Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Vụ VOA bị TT Trump chỉ trích: Đài do chính phủ tài trợ không có nghĩa phải loan tin chính phủ chấp thuận

Vụ VOA bị TT Trump chỉ trích: Đài do chính phủ tài trợ không có nghĩa phải loan tin chính phủ chấp thuận

Patsy Widakuswara
22-5-2020
Cộng tác viên Greta Van Susteren của VOA phỏng vấn Tổng thống Donald Trump ở Singapore, 12/6/2018. Nguồn: White House
Đối với giám đốc phụ trách tin tức của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA người đã có một quyết định ‘định mệnh’ thì cuộc phỏng vấn sốt dẻo hôm đó quá đặc biệt và quan trọng không thể bỏ qua.
Chỉ 10 ngày sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 giết chết 2.977 người Mỹ và làm bị thương vô số người khác, đồng minh thân cận nhất và cũng là người bảo vệ Osama bin Laden tại Afghanistan—Mullah Omar—đồng ý cho ban tiếng Pashto đài VOA phỏng vấn độc quyền.
Bà Myrna Whitworth, quyền giám đốc VOA lúc bấy giờ, chỉ định hai nhà báo phỏng vấn bằng điện thoại thủ lĩnh bí ẩn của Taliban, người đã cho phép bin Laden, kẻ chủ mưu vụ 11/9, trú ngụ tại Afghanistan.
Tuy nhiên các giới chức trong chính quyền Tổng thống Bush lúc bấy giờ hay tin VOA đang chuẩn bị cuộc phỏng vấn. Bà Whitworth nhận được điện thoại của Bộ Ngoại giao và được cảnh báo rằng nếu cho phát thanh cuộc phỏng vấn Omar chẳng khác nào một hành động “tự sát chính trị”.
Dù chính quyền Bush “tôn trọng quyền của VOA tường thuật tin tức khách quan,” nhưng các giới chức Mỹ không muốn VOA “làm những việc mà chúng ta nghĩ là làm lợi cho kẻ thù,” ông Richard Boucher, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ, nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Tổng thống George W. Bush phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ngày 25 tháng 2 năm 2002. Nguồn: AFP
Đài VOA, cơ quan truyền thông đa phương tiện toàn cầu do chính phủ tài trợ, cung cấp tin tức bằng hơn 40 ngôn ngữ tới 280 triệu khán thính giả mỗi tuần.
VOA có lịch sử từ thời Thế chiến Thứ hai và được Quốc hội ủy nhiệm tường trình tin tức sâu rộng và không thiên vị.
Nhưng căng thẳng giữa Tòa Bạch Ốc và VOA có từ nhiều thập niên nay, chủ yếu là do tính đặc thù của một cơ quan tin tức-bán độc lập và đôi khi táo bạo-hoạt động trong lòng một bộ máy quan liêu cồng kềnh của chính phủ liên bang.
Tổng thống Obama trả lời phỏng vấn của Thông tín viên VOA Andre DeNesnera tại Tòa Bạch Ốc, 22/6/2011. Nguồn: AFP
Tháng trước, Tổng thống Donald Trump theo chân một số Tổng thống tiền nhiệm đặt vấn đề với hoạt động tường trình tin tức của VOA-nhưng với những lời lẽ nặng nề chưa từng có trước đây.
“Nếu quý vị nghe những gì phát xuất từ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ thật là ghê tởm. Những điều họ nói thật kinh tởm đối với đất nước chúng ta,” ông Trump phát biểu trong một cuộc họp báo về virus corona tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc ngày 15/4 vừa qua.
Phàn nàn của ông Trump chính yếu vì hai chuyện: Thứ nhất, tường trình của VOA đã sử dụng dữ liệu đáng ngờ của chính phủ Trung Quốc về số lây nhiễm và tử vong vì virus corona-cáo buộc mà VOA tranh cãi kịch liệt.
Và thứ hai là Tổng thống tức giận vì ông không thể bổ nhiệm tân lãnh đạo cho cơ quan mẹ của VOA, tức Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Hoa Kỳ USAGM, trong hơn hai năm vì những trở ngại do phe Dân chủ gây ra trong khâu chuẩn thuận ứng viên tại Thượng viện.
Trước đó, Tổng thống Trump từng than phiền là ông thiếu kiểm soát cơ quan truyền thông nhà nước, nơi phản ảnh những giá trị của ông và của những người ủng hộ ông. Tháng 11 năm ngoái, ông Trump gợi ý rằng Mỹ nên lập một mạng lưới tin tức toàn cầu do nhà nước điều hành để phản công lại điều ông gọi là tin tức “thiên vị” và “giả” của CNN và để cho thế giới thấy nước Mỹ “vĩ đại” như thế nào.
Tuy nhiên, như cuộc phỏng vấn Mullah Omar và những ví dụ khác cho thấy, ông Trump không phải là Tổng thống đầu tiên chỉ trích tin tức do VOA tường trình. Đó là vì dù VOA được giám sát bởi những quan chức do Toà Bạch Ốc bổ nhiệm, nhưng nội dung tường trình của các ký giả VOA, theo luật định, bắt buộc không được thiên vị.
Tiến hóa trong khâu biên tập của một cơ quan truyền thông nhà nước
Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao bác yêu cầu của VOA muốn trao đổi thêm về những chỉ trích của Tổng thống trên truyền hình hay về những cáo buộc trong một bản tin đăng trên trang web của Tòa Bạch Ốc trước đây trong tháng tố cáo VOA là cái loa tuyên truyền của Trung Quốc khi sử dụng dữ liệu của nước này trong đại dịch virus corona.
Giám đốc VOA, Amanda Bennett, bác cáo buộc này, khẳng định VOA “nỗ lực tường trình dựa vào dữ kiện một cách khách quan, không làm loa tuyên truyền cho ai cả.”
Thực vậy, VOA đã vạch trần những tin tức sai lạc của Trung Quốc gần 20 lần, theo Ủy ban Ký giả, một tổ chức bênh vực tự do báo chí.
Tổng thống Kennedy tại Đài Tiếng nói Hoa Kỳ năm 1962. Nguồn: VOA
Phương thức tiến thẳng qua sự biên tập trung gian không phải lúc nào cũng là chính sách của VOA. Sau khi VOA được thành lập vào năm 1942 để chống lại tuyên truyền của Đức Quốc xã bằng những tin tức khách quan, trong những thập niên đầu tiên, tin tức của VOA cần được những nhân vật chính phủ chấp thuận.
Trong cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1963 dưới thời Tổng thống Kennedy, VOA chính yếu “hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ,” theo nhận định của ông Nicolas Cull, giáo sư khoa ngoại giao công chúng tại Trường Annenberg về Truyền thông và Báo chí thuộc Đại học Nam California, và cũng là tác giả cuốn ‘Chiến tranh lạnh và Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ.’
“Có một quan chức hành pháp được Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (USIA) phái đến để giám sát VOA,” giáo sư Cull nói. “Ông ấy phải duyệt từng bài tường thuật.”
Phương thức này giảm dần trong thời gian xảy ra vụ tai tiếng Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon từ chức vào năm 1974. Giáo sư Cull cho biết những ký giả VOA quyết tâm phơi bày bức tranh toàn cảnh của cuộc điều tra về việc làm sai trái bị cáo giác của Tổng thống Nixon đã gặp phải sự chống đối của các giới chức USIA, những người muốn có một bài tường trình tích cực hơn.
Các ký giả VOA muốn biến Watergate thành “một bài học dân sự trên sóng truyền thanh cho thấy sức mạnh của Mỹ không nằm trong tay vị Tổng thống không bao giờ phạm sai lầm, mà trong khả năng của Quốc hội sửa chữa sai lầm đó đúng pháp luật,” ông Cull nói.
Cuối cùng, một thỏa hiệp đạt được là mỗi khi có một bài báo tiêu cực về Tổng thống thì cũng phải có một bài báo tích cực.
“Chuyện này tạo ra kiểu làm báo kỳ lạ,” vẫn theo lời ông Cull. “Tin tức hôm nay nói Tổng thống bị chỉ đích danh là kẻ đồng lõa không bị truy tố trong vụ khủng hoảng Watergate…và phu nhân Nixon khai trương một ngôi trường mới cho trẻ em tại thủ đô Washington DC.”
Một cơ quan truyền thông bị cấm thiên vị 
Tới năm 1976, Quốc hội và ban giám đốc điều hành VOA quyết định rằng VOA cần một sự uỷ nhiệm biên tập rõ ràng hơn để đảm bảo duy trì sự tín nhiệm của thính giả nước ngoài. Quốc hội soạn thảo Hiến chương nói rằng VOA phải loan tin chính xác; sản xuất nội dung thông tin đại diện cho toàn bộ xã hội Mỹ; và cung cấp sự giải thích, thảo luận rõ ràng về chính sách của Mỹ.
Hiến chương VOA
Phục vụ các lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ bằng cách truyền thông trực tiếp với người dân trên thế giới qua sóng vô tuyến. Để đạt hiệu quả, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phải dành được sự quan tâm và kính trọng của thính giả. Vì vậy, những tiêu chí này sẽ chỉ đạo nội dung tường trình của VOA:
1. VOA sẽ là nguồn tin luôn luôn đáng tin cậy và có thẩm quyền. Tin tức VOA chính xác, khách quan và toàn diện.
2. VOA sẽ đại diện nước Mỹ, chứ không phải bất kỳ một phần đơn lẻ nào của xã hội Mỹ, và vì vậy sẽ trình bày một sự dự phóng cân bằng và đầy đủ về tư duy và thể chế của Mỹ.
3. VOA sẽ trình bày các chính sách của Hoa Kỳ một cách rõ ràng và hiệu quả, và cũng sẽ trình bày những thảo luận và quan điểm có trách nhiệm về các chính sách này.
Gerald R. Ford
Tổng thống Hoa Kỳ
Ký ngày 12, tháng 7, năm 1976
Công luật 94-350
Đường lối biên tập của VOA được xác định thêm trong luật năm 1994 và 2016, nêu rõ những biện pháp cụ thể bảo vệ ký giả khỏi sự chi phối chính trị và kêu gọi VOA giữ vững “tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao nhất của nghề báo chí truyền thông” trong khi vẫn nhất quán với “những mục tiêu chính sách đối ngoại sâu rộng của Mỹ.”
Ông Richard Stengel, cựu biên tập viên của tạp chí Time và là cựu Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Ngoại giao công chúng dưới thời chính quyền Obama, nói sự độc lập này là điều khác biệt của VOA trước một số đối thủ cạnh tranh khác.
“VOA không phải là một cơ quan truyền thông của nhà nước Mỹ theo kiểu các đài truyền hình quốc doanh ở các nước độc tài phải phản ánh những mục tiêu hay tiêu chí chính sách đối ngoại của nước đó. VOA không hoạt đông như các đài quốc doanh ở Triều Tiên hay Trung Quốc hay Cuba, hay các nơi như thế. VOA là một cơ quan truyền thông độc lập và đó là một phần nguyên do vì sao VOA được theo dõi và ngưỡng mộ bởi hàng triệu người trên thế giới,” ông Stengel nói.
Tổng thống Ronald Reagan đọc diễn văn hàng tuần từ một phòng thu của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tại Washington, ngày 9 tháng 11 năm 1985. Nguồn: AP
Giám đốc điều hành được Tòa Bạch Ốc chuẩn thuận
Dù các ký giả VOA được yêu cầu phải đưa tin khách quan, đài VOA được đặt dưới thẩm quyền của nhánh hành pháp, nơi có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc cho cơ quan mẹ của VOA là Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ USAGM.
USAGM giám sát 5 mạng lưới truyền thông công lập do chính phủ liên bang tài trợ có nhiệm vụ cung cấp tin tức tới các nước bị hạn chế về báo chí. Tổng giám đốc USAGM, cùng với ban giám đốc điều hành truyền thông thuộc cả hai đảng và các chuyên gia về các vấn đề quốc tế, chỉ định người đứng đầu 5 mạng lưới truyền thông này trong đó có đài VOA.
Tổng thống Trump đề cử ông Michael Pack, nhà sản xuất phim tài liệu bảo thủ và là một giám đốc truyền thông, làm Tổng Giám đốc USAGM vào tháng 6 năm 2018.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez của bang New Jersey gần đây viết thơ cho Tòa Bạch Ốc nói ông Pack chưa trả lời các thắc mắc của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện liên quan tới cáo buộc rằng ông Pack tự trục lợi trong các công việc kinh doanh, cáo buộc về các bản khai thuế trong thời gian qua, và cáo buộc về “những trường hợp tiêu cực” xung quanh chuyện ông rời bỏ một công việc cũ.
Một nữ phát ngôn viên của ông Pack nói với VOA là ông Pack từ chối bình luận trong bài báo này, vì tiến trình bổ nhiệm đang được tiến hành.
Ông Clifford May, người đứng đầu viện nghiên cứu bảo thủ Foundation for Defense of Democraties chuyên tập trung về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, nói những chỉ trích của Tổng thống Trump với đài VOA là vì ông bất bình về việc chuẩn thuận cho ứng viên do ông đề cử.
Ông May mô tả giám đốc Bennett của đài VOA như người lưu nhiệm từ thời chính quyền Tổng thống Dân chủ Barrack Obama, chưa giải thích được các chính sách của chính quyền Trump với thế giới.
“Việc này đáng lẽ nên được giải thích trên VOA—nếu không phải trên VOA, thì ở đâu? Đâu phải là không thể có những bài xã luận thể hiện quan điểm, hay chỉ trích Tổng thống. Tất cả những chuyện này có thể cùng hiện hữu trong cân bằng. Cần có những nhà báo giỏi để làm việc này,” ông May nói. “Rõ ràng là chính quyền này cho rằng mọi chuyện chưa được những người hữu trách làm cho đúng.”
Bà Bennett, một cựu giám đốc điều hành của Bloomberg News và là người biên tập của tờ Philadelphia Inquirer, được cử làm giám đốc VOA từ tháng 3/2016 và tiếp tục giám sát đài này dưới thời chính quyền Trump.
Trong cuộc tranh cãi liên quan đến cuộc phỏng vấn Mullah Omar, hơn 100 nhà báo tại VOA đã lên tiếng, ký kiến nghị yêu cầu VOA kháng cự lại áp lực. VOA rốt cuộc cho phát sóng những phân đoạn của cuộc phỏng vấn và ra thông cáo bênh vực quyết định này trước những tiếng nói chỉ trích. “Người dân Afghanistan nghe đài VOA vì họ tin tưởng chúng tôi, và chúng tôi tường thuật toàn bộ sự việc,” một phần của thông cáo nói.
Ông Boucher, hiện là giáo sư chính sách ngoại giao Trường đại học Brown, cho biết đôi bên sau đó bỏ qua xung đột và tiến tới. Tuy nhiên, chưa đầy hai tuần sau khi cuộc phỏng vấn Omar được phát thanh, bà Whitworth bị cách chức quyền giám đốc VOA. Ông Robert R. Reilly, do Tòa Bạch Ốc bổ nhiệm, lên thay thế.
“Áp lực không trắng trợn nhưng họ nói rõ tôi sẽ không còn vai trò nào nữa trong những quyết định biên tập,” bà Whitworth nói. Bà Whitworth là một nhà báo chuyên nghiệp tại VOA, không phải là người được bổ nhiệm chính trị. Bà đã quyết định về hưu sớm.
Một đài nhà nước lèo lái qua căng thẳng chính trị 
Các giai đoạn chia rẽ chính trị tại Mỹ, như khi có một vụ đàn hạch Tổng thống hay có chiến tranh, có thể đặt VOA vào tình thế khó xử, bà Lata Nott thuộc Diễn đàn Tự do nói. Tuy nhiên, theo bà, đó cũng là những thời điểm đài VOA xây dựng lòng tin với khán thính giả.
“Thực tế rằng các cơ quan truyền thông của chúng ta do chính phủ liên bang tài trợ nhưng không phải do nhà nước điều hành mà là các cơ quan truyền thông độc lập là điều hết sức quan trọng,” bà Nott nói.
“Chuyện chính phủ nói chúng tôi chi trả cho quý vị hoạt động, chúng tôi muốn nghe quý vị tường trình những gì tốt nhất về chúng tôi, đó là một điều tự nhiên,” giáo sư Cull nói.
“Tuy nhiên chuyện ký giả phản ứng lại và nói rằng đạo đức nghề báo đòi hỏi phải tường trình sự việc hai chiều, và để hoạt động hiệu quả thì chúng tôi phải đáng tin, là chuyện đương nhiên họ phải làm.”
Kể từ buổi khởi đầu vào năm 1942 để chống lại tuyên truyền của Đức Quốc xã, và dù có nhiều văn bản pháp luật sau đó bảo vệ tính độc lập về biên tập tin tức của VOA, đài đã tự tranh đấu để giữ vững tính độc lập của mình. Sau đây là một vài ví dụ:
    • Vào đầu thập niên 60, VOA không thể đưa tin về cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba nếu không được sự chấp thuận của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (USIA), cơ quan giám sát của VOA lúc bấy giờ.
    • Trong khi tường trình về vụ tai tiếng Watergate dẫn tới việc Tổng thống Richard Nixon từ chức vào năm 1974, VOA đụng độ với các giới chức USIA, những người muốn câu chuyện được tường trình theo chiều hướng tích cực hơn. Một thỏa hiệp đạt được rằng mỗi khi có bài tường trình tiêu cực về Nixon thì phải đi kèm với một bài tường trình tích cực.
    • Dưới thời chính quyền George H.W. Bush, USIA nỗ lực ngăn chặn việc phát thanh cuộc phỏng vấn của VOA với Phương Lệ Chi sau khi nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc này đến Mỹ năm 1990. Trước đó ông Phương từng vào tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh trú ẩn và một phần thỏa thuận cho phép ông rời Trung Quốc là Washington không ‘khai thác’ câu chuyện của ông.
    • Một vụ tương tự xảy ra vào năm 1997 khi chính quyền Clinton giúp giải thoát nhà bất đồng chính kiến Nguỵ Kinh Sinh và nỗ lực ngăn VOA phát thanh cuộc phỏng vấn với ông Nguỵ vì lo ngại việc này sẽ làm phương hại các vụ phóng thích sau này. 
    • Vài tuần sau cuộc tấn công khủng bố 11/9, Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền George W. Bush tìm cách ngăn chặn VOA phát thanh một cuộc phỏng vấn độc quyền với thủ lĩnh Taliban, Mullah Omar, người cho phép Osama bin Laden sống ở Afghanistan.
    • Thảo luận về “vai trò của VOA hậu 11/9” tiếp tục sau khi VOA phát thanh một phần của cuộc phỏng vấn đó. Một số giới chức trong chính quyền Barack Obama lên tiếng quan ngại rằng tường trình của VOA không phản ánh những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động.
Nguồn: Các cuộc phỏng vấn của VOA; Tác phẩm ‘Sự sụp đổ của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ: Chính sách ngoại giao công chúng của Mỹ 1989-2001’ của tác giả Nicholas Cull; Tác phẩm ‘Đài Tiếng nói Hoa Kỳ – Một lịch sử’ của tác giả Alan L. Heil, Jr.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.