Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Tại sao nhiều người vẫn tin tưởng Trump?

 

Tại sao nhiều người vẫn tin tưởng Trump?

Jetzt

Lara Thiede, thực hiện

Dịch giả: Vũ Ngọc Chi

6-11-2020

Nhà tâm lý học chính trị Joris Lammers giải thích lý do tại sao tổng thống Đảng Cộng hòa vẫn được lòng nhiều người Mỹ dù đã nói dối nhiều lần. 

Donald Trump tại một buổi vận động tái tranh cử. Nguồn: Mark Hertzberg/ZUMA Wire/dpa

Donald Trump, theo các dự báo, đầu năm tới sẽ không còn là Tổng thống Hoa Kỳ nữa. Mặc dù vậy, vì cuộc đua vẫn còn rất ngang ngửa, bất chấp những lời nói dối trá, ông vẫn được rất nhiều người hâm mộ. Tại sao?

Thậm chí nhiều ngày sau đêm bầu cử Mỹ, vẫn chưa rõ liệu Joe Biden hay Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ tới. Ở một số “bang chiến trường”, phiếu bầu vẫn đang được đếm. Donald Trump hiện đang bị dẫn trước (tính đến ngày 6 tháng 11 lúc 11 giờ 25 phút sáng), nhưng rất khít khao.

Nó làm nhiều người Đức ngạc nhiên: những người Mỹ này thích gì ở tổng thống của họ? Tại sao nhiều người di cư lại chọn ông ta, mặc dù ông ta là người phân biệt chủng tộc? Tại sao những người hâm mộ ông lại tin tưởng ông, mặc dù những tuyên bố của Trump thường là sai sự thật? Nhà tâm lý học chính trị Joris Lammers nói về điều này trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Jetzt: Ông Lammers, có rất rất nhiều người tôn thờ Trump như một ngôi sao nhạc pop, một số treo áp phích về ông ấy, la hò khi họ đến xem ông ấy trình diễn. Ông ấy làm cách nào để khiến mọi người hào hứng về mình như vậy?

Joris Lammers: Donald Trump đang và là một ứng cử viên lý tưởng cho những người bảo thủ hồi năm 2016. Ông ấy được biết đến như một doanh nhân thành đạt và là người mà bạn liên tưởng đến thập niên 90, ông ấy xuất hiện trong “Home Alone” chẳng hạn, và thậm chí tôi đã từng chơi board game của ông ấy khi còn nhỏ. Đối với bản thân Donald Trump, vấn đề là, ông ấy là nhân vật của quá khứ, ông ấy muốn thay đổi điều đó – nhưng các cử tri của ông ấy lại cho điều đó là hay. Những người bảo thủ muốn chính trị được làm sao để mọi thứ trở lại như trước đây.

Jetzt: Như vậy thì dễ hiểu tại sao phương châm của Trump “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” được đón nhận như vậy trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng bây giờ chúng ta biết cách ông ta cai trị. Donald Trump nói dối một cách công khai, điều đó có thể chứng minh được – làm thế nào mà nhiều người vẫn tin tưởng ông ấy?

Joris Lammers: Thật ra, bạn không thể tin tưởng ông ta được chút nào. Câu hỏi đặt ra là: tại sao mọi người vẫn làm điều đó? Câu trả lời của tôi sẽ là: Việc tiêu thụ phương tiện truyền thông. Các đảng viên Đảng Dân chủ đọc New York Times thường xuyên hơn, những người hâm mộ Trump có lẽ xem Fox News nhiều hơn. Quan điểm của họ về thế giới rất khác biệt. Ví dụ, họ thấy đó là một chiến thắng cho Trump khi ông không bị luận tội. Trong khi vụ bê bối của Nga không phải là một chiến thắng cho ông ta.

“Tất nhiên Trump là một người phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính – nhưng thiểu số cũng có thể phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính”

Jetzt: Lòng trung thành với Trump dường như mạnh mẽ hơn so với Fox News. Sau khi Fox News công bố Biden là người chiến thắng ở bang Arizona trước khi mọi việc rõ ràng, một đám đông những người ủng hộ Trump tức giận đã xuất hiện trước đài truyền thông.

Joris Lammers: Vâng, điều đó đúng. Tôi cũng tò mò muốn biết điều này sẽ phát triển như thế nào. Fox News chỉ là một ví dụ ở đây, tất nhiên, nhiều người hâm mộ Trump cũng tiêu thụ các phương tiện truyền thông và các trang web cực hữu hơn đáng kể so với đài này.

Jetzt: Nhiều chuyên gia tự hỏi tại sao nhiều người da đen và người La tinh bỏ phiếu cho Trump trong năm nay hơn năm 2016 – trong khi Trump, với tư cách là tổng thống, lên tiếng phản đối các cuộc biểu tình “Black Lives Matter” và muốn xây dựng một bức tường ranh giới với Mexico. Ông chắc cũng ngạc nhiên?

Joris Lammers: Không, tôi nghĩ đó là sự sai lệch trong nhận thức của người da trắng. Nhiều người da trắng tự hỏi: Làm thế nào những người đó có thể đứng về phía ông Trump khi ông ấy là một người phân biệt chủng tộc? Nhưng tất nhiên cũng có những ý kiến ​​khác nhau trong các nhóm dân cư này. Có thể họ thích chính sách chính trị của Trump hoặc không đồng ý với cách Biden hành xử với Covid-19.

Và tất nhiên Trump là một người phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính – nhưng thiểu số cũng có thể phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Vì vậy, tôi hơi ngạc nhiên với sự kinh ngạc chung rằng, Đảng Dân chủ đã không nhận được tất cả các phiếu bầu của người da đen, chẳng hạn. Việc họ đạt được rất nhiều về tỷ lệ phần trăm số phiếu đã là một thành công lớn.

Jetzt: Nhưng một số người cũng thắc mắc tại sao lại có người bỏ phiếu cho Trump?

Người Đức cho rằng Trump là một chính trị gia tồi. Tôi đồng ý. Nhưng nhiều người Mỹ tin rằng, chẳng hạn, ông ta làm rất tốt. Ngoài ra, với tư cách là người đương nhiệm, ông có lợi thế về vị thế so với đối thủ cạnh tranh của mình như là Joe Biden. Mọi người thường sợ thay đổi và như vậy có nhiều khả năng sẽ bầu lại tổng thống đương nhiệm. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng nhiều người bỏ phiếu cho Trump không phải vì Trump, mà cho dù có Trump.

“Các cử tri Đảng Cộng hòa có thể nghĩ khác so với người Đức, cho rằng Joe Biden mới là kẻ bê bối thực sự”

Jetzt: Tại sao vậy?

Người Mỹ có xu hướng coi mình là đảng viên Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ. Họ xác định bản sắc của chính mình bằng cách xem họ thuộc về nhóm này hay nhóm kia. Họ thường có định kiến ​​tiêu cực mạnh mẽ đối với nhóm khác. Điều này ảnh hưởng đến cách họ đánh giá đề tài, ứng viên và các vụ bê bối của họ. Các cử tri Đảng Cộng hòa có thể nghĩ khác so với người Đức, cho rằng Joe Biden mới là kẻ bê bối thực sự.

Jetzt: Nhưng ta khó có thể phủ nhận những bê bối của Donald Trump? Ông ta bày tỏ thái độ coi rẻ phụ nữ, phân biệt chủng tộc, là một tỷ phú mà hầu như không trả bất kỳ khoản thuế nào …

Joris Lammers: Chắc chắn là có thể. Đằng sau điều này là hiện tượng nhận thức có động cơ: mọi người thường nhìn mọi thứ theo cách họ muốn. Một đảng viên Cộng hòa muốn nhận thấy ứng viên đảng Cộng hòa là tốt. Càng có nhiều vụ bê bối xung quanh ông, những người ủng hộ đảng Cộng hòa càng cảm thấy cần phải chống lại điều này. Ví dụ, Trump được tôn vinh là “thiên tài kinh doanh tự lập”. Đối với nhiều người, điều này dễ dàng hơn là đổi sang phe khác.

Jetzt: Tuy nhiên, một số nhà báo Đức tổng kết chẳng hạn trong các chương trình của đài truyền hình công cộng Đức ARD sau cuộc bầu cử, cho rằng Donald Trump rõ ràng hiểu người Mỹ hơn đa số tin chuyện đó. Ông có ý kiến gì: Ông ấy có hiểu họ không?

Joris Lammers: Chà, các nhà báo đã rất ngạc nhiên vì các cuộc thăm dò được cho là sai lầm. Các cuộc thăm dò không tồi đối với một hệ thống bỏ phiếu phức tạp như vậy. Người ta dự đoán rằng Biden sẽ dẫn trước một khoảng cách nào đó hoặc kết quả sẽ rất suýt soát. Điều sau là đúng. Trong mọi trường hợp, tôi vẫn không nghĩ Trump hiểu rõ các cử tri như vậy. Ngay cả khi “chiến dịch bẩn thỉu” để bôi xấu Biden của ông ấy có hiệu quả khá tốt đối với nhiều người.

“Trump được nhiều người coi là người bảo vệ nước Mỹ trước các nước khác” 

Jetzt: Trump nhiều lần thể hiện mình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đầy quyền lực. Phong cách lãnh đạo của ông ấy thì độc đoán. Tại sao điều này lại được ưa chuộng?

Nhiều người nhận thấy các nhà lãnh đạo có khuynh hướng lấn át tốt từ thời thơ ấu. Có những thí nghiệm cách trẻ em chọn một người lãnh đạo, ví dụ như một thuyền trưởng cho một chiếc tàu buồm. Đa số chọn một người có vẻ trội hơn. Bạn có kỳ vọng về một người bề ngoài có vẻ có ưu thế rằng người đó sẽ hành động nhanh chóng, mạnh mẽ và không né tránh những quyết định khó khăn. Điều này đặc biệt được ưa chuộng đối với nhiều người Mỹ khi nói đến kinh doanh hoặc chính trị quốc tế, đó là 2 chủ đề chính. Với “Nước Mỹ trên hết”, Trump được nhiều người coi là người bảo vệ nước Mỹ trước các nước khác.

Jetzt: Bạn mô tả mối quan hệ giữa Trump và dân chúng như thế nào?

Joris Lammers: Trump chỉ quan tâm đến những người đưa ông ta đi lên hơn. Tâm lý học lâm sàng không phải là chuyên môn của tôi, nhưng tôi nghĩ bạn có thể nói rằng Trump ít nhất có khía cạnh tính cách ái kỷ. Những người ái kỷ quay lưng lại với những người mà họ không thể lợi dụng được. Những người như vậy là “kẻ thua cuộc” đối với ông.

Trump có lẽ không phải là người đầu tiên chia rẽ đất nước, nhưng ông ấy đã làm những rạn nứt sâu sắc thêm, chẳng hạn với tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận. Nhiều người hiện đang lo sợ về một cuộc nội chiến.

Tôi nghĩ Trump cố ý làm điều đó. Ông ta khuấy động nỗi sợ hãi, truyền bá những thuyết âm mưu và tạo ra hình ảnh của những kẻ thù. Nó thật sự rất dễ dàng. Bởi vì mọi người nhanh chóng suy nghĩ theo loại và nhóm và tạo ra các phán đoán chung. Rốt cuộc, thế giới trở nên đơn giản hơn khi bạn giảm bớt nó. Nếu ai đó như Trump sau đó nói: “Người này muốn tước đoạt vũ khí của bạn ” hoặc “Họ muốn lấy đi  phiếu bầu của bạn ”, thì họ tin vào điều đó và sợ hãi. Và điều đó có thể cực kỳ nguy hiểm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.