Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Buộc người dân cài Bluezone: Vừa thiếu căn cứa pháp lý, vừa vi phạm quyền công dân

 

Buộc người dân cài Bluezone: Vừa thiếu căn cứa pháp lý, vừa vi phạm quyền công dân

Nguyễn Vi Yên

3-6-2021

Ảnh: Báo Chính phủ

Mới đây, Bộ Y tế vừa ra quyết định mới, theo đó người dân “phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone)” khi đến nơi công cộng hoặc tập trung đông người. Không chỉ vậy, Quyết định này còn hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố “xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng”.

Việc xử phạt những ai không cài Bluezone, theo như quyết định này, không những thiếu căn cứ pháp lý, mà còn vi phạm quyền công dân.

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ Y TẾ KHÔNG CÓ TÍNH BẮT BUỘC

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ mới là bên có thẩm quyền quy định các nội dung liên quan đến vi phạm hành chính, trong đó bao gồm hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, đối tượng bị xử phạt, và thẩm quyền xử phạt. Tất nhiên, Bộ Y tế không có thẩm quyền quy định các nội dung này.

Thêm nữa, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định do Bộ Y tế ban hành không được coi là một văn bản quy phạm pháp luật.

Tức là, quyết định 2666/QĐ-BYT này không có hiệu lực bắt buộc. Thay vào đó, nó là một văn bản hành chính có tính hướng dẫn. Khi nhận được hướng dẫn này từ Bộ Y tế, các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ thực thi theo nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Có ý kiến cho rằng cơ quan địa phương có thể áp dụng Nghị định 117/2020 để xử phạt trong trường hợp người dân không cài Bluezone. Điều 14 Nghị định này quy định “phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Để phản biện quan điểm này, chúng ta cần xem xét hai văn bản pháp luật khác. Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các biện pháp phòng chống dịch phải được quy định trong Quyết định công bố dịch của Thủ tướng. Mà trong Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19, Thủ tướng không hề đề cập đến việc cài ứng dụng Bluezone hay bất kỳ ứng dụng nào khác như một biện pháp phòng chống dịch.

Như vậy, tính tới hiện tại (3/6/2021), chưa có một căn cứ pháp lý nào đủ rõ ràng để xử phạt vi phạm hành chính nếu người dân không cài đặt ứng dụng Bluezone.

QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA NGƯỜI DÂN

Tuy nhiên, ta vẫn phải xét đến hai khả năng khác: hoặc chính quyền cấp địa phương vẫn xử phạt dân một cách tùy tiện, hoặc Chính phủ ban hành một nghị định mới, trong đó hợp thức hóa yêu cầu của Bộ Y tế nhằm xử phạt hành chính những ai không cài ứng dụng Bluezone.

Đây là lúc bài toán về quyền riêng tư cần được đặt ra.

Trong tư cách người dùng, có vài câu hỏi mà ta cần tìm lời giải đáp. Liệu Bluezone có đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư của người dùng? Bluezone có sử dụng thông tin người dùng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc phát hiện dịch bệnh? Liệu có thể đảm bảo rằng Bluezone không chia sẻ những thông tin mà Bluezone truy cập được từ thiết bị người dùng cho bất kỳ bên thứ ba nào khác?

Song, trong tư cách công dân, câu hỏi lúc này sẽ là: chính quyền lấy lý lẽ nào để buộc người dân phải từ bỏ một số quyền công dân, trong đó có quyền riêng tư?

Chưa kể, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc người dân có cài Bluezone hay không bằng cách nào? Ở bài trước*, tôi đã đề cập đến những trường hợp nhất định mà cơ quan chức năng được phép thu giữ, kiểm tra điện thoại của người dân. Và dù trong bất cứ trường hợp nào, người dân cũng có quyền từ chối giao mật khẩu điện thoại.

Hơn nữa, Liệu Bộ Thông tin và Truyền thông, trong vai trò bên triển khai ứng dụng Bluezone, có sử dụng dữ liệu từ ứng dụng này để âm thầm giám sát người dân, như cái cách Trung Quốc đang giám sát, xử lý, và trừng phạt người dân nước họ? Và, rốt cuộc, ta có thể hoàn toàn tin tưởng những cam kết từ chính quyền hay chăng?

Trong thời đại công nghệ, mối lo ngại bị chính quyền giám sát và theo dõi là một vấn đề lớn, vốn đã và đang tồn tại ở bất cứ quốc gia nào dù là tự do, dân chủ, chứ không riêng gì ở những quốc gia chuyên chế, độc tài. Vào tháng 4 năm ngoái, Apple và Google cũng đã ra tuyên bố rằng các chính quyền không được buộc công dân cài đặt ứng dụng theo dõi truy vết COVID-19 được xây dựng từ các API mà Apple và Google phát triển. Thay vào đó, việc cài đặt hay không phải là lựa chọn hoàn toàn tự do của người dùng.

Rõ ràng, xã hội càng đối mặt với nhiều vấn đề, các cam kết về quyền lại càng bị thách thức. Song đây cũng chính là phép thử, để cho thấy một chính quyền tôn trọng quyền công dân đến mức nào.

_____

Ghi chú:

*1. Bài viết “Giao mật khẩu cho công an

2. Quyết định 2666/QĐ-BYT

3. Luật Xử lý vi phạm hành chính, sửa đổi bổ sung ở đây.

4. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi bổ sung ở đây.

5. Nghị định 117/2020

6. Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm

7. Quyết định Công bố dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ

8. Tham khảo bài về Trung Quốc giám sát người dân

9. Tuyên bố của Apple và Google

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.