Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Dù là đảng viên hay không, người dân đang phải trả hàng nghìn tỷ đồng cho các đại hội đảng

Dù là đảng viên hay không, người dân đang phải trả hàng nghìn tỷ đồng cho các đại hội đảng

clip_image002
Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, tháng 2/2020. Ảnh: baotintuc.vn.
Ước đoán ở mức rất khiêm tốn, số tiền người dân phải trả cho các đại hội đảng ở riêng cấp địa phương đã đủ cho Thanh tra Chính phủ hoạt động hơn 25 năm.
***
Các đảng bộ địa phương trên cả nước đã bắt đầu tổ chức đại hội nhằm bình bầu ra những đại biểu “tinh hoa” tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sự kiện 5 năm mới có một lần. Họ sẽ bầu ra các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ đó là các cơ quan đầu não như Ban Bí thư và Bộ Chính trị, cũng như các vị trí được cho là sẽ trở thành lãnh đạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, một hoạt động thuần túy đảng phái như vậy lại tiêu tốn kha khá ngân sách của phía chính quyền, mà nói thẳng ra là từ thuế, phí và các nguồn thu đáng ra có thể dùng cho nhiều hoạt động quản trị nhà nước và chính sách dân sinh. 
Dưới đây, bài viết tổng hợp một số điều tréo ngoe, nhưng lại là sự thật chính trị mà hàng thập kỷ người dân Việt Nam đã, đang và chắc chắn sẽ phải tiếp tục đối mặt nếu không có bất kỳ thay đổi hay yêu sách cơ bản nào được đưa ra. 
Tổng chi có thể rất lớn, nhưng không công khai
Trước khi đi sâu vào những vấn đề pháp lý, có lẽ cần cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về cách mà ngân sách được sử dụng cho các kỳ đại hội.
Hiện nay, việc công khai chi phí tổ chức các kỳ đại hội vẫn còn rất mờ mịt. 
Tổng quan quy định của Luật Tiếp cận Thông tinkhông hề nhắc đến các vấn đề minh bạch tài chính liên quan đến quá trình hoạt động, vận hành của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội…
Mặt khác, Luật Ngân sách Nhà nước thì có Điều 15 quy định về trách nhiệm công khai ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Luật này cũng chỉ quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước bên khối chính quyền mà không nhắc đến phần ngân sách nhà nước sử dụng cho khối tổ chức chính trị. 
Việc tìm kiếm thông tin về chi phí tổ chức đại hội đảng nói riêng và chi phí chi cho vận hành của tổ chức đảng nói chung buộc người viết phải thử vận may với các báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trực tiếp về ngân sách và thu chi quốc dân.
Theo đó, có thể thấy Bộ Tài chính có lập một website riêng khá dễ sử dụng và theo dõi. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về chi ngân sách mà họ cung cấp thì không giúp ích gì lắm cho người đọc, dù thứ họ muốn tìm là gì.
Lấy ví dụ vào ngày 15 tháng Tư năm 2020, Bộ Tài chính có công bố Ước toán thực hiện ngân sách Quý I/2020, tức khoảng thời gian đã lên kế hoạch tài chính và chi nhằm chuẩn bị cho các kỳ đại hội bắt đầu vào tháng Năm. 
Tuy nhiên, trong mục chi chỉ xuất hiện vỏn vẹn ba tài khoản là chi thường xuyên (cao nhất, ở mức 343 ngàn tỷ đồng), chi trả nợ lãi và chi cải cách tiền lương. Ước toán rõ ràng không có tác dụng gì trong việc kiểm tra, giám sát minh bạch tài chính từ phía người dân.
Vì sự bí bách thông tin này, người viết buộc phải tìm từ các nguồn cấp thấp hơn và vi mô hơn. Điều này sẽ làm mất đi khả năng khái quát hóa về độ “ngốn” kinh phí của các kỳ đại hội đảng. Tuy nhiên, đây có vẻ là cách duy nhất để tiếp cận với chúng.
Ví dụ, vào tháng Tư mới đây, có công văn chính thứccủa Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn gửi cho Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ kinh phí tổ chức đại hội đảng các cấp tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020-2025. Số tiền yêu cầu lên đến hơn 85 tỷ đồng cho các kỳ đại hội ngắn ngủi.
Cụ thể hơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu gần 10 tỷ đồng cho kỳ đại hội cấp tỉnh, 66 tỷ đồng cho kỳ đại hội cấp huyện. Thậm chí còn có cả kinh phí để “cải tạo, sửa chữa công trình phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp” (tức chi phí cố định đáng lẽ phải hạch toán riêng biệt, không biết vì sao lại có thể xin), với hơn 10 tỷ đồng.
Và điều quan trọng hơn cần nhớ rằng Lạng Sơn là một trong những tỉnh vùng núi khó khăn, với số lượng đảng viên không quá cao, dân số thấp và chi phí sinh hoạt được đưa vào diện dưới cùng của cả nước.
Hay trong một tài liệu khác mà người viết tìm được của Ủy ban Nhân dân thị xã Quảng Trị (tức chỉ ở cấp huyện), được ban hành ngày 28 tháng Hai năm 2020, số tiền mà họ đề nghị Sở Tài chính tỉnh gửi Trung ương xem xét hỗ trợ cho địa phương mình lên đến 5,7 tỷ đồng.
Theo đó, tiền ăn dành cho đại biểu và khách mời trong hai ngày đại hội… cấp xã không thôi đã là gần 800 triệu đồng, công tác “tuyên truyền” phục vụ đại hội là 150 triệu đồng, và tiền “chi bồi dưỡng trực tiếp” là gần 300 triệu đồng.
Một huyện khác là Hướng Hóa cũng yêu cầu chi 2,5 tỷ đồng cho các đại hội cấp huyện và 5,1 tỷ đồng cho các đại hội cấp xã, tổng là khoảng 7,6 tỷ đồng.
Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, Lạng Sơn có 11 đơn vị. Dân số Quảng Trị là khoảng 600 nghìn người, Lạng Sơn là khoảng 800 nghìn người, thuộc nhóm các tỉnh có quy mô dân số thấp nhất cả nước và kinh tế dưới mức trung bình cả nước.
Vậy cho dù lấy con số của Lạng Sơn (85 tỷ) là con số trung bình của mỗi tỉnh, người viết hoàn toàn có thể phỏng đoán chi phí tổ chức đại hội đảng được chi ra dành cho 64 tỉnh thành là gần 5.500 tỷ đồng, không tính khối đảng cơ quan trung ương và đại hội toàn quốc. Và đây là một mức ước đoán rất khiêm tốn.
Theo những số liệu mà Luật Khoa đã thu thập trong các bài viết trước đó, số tiền này đủ để Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Dân tộc của Chính phủ hoạt động trong hơn 25 năm; và dư để chi cho của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – vốn là một trong những bộ chủ chốt của Việt Nam – hoạt động trong một năm (dự toán năm 2020 ở mức 5.300 tỷ đồng).
Luật được hướng dẫn bằng quy định của… Văn phòng Trung ương Đảng
Đây không phải là một tiêu đề giật gân để thu hút bạn đọc, mà nó là sự thật. 
Về Luật Ngân sách Nhà nước mà chúng ta đã nhắc đến ở trên, tại Điều 36 và 38 cho thấy, ngân sách trung ương lẫn ngân sách địa phương đều có trách nhiệm chi thường xuyên cho hoạt động của tổ chức chính trị (mà ở đây chính là Đảng Cộng sản Việt Nam). 
Ở khoản 7 và khoản 8 của Điều 8 về nguyên tắc hoạt động của ngân sách nhà nước, kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ nhà nước giao theo quy định của Chính phủ. Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội.
Tuy nhiên, đó cũng là toàn bộ những gì Luật Ngân sách Nhà nước nói về khoản chi cho Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Nghị định 163/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Ngân sách Nhà nước, tại Điều 9, Chính phủ lại “giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Thông tư 40/2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác phí và chế độ hội nghị cho chúng ta một hy vọng để hiểu rõ hơn về nguyên tắc và cách thức chi ngân sách cho các hoạt động của đảng nói chung và đại hội đảng các cấp nói chung, bằng một văn bản quy phạm pháp luật hợp pháp. 
Song ngay trong Thông tư, Bộ Tài chính khẳng định chi ngân sách cho “Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc, hội nghị của các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam” sẽ được thực hiện riêng theo quy định của các cấp thẩm quyền, nhưng không xác định cấp thẩm quyền nào. 
Vậy cuối cùng cấp thẩm quyền nào quyết định về thu chi ngân sách cho các kỳ đại hội?
Dần dần, người viết nhận ra rằng khó có thể tìm ra một văn bản quy phạm pháp luật thật sự để quản lý thu chi ngân sách dành cho hoạt động của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nội dung “pháp lý” được viện dẫn trong các văn bản liên quan thật ra chủ yếu là Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 30/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành Quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (“Quyết định 99”). 
Riêng đối với chi phí dành cho chế độ chi tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong năm 2020 tới đây thì do Quyết định 3989-QĐ/VPTW ngày 16/8/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng quy định. 
Hiện người viết vẫn chưa tìm được toàn văn đầy đủ của Quyết định 3989, có thể do nó chỉ được ban hành nội bộ. Song đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tréo ngoe trong minh bạch về thu chi ngân sách của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam.
Riêng đối với Quyết định 99 của Ban Bí thư, có thể thấy văn bản này có những quy định có vẻ còn mạnh bạo hơn cả văn bản luật của Quốc hội.
Bên cạnh việc trao thẩm quyền về lập và giao dự toán kinh phí, quá trình cấp phát và quyết toán cho các cơ quan đảng nhưng dùng… ngân sách nhà nước; Quyết định này còn quy định cả nghĩa vụ của ủy ban nhân dân các cấp, cũng như các cơ quan chính quyền khác có trách nhiệm đảm bảo kinh phí hoạt động công tác đảng. 
Một ví dụ cụ thể tại Khoản 1, Điều 5 của Quyết định 99 có ghi nhận: 
“Căn cứ vào dự toán được phê duyệt, uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm đảm bảo kinh phí hoạt động của cấp uỷ và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và báo cáo cấp uỷ, đồng thời báo cáo cấp uỷ cấp trên trực tiếp.”
Như vậy, nói về thẩm quyền và tầm bao quát, văn bản do cơ quan đảng ban hành có giá trị không kém gì khi so sánh với luật của Quốc hội và nghị định của Chính phủ. 
***
Những vấn đề mà người viết trình bày trên đây không phải là vấn đề mới. Nó đã tồn tại trong trong hệ thống chính trị của một quốc gia Việt Nam toàn vẹn hơn 40 năm nay. Tuy nhiên, trong thời điểm mà hàng ngàn tỷ ngân sách đang được đổ ra đơn giản chỉ để Đảng Cộng sản hình thành nên ban bệ lãnh đạo của riêng họ, những người đóng thuế trên lãnh thổ Việt Nam nên đẩy mạnh những thảo luận về việc vì sao hiện tượng này lại diễn ra.
Vì sao một ngân sách nuôi hai nhà nước lại có thể xem là con đường duy nhất trong quản lý tài chính công Việt Nam?
B.C.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.