Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Nhìn lũ lụt miền Trung, ngẫm về cách hành xử với mẹ thiên nhiên của chính quyền CSVN

 

Nhìn lũ lụt miền Trung, ngẫm về cách hành xử với mẹ thiên nhiên của chính quyền CSVN

Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng

1-11-2020

Những ngày tháng Mười năm nay, người dân các tỉnh miền Trung đang phải gồng mình hứng chịu những đợt bão lũ liên tiếp xô đến, khiến cho thiệt hại về người và của tại vùng đất này khó có thể ước tính được mức độ chính xác và nó còn ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của cả nước trong nhiều năm dài.

Đó là một chuỗi những ngày buồn đối với người dân cả nước. Đã có rất nhiều bài báo phân tích, mổ xẻ nguyên nhân của sự kiện thiên tai chồng thiên tai trong những ngày vừa qua, bài viết này xin phép được đưa ra một số ý kiến để làm sáng tỏ thêm nguyên nhân của sự việc, nhất là lối hành xử theo cách tận thu đối với mẹ thiên nhiên của chính quyền CSVN, góp phần gây nên thảm họa này.

Như chúng ta đã biết những người cộng sản Việt Nam phần lớn là những người ít học và có bản tính tham lam. Ngay từ năm 1931, trong cương lĩnh của đảng, họ đã đề ra phương châm hành động: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ “, cho nên sau khi cướp chính quyền họ luôn coi đất nước, nhân dân là đối tượng được sở hữu, cần huy động tận thu, sử dụng tối đa để đạt được mục đích của họ.

Ngay từ năm 1948, chính sách của chính quyền đối với mẹ thiên nhiên đã được thể hiện qua bài thơ “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông. Sau khi đã ngồi lại chễm chệ ở Hà Nội và là chủ thể của sở hữu toàn dân, thì Tổ quốc qua cái nhìn của họ là “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, Nhân dân dũng cảm và cần kiệm” (1), họ bắt đầu tận thu những tiềm năng sẵn có của đất nước và con người qua những mỹ từ đầy sức lôi cuốn của các phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất.

Đối với họ, khu vực miền núi rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên là nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng kinh tế cần được khai thác. Với tư duy ăn xổi và cái nhìn thiển cận thì đối với họ kinh tế lâm nghiệp, mà ngành này đã được thành lập vào tháng 11 năm 1945 với tên gọi ban đầu là bộ Canh nông, vào thời kỳ đó là lời nhất không phải đầu tư thời gian và nhiều tài chính cho vốn ban đầu. Nó chỉ bao gồm 4 công đoạn chính: Khai thác, vận chuyển, chế biến (nếu cần thiết) và kinh doanh, ngoài ra lại mở rộng diện tích đất để mở mang các nông trường chăn nuôi, trồng cây công nghiệp.

Người dân Hà Nội lớn tuổi hẳn không quên giai đoạn từ thập niên 1950 – 1970 của thế kỷ trước, lâm sản của núi rừng Việt Bắc và Tây Bắc sau khi khai thác được đóng bè đưa về xuôi, nằm kín bên bờ sông Hồng, khúc hạ lưu của cầu Long Biên kéo dài đến khu vực phía ngoài đê của bệnh viện quân đội 108 để chờ đưa đi chế biến và phân phối phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng miền Bắc.

Những thân gỗ to bằng vòng tay ôm được đóng bè cùng tre nứa được neo tại đây để cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ dọc theo bờ sông, làm việc 24/24. Những bè tre, nứa, giang, chất đầy song, mây, lá cọ là nguồn hàng của Công ty lâm thổ sản nằm ngoài phía bờ đê của tòa nhà Bắc cổ, trụ sở của Bảo tàng lịch sử Quốc gia.

Để đạt được mục đích này họ đã đưa dân đồng bằng lên miền núi qua cuộc vận động “Phát triển kinh tế – Văn hóa miền núi”, để phân bố lại lực lượng lao động. Thậm chí Hà Nội cũng nhiệt tình tham gia đưa người dân của mình đi khai hoang. Riêng khu Hoàn Kiếm đưa người lên huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình và huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ.

Mặc dù khai hoang để canh tác dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của đồng bào các dân tộc trên quê hương mới, nhưng do không quen với những công việc vất vả của nghề nông lâm, nên nhà nước lại phải hỗ trợ lương thực cho họ và đến năm 1969 thì chính quyền Hà Nội lại phải đắng lòng chấp nhận những “Hãnsel và Gretel”, mà suốt những năm dài họ không tìm thấy ngôi nhà của “mụ phù thủy gian ác trong rừng” (2), quay trở về cuộc sống cũ của mình.

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa II ngày 29/4/1963 thì: “Cũng trong 5 năm, chúng ta đã khai hoang được trên 20 vạn hécta, bằng 10% diện tích canh tác, và mở thêm diện tích gieo trồng 50 vạn hécta, tăng hệ số sử dụng ruộng đất lên 1,6 lần.

Các nông trường quốc doanh phát triển tương đối nhanh, với những thiết bị và kỹ thuật hiện đại. Năm 1962 có 58 cơ sở, với 73,200 hécta đất gieo trồng, tăng 11 lần so với năm 1958.

…Hàng chục vạn lao động ở đồng bằng đã chuyển lên các vùng trung du và miền núi, tham gia xây dựng công nghiệp, phát triển nông trường, lâm trường, mở rộng khai hoang, xây dựng những vùng kinh tế mới”. (3)

Với chính quyền, đó là những thành tích trong việc thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất dưới sự lãnh đạo “tài tình, sáng suốt” của đảng, nhưng trong mắt của các nhà chuyên môn thì hoàn toàn ngược lại. Chúng ta hãy nghe nhà nghiên cứu kinh tế Bùi Công Trừng nói với tác giả truyện “Đêm giữa ban ngày”:

“Cháu ơi, tội ác của chúng nó lớn lắm – đất đai mình rừng vàng, biển bạc thật, nhưng đâu phải vô tận. Giờ chúng hô hào tăng gia sản xuất tràn lan, dân được thể phá rừng quá xá. Mấy năm trước, cháu còn nhớ không, lên tới Đoan Hùng đã là rừng rồi. Bây giờ đến tận Tuyên Quang còn là Trung du! Bọn chúng chỉ có phá là giỏi!” (4)

Cũng vẫn nếp tư duy đó, sau năm 1975 họ điều những đơn vị quân đội, trong đó có những đơn vị thuộc Binh đoàn 12 (tiền thân là Đoàn 559) đi phá rừng làm nương để tạo dựng các khu kinh tế mới, phục vụ phục vụ cho công việc dãn dân ở các đô thị miền Nam của chính quyền.

Với công cuộc tấn công vào rừng ở mọi miền đất nước như vậy, với âm thanh “Cây đổ dồn vang như tiếng pháo.” (5) thì diện tích rừng không bị nhanh chóng thu hẹp mới là chuyện lạ. Đoạn sông Hồng được kể trên, từ thập niên 80 đã vắng dần các bè lâm sản từ thượng nguồn xuôi xuống và rồi nhường hẳn chỗ cho bến ca nô chở khách ngược xuôi trên sông.

Như vậy rừng phía Bắc đã cạn kiệt!

Khi người ta xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh vào nửa cuối thập niên 1980, với thiết kế và sự giúp đỡ của Liên Xô, từng đoàn xe tải phải chở các cây gỗ quí từ Thanh Hóa, Nghệ An ra cho công trình đồ sộ này.

Con đường vương nghiệp của Hồ Chí Minh có duyên nợ với rừng. Khởi nghiệp từ chốn sơn cùng thủy tận, thành vương cũng ở trong rừng và có thể vì nhớ rừng ông không thèm “ở nhà Tây” như mọi người mong ước, mà đã quyết định hưởng những ngày sống trên đỉnh cao danh vọng trong một ngôi nhà sàn “đơn sơ, giản dị” làm bằng những thân gỗ quí được chọn lọc từ không biết bao nhiêu cánh rừng miền Bắc Việt Nam.

Có thể sau đó hiện thực khách quan đã giúp ông có được cái nhìn tích cực hơn trong cách đối xử với mẹ thiên nhiên trong mối xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, cho nên năm 1959 ông đã phát động phong trào Tết trồng cây với lời dạy: “Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. 

Và từ đó đến nay, cứ đến hẹn lại lên, năm nào người ta cũng tổ chức các buổi Tết trồng cây một cách rất hoành tráng trên khắp các địa phương cả nước. Vào thập niên 1960, phong trào này con len lỏi được vào tận các ngõ hẹp của Hà Nội. Về lý thuyết Tết trồng cây giúp phủ xanh đồi trọc, chống xói mòn và giữ độ ẩm cho đất. Từ thời đó cho đến nay, cũng vẫn quen lối tư duy ăn xổi, nhiều nơi người ta trồng chủ yếu là cây bạch đàn để phủ xanh những khu rừng tự nhiên bị khai thác trắng. Và thời gian nối tiếp thời gian, kết quả đã cho thấy Đồi núi có cây mà không có rừng (6).

Và nếu mang thành tựu đạt được của phong trào Tết trồng cây liên tục hơn 60 năm qua để so sánh với việc trồng rừng tự phát của vợ chồng nghiếp ảnh gia Sebastião ở Brazil (7) trong thời gian 20 năm, thì theo lý thuyết đất nước này cùng với rừng tự nhiên sẵn có chắc không đến nỗi quá tệ để cô giáo Trần Thi Lam phải viết lời thơ cay đắng “Rừng đã hết và biển thì đang chết” như vậy. Và hiện thực phũ phàng ở các tỉnh miền Trung trong những ngày tháng Mười vừa qua là hệ quả của sự nhận định, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nigeria (8).

Những người cộng sản Việt nam có yêu rừng không? Tất nhiên là có, nhưng họ yêu theo cách yêu riêng của họ. Học tập “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” họ cũng yêu rừng như ông, thậm chí còn tha thiết hơn đằng khác. Hãy xem dinh thự của của cựu Phó ban thanh tra Ty lâm nghiệp Bắc Thái họ Nông thì thấy rõ điều đó. Nhà riêng của các quan chức cộng sản mà không có trang bị nội thất bằng gỗ quý thì mới là chuyện đáng bàn.

Cũng giống như các phong trào được phát động trong các lĩnh vực khác, phong trào trồng cây gây rừng chỉ mang tính hình thức, mà người dân gọi là “đầu voi đuôi chuột “. Hơn 60 năm thực hiện phong trào Tết trồng cây nhưng diện tích rừng trồng mới chỉ “tăng nhẹ trong những năm gần đây, nhưng so với chất lượng rừng nguyên sinh bị mất đi ‘không thấm tháp vào đâu’.”

Dù lệnh đóng của rừng đã được thực hiện từ năm 2016 nhưng nó chỉ như một lời gió thoảng đối với các công bộc “chí riêng vô tư” của xứ sở này (9).

Trong thời kỳ công cụ thô sơ người ta nhắc nhau lời nguyền “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Trong thời đại cách mạng số ngày nay mà lòng tham ngày càng gia tăng của con người cùng với cách hành xử như vậy của chính quyền cộng sản thì lời nguyền đó đã và đang được hiện thực hóa thành “Ăn của rừng không ngừng rơi nước mắt”.

_______

Chú thích:

1. www.thivien.net/Hồ-Chí-Minh/Nước-ta/poem-OEA07y4K13BYbHeZOcZopA

2. https://www.grimmstories.com/vi/grimm_truyen/hansel_va_grete

3. www.quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=2191(29.04.1963)

4. https://www.vinadia.org/dem-giua-ban-ngay-vu-thu-hien/dem-giua-ban-ngay-14/

5. https://lyrics.freetuts.net/bai-ca-nguoi-tho-rung-704.html

6. www.land.net.vn/info/mo-hinh-sinh-ke-ben-vung/huu-lung-doi-nui-co-cay-ma-khong-thanh-rung-74-351.html

7. https://baotiengdan.com/2020/10/22/20-nam-cua-ho-va-ta/

8. https://www.bbc.com/vietnamese/media-47466731

9. http://special.vietnamplus.vn/toi_ac_duoi_tan_rung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.