Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

“Điện - nước” và điện mặt trời

 

“Điện - nước” và điện mặt trời

Trần Tịnh Hiền

Trước đây Điện-Nước (Thuỷ Điện) và Điện Mặt Trời được xem là “năng lượng sạch” hay xanh, thân thiện với môi trường...

Nhớ lại thời kỳ cả nước tập trung xây dựng đập Thuỷ điện Trị An rồi Hoà Bình, và đường dây 500 KV... giúp thoát cảnh cắt điện tuần 3 lần. Hiện nay theo thống kê đã công bố thì trên lãnh thổ Việt Nam có đến 385 công trình thủy điện lớn nhỏ đang vận hành rải rác trên khắp các tỉnh - theo trang web của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong đó có 12 nhà máy thuỷ điện lớn nhất, gồm Miền Bắc với Sông Đà: từ thượng nguồn có các nhà máy phát Lai Châu (1.200MW), Sơn La (2.400MW), Huội Quảng (520MW), Hoà Bình (1.920MW); Sông Gấm: Na Hang – Tuyên Quang (342 MW); Sông Chảy: Thác Bà (108MW); Sông Mã: Trung Sơn (260 MW).

Miền Trung - Tây Nguyên thì có Sông Sê San: Yaly (720 MW), Sông Ba: Ba Hạ (220MW); Sông La Ngà: Hàm Thuận - Đa Mi (320MW).

Miền Nam thì có: Sông Đồng Nai: Trị An (400MW); Sông Bé: Thác Mơ (150MW)...

Nhưng rồi mặt trái của thuỷ điện đã bộc lộ. Ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên còn bị tác động của con người như ở Việt Nam. Một loạt các câu hỏi được đặt ra “Làm thuỷ điện để trục lợi từ rừng?”.

Có nhóm lợi ích hay không? Xin trích dẫn ý kiến của ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An: “... Thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn”.

“Người ta xây thủy điện với lý do điều tiết lũ, nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lợi từ cây rừng bị chặt phá là chính, rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình chung, khi họ phá rừng thì cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước...” - Theo ông Thành, bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn khoảng 10 ha rừng đầu nguồn.

Ví dụ dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và đầu tư hết từ 290 đến 500 tỷ đồng! 

“Sao cứ phải nhăm nhe lên rừng? Hay ngoài xả nước hái tiền thì còn có thứ đằng sau dự án là tận dụng gỗ rừng? Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105 MW!” – một ý kiến khác đặt vấn đề.

Ông Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, trong các dự án về đầu tư, thì bỏ vốn vào thủy điện là hiệu quả nhất. Tổng mức phí ban đầu tuy rất cao, song lợi nhuận lớn.

Theo ông Long, lượng điện sản xuất ra bao nhiêu đều được bán hết, không chỉ phục vụ chỉ riêng trong nước mà nhu cầu xuất khẩu điện sang các nước khác cao, thời gian vận hành lâu dài nên dẫn đến tình trạng “người người, nhà nhà” đua nhau tìm kiếm cơ hội phá rừng đầu tư thủy điện...

Cũng theo vị chuyên gia nói trên, khi hạ bút đồng ý phê duyệt công trình thủy điện, đồng nghĩa với việc chấp nhận chặt cây, phá rừng với diện tích lớn. Và khoản lợi từ khai thác gỗ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư hứng thú đầu tư thuỷ điện trên rừng.

“Việc cấp phép cho các dự án thủy điện khó, phức tạp vì ảnh hưởng, tác động đến môi trường lâu dài và nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế vẫn có hàng chục, hàng trăm công trình được cấp phép xây dựng? Có hay không việc tồn tại các ‘nhóm lợi ích’ trong việc bất chấp để phê duyệt hàng loạt dự án thủy điện cóc này?” – ông Ngô Trí Long nêu ‘câu hỏi tu từ’.

Hậu quả bây giờ đang xảy ra trước mắt! Khi nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các thủy điện nhỏ không đảm bảo lợi ích mang lại so với thiệt hại môi trường gây ra người ta lại chuyển qua “Điện Mặt Trời”. Đây là nhóm công nghiệp năng lượng mới được phát triển gần đây do tính chất được cho là “xanh-sạch” của nó.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió, do ở gần xích đạo và tồn tại những vùng khô nắng nhiều như các tỉnh nam Trung bộ như Ninh Thuận - Bình Thuận, nên điện mặt trời cùng với điện gió đang được Việt Nam khuyến khích phát triển.

Sử dụng điện mặt trời có các lợi điểm sau: Điện mặt trời là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, nghĩa là sản xuất ra điện không sử dụng trang bị hay tạo ra những tác động tai hại đến môi trường như năng lượng cổ điển.

Về lâu dài tiết kiệm được kinh phí: tuy rằng kinh phí lắp đặt ban đầu khá cao, nhưng về lâu dài sau khu thu hồi được vốn thì sẽ thu được lãi. Điện mặt trời an toàn khi sử dụng trong lẫn ngoài nhà. Hệ thống điện mặt trời không gây tiếng ồn. Hệ thống điện mặt trời có thể sử dụng di động được. Hệ thống điện mặt trời dễ lắp đặt và cũng không cần bảo dưỡng nhiều.

Nói nghe ngon lành là vậy, nhưng thực ra Điện Mặt Trời không phải là “xanh” hoàn toàn vì những lý do sau:

Một, những thiết bị sản xuất điện mặt trời nhất là các tấm pin mặt trời được tạo ra với khoáng chất như silicon và lithium. Đây là những khoáng chất phải khai thác từ mỏ!

Ngoài ra cadmium, đồng, nickel cũng từ khai thác từ các mỏ để tạo ra các tấm pin sản xuất ra điện từ ánh nắng mặt trời. Người ta cũng biết rằng để tạo ra “năng lượng sạch” như điện mặt trời và điện gió, phải sử dụng nguyên liệu “đồng” 5 lần nhiều hơn trong các thiết bị điện thông thường!

Hai, khi nói đến hoạt động khai thác mỏ thì các tác động đến môi trường sẽ như khai thác than đá: làm ô nhiễm nguồn nước, tạo ra rác thải cần xử lý thích hợp – mà hiện nay vấn đề chất thải từ khai thác mỏ vẫn chưa được giải quyết tốt sự ô nhiễm môi trường khiến dân cư ở trong vùng liên quan phải di dời...

Ba, ngoài ra cách xử lý chất thải khi chế tạo trang bị với silicon, lithium, cadmium, đồng, đều là những chất có tác động xấu đến môi trường. Khi các tấm pin này hết thời gian sử dụng rồi xử lý làm sao? Những chất như silicon, lithium... rồi cũng sẽ cạn kiệt khi việc sử dụng điện mặt trời gia tăng.

Bốn, kinh phí lắp đặt ban đầu có thể khá cao: hiện nay ở Hoa Kỳ giá tiền lắp đặt hệ thống điện mặt trời để sử dụng trong 1 hộ gia đình có thể từ 10,000 đến 30,000 USD.

Năm, điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, địa hình... Các tấm pin mặt trời sẽ chiếm không gian nhiều khi rất cần thiết cho cuộc sống, nhất là trong đô thị. Việc thiết lập những nhà máy điện mặt trời sẽ tạo ra nhưng tranh chấp về đất đai như chúng ta đã thấy. Những thiết bị điện mặt trời sẽ biến đổi cảnh quang nhiều khi cần thiết cho cuộc sống tinh thần như bảo tồn quang cảnh tự nhiên...

Năng lượng sạch đang là một trong những mục tiêu của nhóm gọi là “cánh tả” trên khắp thế giới.

Ở Mỹ thì có nhóm Alexandia Ocasio Cortez (AOC) ở Hạ Viện Mỹ với mục tiêu tham vọng là 100% nước Mỹ sử dụng năng lượng sạch vào năm 2035, hay cô bé Greta Thunberg luôn kêu gọi “các nhà lãnh đạo toàn thế giới giải quyết biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng sạch...”.

Nhưng cuộc sống không đơn giản! Cho rằng biến đổi khí hậu là nguy cơ cấp bách nhất trên trái đất, nhưng đó không phải là nguy cơ duy nhất! Ô nhiễm môi trường, đại dịch, đói nghèo, khủng hoảng lương thực, phát triển tràn lan vũ khí nguyên tử, những xung đột kéo dài... đều là những vấn đề nguy cấp và có liên quan với nhau!

Tôi vẫn thấy thấm thía câu nói: “Giải quyết vấn đề không thể dùng những phương cách có tác dụng tệ hại hơn chính vấn đề đó!” - The cure cannot be worse than the problem itself... 

T.T.H.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.