Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

‘Sức sáng tạo’ của hệ thống chính trị Việt Nam

‘Sức sáng tạo’ của hệ thống chính trị Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Phúc vừa thay mặt hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam khánh thành Đền Chung Sơn. Theo hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam, ngôi đền có diện tích đến 83 héc ta, với 18 hạng mục này tọa lạc ở núi Chung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được xây dựng để “tưởng nhớ và tri ân những công lao của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quê hương, đất nước”, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của “bác”.
Vì Đền Chung Sơn có tên đầy đủ là “Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh” nên nhiều người ngỡ ngàng vì hai lẽ: Thứ nhất, nội hàm của gia tiên là toàn bộ tổ tiên của một gia tộc, rộng hơn gia đình (vốn chỉ có cha mẹ, anh em của “bác”), thế thì người Việt chỉ “tưởng nhớ và tri ân những công lao cho quê hương, đất nước” của các thành viên trong gia đình “bác” hay phải “tưởng nhớ và tri ân những công lao cho quê hương, đất nước” cả gia tộc của “bác”, bao gồm các thế hệ hậu sinh đương đại và tương lai?
Thứ hai, khi càng ngày càng nhiều người băn khoăn về gia thế của “bác”, lý do “bác” đột ngột bỏ họ Nguyễn, đổi thành họ “Hồ” rõ ràng rất đáng bận tâm nhưng không được bàn, giờ đặt ra chuyện phải thờ cả gia tiên, người Việt nên thờ gia tộc “Nguyễn Sinh” hay gia tộc “Hồ Sĩ” hoặc cả hai (2)?
Tuy nhiên những băn khoăn vừa đề cập không phải là chuyện chính để bàn lần này. Chuyện chính nằm ở chỗ Đền Chung Sơn rất nguy nga nhưng không ai biết chi phí là bao nhiêu và tại sao không công khai? Khi loan tin về sự kiện khánh thành Đền Chung Sơn, một số cơ quan truyền thông như tờ Tuổi Trẻ chỉ cho biết, ngôi đền này “nằm trong Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Kim Liên”. “Khu Di tích Kim Liên” lại gắn với kế hoạch phát triển “Khu Du lịch lịch sử, sinh thái văn hóa núi Chung”.
Một số cơ quan truyền thông khác như báo Nghệ An thì tiết lộ đây là “công trình xã hội hóa một phần” và Ngân hàng Bắc Á được chính quyền tỉnh Nghệ An chọn để góp phần đó (3). Khi công trình chỉ “xã hội hóa một phần”, công quỹ đã chi bao nhiêu tỉ tiền thuế cho Đền Chung Sơn? Ngân hàng Bắc Á chi bao nhiêu và sẽ được hưởng những gì? Vì sao không có… giá?
***
Trên thực tế, tưởng nhớ và tri ân “bác” hết sức tốn kém. Cho dù ngân sách thâm thủng, nợ nần liên tục gia tăng, chi tiêu cho giáo dục, y tế liên tục bị cắt giảm nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đặc biệt yêu thích loại dự án tưởng nhớ và tri ân “bác” với qui mô càng ngày càng lớn!
Phong trào tưởng nhớ và tri ân “bác” sôi nổi tới mức, tháng 5 năm 2015, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Việt Nam phải tổ chức một hội thảo về “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Theo “quy hoạch” được công bố tại hội thảo đó thì từ 2015 đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất ngân sách để xây dựng… 58 quần thể quảng trường – tượng đài tưởng nhớ và tri ân “bác”. Chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam phải xếp hàng chờ tới lượt mình (4).
Năm 2015, viện dẫn lý do “không có là một thiệt thòi” và “nguyện vọng của nhân dân”, chính quyền tỉnh Sơn La quyết định xây quần thể quảng trường – tượng đài Hồ Chí Minh, trị giá 1.400 tỉ đồng (5). Đó là lần đầu tiên, kế hoạch xây dựng những quảng trường – tượng đài tưởng nhớ và tri ân “bác” bị chỉ trích kịch liệt trên diện rộng.
Lúc đó, ông Ngô Bảo Châu, một trong những trí thức nổi tiếng ôn hòa cũng không kềm được giận dữ vì số tiền khổng lồ ấy đủ để xây toàn bộ trường học, các ký túc xá cho cả Sơn La lẫn các tỉnh miền núi. Ông Châu nhấn mạnh: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”… Cũng vì vậy, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam phải để cho chính quyền tỉnh Sơn La gặm nhấm sự… “thiệt thòi”!
Song phong trào tưởng nhớ và tri ân “bác” chỉ… tạm lắng. Ba năm sau – 2018 – chính quyền TP.HCM lại khuấy động dư luận khi gửi cho Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đề nghị xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” tại Thủ Thiêm. Đề nghị vừa kể không cho biết tổng chi phí xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” là bao nhiêu nhưng mô tả về quy mô của công trình này khiến người ta ước đoán con số ấy phải vài chục ngàn tỉ đồng vì: Diện tích lên tới 27 héc ta. Ngoài Quảng trường, Cột cờ tổ quốc, Công viên lưu niệm 63 tỉnh – thành phố, còn có Nhà Trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà sàn và ao cá Bác Hồ,… Lý do xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” vẫn thế, vẫn là “bày tỏ tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu. Qua đó giáo dục nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (6)…
Do thiên hạ lại nổi giận, từ đó đến nay chưa có thông tin nào mới về “Quảng trường Hồ Chí Minh” tại Thủ Thiêm, TP.HCM. Dường như những trận bão dư luận về các công trình tưởng nhớ và tri ân “bác” đã khiến phong trào xây dựng các công trình loại này rẽ sang nhiều hướng. Ví dụ không dùng công quỹ như Quảng Bình. Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện dự án (7). Dẫu đó là đem công thổ đổi công trình nhưng công trình lại liên quan tới… “bác”, không thấy ai thắc mắc 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới đã được định giá thế nào, có tương xứng với 128 tỉ đồng hay không?
***
Qua những thông tin liên quan đến Đền Chung Sơn, có thể thấy sức sáng tạo của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam để duy trì phong trào xây dựng các công trình tưởng nhớ và tri ân “bác” là… vô đối! Nếu Quảng Bình không thèm dùng công quỹ, đem công thổ đổi “bác” thì TP.HCM giấu… giá và Nghệ An kết hợp cả hai: Vừa giấu khoản công quỹ phải chi, vừa ém cả thỏa thuận đã trao những gì khi Ngân hàng Bắc Á tham gia “xã hội hóa một phần” để công chúng xét xem trao đổi đó có tương xứng hay không?
Sau khi làm công chúng bất bình vì quá tốn kém, việc tưởng nhớ và tri ân “bác” giờ bước vào giai đoạn không có… “giá”. Dù lãnh nhiệm vụ chi trả, công chúng không còn cơ hội được lượng định giá phải trả sẽ ở mức nào? May ra chỉ có “bác” và gia tiên mới biết phải gánh những gì cho “Khu Du lịch lịch sử, sinh thái văn hóa núi Chung”!
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.