20 năm của họ và ta
Lê Hồng Lâm (nhà báo, nhà phê bình điện ảnh)
Đợi cơn lũ lịch sử này qua đi, nhà nước, chính quyền, nhân dân... hay con người nói chung phải ngồi lại tìm cách để làm một cái gì đó bền vững hơn để cứu nguy cho người dân miền Trung chứ nhỉ?
Chứ nhìn trận lũ lịch sử năm 1999 với trận lũ lịch sử năm 2020 này có khác gì nhau đâu? Cũng những ngôi nhà ngập tận nóc, cũng những người dân khốn cùng phải leo lên mái nhà, chìa bàn tay để đón lấy mấy thùng mì tôm, chai nước, cái bánh trong khi nhà cửa, của cải của họ đã trôi theo dòng nước lũ... Và đau hơn cả là những cái chết tập thể đau thương vì lũ cuốn, vì lở đất, vì những đồi trọc bị xói mòn đổ ụp xuống chôn vùi bao nhiêu mạng người.
Và tình trạng này chắc chắn vẫn còn tiếp diễn, thậm chí còn dữ dội hơn với tình trạng biến đổi khí hậu tàn khốc đang diễn ra, nếu không tìm ra một giải pháp bền vững và an toàn cho người dân.
Xem dữ liệu do Google cung cấp và phần mềm biên tập video của Google Earth mới thấy những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn trải dài từ Huế ra Quảng Trị, Quảng Bình bị tàn phá như thế nào. Những cái đồi trọc trơ khấc này, chỉ cần gặp một trận mưa lũ lớn như vừa qua là dễ dàng đổ ụp xuống ngay. Hai cái thảm họa xảy ra ở Rào Trăng 3 (Huế) và Hướng Hóa (Quảng Trị) là những ví dụ đau lòng nhất.
Phá rừng thì cũng đã phá mất rồi. Giờ đổ tội hay chửi bới cũng không giải quyết được gì nữa khi bao mạng người vẫn tiếp tục bị chôn vùi.
Trong những bộ phim tài liệu tuyệt hay của BBC như Planet Earth I, II; Seven Worlds One Planet hay mới đây nhất là David Attenborough: A Life on Our Planet... điều tôi thích nhất là tính giải pháp của chúng. Cho dù đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy con người đã tàn phá hành tinh như thế nào, những nhà làm phim tài liệu này, qua giọng dẫn chuyện của sir David Attenborough cuối cùng cũng tìm đến những giải pháp tích cực nhất, tìm đến những con người nhỏ bé âm thầm làm những điều đẹp đẽ nhất để hàn gắn một phần nào đó những vết thương của Mẹ Trái đất do chính đồng loại tham lam và vô cảm của họ gây ra.
Và đây là một ví dụ khác.
Trong bộ phim tài liệu chân dung từng tranh giải tại LHP Cannes và được đề cử giải Oscar THE SALT OF THE EARTH (2014) kể về cuộc đời và sự nghiệp hơn 40 năm cầm máy ảnh của nhà báo, nhiếp ảnh gia xuất chúng Sebastião Salgado, người đã từng đặt chân đến 6 châu lục, hơn 100 quốc gia để ghi lại hàng vạn bức ảnh đáng giá về nỗi thống khổ của con người trên Trái đất - điều tôi ấn tượng nhất ở bộ phim này chính là phần cuối của bộ phim: hành trình chữa lành trái tim đầy thương tổn của ông.
Sebastião Salgado đã chứng kiến tận mắt những cuộc xung đột chính trị, sắc tộc, chiến tranh liên miên ở vùng Balkans, nạn chết đói, tị nạn và di cư ở Sudan, Ethiopia, Rwanda, những bộ lạc thổ dân mất đất sống ở Indonesia, hàng ngàn người đàn ông lao động như khổ sai ở hầm mỏ khai thác vàng lộ thiên ở Brazil và hàng ngàn thân phận bi thảm khác trên Trái đất này.
Những thảm kịch đó gây cho ông một sự chấn thương tinh thần lớn, khiến ông rơi vào trầm cảm vì cảm thấy bất lực. Là một người dành 2/3 cuộc đời để đi đến từng nơi hiểm hóc khắp thế giới, thế nhưng bước vào tuổi 60, ông quyết định trở về vùng đất quê hương ông ở một vùng quê hẻo lánh tại Brazil để tìm cách chữa lành vết thương tinh thần. Tại đó, ông kinh hoàng phát hiện ra khu rừng nhiệt đới tươi tốt mà cha mẹ ông từng sinh sống đã bị phá hủy hoàn toàn bởi nạn phá rừng.
Chuyện phá rừng không còn xa lạ ở Brazil quê hương ông. Ở Amazon, có khoảng 17% diện tích rừng đã bị biến mất trong 50 năm qua, phần lớn là do người dân chuyển đổi đất rừng để chăn nuôi gia súc. Nạn phá rừng ở ở Brazil còn lan rộng đến các khu vực đông dân cư, đường sá và sông ngòi, thậm chí ngay cả những khu vực hẻo lánh cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.
Đứng trước quả đồi trọc bị tàn phá nghiêm trọng ở quê hương ông, nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado và người vợ của mình đã lên kế hoạch hành động. Họ thành lập một tổ chức nhỏ có tên là Instituto Terra. Tổ chức này đã tìm cách để mang lại sự sống cho khu đồi trọc bằng cách lên kế hoạch trồng 4 triệu cây non. Sebastião Salgado nói rằng, "có một sinh vật duy nhất có thể chuyển từ CO2 thành oxy, đó là cây xanh. Vì thế chúng tôi phải trồng lại rừng".
Họ bắt đầu thực hiện dự án trồng rừng từ năm 2001. Và bây giờ, sau gần 20 năm, 600 ha đất đồi trọc cằn cỗi trước đây đã trở thành một khu rừng lớn với hơn 2 triệu cây với 293 loài sinh vật khác nhau. Các con suối trước đây khô cạn giờ bắt đầu chảy luồn lách trong khu rừng và mang lại nguồn nước cho cây. Và khi khu rừng đa dạng được khôi phục trở lại, động vật hoang dã cũng bắt đầu tìm về. Họ đếm được 172 loài chim, 33 loài động vật có vú, 15 loài lưỡng cư và bò sát đã trở về thiên đường xanh mới được phục hồi chưa lâu.
Khu rừng tươi tốt đó của Sebastião Salgado giờ đây được coi là Khu bảo tồn Di sản Thiên nhiên Tư nhân.
Theo National Forest Foundation, việc tái trồng rừng được xem là vô cùng có lợi cho môi trường và đất đai. Tái tạo diện tích đất bị tàn phá đồng nghĩa với việc chất lượng nguồn nước tự nhiên tốt hơn, các loài động thực vật có khả năng phục hồi tốt hơn, chất lượng không khí được cải thiện và thậm chí có nhiều lựa chọn giải trí ngoài trời hơn cho người dân địa phương.
Sebastião Salgado cho biết, trong vô số lợi ích, những hiệu quả tích cực nhất có thể nhìn thấy được từ việc trồng rừng của ông là:
+ Ngăn chặn nạn xói mòn đất đai gây nguy cơ lở đất.
+ Tám con suối đã quay trở lại và cung cấp nguồn nước dồi dào. Chúng chảy ngay cả trong thời kỳ hạn hạn nặng nề nhất.
+ 172 loài chim đã quay trở lại, 6 loài trong số đó hiện có nguy cơ tuyệt chủng. 33 loài động vật có vú đã quay trở lại, trong đó có hai loài đang bị tổn thương và sắp tuyệt chủng trên toàn thế giới. 293 loài thực vật đã trở lại. 15 loài bò sát đã trở lại. 15 loài lưỡng cư đã trở lại.
...
Sau 20 năm, từ một vết thương nội tâm tưởng khó chữa lành, Sebastião Salgado đã thực hiện một chuyến hành trình không tưởng để kết nối với thiên nhiên. Nó không chỉ chữa lành cho thế giới nội tâm của ông, mà nó còn chữa lành cho vùng đất quê hương ông.
“Vợ chồng nhà báo/nhiếp ảnh gia Sebastião Ribeiro Salgado đã từng vô cùng kinh hoàng khi phát hiện khu rừng nhiệt đới ở Brazil một thời xanh tốt đã biến thành đồi trọc bởi nạn phá rừng”.
Còn chúng ta, qua 2 cơn lũ lịch sử cách nhau 21 năm, vẫn chỉ thấy hàng chục hàng trăm ngàn ngôi nhà ngập tận nóc, bao của cải của người dân trôi theo dòng nước, bao mạng người bị cuốn trôi bởi lũ dữ hoặc chôn vùi dưới những quả trồi trọc bị xói mòn.
Và chúng ta còn phải đợi đến bao giờ nữa?
Nguồn: FB Le Hong Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.