Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

CLB Lê Hiếu Đằng – Góp ý đại hội XIII ĐCSVN

 

CLB Lê Hiếu Đằng – Góp ý đại hội XIII ĐCSVN

QUAN ĐIỂM CỦA CLB LÊ HIẾU ĐẰNG SAU PHIÊN TÒA 

XÉT XỬ  VỤ ÁN ĐỒNG TÂM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ 

CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ

ĐẶT RA TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG XIII

Phiên tòa xử vụ án Đồng Tâm mở ra ngày 7.9.2020 và kết thúc ngày 14.9.2020 nhưng chỉ làm việc vỏn vẹn trong 3 ngày đầu, thay vì theo dự kiến thì phải kéo dài lâu hơn. Chiều ngày 14.9, Hội đồng Xét xử TAND Hà Nội đã tuyên án tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức (hai con trai cụ Lê Đình Kình) về tội giết người với cáo buộc họ “chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”. Cùng tội danh trên, tòa tuyên Lê Đình Doanh (cháu nội cụ Lê Đình Kình) án chung thân. Bị cáo Bùi Viết Hiểu lãnh 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. 23 bị cáo còn lại lãnh các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam đều về tội chống người thi hành công vụ.

Theo công luận khách quan của toàn xã hội, đây là một bản án không có sức thuyết phục, trong vụ án có nhiều vấn đề khuất tất đáng ngờ mà sự oan sai thiệt thòi đã được biết trước là chắc chắn sẽ thuộc về phía người dân Đồng Tâm thấp cổ bé miệng hơn rất nhiều so với hệ thống điều tra xét xử của ngành công an và ngành tòa án vốn đã được chỉ đạo chặt chẽ từ bên trên.

Trước khi phiên tòa mở ra, nhằm mục đích ngăn ngừa sự lạm dụng luật pháp của chính quyền và sự bất công cho phía người dân, ngày 3.9.2020, nhóm câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã ra tuyên bố “Quan điểm của CLB Lê Hiếu Đằng về vụ Đồng Tâm: Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, với nội dung các luận điểm, phân tích về mọi mặt liên quan nêu ra trong bản tuyên bố dài gần chục trang đã được dư luận rộng rãi cả trong lẫn ngoài nước đồng tình ủng hộ, mà tại đây chúng tôi xét thấy không cần phải lặp lại.

Theo dõi kỹ cách tổ chức thực hiện phiên tòa xét xử từ đầu cho tới lúc tuyên án, với rất nhiều chi tiết diễn ra có vẻ mờ ám thiếu công minh và thậm chí xâm phạm trắng trợn các thủ tục tố tụng hình sự, công luận cả trong lẫn ngoài nước thêm một lần nữa càng tỏ ra bất bình, phẫn nộ, phản đối mạnh mẽ kết quả bản án sơ thẩm bất công vô nhân đạo đã tuyên ngày 14.9.2020, như đã nêu trên, bằng cách chỉ ra các chi tiết của vụ án oan sai còn đầy đủ hơn cả những điều mà CLB chúng tôi đã nêu ra trong bản tuyên bố ngày 3.9.2020 kể trên, trước khi phiên xét xử diễn ra.

Người ta cho rằng, Đồng Tâm là một phiên tòa ô nhục, cho thấy sự lúng túng bị động trong thế yếu cả về lý luận lẫn thực tiễn của nhà cầm quyền trước nguy cơ đổ vỡ chế độ do chính họ gây ra bằng đường lối cơ bản xuyên suốt trong nhiều năm gần đây là chống lại nhân dân, biến mâu thuẫn giữa nhân dân với nhà cầm quyền từ không đối kháng (về mặt lý luận) trở thành đối kháng quyết liệt (trên thực tế), mà biểu hiện tập trung là việc huy động trái pháp luật vào ban đêm cả mấy ngàn quân công an để đàn áp một nhóm nhỏ dân chúng vài mươi người và giết chết ông Lê Đình Kình 84 tuổi đời 58 tuổi Đảng, gieo thêm mầm thù hận và hình thành cục diện đối đầu giữa nhân dân với các nhà đương cuộc. Không chỉ thế, còn có thể nói, mâu thuẫn đã thật sự diễn ra giữa đảng viên nhiều đặc quyền ở cấp lãnh đạo với đảng viên quần chúng, đến mức không cần thương lượng mà phải dùng tới biện pháp tiêu diệt y như tiêu diệt ngoại bang là kẻ thù của dân tộc.

So sánh với vụ án ở đồng Nọc Nạng (làng Phong Thạnh, quận Giá Rai tỉnh Bạc Liêu) năm 1928 gây ra cái chết 5 người cho cả hai phía, trong thời thực dân Pháp, vốn được chính quyền hiện nay ca tụng về tinh thần tranh đấu giữ đất của nông dân chống thực dân và cường hào ác bá, người ta thấy bản án tuyên cho dân Đồng Tâm ở cánh đồng Sênh 59 hecta là một bước lùi về phương diện nhân bản cũng như luật pháp. Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng, dù họ có gây ra cái chết của viên cảnh sát người Pháp thi hành công vụ. Lời bào chữa của luật sư Tricon trước phiên tòa đáng được coi là hình mẫu của tinh thần pháp luật, vì theo ông nhận định, nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa [chúng tôi nhấn mạnh]. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế. Ông ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại trong việc họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý: “Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur). Rồi ông xin tòa tha thứ cho các bị can: “Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó”.

Thật là cảm động! Nhiều người đề nghị cần phải hủy bản án sơ thẩm vụ Đồng Tâm, và trước khi xử phúc thẩm, tiến hành điều tra lại vụ án từ đầu, một cách độc lập, thậm chí còn phải điều tra cả sự phạm pháp của ngành công an lẫn ngành tòa án.

Sau kết quả phiên xử có phần “bất ngờ” đối với dư luận quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã bày tỏ sự quan ngại về hành động vi phạm thủ tục tố tụng trong phiên xử, đặc biệt biểu hiện dưới hình thức mớm cung bức cung và tra tấn những người bị cho là “can phạm” trong vụ án dành cho 29 người dân Đồng Tâm.

Dư luận trong nước và thế giới đã “trăm miệng một lời” lên án gay gắt trước, trong và sau phiên tòa. Nhà cầm quyền trái lại có vẻ đắc thắng trong việc tra tấn rúng ép buộc người dân chưa thông qua xét xử khách quan phải nhận cái tội mà họ không có để cho tròn vở diễn, trong một vụ án gọi là “bỏ túi” vì đã có sự chỉ đạo sẵn từ bên trên, mà ai cũng biết chắc, với bằng cớ rõ ràng là trước đó khi vụ việc giết người vừa xảy ra hồi tháng 1.2020, các người lãnh đạo cấp cao nhất đã vội vã tặng thưởng huân chương chiến công cho ba chiến sĩ công an bị hi sinh trong vụ đàn áp giết dân, hệt như thưởng công cho những liệt sĩ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược!

Chúng tôi cho rằng chiến dịch động đại binh tấn công vào khu vực xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tiêu diệt, mổ thây Cụ Lê Đình Kình rồi sau đó xử tội chết cả hai người con trai của ông chắc chắn phải được lấy quyết định ở cấp quyền lực cao nhất, bằng một kế hoạch đã tính kỹ mà sau này được biết là Kế hoạch mang số hiệu 419A của công an thành phố Hà Nội được sự chuẩn thuận của Bộ Công an, với ý đồ rõ rệt không chỉ để trấn áp riêng nhân dân Đồng Tâm, mà còn để de dọa kiểu “giết gà dọa khỉ” đối với nhân dân toàn quốc, rằng từ nay trở đi mọi người hãy nhìn rõ vào tấm gương Đồng Tâm mà liệu hồn!

Trên một quan điểm thông thoáng và toàn diện, chúng tôi đề nghị không quy trách nhiệm tất cả cho ngành công an hoặc ngành tòa án, vì xét  cho cùng họ cũng chỉ là công cụ thực hiện của một chế độ độc tài toàn trị mà nền tư pháp hoàn toàn không được độc lập. Trái lại, chúng tôi cho rằng hành động trấn áp như trên của nhà đương cuộc là có tính hệ thống, rõ nhất là khi liên kết vụ án Đồng Tâm đang xét với vụ án oan Hồ Duy Hải (ở Long An) mà dư luận vẫn còn râm ran chưa thuyết phục, cùng với sự kiện mới đây nhất, đó là việc Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội và tổ công tác thuộc Bộ Công an đã vào TP HCM bắt nhà báo Phạm Đoan Trang trong sáng ngày 6.10 vừa qua, về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” …, nhưng thực chất không phải tội, mà đương sự bị bắt chỉ vì đã can đảm hoạt động đấu tranh cho dân chủ dân quyền vốn hoàn toàn phù hợp với những điều mà Hiến pháp Việt Nam 2013 đã cho phép (như ở các điều 14, 24…). Hay nói một cách khác, trong vụ này, nếu đứng trên phương diện Đảng cầm quyền độc tài, thì nhà báo nữ Đoan Trang có tội; còn nếu theo quan điểm lợi ích chung của nhân dân, thì người phụ nữ này không chỉ có công lớn mà còn biểu thị chút chí khí đáng nêu gương còn sót lại cho tất cả mọi người trong một bầu dân khí đã trở nên hèn đớn vì sự trấn áp lâu năm của Đảng cầm quyền độc tài suốt hơn nửa thế kỷ. Nhà báo Đoan Trang bị bắt, cũng như khoảng 200 người khác đang ngồi tù vì tội chính trị, có lẽ chỉ vì quá nhẹ dạ cả tin, dám đơn phương thực hiện một số quyền tự do đã ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Không kể lại rườm rà hàng trăm hàng ngàn vụ việc cũ trước đây đã làm, tất cả những vụ trấn áp tiêu biểu nổi bật như vừa kể trên chứng tỏ nhà cầm quyền đã ngang nhiên chà đạp dân chủ, bất chấp dư luận cả trong lẫn ngoài nước một cách cố ý, áp dụng chính sách trơ mặt, “chó sủa đoàn lữ hành cứ đi”, với quan niệm của một số kẻ độc tài tự đắc trong Đảng cầm quyền cho rằng chỉ cần chà đạp lên hiến pháp, dùng lực lượng công an trấn áp mọi cuộc khiếu kiện/ biểu tình của dân thì chẳng còn ai sẽ dám hó hé gì nữa!

Chúng tôi cho rằng việc sát hại ông Lê Đình Kình và việc bắt bớ nhà báo nữ Đoan Trang tuy hai việc khác nhau nhưng về bản chất và mức độ trầm trọng của ý đồ trấn áp dân chủ trên cả nước thì cũng chỉ là một, chứng tỏ nhà cầm quyền không còn giữ được sự bình tĩnh cần thiết để chủ động chấp nhận đối thoại với những người bất đồng chính kiến.             

Biện pháp chà đạp dư luận như trên có thể cũng là một trong những cách duy trì hiệu quả quyền lãnh đạo của Đảng, theo kiểu phát xít, trong một khoảng thời gian kéo dài thêm nào đó, nhưng lại là một sự lựa chọn mà theo kinh nghiệm lịch sử là quá thô thiển hiểm nguy, cho chính Đảng cầm quyền. Trái lại, với một đảng cầm quyền nếu chưa hẳn mụ mị mà còn giữ được chút sáng suốt, muốn cầm quyền được lâu hơn trong một đất nước ổn định, thì chính sách an dân phải được coi là một trong những mục tiêu chính trị quan trọng hàng đầu, bên cạnh những kế hoạch phát triển tất yếu phải lo về các mặt kinh tế-xã hội. Nay vụ Đồng Tâm không còn chuyện riêng của làng Đồng Tâm nữa mà đã trở thành cuộc khủng hoảng chính trị toàn quốc, cho thấy sự phá sản niềm tin của nhân dân và của giới nhân sĩ trí thức đối với chính quyền; là sự lúng túng bế tắc của nhà cầm quyền trong đối sách cần thiết đối với vận mệnh chung của dân tộc. Sự vượt qua được nỗi khó khăn này hay không sẽ vừa là thử thách vừa là thước đo trình độ nhận thức vấn đề cũng như tính linh hoạt nhạy bén cần thiết của những người cầm chịch đại cuộc trong việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn xã hội đang ngày càng gay gắt. Vì vậy, thay vì chà đạp dư luận như hiện nay, chúng tôi khuyến cáo Đảng CSVN nên coi những tiếng nói phản ứng dữ dội vừa qua từ vụ án Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải, vụ bắt nhà báo Đoan Trang… như là dấu hiệu phản ảnh nhắc nhở trung thực nhất của nhân dân giúp mình điều chỉnh đường lối xử sự sao cho phù hợp, biến thế bất lợi đang bị phong trào chỉ trích lên cao thành thế thuận lợi được hoan nghênh, trong tinh thần khiêm hạ, coi việc “chịu thua” nhân dân là một điều vinh dự giúp nhà nước mạnh lên chứ không phải sỉ nhục.    

Theo quan điểm của chúng tôi, xét cho cùng, vấn đề cốt lõi vẫn là phải tìm ra căn nguyên của sự việc, từ đó tìm hướng giải quyết rốt ráo và một cách có hệ thống, chứ không thể tính toán trên từng sự vụ riêng lẻ, dẫn đến hết sai lầm này đến sai lầm khác. Qua vụ án Đồng Tâm làm xôn xao dư luận mãi đến tận hôm nay, nổi bật lên hai vấn đề cần phải gấp rút cải cách, đó là về đất đai và về tư pháp.

Trong quá khứ, vào những năm 50 của thế kỷ trước, Đảng CSVN đã phạm phải tội ác tày trời trong cải cách ruộng đất (CCRĐ) và hợp tác hóa nông nghiệp theo mô hình Trung Quốc, mà sự sửa chữa đã không được thi hành triệt để, nên mới để xảy ra tình trạng động loạn xã hội liên tục trong suốt nhiều chục năm gần đây, biểu hiện cụ thể qua hàng trăm hàng ngàn cuộc tụ tập khiếu kiện đông người của nông dân về đất đai trên khắp cả nước từ Nam chí Bắc, còn hơn cả thời thực dân phong kiến. Theo tổng kết của các cơ quan chức năng, 80% các cuộc khiếu kiện của dân đều liên quan đến đất đai. Thực tế cũng cho thấy, khoảng 80% vụ việc bị xử lý kỷ luật đều dính tới quan chức các cấp từ địa phương đến trung ương, kể cả cấp thượng tướng, cấp ủy viên bộ chính trị, mà chức càng lớn, quy mô tham nhũng đất đai càng nhiều, càng phức tạp khó xử. Rõ ràng từ chính sách vô lý về đất đai, đã làm mất lòng dân, làm tha hóa hỏng bét bộ máy nhà nước với mức độ vô phương cứu chữa. Nếu bảo “đốt lò” để chống tham nhũng (chủ yếu là tham nhũng đất đai) thì không thể chống hiệu quả, vì như thế chỉ giải quyết phần ngọn, không giải quyết đi vào phần gốc, như mọi người đều trông thấy rất rõ. Hơn nữa ném chuột còn sợ vỡ đồ, ném mạnh và nhiều quá thì nhà nước chắc chắn sẽ không tránh khỏi tan hoang, và khi đó ngay cả Đảng lãnh đạo nếu không sụp đổ mới là chuyện lạ, vì trên thực tế của thể chế chính trị hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng chỉ là một mà thôi.

Do vậy một trong những nội dung cải cách có tính đột phá khẩu để ổn định tình hình chính trị hiện nay là cần khởi đầu từ việc sửa đổi chính sách sở hữu về đất đai. Quy định “Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” ghi trong Hiến pháp 2013 (Điều 53) và trong Luật Đất đai 2003 (Điều 5), chỉ cho dân hưởng “quyền sử dụng đất”, một khái niệm lập lờ đã được chế tác khéo, thực chất chỉ là thủ đoạn mị dân man trá để Nhà nước nắm cán chi phối, dễ dàng lạm dụng dưới hình thức “quy hoạch sử dụng đất” theo hướng có lợi cho một số nhóm đặc quyền làm giàu, như thực tế áp dụng bấy lâu nay đã hoàn toàn cho thấy rõ.

Cách làm luật rất dài dòng phức tạp cũng như sự áp dụng tùy tiện luật pháp chứa nhiều lỗ hổng như cái bẫy lừa đã gây nên biết bao nỗi phẫn uất trong dân và tình trạng động loạn xã hội, theo cách Nhà nước cứ như lo sợ đất đai lọt vào tay dân, trong khi lẽ ra đất đai phải nằm trong tay sở hữu và quyền sử dụng của dân thì nó mới trở nên có ý nghĩa và giá trị thật sự. Bởi lẽ đất nước, ngoài núi sông cây cỏ, chủ yếu bao gồm hai thành tố lãnh thổ và dân thì đất đai cũng thuộc của dân, phải chia ra cho dân sử dụng qua sự công nhận quyền sở hữu hẳn hoi với bằng khoán rõ ràng do chính phủ xét cấp. Một nhà nước nếu đúng “của dân, do dân, vì dân” như những lời tuyên bố thì lại càng phải để cho đất đai được nhân dân toàn dụng theo đúng quy định cần được cải cách hợp lý hơn của luật pháp về quyền sở hữu, chứ không thể muốn “giao” muốn “thu hồi” ra sao cũng được; nhà nước chỉ cẩn quản lý một số đất công, một vài quặng mỏ lớn và vùng trời vùng biển để phục vụ cho các nhu cầu thuộc lợi ích công cộng có tính toàn quốc. Nguyên tắc tập trung tư liệu sản xuất (kể cả đất đai) từ lâu đã tỏ ra lạc hậu, phá sản, không còn có thể áp dụng trong bất kỳ điều kiện nào mà có thể sinh ra hiệu quả tốt đẹp được nữa.

Vấn đề cốt lõi thứ hai, cũng rút ra từ sự kiện vụ án bất công Đồng Tâm cùng hàng trăm vụ án oan sai khác trước đó, đó là việc tiến hành cải cách tư pháp, bằng cách để cho tư pháp độc lập với chính quyền, giúp cho nền luật pháp quốc gia được trong sáng lành mạnh, mang lại lợi ích và sự công bằng cho tất cả mọi người dân trong xã hội. Xét trên một khía cạnh nào đó thì vụ án Đồng Tâm đầy khuất tất cũng có mang lại điều hữu ích, vì sự sôi sục tiếng nói phê phán của toàn dân lần này sẽ có tác dụng cảnh tỉnh giới hữu trách còn nhất điểm lương tâm, thúc đẩy họ chú ý nhiều hơn đến việc cải cách nền tư pháp đã tỏ ra quá sức bệ rạc.

Phải cải cách tư pháp trước hết, vì nếu bộ máy tư pháp thối nát mất hết hiệu lực như trước nay thì không chỉ hiến pháp mà bao nhiêu luật/ bộ luật khác cũng đều trở thành những mảnh giấy lộn, hoặc chỉ còn dùng làm phương tiện để lừa dối nhân dân, trang trí cho một hệ thống chính trị độc tài!    

Từ lâu, nhiều ý kiến chung cho rằng, muốn cho tư pháp độc lập với chính quyền thì phải không có sự chi phối của hành pháp, trong điều kiện hiện hữu của nước ta thì hành pháp được hiểu ngầm là Đảng + Nhà nước, lập pháp là Quốc hội, còn tư pháp là Công an + Viện kiểm sát + Tòa án. Thậm chí, có người còn cho rằng, muốn cho luật pháp được trong sáng, phải triệt tiêu quyền lãnh đạo độc tài của thể chế độc Đảng.

Chúng tôi không hoàn toàn chống lại loại ý kiến nêu trên, nhưng có một quan điểm hơi khác, ôn hòa hơn, dẫu biết rằng việc cải cách tư pháp tất yếu không thể tách rời khỏi các tiến trình cải cách chính trị rộng lớn hơn.  Chúng tôi chủ trương Đảng CSVN hiện hữu vẫn có thể tiếp tục điều hành đất nước và công cuộc cải cách tiếp theo với những đảng viên mới có đầy đủ học vấn, tầm nhìn và tư tưởng tiến bộ thay thế cho những đảng viên già nua bảo thủ đang nắm các quyền chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Như mọi người đều biết, do quan điểm “chính trị thống soái”, luật pháp lâu nay tại Việt Nam chỉ là hình thức trang trí cho chế độ, chủ yếu chỉ dùng để trừng trị áp bức tùy tiện đám dân đen thấp cổ bé miệng. Còn lại vẫn là “phủ bênh phủ huyện bênh huyện”, tuy nói xét xử không có ngoại lệ, không có vùng cấm nhưng thật ra chỉ là cách nói cho oai của một vài nhân vật lãnh đạo. Ngoài ra còn có nạn chạy án, “đa kim ngân phá luật lệ”, tình trạng tham nhũng hối lộ trong ngành tư pháp của giới công an-tòa án-viện kiểm sát cực kỳ phổ biến với sự tiếp tay của không ít luật sư chạy cò vô tương tâm. Trong điều kiện tranh chấp quyền lực như hiện nay, tư pháp cũng là nơi thực hiện ý chí của phe phái: một vụ án quan chức lớn tham nhũng đất đai bị đem ra xét xử thường bị dư luận cho rằng chẳng qua chỉ là nhằm triệt hạ một đối thủ hay nhóm đối thủ nào đó đang rơi vào thế yếu quyền lực, mà hành vi phạm pháp đã bị lộ, chứ không phải vì quyền lợi của nhân dân;  kẻ xử án lẫn người bị can đều một mặt nhơ nhuốc như nhau, vì bọn họ đều đã trở thành “bầy sâu”, “ăn không từ một thứ gì” (như lời phát biểu của ông nguyên Chủ tịch nước TTS và của bà nguyên phó Chủ tịch nước NTD)… Mà phần nhiều quan chức lớn vào tù cũng là “ở tù cha” với đủ các tiện nghi phục vụ cá nhân trong trại giam, còn có thể đem cả vợ con vào ở, chứ không như công dân Hồ Duy Hải thậm chí người mẹ muốn đi thăm đưa thức ăn vào cho con cũng không được phép!

Nói vắn tắt, ý chí chủ quan của cá nhân đương quyền đã đứng trên luật pháp, khiến cho tư pháp ngày càng kém nghiêm minh, dẫn tới nhiều vụ án oan sai; nạn tham nhũng chẳng những không bị trừng trị đích đáng theo đúng pháp luật mà còn phát triển ngày càng tăng nặng cả về số lượng lẫn quy mô vụ án.

Đó là tình trạng tệ hại của tất cả hệ thống tư pháp hiện nay của chúng ta, đòi hỏi bức thiết phải được cải cách. Việc cải cách này phải được bắt đầu từ sự chuyên môn hóa các quá trình điều tra xét xử, nâng cao trình độ nghiệp vụ và tính độc lập của cả luật sư lẫn thẩm phán tòa án, và nói cho thật gọn, chỉ là cần áp dụng triệt để những điều khoản được hiến pháp và một số bộ luật đã quy định, như cấm tra tấn, mớm cung ép cung chẳng hạn… Việc đút lót chạy án hay một cá nhân quyền lực nào đó can thiệp làm méo mó kết quả điều tra xét xử phải bị coi là một tội nặng đáng bị truy tố, và các viên thẩm phán nào chấp hành nghiêm minh luật pháp với đầy đủ lương tâm phải được nhân dân khen ngợi và luật pháp bảo vệ. Một tòa án hiến pháp như ở các nước văn minh vì thế cũng cần được thành lập để xét xử cho tất cả các trường hợp vi hiến cho dù kẻ vi phạm có quyền lực lớn mạnh đến đâu. Đồng thời, cũng cần chú ý bổ nhiệm đúng người đúng việc cho những chức vụ đứng đầu các cơ quan tư pháp; họ phải là những Bao Thanh Thiên của thời đại, coi việc thượng tôn luật pháp và bảo vệ số phận của người dân là trách nhiệm thiêng liêng.   

Trong khi chưa tiện nói đến đa nguyên đa đảng và tam quyền phân lập một cách rạch ròi, chúng tôi coi việc cải cách tư pháp theo hướng nêu trên như một động thái mở đầu tương đối nhẹ nhàng của quá trình cải cách chính trị, theo hướng đi từ cái cụ thể đến cái tổng quát, như một hình chóp nón đảo ngược, mà phần đáy mở rộng bên trên sẽ được coi là kết quả. 

Để đảm bảo cải cách tư pháp hiệu quả, cần phát động một phong trào toàn Đảng toàn dân thực thi hiến pháp, vì chỉ có thông qua con đường thực thi đúng các điều khoản đã ghi trong hiến pháp, quốc gia mới được trị yên theo pháp luật và nhờ thế các quyền công dân mới được bảo vệ, các giá trị dân chủ mới được nảy nở, thúc đẩy đất nước và xã hội tiến lên.

Nói cách khác, lâu nay Đảng CSVN chưa thể hiện làm đúng hiến pháp, thì bây giờ phải điều chỉnh đúng, cho mọi công dân có quyền tự do ứng cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, như Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định thế thôi, chứ không có nghĩa đòi hỏi phải thay đổi chế độ chính trị, hoặc phải có một đảng khác đối lập thay thế cho Đảng CS đương quyền. Chúng tôi nhận thấy rằng, chỉ một số ít nhà lãnh đạo bảo thủ tham quyền cố vị mới cố tình trì hoãn việc thực thi hiến pháp, như họ đã ngăn cản việc thông qua luật biểu tình…; trái lại nếu là người thuộc phái tiến bộ thông đạt chính trị thì ai ai cũng ủng hộ việc xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ, vì nếu không có pháp quyền dân chủ thì CNXH chỉ còn là một trò lừa đảo hại dân, trước sau cũng không thể tồn tại. Trong Đảng hiện nay, chỉ có hai phong cách lãnh đạo đất nước, một là trấn áp, hai là mở rộng dân chủ, thì nhân dân chắc chắn sẽ đứng về phía các nhà lãnh đạo biết tôn trọng dân chủ. 

Như trên đã nói, việc cải cách tư pháp theo hướng tư pháp độc lập với hành pháp (Đảng + Nhà nước) tuy không thể tách rời với các tiến trình cải cách chính trị, nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta phải từ bỏ CNXH bấy lâu nay theo đuổi. Chúng ta trái lại vẫn kiên trì đi theo con đường CNXH nhưng là một thứ CNXH nhân bản tiến bộ được điều chỉnh nội dung thích hợp trên những phương diện thực hành của nó, chứ không phải thứ chủ nghĩa xã hội dị dạng (socialisme perverti) tàn phá con người kiểu Stalin và nhất là kiểu Mao, đã bị thế giới tiến bộ phê bình từ những năm 50 của thế kỷ trước, mà một số lãnh tụ cách mạng tiền bối của chúng ta đã mù quáng rập khuôn noi theo đẩy nhân dân miền Bắc vào vòng tăm tối giai đoạn trước 1954 và cả nhân dân hai miền Nam Bắc phải chịu điêu đứng thêm một thời gian dài giai đoạn sau 1975 khi đất nước đã được gồm thâu về một mối. Thực tế lịch sử cho thấy rằng, một số nhà chính trị CSVN, vì lý do để bảo vệ sự tồn tại của đảng cầm quyền trên hết, hoặc vì địa vị của chính bản thân họ, đã không hề nghĩ ra một sáng kiến hay đường lối thực hành thông minh nào khác với phương pháp/ đường lối vạch sẵn của Mao Trạch Đông, mà cứ bắt chước nhịp đi theo Trung Quốc từng bước một: bên kia có thổ địa cải cách thì bên đây có CCRĐ, bên kia tiến tới công xã nhân dân thì bên đây hợp tác hóa nông nghiệp ồ ạt, bên kia bách hoa tề phóng thì bên đây có trăm hoa đua nở (Nhân Văn Giai Phẩm), bên kia chống chủ nghĩa xét lại thì bên đây cũng bắt chước làm theo, bên kia có chiến tranh nhân dân thì bên đây có chiến tranh du kích tiêu thổ kháng chiến, bên kia chống hòa bình diễn biến thì bên đây chống diễn biến hòa bình, bên kia xoay ra dùng phương thức của chủ nghĩa tư bản để xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc thì bên đây có kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, bên kia có bốn hiện đại hóa thì bên đây có công nghiệp hóa hiện đại hóa, bên kia xây dựng đội ngũ dư luận viên để tuyên truyền chống lại những “ý kiến khác” thì bên đây cũng bắt chước làm tương tự, bên kia đả hổ diệt ruồi (“lão hổ, thương dăng, nhất khởi đả”) thì bên đây có “đốt lò” chống tham nhũng, bên kia sáp nhập hai chức chủ tịch-tổng bí thư thì bên đây có đồng chí chủ tịch-tổng bí thư X…, nhất nhất đều làm theo như thế cả chứ không có sáng kiến gì đặc biệt để lo cho hạnh phúc của toàn dân, với kết quả của cả hai bên “bốn tốt mười sáu chữ vàng” này là gần gần giống nhau, nghĩa là tuy có làm cho kinh tế tăng trưởng thoát được một phần nạn đói nghèo nhưng tất cả những gì tệ hại nhất trong xã hội thì đều có đủ, tiêu biểu là quốc nạn tham nhũng, tình trạng bất công xã hội, khủng hoảng môi sinh và xuống cấp văn hóa…,  đã đạt tới mức lâm nguy vô phương cứu chữa.

Nếu tính về phần phía Bắc Việt Nam, từ năm 1954 và từ vĩ tuyến 17 trở đi, Việt Nam vẫn là đứa học trò ngoan ngoãn của Trung Quốc theo Khổng giáo rồi theo Maoit; từ vĩ tuyến 17 trở vào, bộ phận VNCH có thời gian dung hợp được Đông Tây trên mô hình phát triển nhưng kéo dài chỉ được 20 năm rồi chết yểu. Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ cần phải dẹp qua, còn trong hiện tại, tình hình thế giới và các mối tương quan chính trị quốc tế đã có nhiều biến đổi, trình độ nhận thức của đảng viên Việt Nam và của nhân dân trong nước đã khá lên hơn nhiều, giờ đây “người học trò” Việt Nam đã có thể chủ động vượt lên hơn “thầy” bằng cách đi trước một bước cải cách chế độ sở hữu ruộng đất và nền tư pháp, từ đó thay đổi dần nội dung CNXH theo hướng mở rộng dân chủ hóa như các nước văn minh, mà mô hình không phải tìm đâu xa, vì đã có sẵn một số hình mẫu tham khảo như ở một vài xứ Bắc Âu, hoặc như Singapore… ở Đông Nam Á. Điểm thuận lợi của nước ta là quy mô dân số vừa phải, gánh nặng cơm áo nhẹ nhàng, mâu thuẫn xã hội và giữa các địa phương tuy vẫn có nhưng ít gay gắt hơn so với Trung Quốc; bản tính người Việt Nam lại hiền hòa hơn, và đã có sẵn một đảng CS cầm quyền đầy kinh nghiệm nắm vững giềng mối thống nhất để điều hành cải cách.

Trong hơn chục năm gần đây, Trung Quốc ngày càng lấn lướt xâm lược biển đảo của Việt Nam thì đây chính là điều kiện và thời cơ lịch sử tốt nhất để Việt Nam “thoát Trung”, bằng con đường cải cách CNXH, củng cố nội trị hướng về lòng dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Làm được như vậy, Đảng CSVN sẽ mạnh lên mau chóng, trở thành đảng tiên phong đích thực, chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh ủng hộ của toàn thể nhân dân và các chính quyền văn minh trên thế giới, đồng thời cũng nêu gương tốt được cho một số nước XHCN lạc hậu còn lại như Bắc Triều Tiên, Cuba noi theo, thậm chí không loại trừ còn có thể tạo ảnh hưởng tích cực kích động cho nhân dân Trung Quốc đứng lên đòi hỏi chính quyền của họ phải cải cách theo đường hướng dân chủ. Đây là điều Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, một khi số nhà lãnh đạo cấp cao trong Đảng lâu nay khư khư bám lấy giáo điều cũ kỹ Mác-Lênin kịp thời tỉnh ngộ chuyển hướng để đoàn kết hợp tác với những nhà lãnh đạo có tư tưởng cấp tiến. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để thoát Trung một cách hòa bình và hiệu quả, mà những người thực hiện sẽ được ghi phương danh vào sử sách không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới nữa; bằng như ngược lại, để cho đất nước đắm chìm trong tình trạng lạc hậu, họ sẽ bị di xú nghìn năm, nhân dân nguyền rủa.

Khi đề cập đến “thoát Trung”, chúng tôi hoàn toàn không có ý tưởng kêu gọi bất hợp tác hay là tẩy chay Trung Quốc trên các mặt quan hệ về kinh tế, về văn hóa-giáo dục…. Thoát Trung không phải là chống Trung, mà theo quan niệm của chúng tôi chỉ có nghĩa là chủ động tách khỏi ảnh hưởng của đường lối chính trị lạc hậu kiểu Mao mới (Neo-Maoism), vốn đã và đang bị chính nhân dân Trung Quốc cực lực lên án và cũng đang muốn vùng vẫy thoát khỏi sớm được ngày nào hay ngày ấy. Về đường lối ngoại giao, chúng tôi cho rằng, kiên trì lập trường ôn hòa với nước láng giềng Trung Quốc như hiện nay là khôn khéo cần thiết, còn việc lấy lại một số đảo đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm thì có lẽ cần phải chờ thêm thời gian cho đến khi đạt đủ các điều kiện tương quan quốc tế thuận lợi, mà Đảng CSVN là hoàn toàn có khả năng, kinh nghiệm và bản lĩnh để làm được.   

Công việc tiếp theo là phải tu chính hiến pháp, bầu lại Quốc hội theo thể thức thật sự dân chủ (không có nạn cơ cấu, hiệp thương… như một thể thức xếp đặt sẵn trước), sửa lại một số điều luật trong những luật sẵn có, soạn thêm một vài luật mới cho phù hợp với đường hướng cải cách CNXH, thực hiện cuộc cách mạng ôn hòa lần thứ hai cũng do Đảng CSVN lãnh đạo.

Khẩu hiệu của đại hội lần thứ 13 của DẢNG là “ xây dựng nước VN dân chủ, giàu manh, công bằng , văn minh”. Dân chủ là con đường duy nhất đúng mà mọi quốc gia nếu muốn phát triển lớn mạnh trước sau gì cũng phải tuân theo. Chỉ một số nước XHCN theo mô hình toàn trị cũ (như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên…) do bản thân không đủ chính nghĩa nên mới cần hạn chế dân chủ và trù dập những tiếng nói phê bình của công dân, vì sợ “diễn biến hòa bình” sẽ làm mất Đảng. Trong khi đó lẽ ra cần phải hiểu ngược lại: hạn chế tiếng nói phê bình của người dân là cách tốt nhất đi tới sự sụp đổ. Dân chủ là chân lý bất di bất dịch của thời đại, là mệnh lệnh của con tim và lý trí nhân loại, và vì thế Việt Nam vẫn có thể tiếp tục theo đuổi con đường CNXH nhưng là một thứ CNXH cách tân, có thể tạm gọi CNXH dân chủ, và đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Dân chủ Việt Nam. Đó là một bước đột phá của đại hội 13 làm nền tảng cho các đại hội sau này.

Hiện nay, thực tế ai cũng biết, trong nội bộ Đảng CSVN đang có nhiều biểu hiện phân liệt mất đoàn kết. Trước thềm Đại hội Đảng XIII sẽ diễn ra vào đầu năm sau, các phe phái tung đòn choảng nhau kịch liệt để tranh giành quyền lực vào ngôi “tứ trụ” thì đây là điều hết sức nguy hiểm cho vận mệnh dân tộc khi đứng trước mối hiểm họa Trung Quốc. Trước tình trạng bất nhẫn đáng tiếc này, quan điểm của nhóm CLB Lê Hiếu Đằng là hoàn toàn không đứng về bất kỳ phe phái hoặc cá nhân tranh giành quyền lực nào, bởi chúng tôi không trực tiếp tham chính. Nhưng chúng tôi mạnh dạn kêu gọi sự đoàn kết nhất trí, với mong muốn toàn thể đảng viên Đảng CSVN và nhân dân Việt Nam hãy đứng về phía những nhân vật chính trị có đầu óc tiến bộ muốn thi hành thực chất Hiến pháp Việt Nam 2013 với một số điều khoản sẽ phải được tu chính liên quan đến quyền sở hữu đất đai, các quyền tự do dân chủ, đi cùng với bộ máy tư pháp sẽ phải được cải cách hữu hiệu. Chúng tôi tin tưởng trong giới lãnh đạo Đảng hiện nay vẫn còn không ít người có lương tâm và trách nhiệm, tha thiết muốn dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi theo con đường sáng của văn minh nhân loại. Nếu lực lượng của phái tiến bộ này mà có xu hướng mạnh lên được với đa số áp đảo để nắm lấy quyền điều khiển đất nước trong Đại hội XIII, chúng tôi tin chắc rồi đây những vụ án như vụ Hồ Duy Hải, vụ Đồng Tâm… sẽ được đưa ra tái thẩm một cách công bằng và đúng pháp luật hơn; những người như nhà hoạt động nhân quyền Đoan Trang cùng một số tù nhân lương tâm đang bị giam hãm khác sẽ được phóng thích, trong một tương lai không xa.

Có thể nói, diễn biến rất đặc biệt của vụ án Đồng Tâm và một số vụ khác tương tự vô tình đã làm bật ra nhiều vấn đề chính trị bức xúc đòi hỏi phải tiếp tục cải cách. Đây cũng là thời cơ và sự thách thức hết sức quan trọng, đang đặt ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trước thềm Đại hội XIII Đảng CSVN dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm sau.

Ngày 24.10.2020

TM Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Lê Thân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.