Báo chí đích thực, sự hiểu lầm phổ biến về khái niệm báo chí ở Việt Nam
21-6-2021
Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi muốn viết thêm về nghề nghiệp báo chí nói chung và giải thích tại sao báo chí ở Việt Nam không thực sự đúng nghĩa báo chí.
Báo chí là hoạt động thu thập, đánh giá, sáng tạo và trình bày tin tức và thông tin. Một xã hội càng đề cao dân chủ thì báo chí càng có chỗ dụng võ. Điều này là bởi xã hội càng dân chủ thì càng có tự do báo chí và rộng hơn là tự do ngôn luận.
Tin tức là một phần của giao tiếp giúp chúng ta được thông báo về những sự kiện, vấn đề và nhân vật đang thay đổi ở thế giới bên ngoài. Tin tức có thể thú vị hoặc mang tính giải trí, nhưng giá trị quan trọng nhất của tin tức là nó như một tiện ích để trao quyền cho người được thông báo.
Do đó, mục đích của báo chí là cung cấp cho công dân thông tin họ cần để đưa ra quyết định tốt nhất có thể về cuộc sống của họ, cộng đồng của họ, xã hội của họ và chính phủ của họ.
Chính vì vậy mà báo chí chất lượng là báo chí tôn trọng tính khách quan, nhà báo có tâm phải trình bày sự thật cho dù họ thích hay đồng ý không với những sự thật đó. Phóng viên tiếng Anh gọi là reporter, tức là người báo cáo. Người này phải có nhiệm vụ báo cáo khách quan, tức là phải có trách nhiệm miêu tả các vấn đề và sự kiện một cách trung lập và không thiên vị, bất kể quan điểm của người viết hay niềm tin cá nhân.
Một nhà báo chân chính là người có lòng trung thành trước hết với nhân dân của mình, không phải với thế lực cầm quyền. Bởi nhân dân là mãi mãi, nhà cầm quyền có thể thay đổi.
Một sự hiểu lầm phổ biến ở Việt Nam cũng như ở những nước cộng sản nói chung là đánh lẫn khái niệm giữa tuyên truyền và báo chí. Tuyên truyền là việc phổ biến thông tin, có thể là sự thật, lập luận, tin đồn, nửa sự thật hoặc dối trá – để tác động đến dư luận.
Do vậy, tuyên truyên có thể là tốt và cũng có thể là xấu.
Tuyên truyền trong thời chiến phải tìm cách làm mất tinh thần của kẻ thù, động viên tinh thần quân ta. Nói vậy không có nghĩa là ở các nước dân chủ không có tuyên truyền mà ngược lại, tuyên truyền liên tục được dùng trong chính trị. Các cuộc bầu cử, tranh vị trí tổng thống hay thống đốc thì ban vận động có thể dùng chiêu trò phát tán sự dối trá, phát tán thông tin, có thể là fake news để phỉ báng, hạ thấp đối thủ, phát tán chỉ một nửa sự thật…
Các công ty sử dụng tuyên truyền thường xuyên trong quảng cáo để thu hút người tiêu dùng về mặt cảm xúc thay vì giúp họ đưa ra các quyết định hợp lý.
Tôi không biết các bạn học trong các trường dạy về báo chí ở Việt Nam có được học để phân biệt hai khái niệm quan trọng này không. Tôi rất tò mò, nếu bạn nào đã học thì vui lòng chia sẻ.
Chính bởi vậy mà từ Báo Chí luôn là cao cả. Bởi nó luôn phải đứng cạnh một từ đáng trân trọng hơn cả với lương tri con người ấy là Sự Thật.
Và từ Tuyên Truyền thì giống như một kẻ lạ mặt, hắn ta có thể tốt hay xấu. Ta phải quan sát hắn và kiểm tra hắn trước khi quyết định xem có tin hắn không.
Tôi hy vọng nhiều bạn qua bài viết này sẽ yêu quý nghề báo hơn và đất nước chúng ta sẽ có nhiều nhà báo chân chính hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.