Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Tại sao ‘Made in Vietnam’ không thể thay thế ‘Made in China’

Tại sao ‘Made in Vietnam’ không thể thay thế ‘Made in China’

Tác giả: David Hutt
Dịch giả: Bùi Như Mai
21-5-2020
Ngày càng có nhiều công ty chuyển công việc sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: AFP
Khi Mỹ tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc, cũng dễ để hiểu rằng Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành nơi tập trung các xí nghiệp sản xuất của thế giới.
Hiện Việt Nam có vẻ như đã chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 sau khi ghi nhận số tử vong là 0 và được quốc tế ca ngợi về cách đối phó với khủng hoảng, sự suy đoán đang gia tăng rằng đất nước này cũng có thể là nước chiến thắng về kinh tế trong đại dịch.
Theo các nguồn tin của Việt Nam, có dự đoán cho rằng nước này sẽ được hưởng lợi từ chuyện Hoa kỳ tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc bằng cách chuyển các nhà máy sản xuất và phân phối hàng hoá ra khỏi Trung Quốc, sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Đầu tháng 5, truyền thông khu vực đưa tin, côngty hàng đầu của Hoa kỳ là Apple đã bắt đầu sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPod tại Việt Nam trong tháng 4 – tương đương 30% trong quý – đây là một dấu hiệu cho thấy, Apple đang chuyển một số khâu sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Bản tin cũng lưu ý, nhiều công ty cung cấp cho Apple, gồm Foxconn và Pegatron, và côngty sản xuất iPad là Compal Electronics, cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Inventec, là côngty lắp ráp AirPods, đang xây dựng một nhà máy ở Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng virus corona đã làm gia tăng căng thẳng giữa các siêu cường, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi dậy tâm lý chống Trung Quốc hơn mức bình thường, bao gồm các giả thuyết như virus này bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán, chứ không phải tại các chợ [bán động vật hoang dã].
Đầu tháng này, Trump đã nói với Fox News rằng, “chúng ta có thể cắt đứt toàn bộ mối quan hệ”, sự đe dọa này đã trở nên mạnh hơn trong tuần này với việc Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí phê chuẩn một đạo luật và nếu được thông qua, sẽ buộc các công ty Trung Quốc không được trao đổi trên sàn chứng khoán của Mỹ nữa.
Ngày 18 tháng 5, đã có báo cáo rằng, các quan chức Hoa Kỳ đang lên kế hoạch cho một nỗ lực lớn để bù đắp cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ nào đưa các khâu sản xuất từ nước ngoài về lại Mỹ, bao gồm một “quỹ đem công việc trở về nước”, trị giá 25 tỷ đô la Mỹ. Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch trả tiền cho các doanh nghiệp để đưa các công ty ra khỏi Trung Quốc.
Hơn nữa, gần đây Trump cũng đe dọa sẽ đưa ra mức thuế mậu dịch mới trên mức thuế hiện tại 25% đối với một số hàng hóa của Trung Quốc trị giá 370 tỷ USD xuất cảng sang Mỹ, biện pháp này cũng để dằn mặt các công ty Mỹ vẫn để các khâu sản xuất ở lại Trung Quốc.
Các báo cáo cho thấy, chính quyền Trump đang ra sức để tạo ra một liên minh mới với “các thành viên đáng tin cậy”, với tên gọi “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” (Economic Prosperity Network ) để hiện thực hóa việc tách rời khỏi Trung Quốc.
Phát biểu hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ là một phần của liên minh này khi ông nói rằng ông đang đàm phán với Hà Nội, cũng như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc về “cách tái cấu trúc … dây chuyền sản xuất để ngăn chặn điều này xảy ra một lần nữa”.
Đồng thời, Việt Nam hiện đang ra sức tìm kiếm các nguồn kinh tế tăng trưởng mới, đặc biệt là khi đầu tư nước ngoài giảm 15% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Đầu tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các tổ hợp kinh doanh tư nhân và các công ty quốc doanh hãy “tập trung sáng kiến để cùng nhau khởi động lại nền kinh tế của Việt Nam”.
Nền kinh tế của Việt Nam giống như bị co cụm lại vào mùa xuân, đang chờ đợi được kéo dãn ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong một hội nghị được coi là lớn nhất từ ​​trước đến nay của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển ít nhất một số khâu sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, đến những nơi như Việt Nam, có lao động rẻ hơn và cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ.
Năm ngoái, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, cung cấp gần 1/5 trong tổng số 38 tỷ USD, gồm các đầu tư mới, trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo sau là Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc.
Nền kinh tế toàn cầu đã phải chịu đựng thời kỳ tiền đại dịch, là cuộc chiến mậu dịch kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và một số người đã hy vọng nó được kết thúc vào cuối tháng Giêng, thông qua thỏa hiệp được gọi là “giai đoạn 1”.
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế châu Á thật sự hưởng lợi từ cuộc chiến mậu dịch, vì Hoa Kỳ đánh thuế mậu dịch cao đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, buộc các nhà sản xuất phải chuyển các hoạt động ra khỏi Trung Quốc.
Vì những lý do tương tự, Việt Nam có thể có lợi từ việc các công ty, do ảnh hưởng bởi virus corona, phải chuyển các khâu sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Mức lương tối thiểu ở Việt Nam thấp hơn cả ở những nước láng giềng nghèo như Cambodia, hiện nay là khoảng từ 132 đến 190 đô la mỗi tháng, tùy từng vùng.
Việt Nam là thành viên của hơn một chục hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm có 11 thành viên và một hiệp định mới được ký kết với Liên minh châu Âu hồi năm ngoái.
Một số nhà phân tích coi đây là sự mở rộng của chiến lược “Trung Quốc cộng 1” hoặc “Trung Quốc cộng 2”, có nghĩa là các công ty nước ngoài vẫn giữ một số khâu sản xuất ở Trung Quốc, nhưng đưa các hoạt động khác sang các nước khác, đặc biệt là các nước gần Trung Quốc, như Việt Nam.
Trong khi có sự gia tăng đầu tư mới từ các công ty rời Trung Quốc sang Việt Nam, có thể làm giảm bớt sự suy thoái kinh tế do virus corona gây ra mà mọi quốc gia hiện nay phải đối đầu, thì “Made in Vietnam”, sẽ không thay thế “Made Made in China” trong thời gian gần – hoặc không thể thể thay thế hoàn toàn.
Ông David Dodwell, giám đốc điều hành của Nhóm nghiên cứu chính sách thương mại Hồng Kông-APEC, một nhóm chuyên gia về chính sách thương mại, cho biết, có một số khác biệt lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc trong một bài báo gần đây trên báo South China Morning Post.
Kích cỡ đất nước là một vấn đề. Các nhà phân tích cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2018 ít hơn 55 lần so với Trung Quốc, trong khi 15 tỉnh của Trung Quốc có GDP lớn hơn toàn bộ nước Việt Nam.
Hơn nữa, Trung Quốc có khoảng 800 triệu công nhân sản xuất, trong khi Việt Nam chỉ có 55 triệu. Năm 2017, ông Dodwell cho biết, sản lượng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc là hơn 28% trong khi Việt Nam chỉ có 0.27%.
Về các khía cạnh chuyên môn thì các cảng của Thượng Hải là một trong số những hải cảng bận rộn nhất thế giới, có thể xử lý 40 triệu thùng hàng (container) mỗi năm, trong khi cảng lớn nhất Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, chỉ có thể xử lý 6.15 triệu thùng.
Ngay cả hiện tại, Việt Nam đang phải cố gắng để đối phó với nhu cầu xài điện đang gia tăng. Tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các gia đình và doanh nghiệp cắt giảm việc sử dụng điện, như phải tắt đèn quảng cáo vào ban đêm.
Thực tế là Trung Quốc có một thị trường tiêu dùng nội địa đang phát triển nhanh, có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài có triển vọng thu lợi nhuận lớn mà không phải xuất khẩu các sản phẩm mà họ sản xuất tại Trung Quốc.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua một cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội vào ngày 26/2/2020 trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của Covid-19. Ảnh: AFP / Nhac Nguyen
Điều đó không đúng lắm cho Việt Nam, vì GDP trung bình trên đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước nghèo như Libya, Guatemala và Belize.
Nhiều tiền hơn cũng mang lại nhiều vấn đề hơn cho Hà Nội. Kể từ khi ông Trump vào tòa Bạch Ốc hồi tháng 1/2017, ông đã có mối quan hệ lúc lên lúc xuống với Việt Nam. Thủ tướng Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên mà Trump nói chuyện và mời đến tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump cầm cờ Việt Nam khi Thủ tướng Phúc (trái) vẫy cờ Mỹ, khi họ tới dự một cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 27/2/2019. Nguồn: Saul Loeb/AFP
Trump bị ám ảnh với việc cắt giảm thâm thủng mậu dịch của Hoa kỳ, được dùng để thử thách mối quan hệ với Hà Nội. Thật vậy, Trump đã đả kích Việt Nam trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Trung hồi năm ngoái, nói rằng Việt Nam kẻ lạm dụng tồi tệ nhất, vì sự thặng dư mậu dịch đáng kể với Mỹ.
Ông Phúc đã cố gắng đưa vấn đề này trở về đúng chỗ, để giảm thặng dư mậu dịch ông đã ký một số thỏa thuận nhập cảng lớn trị giá hàng tỷ đô la Mỹ, gồm mua các máy bay Boeing. Nhưng những nỗ lực đó vẫn không thể ngăn chận thặng dư mậu dịch gia tăng.
Năm 2019, thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên 47 tỷ USD, từ 34.9 tỷ USD năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu Washington thật sự muốn tách các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc và chuyển một số lượng đáng kể sang Việt Nam, cách đó sẽ làm gia tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, và thặng dư mậu dịch giữa Việt Nam với Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng.
Nếu Trump thắng nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 và nếu ông vẫn bị nỗi ám ảnh rằng [Việt Nam phải] giảm thâm thủng mậu dịch với Hoa kỳ, cùng lúc chuyển các khâu sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, thì Hà Nội sẽ phải cân bằng một cách khéo léo vị trí của mình để thay thế Trung Quốc trong thời hậu Covid-19.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.