chỉ trong vòng vài tiếng buổi sáng. Nhiều người xếp hàng mua báo từ tờ mờ sáng để thể hiện sự ủng hộ.
“Ngay cả khi báo chỉ in ra mấy tờ giấy trắng tôi cũng mua”, đó là lời của một người nội trợ 52 tuổi, xếp hàng chờ mua lúc 3 giờ sáng. [19]
Người dân còn đổ xô mua cổ phiếu của Next Digital, công ty mẹ của tờ báo, đẩy giá cổ phiếu tăng 1.200%, biến nó trở thành công ty truyền thông có giá trị lớn nhất trên sàn niêm yết tại Hong Kong. [20] Chỉ đến khi có động thái can thiệp của cơ quan quản lý, cuộc biểu tình thị uy trên sàn chứng khoán này mới kết thúc, giá trị cổ phiếu của công ty mới giảm xuống. [21]
Câu chuyện lặp lại khi ngày 17/6/2021 vừa qua, hơn 500 cảnh sát ập vào trụ sở tờ báo, bắt giữ tổng biên tập và các quản lý cấp cao. Ngày hôm sau, Apple Daily tăng số lượng lên 500.000 bản, với trang đầu đưa tin và hình ảnh vụ bắt giữ. [22] Người dân lại xếp hàng xuyên đêm giành mua để ủng hộ.
Chỉ khác là lần này chính quyền đã quyết tâm buộc tờ báo đóng cửa bằng cách đóng băng tài sản của công ty mẹ, khiến họ không còn kinh phí để duy trì hoạt động.
Ngày 24/6 vừa qua, Apple Daily xuất bản ấn phẩm cuối cùng với số lượng 1 triệu bản. [23] Người dân xếp hàng dài từ nửa đêm để được mua số báo cuối cùng. Tâm trạng của họ giống như hình ảnh trên trang nhất, ghi lại cảnh độc giả đội mưa tập hợp trước trụ sở tòa báo vào đêm cuối cùng, bật đèn pin trên di động để vẫy chào từ biệt.
“Chúng tôi ủng hộ Trái Táo đến cùng”
***
Jimmy Lai, biểu tượng và là nhà sáng lập của tờ báo, đang chịu án tù 14 tháng vì tội tham gia biểu tình phi pháp. [24] Ông còn phải đối mặt với nhiều cáo trạng khác từ chính quyền theo Luật An ninh Quốc gia, với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Các quản lý cấp cao của tờ báo vừa bị bắt giữ cũng phải đối mặt với những án phạt tương tự dưới đạo luật này.
Không ai, đặc biệt là những người trong cuộc, ngạc nhiên gì trước các diễn biến này.
Apple Daily cũng không phải nạn nhân đầu tiên bị bắn hạ dưới họng súng mang tên Luật An ninh Quốc gia, được Bắc Kinh vội vã áp đặt lên đặc khu tự trị cách đây đúng một năm. [25] Cuối tháng 2/2021, cảnh sát đã đồng loạt bố ráp bắt giữ hàng chục nhân vật đối lập nổi tiếng nhất Hong Kong với cùng cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. [26]
Từng bước một, Bắc Kinh dường như đã thành công trong việc bóp chết phong trào đấu tranh đòi dân chủ của người dân Hong Kong.
Việc bứng quả táo lì lợm ra khỏi cây chỉ là hành động mới nhất, và chắc chắn không phải là cuối cùng của nhà cầm quyền trong việc trấn áp các tiếng nói đối lập.
Họ chưa xong việc, và họ có lẽ sẽ không bao giờ xong được việc, cho dù có bứng được bao nhiêu trái táo.
Nếu chính quyền cộng sản ngày trước không thực hiện các chính sách quản lý tàn bạo, đẩy những người như mẹ của Jimmy Lai vào địa ngục, ông có thể đã lớn lên và có một cuộc đời bình thường ở đại lục.
Nếu nhà cầm quyền ngày ấy không đàn áp dã man những thanh niên trẻ tuổi yêu nước trong sự kiện Thiên An Môn đẫm máu, rất có thể Jimmy Lai đã không quay ngoắt dấn thân vào làm truyền thông, để rồi tạo nên một đế chế khiến chính quyền phải cực kỳ vất vả đối phó suốt mấy chục năm.
Và trong tương lai không xa, rất có thể sẽ lại có người viết sử nhắc về sự kiện đàn áp một tờ báo ngày hôm nay như dấu mốc khởi đầu cho hàng loạt các tờ báo và phong trào khác ra đời.
Ngày hôm nay một trái táo cấm bị bứng khỏi Tử Cấm Thành, ngày mai những cây táo khác sẽ mọc lên che phủ xung quanh nó.
Mỗi một trái táo rớt xuống, một cây táo mới sẽ được sinh ra.
Đó là vòng lặp tự nhiên như của trời và đất, như chính tên gọi của tờ báo.
Jimmy Lai lựa chọn tên của tờ báo với cảm hứng từ trái táo cấm của Adam và Eve. [27]
Nếu ngày đó Adam và Eve không cắn quả táo, “đã không có tội lỗi, không có đúng sai, và như vậy là cũng chẳng cần tin tức”.
Người ta có thể không đồng tình với quan điểm của Jimmy Lai, cũng như có nhiều điều phải phản đối về cách thức làm báo của Apple Daily, nhưng không ai có thể phủ nhận quyền được “ăn trái cấm” của họ.
Đúng hay sai, mỗi người đều có quyền được thể hiện, được trải nghiệm, và được sống thật với chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.