Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Trump đã phạm sai lầm gấp đôi về Twitter

Trump đã phạm sai lầm gấp đôi về Twitter


Tác giả: Laurence H. Tribe và Joshua A. Geltzer (*)
Dịch giả: Bùi Như Mai
28-5-2020
Sáng thứ Ba [26/5/2020], Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter, rằng Twitter đang “bóp nghẹt TỰ DO BÁO CHÍ”, do đó Twitter đang vi phạm Tu chính án thứ Nhất [về quyền tự do ngôn luận]. 
Như thường lệ, Trump đã sai luật, nhưng lần này, ông thậm chí còn sai nhiều hơn bình thường. Ai đã vi phạm quyền tự do ngôn luận trên Twitter, chắc chắn không phải là Twitter, mà chính là Trump. Hơn nữa, khi Trump đe doạ hôm thứ Tư là sẽ đóng cửa Twitter, có nghĩa là Trump đã vi phạm quyền tự do ngôn luận theo kiểu mới.
Trump hoàn toàn sai lầm khi tuyên bố rằng Twitter đang vi phạm quyền tự do ngôn luận – hoặc Twitter “có thể” vi phạm quyền tự do ngôn luận. Trump giận điên lên là vì, lần đầu tiên Twitter kèm cảnh báo vào hai tweet của Trump (chưa bao giờ Twitter làm chuyện này), Twitter khuyến khích người đọc các tweet này nên xem các thông tin chính thức về chuyện gửi các lá phiếu qua thư bưu điện. Nhấn vào cảnh báo này sẽ dẫn đến tin tức về việc “Trump đưa ra tuyên bố không có bằng chứng, là các phiếu bầu gửi qua thư sẽ dẫn đến sự gian lận bầu cử”. Vì Twitter đính kèm những cảnh báo này mà Trump tuyên bố là Twitter đã có tội khi vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Nhưng không có chuyện vi phạm hiến pháp ở đây. Thứ nhất là, Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp chỉ áp dụng cho chính phủ – không áp dụng cho các công ty tư nhân như Twitter. Vì vậy, khi công ty kèm thêm cảnh báo vào các tweet hoặc xoá các tweet – của những người khác, chứ không phải Trump – nó không hề vi phạm quyền tự do ngôn luận, bởi vì đơn giản đó không phải là cơ quan chính phủ. Bạn có thể yêu hoặc ghét cách Twitter điều hành mạng xã hội của họ, nhưng chúng ta không thể gọi đó là vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Hơn nữa, khi Twitter đính kèm cảnh báo vào một dòng tweet, đó là quyền tự do phát biểu của chính Twitter, được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận, không bị chính phủ kiểm duyệt. Khác xa với việc vi phạm quyền tự do ngôn luận bằng cách nói về bài phát biểu của Trump, Twitter đang thực hiện các quyền tự do ngôn luận của mình.
Trớ trêu thay: Trong khi Twitter không sử dụng mạng xã hội của mình để vi phạm quyền tự do ngôn luận, thì Trump lại là người vi phạm. Đây không phải là quan điểm của chúng tôi; mà đây chính là quyết định của tòa kháng cáo liên bang về một quyết định để lại dấu ấn hồi năm ngoái. Tòa án phán quyết rằng, Trump đã vi phạm quyền tự do ngôn luận bằng cách ngăn chặn những người có quan điểm mà ông không thích trên Twitter.
Đây là một luật hiến pháp lâu đời vì khi một nhân viên chính phủ như Trump tạo ra một diễn đàn công cộng, trong đó có các quan điểm khác nhau được khuyến khích để chia sẻ, chính phủ không thể lựa ra và chọn coi ý kiến nào được phép và ý kiến nào buộc phải im lặng. Đó là những gì mà tòa án kết luận Trump đã làm, vì Trump đã sử dụng tài khoản Twitter @realDonaldTrump của mình như một diễn đàn chính thức của chính phủ, Trump không thể kiểm duyệt những ý kiến chỉ trích mình.
Không chỉ Trump vi phạm những điều mà ông cáo buộc Twitter, ngạc nhiên là Trump đã gia tăng khả năng vi phạm quyền tự do ngôn luận một cách trầm trọng hơn, bằng cách cộng thêm một vi phạm quyền tự do ngôn luận lên trên vi phạm cũ. Trump phẫn nộ với Twitter bởi vì Twitter đã đặt câu hỏi quá chính xác cho các tweet không chính xác của ông, Trump đã tố cáo các trang mạng xã hội là “hoàn toàn bóp nghẹt tiếng nói của phe bảo thủ” và đe dọa “sẽ chỉnh đốn mạnh mẽ hoặc đóng cửa các mạng này”.
Trump làm như vậy, rõ ràng là vi phạm Tu chính án thứ Nhất về quyền tự do ngôn luận. Bất kể mọi người nghĩ gì về Twitter, điều hành một mạng truyền thông xã hội cho tất cả các ý kiến từ mọi phía thì chính đây là một hình thức thể hiện tiếng nói công dân và được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận. Giống như Trump không thể đóng cửa một tờ báo vì ông không thích một trong những bài báo đăng trên tờ báo đó, chưa nói tới tất cả các trang mạng xã hội, Trump không thể đóng Twitter bởi vì ông ta không thích một cảnh báo được kèm vào vài dòng tweet của mình.
Một số đồng minh của Trump ở Quốc hội cũng đang lập lại lời đe dọa của ông theo cách cố tình hiểu sai luật pháp. Thượng nghị sĩ Marco Rubio ở Florida, đã tweet rằng, nếu các công ty truyền thông xã hội muốn làm vai trò biên tập chẳng hạn như nhà xuất bản, thì họ sẽ không được bảo vệ về trách nhiệm pháp lý theo luật liên bang.
Về cơ bản, Thượng nghị sĩ Rubio hiểu sai luật pháp và đặc biệt là điều 230 của Đạo luật Truyền thông Đúng đắn (Communications Decency Act). Điều 230 được thông qua chính xác là để cho các công ty truyền thông xã hội có sự uyển chuyển khi quy định nội dung phổ biến trên mạng xã hội của họ một cách có trách nhiệm, vì họ có vai trò rất khác với các nhà xuất bản truyền thống, bởi các công ty truyền thông xã hội không xem xét kỹ nội dung trước khi được tải lên mạng xã hội của họ.
Nói cách khác, điều 230 có nghĩa là khuyến khích các công ty như Twitter thực hiện chính xác những gì công ty vừa làm khi thử nghiệm một cách mới để tiết chế các tweet sai của Trump. Hiện nay có những lập luận ủng hộ và chống lại điều 230, nhưng không có lý khi đề nghị các mạng xã hội không được bảo vệ bởi điều 230 vì đã thi hành cách tiết chế nội dung mà điều 230 qui định để công ty thực hiện được dễ dàng.
Kết luận, Trump đã phạm sai làm gấp đôi khi tấn công Twitter. Ai nghĩ sao cũng được về cách mà công ty này xử lý [các dòng tweet] của tổng thống, nhưng đơn giản là, không có cơ sở pháp lý nào trong việc Trump xử lý Twitter.
____
(*) Tác giả: Laurence H. Tribe từng là giáo sư dạy về Luật Hiến pháp của trường đại học Harvard. Ông là thầy của các các bậc thầy về luật, là thầy của những nhân vật nổi tiếng ở cả ba nhánh Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp.
Ở bộ phận tư pháp, ông là thầy của Thẩm phán John Roberts, hiện đứng đầu Tối cao Pháp viện; thẩm phán Elena Kagan của Tối cao Pháp viện; Kathleen Sullivan, cựu hiệu trưởng trường luật của ĐH Stanford; thẩm phán Merrick Garland, chánh án tòa phúc thẩm DC… Ở hai nhánh hành pháp và lập pháp, GS Tribe có các học trò nổi tiếng như cựu Tổng thống Barack Obama, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz…
Joshua A. Geltzer là giám đốc điều hành và là giáo sư thỉnh giảng về luật tại Viện bảo vệ và ủng hộ Hiến pháp của trường đại học Georgetown.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.