Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Bá quyền Trung Quốc

 

Bá quyền Trung Quốc

Trương Nhân Tuấn

30-5-2021

Trung Quốc chưa bao giờ là một cường quốc về biển. Các cuộc thủy chiến cận đại của Trung Quốc đối đầu với một quốc gia khác, ta có thể kể tới là trận hải chiến trên sông Mân và phong tỏa Đài Loan với hải quân Pháp năm 1885 và trận Áp Lục năm 1895 với Nhật.

Cả hai trận, hải quân Trung Quốc, lúc đó là nhà Thanh, đều thua tơi tả. Toàn bộ lực lượng hải quân của Trung Quốc bị tiêu diệt. Ta cũng không thể không nhắc đến các cuộc xâm lăng Việt Nam của các triều đại người Hán. Trong tất cả các cuộc thủy chiến với Việt Nam, hải quân người Hán đều thua VN.

Suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc, cho tới năm 1945 Trung Quốc chưa hề có tham vọng về biển, như kiểm soát các hải lộ quốc tế cũng như tham vọng chinh phục hay thống trị không gian biển. Hầu hết các hoạt động của TQ về biển chỉ tựu trung ở các ngư dân đánh cá ven bờ. Ngoài ra, những sinh hoạt về biển khác của TQ đều thuộc về hải tặc.

Tức là, trên phương diện lịch sử, TQ không hề có bất kỳ bằng chứng nào gọi là thuyết phục để có thể chứng minh được rằng họ có chủ quyền “bất khả tranh biện” ở hai vùng lãnh thổ là các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, những đảo không có người ở thường trực. TQ cũng không có bằng chứng nào để chứng minh “quyền lịch sử” của TQ ở Biển Đông thông qua tấm bản đồ 9 đoạn hình chữ U mà VN gọi là “đường lưỡi bò”.

Vậy mà từ chỗ không có “mảnh đất cắm dùi” trên khu vực biển Đông đến nay Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế hơn một vùng rộng lớn hải phận Biển Đông, cũng như một số lãnh thổ trên biển, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và một số căn cứ quân sự rải rác ở vùng biển Trường Sa.

Trung Quốc vẫn không hài lòng với những gì đã chiếm được của Việt Nam năm 1956, 1974 và 1988, TQ còn đòi chủ quyền toàn bộ các đảo thuộc Trường Sa, yêu sách chủ quyền ở các đảo, các bãi ngầm cận bờ biển các quốc gia khác.

Đối với Mã Lai, TQ cho rằng TQ có chủ quyền ở bãi san hô ngầm, tên quốc tế là James, tên TQ là bãi Tăng mẫu. Bãi này cách bờ biển Mã Lai 80 km nhưng cách đảo Hải nam đến 1800 km. Hiển nhiên bãi James thuộc về thềm lục địa pháp lý của Mã Lai.

Đối với VN, ta cũng thấy điều tương tự là TQ yêu sách bãi Tư chính và Vũng Mây cũng như những bãi cạn thuộc thềm lục địa phía nam của VN, ngoài khơi Vũng Tàu. Các bãi này hiển nhiên ở thuộc thềm lục địa tự nhiên của VN và các bãi này cách TQ trên ngàn cây số.

Các yêu sách của TQ ở Tư Chính hay ở bãi Tăng Mẫu rõ ràng là phi lý, đi ngược lại tập quán quốc tế về các thủ tục chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Bãi Tư Chính cũng như bãi Tăng Mẫu là các bãi ngầm, không phải là lãnh thổ để quốc gia có thể chiếm hữu.

Đối với Phi, TQ yêu sách và chiếm bãi Scarborough, bãi này cách đảo Luzon của Phi khoảng 215 cây số, cách bờ biển TQ khoảng 800 cây số. TQ cũng chiếm đá Vành Khăn, đá này cách đảo Palawan của Phi khoảng 135 hải lý (khoảng 239 cây số) và cách đảo Hải Nam 1100 cây số.

TQ cũng yêu sách các bãi ngầm của Phi như bãi Cỏ Rong, việc này tương tự trường hợp bãi Tư chính của VN hay bãi Tăng Mẫu của Mã Lai. Thái độ của TQ rõ ràng là ngang ngược, bất chấp luật pháp cũng như tập quán quốc tế.

TQ cũng tranh chấp với Indonesia về chủ quyền đảo Natuna, qua việc mập mờ vẽ đường chữ U có bao gồm đảo Natuna.

Ngoài ra TQ còn dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử” để yêu sách khoảng 80% hải phận Biển Đông, thể hiện qua tấm bản đồ chữ U chín đoạn.

Đó là ta chưa nói tới những tranh chấp giữa TQ và Nhật về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư cũng như tranh chấp vùng biển do chồng lấn vùng kinh tế độc quyền giữa các đảo của Nhật và bờ biển TQ.

Ta cũng có thể liệt kê vô đây tranh chấp giữa Ấn độ và TQ về các vùng lãnh thổ, như ở vùng Cachemir, hay các tranh chấp dọc theo đường biên giới gọi là đường MacMahon.

Ngoài ra TQ còn lăm le “thống nhứt” Đài Loan, bằng phương tiện hòa bình hay bằng chiến tranh, buộc thế giới chấp nhận một hiện trạng mới.

Câu hỏi đặt ra là TQ đã sử dụng những chiến thuật, chiến lược nào để thành công chiếm hữu các đảo ở Biển Đông cũng như yêu sách vùng biển rộng lớn đến 80% Biển Đông ?

Theo tôi, nhiều vô số, thủ đoạn của TQ có rất nhiều. Theo thời kỳ, tùy theo đối tượng quốc gia mà TQ có những thủ đoạn khác nhau.

Trước hết ta có thể nhắc tới các thủ thuật phổ thông, báo chí thường nói nhiều, như chiến thuật “xắt lát sa la mi”, còn gọi là “chiến thuật lột bắp cải”, VN gọi là chiến thuật tầm ăn dâu. Sau đó là chiến thuật “vùng xám”. Kế đến là “tam chủng chiến pháp”.

Chiến thuật “xắt lát sa la mi”, hay “lột bắp cải” mà VN gọi là “tầm ăn dâu”. TQ bước từng bước thay đổi hiện trạng, đưa các quốc gia vào sự “việc đã rồi”, cuối cùng phải chấp nhận một hiện trạng mới.

Thí dụ điển hình cho chiến thuật “xắt lát sa la mi”, vụ xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá chiếm của VN năm 1988.

Bước thứ nhứt TQ chiếm đảo năm 1988. Ta nên biết 7 bãi đá chiếm của VN năm 1988, có cái là đá nổi thường trực, có bãi chìm, có bãi lúc nổi lúc chìm tùy theo mực nước thủy triều. Theo luật quốc tế thì một quốc gia chỉ có thể chiếm hữu và tuyên bố chủ quyền ở một lãnh thổ. Các bãi chìm hay các bãi lúc nổi lúc chìm không phải là lãnh thổ. TQ chiếm các bãi đá như Subi, đá Vành khăn, đá Tư nghĩa… vốn là những bãi chìm, không phải là lãnh thổ, trên nguyên tắc là vi phạm luật quốc tế.

Bước thứ hai xây dựng đảo vào các năm 2013, 2014. TQ đã biến một thực thể địa lý không phải là đảo trở thành một “đảo nhân tạo”.

Hiện trạng pháp lý của thực thể địa lý, nếu là đá thì nó chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Nếu thực thể chìm hay lúc chìm lúc nổi thì đá này không có hải phận.

TQ xây dựng các thực thể thành “đảo”, TQ thay đổi hiện trạng pháp lý các đá thành các đảo sau đó yêu sách lãnh hải, vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa 200 hải lý như qui định của luật biển.

Bước thứ ba TQ quân sự hóa các đảo năm 2017. Từng bước một, bắp cải lột từng lá, tầm ăn dâu từ từ, hay cắt lát xúc xích, TQ đặt các quốc gia “việc đã rồi”. Bây giờ các quốc gia trên thế giới phải nhìn nhận hiện trạng mới: đó là 7 căn cứ quân sự của TQ rải rác ở khu vực biển Trường Sa.

TQ cũng tuần tự làm thay đổi hiện trạng và quân sự hóa các đảo ở Hoàng Sa. TQ xây dựng đảo Phú lâm thành một trung tâm quân sự quan trọng. TQ cũng bồi đắp và quân sự hóa các đảo thuộc nhóm Nguyệt thiềm chiếm của VNCH năm 1974 như đảo Tri tôn. Việc này quan trọng vì đảo Tri tôn gần VN, việc quân sự hóa đảo này đe dọa các tỉnh miền trung như Đà nẵng, Quảng ngãi v.v.. Có lẽ vì vậy mà mới đây VN có chủ trương cho xây phi trường trên đảo Lý sơn để đối phó. Ngoài ra TQ cũng bồi đắp và xây dựng thành các căn cứ quân sự ở đảo Quang hòa cũng như ở các bãi đá như bãi Xa cừ, đá Hải sâm, đá Ốc hoa v.v… các bãi đá nhỏ xíu này trở thành các căn cứ quân sự mang tính chiến lược, bao gồm hệ thống ra đa phòng không và sân bay. Dĩ nhiên các căn cứ quân sự ở các đảo Hoàng Sa chí có mục đích duy nhứt là đe dọa VN.

Qua các thủ thuật gây ra “chuyện đã rồi”, buộc thế giới chấp nhận hiện trạng mới. Hải quân TQ bây giờ dựa lên các căn cứ quân sự có thể áp chế tất cả các quốc gia trong khu vực như VN, Phi, Mã Lai, Indonesia v.v…

Nhắc lại là cho tới năm 1945, hải quân TQ không đi xa hơn vùng biển lân cận đảo Hải Nam. Ngay cả vụ chiến đảo Ba bình thuộc TS của VN, hải quân TQ thời đó phải mượn tàu hải quân Mỹ.

Thuật ngữ “Vùng xám” để chỉ một tình trạng tranh tối tranh sáng, không phải chiến tranh cũng không thực sự hòa bình.

Ở Biển Đông thuật từ “vùng xám” được sử dụng để chỉ một tình trạng pháp lý mập mờ, không có luật hay luật lệ chưa rõ rệt vì chưa được một định chế pháp lý có thẩm quyền cắt nghĩa hay qui định một cách cụ thể.

Tại Biển Đông TQ lợi dụng những điểm mờ trong bộ luật Quốc tế về Biển để giải thích luật lệ theo chiều lợi ích của TQ. Nhứt là ở điều 121 định nghĩa về đảo của bộ Luật quốc tế về Biển. Sự mơ hồ ở điều 121 là không phân biệt giữa “đảo” và “đá”. Các đảo thuộc HS và TS, nếu thực sự là đảo thì đảo này có hiệu lực hải phận kinh tế độc quyền và thềm lục địa 200 hải lý. Nếu không phải đảo mà chỉ là “đá”, các đảo này chỉ có lãnh hải 12 hải lý.

TQ cho rằng tất cả các đảo HS và TS mà TQ yêu sách chủ quyền, tất cả đều là “đảo”, được hưởng qui chế như là đảo thật sự. VN cũng có yêu sách về hiệu lực các đảo tương tự như TQ. Vì vậy VN cũng sẽ rất kẹt nếu bây giờ nói rằng các đảo HS và TS thực tế chỉ là đá, không có đảo nào có hiệu lực của đảo.

Ngay cả các bãi đá chìm đá nổi mà TQ chiếm của VN năm 1988, sau đó xây dựng thành các đảo nhân tạo và TQ củng cố thành các căn cứ không quân, hải quân. TQ cũng yêu sách vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa 200 hải lý ở các đảo nhân tạo này.

Do sự mập mờ của Luật, yêu sách này của TQ tạo ra sự chồng lấn vùng biển và thềm lục địa đối với tất cả các quốc gia chung quanh Biển Đông.

TQ còn dựa lên sự mập mờ của bộ luật Biển để áp đặt các yêu sách như “vùng biển lịch sử”, “vùng biển quần đảo”…

Cái gọi là “quyền lịch sử” của TQ rõ ràng thể hiện tính mập mờ của luật pháp quốc tế. Để biện hộ “quyền lịch sử” của TQ trên biển Đông, các học giả TQ thường nhắc đến các yếu tố: 1/ quan hệ thuợng quốc – chư hầu giữa VN và TQ. 2/ từ ngàn năm nay, ngư dân người Hoa vẫn đánh cá ở khu vực biển Đông. 3/ đường 9 đoạn chữ U, kế thừa từ chính phủ Trung Hoa Dân quốc. 4/ TQ có chủ quyền tại HS và TS do nội dung của hòa ước tháng 4-1952 ký kết với Nhật. Các học giả TQ cho rằng những sự kiện này chứng minh TQ có “quyền lịch sử” ở vùng biển này.

Nhưng khi phía TQ vịn vào yếu tố “thượng quốc – chư hầu” thì TQ đã mặc nhiên nhìn nhận Biển Đông đã từng là của VN. Vì VN là chư hầu của TQ do đó biển này thuộc TQ. Vấn đề là quan hệ “thượng quốc – chư hầu” giữa TQ và VN đã chấm dứt qua Hiệp ước hòa bình và hữu nghị giữa Pháp và nhà Thanh năm 1885. Thanh triều nhìn nhận VN không còn là chư hầu của TQ nữa.

Còn việc cho rằng ngàn năm nay ngư dân TQ đánh cá ở đó thì cũng ngàn năm qua dân VN và nhiều dân tộc khác cũng đánh cá ở đó. Trong khi việc đánh cá của ngư dân không nói lên được điều gì.

Còn việc kế thừa Đài Loan, thì trước 1945, Nhật sát nhập TS vào Đài Loan và cho một số lính gốc Đài Loan canh giữ một số đảo. Nhưng người ta không thể kế thừa cái gì mà nhà nước tiền nhiệm đã từ bỏ. Nhật đã từ bỏ các đảo này theo tinh thần hòa ước San Francisco 1951. TQ không thế kế thừa cái mà Đài Loan không có.

Trong khi luật quốc tế không nhìn nhận cái gọi là “quyền lịch sử”.

Thuật ngữ “quyền lịch sử” có lẽ lần đầu sử dụng tại một số nước Châu Phi. Nguyên nhân bắt nguồn từ các cuộc phân định biên giới tự tiện nhằm phân chia vùng ảnh hưởng giữa các đế quốc thực dân như Anh, Pháp. Hậu quả việc này làm cho nhiều bộ tộc bị phân chia làm hai, làm ba… Nhiều bộ tộc lớn lại không có lãnh thổ, hay nhiều bộ tộc khác nhau, thậm chí thù nghịch với nhau, bị gộp lại chung sống trong một quốc gia.

Sau khi các nước Châu Phi được trả độc lập, đường biên giới do các cường quốc thực dân thành lập trước kia lại được “luật quốc tế” công nhận. Các cường quốc trên thế giới e ngại việc đặt lại đường biên giới sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến khác: cuộc chiến giữa các chủng tộc, hay giữa hai nước thuộc địa cũ, nhằm tranh dành lãnh thổ. Nguyên tắc “uti possidetis” trở thành tập quán quốc tế. Ý nghĩa nguyên tắc này là “trước (khi độc lập) anh làm chủ nó thì bây giờ anh tiếp tục làm chủ nó”.

Nhưng, trong vài trường hợp, một dân tộc đã sinh sống, đã chăn nuôi trên đồng cỏ, uống nước ở nguồn nước, trên một vùng đất từ bao ngàn năm nay. Bây giờ họ bị ngăn cấm không được đến nơi đó, với lý do khó có thể chấp nhận, là đất đó nay thuộc về một quốc gia khác. Những xung đột như thế đưa đến đổ máu. Các bộ tộc đó lên tiếng đòi lại “quyền” của họ: “quyền lịch sử”.

Thuật ngữ “quyền lịch sử – droit historique” từ đó ra đời.

Nhưng ở một số vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ được Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) phân xử, hai nguyên tắc “Uti possidetis” và “effectivité” luôn được áp dụng. “Quyền lịch sử” không được tập quán quốc tế công nhận.

Vì vậy ta thấy hiện nay TQ cố gắng củng cố cái gọi là “quyền lịch sử” của họ bằng các biện pháp mang tính pháp lý khác, đó là “effectivité”. Ta có thể kể ra các việc như “lịnh cấm đánh cá”, việc tái tổ chức hành chánh bằng cách đặt ra khu Tam sa để kiểm soát HS và TS… là các hành vi hành sử chủ quyền (effectivité).

Tuy nhiên, nhờ phản ứng của Phi sau khi bị TQ chiếm đá Scarborough, năm 2013 Phi đơn phương kiện TQ theo thủ tục đã qui định ở mục VII của Luật quốc tế về Biển. Mục đích vụ kiện, phần chính là yêu cầu Tòa “giải thích và hướng dẫn cách áp dụng luật Biển”. Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye, Hòa lan đã được chỉ định phân xử. Đến 12 tháng Bảy 2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết rằng các đảo ở TS không có cái nào hội đủ tiêu chuẩn là đảo. Ngay cả đảo Ba bình, đảo lớn nhứt TS cũng bị Tòa liệt vào “đá”. Tức là các đảo ở TS không có cái nào là đảo để các quốc gia có thể yêu sách vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa 200 hải lý. Tòa cũng phán rằng yêu sách “vùng biển lịch sử” theo bản đồ chữ U chín đoạn của TQ không phù hợp với luật biển hiện thời. Tòa cũng phán rằng yêu sách “vùng nước quần đảo” của TQ chỉ áp dụng cho “quốc gia quần đảo” mà thôi. TQ không phải là quốc gia quần đảo. Luật biển không có khoản nào nói về “vùng biển quần đảo”.

Tức là, nhờ phán quyết của Tòa, khái niệm mù mờ về “quyền lịch sử trên biển” đã được sáng tỏ. Đồng thời tư cách pháp thân các thực thể ở TS cũng được xác định rõ ràng. Tòa phán rằng không có đảo nào thuộc TS được xem là đảo. Tất cả đều là “đá”.

Vùng biển TS không còn là “vùng xám” nữa. Tuyên bố của các quốc gia như Mỹ và các quốc gia Châu Âu về việc “bảo vệ trật tự quốc tế trên nền tảng luật lệ” nhờ phán quyết này nên có thể áp dụng được ở Biển Đông. Đối với các quốc gia như Mỹ và các chung quanh Biển Đông, phán quyết của tòa PCA vì có mục đích “giải thích và hướng dẫn cách áp dụng luật”, do đó phán quyết cũng là “luật”.

Vấn đề là TQ không nhìn nhận thẩm quyền của tòa, không hầu tòa và do đó không tuân thủ phán quyết.

Tam chủng chiến pháp của TQ bao gồm ba mặt trận với ba phương thức chiến tranh, gồm chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý. Chiến pháp này đã được TQ sử dụng từ rất lâu, vài trăm năm trước đây. Bây giờ đem ra sử dụng ở Biển Đông vào các năm 2000.

Về chiến tranh tâm lý, bằng nhiều biện pháp như răn đe, gây sợ hãi, mục đích nhằm làm rối loạn khả năng đối phó của đối thủ, khiến đối phương phải thoái lui hay nhượng bộ.

Ta thấy các vụ tập trận của hải quân, không quân TQ trên Biển Đông hay các vùng biển lân cận Đài Loan, tập đánh trận giả chiếm đảo Điếu ngư… mục đích làm cho lãnh đạo các quốc gia đối thủ khủng hoảng tinh thần, nghĩ rằng không thể chống được sức mạnh của TQ, do đó phải nhượng bộ các yêu sách của TQ.

TQ cũng thường khoe khả năng của các phi đạn chống hạm, chống tiếp cận… mục đích răn đe hải quân Mỹ. TQ cũng khoe các tiến bộ về khoa học kỹ thuật về quốc phòng. TQ cũng sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng lên lãnh đạo cũng như các nhà đầu tư của quốc gia đối phương. Hệ quả của chiến tranh tâm lý có thể khiến cho lãnh đạo các quốc gia có tranh chấp với với TQ phải thay đổi sách lược đối với TQ. Hoặc các quốc gia này phải xa Mỹ và thân cận với TQ. Ta thấy trường hợp đã xảy ra ở một số quốc gia ASEAN như VN, Phi, Mã Lai, Singapour v.v… Các quốc gia này hoặc là thân TQ hoặc là chọn thái độ “không theo phe” để tránh làm phật lòng TQ.

Thứ hai là “chiến tranh truyền thông”. TT Thiệu hồi đó có nói câu chân lý để đời rằng: đừng nghe những gì cộng sản nói. Thật là như vậy. Cộng sản nói mười điều thì hết 9 điều rưởi là nói láo.

Trong vụ bằng chứng chủ quyền các đảo HS và TS, rõ ràng TQ chỉ có “phịa sử”. Vấn đề là học giả TQ nói láo đến lức độ siêu quần, họ tuyên truyền hay đến đổi cả thế giới đều tin rằng TQ có bằng chứng về chủ quyền quần đảo HS và TS.

TQ từ không có gì ở Biển Đông TQ tìm cách biến không có tranh chấp trở thành có tranh chấp. Rồi từ việc có tranh chấp TQ sử dụng vũ lực để cưỡng đoạt lãnh thổ của VN. Thủ đoạn này TQ lập đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử để chiếm đoạt lãnh thổ của VN.

Dĩ nhiên việc này TQ sẽ không thể, hay khó có thể thành công nếu lãnh đạo VN không quá dại dột. Vấn đề là phịa sử của TQ, hay thủ đoạn biến không có thành có của TQ, thế giới điều tin vì các hành vi này được củng cố, bằng các hành vi, hay thái độ của VN. Công hàm 1958 của VNDCCH là thí dụ điển hình.

Thứ ba là chiến tranh pháp lý. Thực tế và lịch sử cho ta thấy rằng ảnh hưởng TQ chưa bao giờ vượt xa hơn đảo Hải Nam. Chỉ trong vài mươi năm TQ đã xây dựng được một đội ngũ chuyên gia về luật pháp. Họ viết ra đủ thứ các bộ luật về biển. Năm 1992 TQ ra luật về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp. Năm 1998 ra Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngày 3/7/2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa). Mới đây TQ ra luật về Hải cảnh, theo đó TQ cho phép lực lượng này có quyền sử dụng các loại vũ khí nặng để chế ngự các đối tác xâm phạm vùng biển của TQ.

Dựa trên các bộ luật 1998 về thềm lục địa TQ ra sức ép buộc các công ty quốc tế phải rút lui, từ bỏ quyền được khai thác dầu khí ở những lô dầu mà địa điểm có chồng lấn với đường lưỡi bò. VN có rất nhiều kinh nghiệm với luật này của TQ. Vụ Repsol rút lui dự án Cá rồng đỏ mới đây, hay vụ Vạn an bắc từ thập niên 90 thế kỷ trước. Bây giờ với luật mới về hải cảnh, ta có thể tiên đoán rằng từ nay sắp tới các quốc gia như VN, Phi, Mã Lai, Indonesia… sẽ gặp phiền phức với đội hải cảnh của TQ.

TQ còn ra luật cấm đánh cá hàng năm ở Biển Đông. Ngư dân quốc gia nào không tuân thủ thì sẽ bị tàu hải giám của TQ chận bắt, tịch thâu máy móc, lưới, các dụng cụ cần thiết để đánh cá. Đôi lúc tàu TQ đâm chìm, đôi lúc bắt chủ tàu đóng tiền phạt.

Các thủ thuật này tập quán quốc tế gọi là “effectivité”, TQ hành sử chủ quyền quốc gia để bảo vệ tài nguyên cá. Ngư dân VN hay ngư dân các nước nếu tuân thủ theo thì VN đã mặc nhiên nhìn nhận thuộc thẩm quyền của TQ những vùng biển mà TQ ra luật cấm.

Ta cũng không thể không nhắc đến việc sử dụng đạo quân gọi là “dân quân biển”. Đây là tập thể nhân sự cùng tàu bè hàng chục ngàn chiếc tàu, quân không ra quân, dân không ra dân. Khi cần thì họ là quân, lúc không cần họ là ngư dân.

Nhắc lại là TQ chiếm HS của VN năm 1974 trước tiên là nhờ vào tập thể dân quân biển. Các vụ lùm xùm hiện nay tại đá Ba đầu, thuộc cụm đảo Sinh tồn hay tại đá Sandy Cay, tức là đá Hoài Ân gần đảo Thị tứ. Từ nhiều tháng nay TQ đã cho vài trăm chiếc tàu của lực lượng ngư dân biển để bao vây hai thực thể địa lý này. Việc này gây ra sự phản đối kịch liệt của Phi.

Ta cũng không thể không xếp kế hoạch “vành đai, con đường” cùng với Ngân hàng xây dựng hạ tầng cơ sở của TQ vào diện thủ đoạn của TQ để đạt mục tiêu. Qua kế hoạch này TQ đã gài một số các quốc gia Á, Phi, hay một vài quốc gia Châu Âu lọt vô bẫy nợ của TQ. Thủ đoạn này TQ cho đối tượng dễ dàng vay tiền để xây hạ tầng cơ sở như cảng biển, đường xá, cầu cống v.v… Khi khi mắc nợ nhiều, và lúc gặp khủng hoảng, quốc gia không thể trả nợ. TQ ép các quốc gia này phải nhượng có thời hạn, thông thường là 100 năm, các hải cảng cho TQ. Một số các quốc gia như Madagasca, Kenya, Mozambique, Hy lạp, Macédoine… phải nhượng quyền sử dụng lãnh thổ cho TQ.

Ngoài ra TQ còn sử dụng nhiều thủ thuật khác, như các việc như mua chuộc các quan chức của các quốc gia khác bằng tiền bạc vật chất, cho tới việc dùng miếng mồi kinh tế để chiêu dụ các quôc gia đồng thuận các yêu sách của TQ. Ta nên biết nền tảng của công pháp quốc tế là sự đồng thuận giữa các quốc gia. Ta thấy TQ chi phối nhiều quốc gia trong khối ASEAN, từ Phi, Mã Lai, Campuchia, Lào, Miến điện, Thái lan… Ngay cả VN cũng bị TQ chi phối, qua các sợi dây vô hình là ý thức hệ và mô hình chính trị. Vì vậy trong khối ASEAN, ảnh hưởng của TQ rất lớn mà việc này có thể làm cho bộ Qui tắc ứng xử (COC) nếu có ra đời thì nội dung của nó sẽ nghiên về lợi ích của TQ.

Tuy nhiên, các thủ đoạn của TQ sẽ thay đổi tùy theo đối tượng quốc gia. Mềm nắn rắn buông. TQ đối xứ với VN khác với Phi và Mã Lai. Phản ứng của VN, tức đối sách của VN đối với TQ cũng khác với thái độ của Phi hay Mã Lai hoặc Indonesia.

Mỗi quốc gia là một trường hợp riêng biệt, không thể gộp chung hết được.

Thủ đoạn của TQ đối với VN ta có thể kể nhiều kỳ, viết bằng nhiều cuốn sách. Từ trên biên giới trên đất liền, TQ đã từng dỡ những thủ đoạn vô sỉ, những âm mưu thâm độc để chiếm đoạt lãnh thổ VN.

Thủ đoạn thường thấy sử dụng, lặp đi lặp lại nhiều lần, đó là lấy tên một địa danh của TQ để đặt cho một vùng lãnh thổ của VN. Sau đó hô hoán rằng đất đó của TQ. Ta thấy TQ đã sử dụng chiến thuật “không có tranh chấp biến thành có tranh chấp” đã từ rất lâu.

Một số thí dụ về thủ đoạn của TQ đã thấy trong cuộc phân định biên giới với Pháp mà các việc này xem ra không khác với các thủ đoạn mà TQ bày ra nhằm chiếm trọn Biển Đông.

Thí dụ VN mất vùng đất Tụ long cho TQ, một vùng đất có rất nhiều quặng mỏ quí giá. Có hai lý do. Mọi người có đọc lịch sử thì biết biên giới giữa VN và TQ ở khu vực này là sông Đổ chú. Khi phân định biên giới, vì không rành địa giới của VN, các viên chức Pháp đã bị gạt vì các viên quan TQ đã chỉ định sông Lô (Pháp gọi là Rivière Claire), cách xa về phía nam, là sông Đổ chú. Đến khi viên chức Pháp biết được, vì người Pháp không ngu, họ hỏi dân bản xứ để biết biên giới thật ở đâu. Thì các viên quan TQ nói rằng sông Đổ chú thật là “tiểu Đổ chú hà”, còn sông Lô là “đại Đổ chú hà”. Rốt cục VN mất vùng đát này cho TQ vì phía TQ hối lộ viên chức Pháp, đổi đất đai lấy lợi ích kinh tế.

Thí dụ khác về Phân mao lĩnh. Biên bản phân định biên giới “Từ Trúc Sơn đến Chí Mã” đính kèm công ước phân định biên giới ký ngày 29-3-1887 có ghi là đường biên giới đi qua núi Phân mao. Điều này phù hợp với biên giới lịch sử giữa hai nước. Vấn đề là núi Phân mao ở gần Khâm châu, cách đường biên giới hiện nay hàng trăm cây số. Khi ra phân giới trên thực địa, các quan chức TH bèn chỉ định một ngọn núi vô danh khác ở xa về phía nam rồi nói với viên chức Pháp rằng núi đó là núi Phân mao. Phía TQ còn xây miếu Phục ba tướng quân gần đó để thêm phần tin tưởng. Vấn đề là quan chức Pháp họ tham khảo địa chí TH, nên gian kế của phía TH bị bại lộ. Lúc đó họ mới nói rằng núi Phân mao thật là “tiểu Phân mao”, núi ở đây là đại Phân mao. Rốt cục quan chức TH giỡ thủ đoạn mua chuộc quan chức Pháp, đổi đất đai lấy lợi ích kinh tế khiến VN mất hàng ngàn cây số vuông đất.

Trở lại vụ Hoàng Sa. Hoàng Sa có tên Hoa là Thất Châu Dương. Tên Thất Châu Dương là có thật, nhưng theo thư tịch của TQ thì nó là tên của các đảo gần Văn Xương, đảo Hải Nam.

TQ lấy tên này đặt cho HS của VN, lập lại thủ thuật mà họ đã dành đất của VN như ở Tụ Long, Kiến Duyên, Bát Tràng mà tôi vừa trình bày.

Tức là lấy tên một địa danh của TQ đặt cho các vùng lãnh thổ của VN rồi hô hoán lên nói là đất của TQ.

Tài liệu chứng minh của hồ sơ Bộ Ngoại giao Trung Quốc là hai tác phẩm Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn và Phù Nam Truyện của Khang Thái từ thời Tam Quốc (220-265) đồng thời một danh sách 6 tác phẩm từ đời Tống đến đời Thanh (thế kỷ 11 đến thế kỷ thứ 19): Mộng Lương Lục, Ðảo Di Chí Lược, Ðông Tây Dương Khảo, Thuận Phong Tương Tống, Chỉ Nam Chinh Pháp), và Hải Quốc Văn Kiến Lục. Hồ sơ này xác nhận rằng những tác phẩm trên đây “kể lại những cuộc hành trình của người Hoa đi đến Tây Sa và Nam Sa và những hoạt động sản xuất mà họ đã thực hiện từ hơn ngàn năm” và “đã đặt tên lần lượt cho hai quần đảo nầy với những tên sau đây: Cửu Nhũ Loa Châu, Thạnh Ðường, Thiên Lý Thạnh Ðường, Vạn Lý Thạnh Ðường, Trường Sa, Thiên Lý Trường-Sa, Vạn Lý Trường Sa v.v…

Theo các nghiên cứu của các học giả VN như Phạm Quang Ngọc thì các địa danh Vạn Lý Trường Sa, Thạch Đường, Thiên Lý Thạch Đường, Cữu Nhũ Loa Châu… chỉ là những địa danh phiếm, chỉ các vùng biển, đảo nguy hiểm, không thuộc TQ. Còn ông Phạm hoàng Quân thì nói rằng các dịa danh Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường (tức Tây Sa và Nam Sa theo cách nghĩ và gọi của Trung Quốc ngày nay) ở kế cận đảo Hải Nam, về phía Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vì vậy đã ngụy tạo hồ sơ, cắt một đoạn từ sách này để dán vào đó một đoạn khác, nhằm ngụy tạo bằng chứng để giành lấy Hoàng Sa và TS của Việt Nam.

Nhưng thủ đoạn chính của TQ là tạo sự tranh chấp ở một vùng không có tranh chấp. Bằng cách lấy tên địa danh nơi nào đó của TQ để đặt cho HS và TS của VN. Tuy nhiên, vì bịa ra, do đó tài liệu của TQ có nhiều mâu thuẫn không chấp nhận được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.