Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Men theo lời nhận tội

Men theo lời nhận tội

25-5-2020
Đây được cho là giường ngủ ở tầng trệt của nạn nhân. Ảnh: internet
Suốt tháng 5/2020, trên MXH xuất hiện những lời nhận tội, đơn xin giảm án, đơn xin đi chết,… của bị án Hồ Duy Hải. Lạ, là không ít kẻ hả hê, mà chẳng biết hả hê vì điều gì?
BLTTHS: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ NẾU phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.”
Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, dễ nhận thấy diễn tiến như khởi nguồn từ lời khai của bị án, khi mà các vật chứng quan trọng bị đốt, hoặc thay tráo; tài sản của nạn nhân bị cướp cũng không thấy đâu; không mẫu máu, không vết vân tay…
Một số lời khai nhận tội của bị án, tôi không cho là bị bức cung, thì với một thanh niên mới qua tuổi 22, sau tận 67 ngày án mạng xảy ra, hoàn toàn có thể có sai lệch. Thế nên, việc nên làm của tất cả chúng ta, những người có lương tri, trách nhiệm là phải vặn vẹo, vạch trần những bất hợp lý mà bị án viết ra, chớ không phải “gò” cho nó phù hợp với bất cứ chứng cớ nào khác để kết tội.
Những bất hợp lý ở đây, là động cơ gây án, thời gian gây án, cách thức gây án, cách thức xóa dấu vết, lời khai nhân chứng,…
Trong những văn bản thể hiện dưới hình thức xét hỏi, tranh luận (vốn có ở các phiên tòa) mà chúng tôi thu thập được, nó thể hiện việc HĐXX hay lôi nội dung các bản khai/ tường trình ra để xét hỏi bị cáo, thay vì vặn vẹo, bẻ gãy, vạch trần những bất hợp lý mà bị cáo viết ra.
Xin ví dụ thế này:
Hỏi: Ai nói BC vẽ đường đi của tài sản?
Đáp: Tự BC
Hỏi: Ai nói BC đốt?
Đáp: Tự BC
Hỏi: BC có giết … và … không?
Đáp: BC không
Hỏi: BC có đến BĐCV lúc xảy ra án mạng?
Đáp: BC không
Hỏi: Trước BC thừa nhận sao giờ không nhận?
Đáp: BC khai vậy chứ không thực hiện giết người.
Hỏi: Gặp Đang xong BC làm gì?
Đáp: BC về nhà ngủ
Hỏi: Những lời tự khai của BC là đúng phải không?
Đáp: Dạ thưa có đúng
Hỏi: BC nhận tội và xin giảm án?
Đáp: Dạ thưa BC không giết người…
***
Hỏi – đáp đứt đoạn trên chưa phản ánh trọn vẹn diễn tiến những phiên tòa, nhưng nó thể hiện rõ bị cáo kêu oan, những nguy cơ có thể làm oan người vô tội…
Vậy nên, thưa các thẩm phán, chính các vị phải ý thức rõ “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án”, phải vặn vẹo, bẻ gãy, vạch trần những bất hợp lý mà bị can, bị cáo viết ra…
Đó mới là cách để các vị hoàn thành sứ mệnh của mình, là bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, chế độ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.