Bản tin ngày 29-5-2020
BTV Tiếng Dân
29-5-2020
Tin Biển Đông
Hôm 28/5, truyền thông trong nước đưa tin về vụ tàu cá ở Quảng Trị, di chuyển bất thường về phía đảo Hải Nam rồi mất tích hôm 26/5. Báo Người Lao Động có bài: Tiết lộ bất ngờ của chủ tàu. Đó là tàu cá QT-95645-TS, do ông Nguyễn Thanh Ngữ làm chủ và thuyền trưởng trên chuyến tàu đó là ông Hồ Văn Thái.
Ông Ngữ cho biết, khi xuất bến, chỉ một mình ông Thái trên tàu, chứ không phải năm người như đăng ký ban đầu. Ông Ngữ nói: “Lúc xuất bến ông Thái tự đi không thông báo gì với tôi. Khi vợ ông Thái chạy xuống nhà tôi nói ‘anh Thái đi một mình’, tôi mới điện bảo Thái chạy tàu vào để đón người, không được tự động. Ông Thái nói sẽ chạy vào nhưng thực tế ông ấy không chạy vào“.
Cũng tin Biển Đông, hôm nay Hải quân Hoa Kỳ thông báo, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, hôm 28/5. Trung úy Rachel Maul, người phát ngôn của Hạm đội 7, tuyên bố: “Bằng cách tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này vượt quá những gì Trung Quốc có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của mình“.
CNN có bài: Tàu chiến Mỹ một lần nữa thách thức các yêu sách Biển Đông của Trung Quốc. Bài viết dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu USS Mustin đã vượt qua phạm vi 12 hải lý của đảo Phú Lâm và đá Hòn Tháp, thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Trước sự kiện này, người phát ngôn quân đội Trung Quốc lên tiếng: “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đuổi một tàu chiến Hoa Kỳ xâm nhập lãnh hải Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Xisha [Hoàng Sa] ở Biển Đông”, và nói “chiến dịch này diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cho thấy Hoa Kỳ là nguồn phá hoại hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông”, theo Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng CSTQ đưa tin hôm 28/5.
Cũng tin liên quan, báo Người Lao động dẫn tin từ Rapler cho biết, Indonesia vừa đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc tái khẳng định lập trường của nước này về Biển Đông, trong đó bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là thiếu cơ sở và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Nguồn tin này còn được xác nhận bởi hãng tin Wion của Ấn độ hôm 29/5, trong bài viết: Indonesia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nói không bị ràng buộc bởi các tuyên bố trái với luật pháp quốc tế.
RFA đưa tin hôm 28/5: Bắc Kinh mở chiến dịch tuyên chiến với các bản đồ “thiếu đường lưỡi bò”. Tin dẫn nguồn từ Hoàn Cầu Thời báo, cho biết, chính quyền Bắc Kinh ra quân kiểm tra và xử phạt đối với các bản đồ mô tả không chính xác lãnh thổ của Trung Quốc, gồm Đài Loan, “đường chín đoạn”, các đảo ở Biển Đông và cả việc viết sai tên các đảo.
Vụ 45 đoàn thể ủng hộ kiện Trung Quốc, cô Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, thuộc Voice of Vietnamese American, có clip “Thông cáo Báo Chí Trưng Cầu Dân Ý về Vấn Đề Biển Đông“:
Mời đọc thêm: Mỹ điều tàu USS Mustin ra Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố đã cảnh báo, xua đuổi (TT). – Chiến thuật ‘vùng xám’ của Trung Quốc ở Biển Đông (TN). – Chiến hạm Mỹ vào Biển Đông thách thức yêu sách của Trung Quốc (LĐ). – Indonesia gửi công hàm bác ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc ở Biển Đông (TN). – Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc đưa người ra ở ồ ạt trên Biển Đông (TT). – Tàu cá Quảng Trị mất tích: Khi xuất bến chỉ có một mình tài công ở trên tàu (LĐ).
Tin Hồng Kông
South China Morning Post đưa tin hôm nay về cuộc biểu tình ở Hồng Kông: gần 100 trẻ em trong số 396 người bị bắt vì luật an ninh quốc gia. Theo đó, sự giận dữ của người biểu tình được thúc đẩy bởi Bắc Kinh áp đặt đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông. Hành động này của chính quyền Bắc Kinh làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc đối với các quyền tự do ở Hông Kong, với cảnh báo chấm dứt sự tự trị của Hồng Kông theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.
Trong cùng ngày, RFA có phóng sự cho biết, người dân Hồng Kông bày tỏ lo ngại, Hồng Kông sẽ trở nên giống Trung Quốc và sẽ không có tự do, dân chủ và nhân quyền khi Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua Luật An ninh Quốc gia, nhắm vào các cuộc biểu tình ở đặc khu.
Hôm qua, bốn nước Anh, Úc, Canada và Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố chung để đáp lại đề xuất của Trung Quốc về luật an ninh mới cho Hồng Kông. Tuyên bố viết: “Chúng tôi cũng vô cùng lo ngại, rằng hành động này sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc hiện có trong xã hội Hồng Kông; luật pháp sẽ không làm gì để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy sự hòa giải trong Hồng Kông”.
Mới đây, trong buổi họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ ngoại giao VN nói: “Lập trường của Việt Nam về tình hình Hồng Công đã được nêu rõ. Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách ‘một nước, hai chế độ’ của Trung Quốc. Các vấn đề liên quan tới Hồng Công là công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc thông qua luật an ninh dành cho Hồng Kông (TN). – Luật an ninh Hong Kong: Trung Quốc đã ra tay, Mỹ sẽ làm gì? (TT). – Bốn nước tố Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ với Hong Kong (VNE). – Tự do và dân chủ Hồng Kông : Thành lũy chống chế độ độc tài Trung Quốc (RFI). – Chính phủ Anh sẽ tiếp nhận 300.000 công dân Hồng Kông nếu Bắc Kinh không rút đi luật an ninh mới? (BizLive).
Khí chất của báo Phụ nữ
Như Tiếng Dân đưa đưa tin tối qua về việc báo điện tử Phụ nữ TP.HCM bị phạt 55 triệu đồng và bị đình bản một tháng vì dám đụng đến Tập đoàn Sun Group và dự án Tam Đảo, sáng nay 29/5, ấn phẩm báo giấy của báo này đã chạy trang đầu bài viết có tựa “Báo Phụ nữ TP.HCM sai phạm những gì?” như thách thức lại quyết định xử phạt của Cục báo chí, thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông đưa ra ngày 28/5.
Ngoài ra, trang Fanpage Báo Phụ nữ TP.HCM trên Facebook vẫn còn hoạt động và tiếp tục đưa nội dung thông tin về bài viết này. Bài báo đã nêu ra 7 vấn đề để minh định với độc giả về kết quả làm việc giữa Báo Phụ Nữ TP.HCM với đoàn làm việc của Cục Báo chí, liên quan đến 7 bài viết được cho là sai phạm, nhằm giúp độc giả có thể tự mình đánh giá sự việc đúng, sai như thế nào.
Có thể nói, đây là một sự kiện hiếm hoi khi một tờ báo trong nước dám lên tiếng, “bật lại” một cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, sau khi bị xử phạt. Tác giả Thanh Nhã có bài viết: Thử một góc nhìn pháp lý trong vụ báo Phụ Nữ trên Báo Sạch, đưa ra nhận định: “Có thể sự kiện này sẽ làm tiền đề cho tranh luận dân chủ với cơ quan quản lý nhà nước trước các quyết định hành chính”.
Mời đọc thêm: Báo Phụ nữ TP.HCM bị phạt tiền, đình bản 1 tháng (RFA). – Vạch tội ‘tư bản đỏ’ Sun Group, báo Phụ Nữ TP.HCM bị đình bản ‘online’ (NV). – Báo Phụ nữ TP.HCM bị phạt 55 triệu đồng, tước giấy phép online 1 tháng (TN). – Báo Phụ nữ Online bị đình bản vì đăng bài ‘sai sự thật’ về Sun Group (VOA).
Tin nhân quyền
VOA đưa tin: Nhà ngoại giao Hoa Kỳ tìm hiểu cáo buộc nhóm Hiến pháp bị đánh trong trại giam. Sau thông tin, hai nhà hoạt động trong nhóm Hiến pháp như Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc bị hành hung trong trại giam ở Sài Gòn, hôm 18/5, ông Gaetan Damberg-Ott, viên chức Chính trị của Tổng Lãnh sự quán đã gặp các nhà hoạt động và gia đình của nhóm.
Bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng, nói về nguyên nhân ông bị đánh và kỷ luật từ hôm 12/04: “Ảnh nói rằng người ta đánh anh Lê Quý Lộc, cũng là thành viên của nhóm Hiến pháp. Ảnh mới lên tiếng bảo vệ anh Lê Quý Lộc. Họ điện thoại với nhau nói gì đó, sau đó có mười mấy người bịt hết mặt, vào ban đêm, đến mở cửa phòng, kéo anh Dũng ra ngoài. Cả mười mấy người đánh ảnh. Ảnh bị tét đầu và đưa đi nhập viên một tuần”.
Cũng tin nhân quyền, một người đàn ông bị tòa tuyên án buổi sáng, đã nhảy lầu tự tử tại sân tòa chiều nay. Đó là ông Lương Hữu Phước, sinh năm 1965, ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đã vào trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, lên lầu 2 và nhảy xuống tự tử chiều nay.
Sáng nay, trong phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước tuyên án ông Phước 3 năm tù giam, tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với nhiều khuất tất. Trước đó, sau bản án sơ thẩm, ông Phước từng tâm sự với nhiều người rằng: “Nếu bản án gây bất công, ông sẽ tự tử”, Báo Sạch đưa tin.
Trước khi tự tử, ông Phước viết trên Facebook: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”
Đình công ở công ty Chí Hùng vẫn đang tiếp diễn
Trở lại vụ việc hàng ngàn công nhân sản xuất giầy Adidas ở Công ty TNHH Chí Hùng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, bắt đầu đình công từ hôm 26/5 đến nay, RFA cho biết, có ít nhất 4 người bị bắt và 1 người bị thương, hôm 28/5.
Nguồn tin này dẫn lời công nhân, cho biết, có ít nhất một công nhân nữ đang mang thai, bị dân quân tự vệ chích điện ngất xỉu trong khi xô đẩy và bốn người khác bị công an bắt giữ khi tham gia đình công.
Báo Một Thế Giới nói rằng, lý do hàng ngàn công nhân đình công vì nghe tin Công ty TNHH Chí Hùng không còn đơn hàng do ảnh hưởng của đại dịch, nên họ cho công nhân tạm nghỉ việc nhưng không có trợ cấp, bắt đầu từ giữa tháng 6 tới.
Theo nguồn tin này, sau khi vụ đình công lên cao trào, chiều 28/5, Chủ tịch Công đoàn của công ty đưa ra văn bản có chữ ký và đóng dấu của Phó Tổng Giám đốc để trấn an mọi người rằng, hiện công ty vẫn hoạt động bình thường và mong toàn thể công nhân viên yên tâm tham gia sản xuất.
Hôm nay, báo Dân Việt cập nhật thông tin, cho hay, công nhân tiếp tục đến công ty nhưng không làm việc, mà ngồi theo thành từng nhóm. Phóng viên báo này ghi nhận lực lượng công an, dân phòng cũng có mặt đông đảo.
Có vẻ như các facebooker có mặt tại hiện trường đưa tin về vụ đình công này đang chịu áp lực hoặc bị đe dọa để xóa bài. Như Tiếng Dân dẫn tin về vụ việc này hôm qua từ facebooker Nam Bình, thì nay facebook này đã xóa các post về vụ đình công. Còn facbook Mimi Nhung thì viết: “Nghe nói là cái stt của em đang được nhiều người để ý và chiếu cố lắm...”
____
Thêm một số tin: Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của báo QĐND: Lợi dụng góp ý, phản biện để gây rối. Bài viết lợi dụng việc viết báo, đưa ra các nhận định tuyên truyền ngu dân.
– Chiếc lò cụ Tổng đang đốt “sân nhà” Ba Dũng: Lãnh đạo Kiên Giang sẽ bị xử lý thế nào khi phá tan đảo ngọc Phú Quốc? (RFA). – Nhiều cơ quan báo chí trực thuộc TP.HCM xin gia hạn thời điểm sáp nhập (TN). Chưa có ghế mới để ngồi, nên xin thêm thời gian nhằm kiếm chỗ lót đít.
– Treo băng rôn đề nghị loại bỏ tiếng Việt, 1 cựu giáo viên bị công an mời lên làm việc(NLĐ). Lạ đời! Kêu gọi bỏ tiếng Trung, học Tiếng Anh thì còn nghe được, hết chuyện lại đi kêu gọi bỏ tiếng mẹ đẻ.
– TT Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về việc xét lại quy chế bảo vệ các mạng xã hội(RFI). TT Trump trả đũa Twitter sau khi mạng xã hội này gắn chú ý dưới 2 tin nhắn của Trump, ý nói tin này không chính xác.
– Hậu khổ hộ khẩu (VNE). Chủ tịch Quốc hội nói: “Nói đến sổ hộ khẩu là người dân khổ sở“. Biết dân khổ sở mà không chịu thay đổi là lãnh đạo tồi. – Việt Nam và lo ngại người TQ ‘thâu tóm đất nơi trọng yếu’ (BBC). – COVID-19 làm tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia (VOA).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.