Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Tản mạn buồn về bài học của lịch sử (Phần 1)

 

Tản mạn buồn về bài học của lịch sử (Phần 1)

Đông Sa

24-6-2021

Khi cảm thán về những ngày tháng bây giờ, có người bảo rằng, đây là “Những tháng ngày buồn tênh và hiu quạnh”. Cảm quan và cảm thán là hoàn toàn chủ quan và mang tính cá nhân riêng biệt. Thế nhưng, sao tôi vẫn nghe trong câu bộc bạch buồn hiu này man man những nỗi chuyện đời, những cảm trạng chung rất nhiều “xã hội tính”.

Một người khác, thân quen với tôi, gởi cho mấy chữ “Những tháng ngày lơ láo”. Tháng ngày mà lơ láo! Ông láo liên lơ láo thì có. Nhưng không chừng mà đúng. Có những tháng ngày ta không biết hướng cái nhìn về đâu, định cái nghĩ về chuyện gì, về phương nào?

Có lẽ do bị “lôi kéo” bởi cảm trạng của hai nguời vừa kể, nên tôi cũng… hiu hiu. Và để tản bớt cái sự “hiu” này, tôi bèn quay ra đọc mấy cuốn sử cũ, cái loại chẳng mấy ai đọc: Sử Chiêm Thành. Chính sử của các học giả có cầu chứng; chuyện kể ông một pho, bà một phách, những huyền sử dân gian bất khả bằng… tôi chơi một hơi khá bộn.

Chợt nảy ý định làm phát “Chiêm Thành Vong Quốc” có nguồn có ngọn thử xem! Tào lao. Ngày nay, một bài vài ngàn chữ trở lên, ai mà đọc! Lại còn chi chít chú thích, trích dẫn ông kia sách nọ với tháng năm từ đời tám hoánh nhì nhằng… Có mà ông gõ cho vui tay!

Thôi thì chuyển qua cà kê theo lối tản mạn vậy. Mà cũng dài thậm thượt. Rõ chán!

***

Tình thiệt là từ bé thơ cho đến tuổi trung học, tôi chẳng biết gì về lịch sử, văn hóa của đất nước và dân tộc Chàm ngoài câu chuyện Huyền Trân công chúa với câu hát buồn hiu:  “Nước non ngàn dặm ra đi/ Cái tình chi/ Mượn màu son phấn/ đền nợ Ô, Ly…”

Hay sau này một chút là bài hát Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên qua tiếng hát Chế Linh. (Xin chớ nghĩ tôi có ý giễu nhại gì về bài hát và tiếng hát vừa nêu. Nhạc sĩ Xuân Tiên là một người đáng trọng vọng. Và giọng hát Chế Linh qua bài Hận Đồ Bàn thì khó có ca sĩ nào bằng).

Chút suy nghĩ tôi có về người Chàm, về “giống Hời”, đầu tiên trong đời là những gì mang vẻ hoang đường ma quái, u u minh minh về những đoàn “ma Hời” đi ăn đêm, di chuyển “vàng Hời” từ những cổ mộ này đến những chốn linh thiêng bí ẩn khác, những “bùa ngải Hời” qua lời kể rù rì của bà ngoại với thằng cháu đầu tiên 5-6 tuổi muộn màng là tôi, trong những đêm bà cháu gãi lưng cho nhau, dỗ giấc ngủ.

Thêm chút xíu hiểu biết “trực quan” về văn minh Chàm là năm bảy năm sau cái thời thơ ấu, khi làm cậu học trò nhà quê lên tỉnh trọ học.

Góc tây nam thị xã tỉnh lỵ có ngọn núi nhỏ. Núi không cao (chỉ 60 mét) và nhờ ngay đỉnh núi có ngọn tháp Hời cao tầm 25 mét, đứng nơi chân tháp, ta có thể nhìn ngắm toàn cảnh thị xã với 360 độ chung quanh đến ngút tầm mắt, nên cũng được xem là nơi có thể la cà.

Những ngày nghỉ học không có tiền về quê, tôi chỉ có đường leo lên núi Nhạn. Hái sim ở sườn tây nam; bẻ mai vàng ở góc đông bắc… Chán, mỏi, tôi quay về ngồi nghỉ nơi mảnh sân con trước cửa Tháp và chiêm ngưỡng văn minh … Chàm.

Điều hiển nhiên ai cũng thấy là người Chàm xây tháp mà không có vữa hồ giữa 2 lớp gạch. (Bây giờ thì người ta đã rõ nhưng … hơn 60 năm trước thì chịu). Và cái đầu non nớt 11-12 tuổi, tôi lại tin vào câu chuyện mang tính láu cá Trạng Quỳnh, rằng người Hời cứ chồng gạch sống lên rồi đốt lửa nung dần từng đoạn cho đến khi hoàn thành công trình mà không cần lớp hồ kết dính.

Chuyện láu cá mang hơi hướm dân tộc tính này đến nay vẫn còn có hướng dẫn viên lai rai kể cho khách du lịch nghe cho… sướng. Chuyện rằng người Việt ở núi phía Bắc. Người Hời ở núi phía Nam. Hai núi cách nhau mút một tầm nhìn. Hai bên “cá độ” nhau xây Tháp. Bên nào xây xong trước thì thắng. Bên thua phải nhượng đất.

Khi bắt tay vào cuộc, người Việt dựng lên một màn che phía Nam để người Chàm không nhìn thấy việc mình làm. Chỉ mấy ngày sau người Việt dỡ bỏ màn che và người Chàm thấy ngôi Tháp đã hoàn thành trong khi Tháp của họ chỉ mới xây được một phần.

Người Việt thắng rồi nhưng vẫn tỏ lòng trượng phu. Chờ cho người Chàm lụi cụi chất gạch, nung gạch gần thành nên Tháp, người Việt lại “cá độ” phát nữa. Ai đốt Tháp cháy rụi trước thì thắng đất gấp đôi. Và tháp của người Việt ra tro trước. Người Chàm đành lui vô mãi Phan Rang, Phan Rí. Họ đâu biết tháp của người Việt là đồ hàng mã, bên trong khung gỗ, bên ngoài phất giấy sơn màu nâu thổ; nhìn xa y chang, lừng lững một ngôi Tháp Hời.

Sau này, sự hiểu biết kiểu có sách vở chút đỉnh về lịch sử và văn hóa Chàm có được nhờ do một buổi chiều kia, tôi đi… tìm em.

Em ngồi cashier một quán café ở Tháp Chàm. Da trắng nhưng mắt sâu sâu và tròng trắng mắt ngà ngà chứng tỏ em là dân Chài… lam. Một hấp dẫn là lạ. Tôi kỳ kèo xin địa chỉ nhà để mong dẫn em đi một chầu xi-nê. Em chớp chớp đôi mắt sâu sâu, hẹn tôi thế thế… nhưng rồi cho tôi leo cây trong một chiều nắng xế Phan Rang như đổ lửa lên đầu.

Vừa mệt với nắng nóng, vừa đau đau… tất lòng quân tử, nên khi hững hờ đi qua cửa “Thư viện Chàm” tôi bèn tạt vào ngồi nghỉ mát.

Chẳng lẽ chỉ ngồi nhờ nghỉ mát suông, tôi cũng phải ra cái điều ta đây đến thư viện để tìm đọc. Và ngẫu nhiên vô tình tôi vớ phải cuốn “Dân tộc Chàm lược sử”, nhìn tên tác giả, chẳng biết Dohamide, Dorohiem là ai. Úp qua bìa cuối thấy: In lần thứ I, Sài Gòn, 1965. Đã bốn năm cuốn sách này có mặt trên đời, nay tôi mới ngẫu duyên cầm lấy. Lật qua tờ bìa trong, đầu sách, thấy Lời Tựa của GS Nghiêm Thẩm, tôi yên chí đọc tiếp và chẳng ngẩng lên cho đến khi cô thủ thư ngập ngừng: “Anh ơi, tới giờ…”

Ảnh bìa sách “Dân tộc Chàm lược sử” của Dohamide Dorohiem

Những ngày rỗi hiếm hoi sau đó, tôi bỏ ngồi đồng quán café có em cashier với đôi mắt sâu sâu hấp dẫn là lạ. Tôi lang thang trong phố P.R., làm những chuyện “người cần làm” xong rồi, còn chút thì giờ ít ỏi nào là tôi tạt vào Thư viện Chàm đọc linh tinh tạp nhạp.

Và tôi đã cóp nhặt được chút đỉnh hiểu biết chính thống “có sách có sử” về người Chàm, về dân tộc Champa một cách ngẫu nhiên vô tình như thế.

Và cũng từ dạo ấy, trong tôi những lúc đêm tàn canh vắng, những khi rỗi hơi nghĩ chuyện trăng sao, lòng lại gợn lên một nỗi niềm nào đó mơ hồ lãng đãng, lẫn lộn giữa bi, ai, hoài, ái về đất nước và dân tộc Champa.

Nỗi niềm vu vơ này chìm khuất đâu đó lâu, rất lâu trong những tháng ngày nóng bỏng đạn bom, rồi kéo qua cuộc mưu sinh đầy bất trắc làm nguồn cơn cho bao chiêm nghiệm chạnh lòng…

Trước khi đi An Nhơn, Bình Định, tôi có nói với nhà tôi rằng sẽ có vài buổi rảnh, tôi sẽ đi thăm lại cổ thành Đồ Bàn. Nhà tôi (năm mười năm trước có thể đi cùng, nay sức khỏe thua rồi) bảo: “Còn có gì nữa mà đến. Mười năm trước anh với em tạt qua, đã chẳng là… ‘lầu các đâu?’ Nay thấy chăng đồng xanh xanh một màu … rồi sao mà còn tìm lại cho tốn thì giờ”.

Tôi hiểu ý nhà tôi, rằng nên dùng mấy buổi rảnh mà đi thăm hỏi cho khắp các bà con phía mẹ mà mấy năm nay chị cả nhà ta chẳng găp được. Vợ dặn là phải nghe lời nhưng ngẫu nhiên thế nào khi đi thăm hỏi lòng vòng rồi một người bà con quê mẹ vợ lại đưa tôi đi thăm một ngôi chùa và một cụm tháp Hời.

Khi đứng trước cổng khu di tích cụm tháp Chàm – Dương Long, với thế đất đứng ở sườn nhìn lên đỉnh đồi, tôi choáng ngợp bởi dáng vẻ uy nghiêm và mỹ lệ của ba ngọn tháp Chàm sừng sững, lòng thoáng dậy lên một sùng mộ u hoài.

Sau khi vào được trong khuôn viên khu di tích, tôi cùng một anh bạn đi ngay đến ngọn tháp phía nam (dễ trèo lên), leo lên đến cổ tháp để chạm tay vào những tảng đá nguyên khối chạm trổ công phu, đặt ở bốn góc có vẻ như là phân định giữa thân và ngọn tháp.

Khi xuống được trở lại mặt đất an toàn, cả hai chúng tôi đều thở dốc và cùng hè bảo nhau: Kể cũng đáng đánh đổi cái nguy hiểm vừa rồi (cả hai đều mang giày đế trơn và đầu gối bảy bó, vừa leo vừa run) để sờ tay vào cái lưu dấu của một nền văn minh.

Một nền văn minh, một quốc gia, một dân tộc thuở nào, giờ đây chỉ còn là hắt hiu những hoài niệm…

Mười tám thế kỷ (cứ cho là như thế, không tính thời dã sử hồng hoang kiểu Lạc Long Quân – Âu Cơ), một quốc gia thuở nào hùng cường, đã từng nhiều lần tiến đánh Giao Chỉ với tham vọng chiếm lấy đồng bằng sông Hồng, đánh cả thủy Chân Lạp, lục Chân Lạp ở phương nam, giờ đây chỉ còn những tháp Chàm hoang phế. Chút tình hoài niệm ngậm ngùi càng về sau càng như ‘u uất một nỗi… ám hời’!

Tôi muốn nói rằng trong tôi đã có một ám ảnh nào đó về người Hời, về dân tộc và đất nước Chàm.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.