Nên có thái độ thế nào về lãnh tụ?
19-5-2020
Đầu tiên, cần khẳng định là, một dân tộc sùng bái lãnh tụ là một dân tộc chưa trưởng thành. Cứ nhìn từ bản thân mỗi chúng ta, thời HS, SV thường ai cũng có thần tượng. Cháu thì đắm đuối mấy em showbiz ngực to, mông nở, em thì mê mẩn ụp pa Hàn xẻng xinh gái, cán bộ đoàn thì thần tượng bác Giáp, bác Hồ, anh Bát, chị Lục…Đại khái thế.
Nhưng ngoài 25 tuổi mà vẫn còn đắm đuối thần tượng kiểu thế là kiến thức nền có vấn đề, gọi là trẻ con lớn tuổi. Từ cá nhân suy ra, dân tộc cũng vậy thôi. Bọn giãy chết rất ít khi có sự sùng bái lãnh tụ chính trị. Thậm chí ngược lại, bỏn còn lôi lãnh tụ ra trêu đùa cợt nhả. Ai mà cuồng Trump hay Obama… thì đối với mình cũng là có tư duy trẻ trâu.
Theo mình, không nên coi ai là lãnh tụ, chỉ có danh nhân thôi, nếu yêu quý ai đó thì chỉ nên có sự kính trọng về một vài khía cạnh nào đó là đủ. Đừng có đắm đuối quên hết đường đi lối về. Bởi vì danh nhân nào thì cũng là người, có mặt tốt, mặt xấu, mặt bình thường, không có ai hoàn hảo hết. Khi nhìn nhận như vậy thì chúng ta mới có thể thản nhiên mà đánh giá bất cứ ai.
Mình rất buồn cười khi mấy hôm rồi đọc comment của một số anh cũng già già, nhẽ hơn mình dăm tuổi, mà bảo: “Những người này không đủ tầm để đánh giá Bác Hồ. Chim sẻ mà đòi đánh giá đại bàng“.
Thậm chí anh ta gom cả ông Hoàng Xuân Hãn vào một mớ chim sẻ chưa đủ tầm đó! Đó là một cậu bé lớn tuổi thôi. Anh ta tự khâu mồm mình lại, quỳ mọp trước lãnh tụ, không dám cả nhận xét, đánh giá, do tự thấy mình bé nhỏ trước lãnh tụ! Đây cũng là tâm lý phổ biến thời phong kiến, thần dân không dám nhìn mặt thiên tử.
Bác của các bạn đã viết trong Tuyên ngôn độc lập (thực ra là copy ý tưởng): “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”. Trong những quyền đó có quyền tự do ngôn luận, tức là có quyền đánh giá về bất cứ ai. Mồm các bạn leo lẻo học theo gương bác mà không hiểu cái quyền tạo hóa sinh ra đó sao?
Ai cũng có quyền nhận xét, đánh giá về người khác, chỉ cần có được căn cứ, lý lẽ hợp lý là được. Đánh giá thế nào nó phụ thuộc nền tảng kiến thức và quan điểm, góc nhìn của bạn. Nếu bạn đánh giá hợp lý, dựa trên kiến thức sâu, rộng về nhân vật, thì đánh giá đó được nhiều người công nhận, bằng không thì cũng chỉ bị người khác bỏ qua, không coi trọng, nhưng bạn chả mắc tội gì vì điều đó.
Là người có giáo dục tốt, bạn không nên và không cần chửi bới bất cứ ai khi nhận xét về họ. Điều đó không khiến cho luận điểm, đánh giá của bạn có giá trị hơn. Với lãnh tụ hay danh nhân cũng vậy. Mình tuyệt đối không thấy cần phải chửi bới bất cứ ai, cho dù đôi lúc có thể châm biếm họ. Nhưng chửi bới họ vẫn là quyền bày tỏ quan điểm của bạn, nếu bạn không e ngại việc phô bày tư cách và khả năng lý luận thấp kém của mình khi chửi bới.
Khi viết về danh nhân, mình hay dùng cách xưng hô trung tính nhất là “ông”, “bà”, có thể viết nguyên họ tên, hoặc kèm chức danh. Ví dụ: TT Thiệu, ông Diệm, hay Dương Văn Minh, chứ không nên viết cộc lốc kiểu Diệm, Thiệu, Minh… Thực ra, nếu dịch tư liệu Tây thì cũng có thể viết như vậy, vì người nước ngoài coi cách viết đó là bình thường, nhưng phải nhất quán với cả mấy tuyến nhân vật đối lập cho công bằng. Tuyệt đối không dùng những từ miệt thị như hắn, thằng, con, ngụy…
Mình thấy các “học giả”, tác giả CS thường có lối xưng hô miệt thị, lấc cấc với danh nhân đối lập. Có lẽ họ được giáo dục phải như thế để chứng tỏ sự quán triệt, phải phân rõ địch ta, bạn thù. Lâu dần thành quen mồm, quen tay viết, hoặc có thể phải viết thế thì sách mới được xuất bản, để độc giả dễ phân biệt địch – ta. Cách diễn đạt đó ở thời điểm hiện tại nó thể hiện sự vô giáo dục và thái độ cực đoan của họ. Rất may là các tác giả trẻ, tầm 7x về sau thì thường có thái độ ôn hòa hơn. Ngược lại, sách vở của trí thức VNCH thì ít khi có thái độ cực đoan chửi bới đối lập như vậy. Có lẽ là do giáo dục mà nên.
Cách xưng hô của người Việt có cái dở là phân biệt trên dưới về tuổi tác và vai trò, nên rất khó để phê phán, tranh luận với nhau. Khi bạn gọi ông Hồ là Bác, Người (viết hoa) thì tự bạn đã khóa mồm mình khỏi việc phê phán lý tính, vì bạn đã tự quỳ xuống trước lãnh tụ rồi. Giống y như bạn bắt tay ai đó mà khom lưng, quỳ gối, thì tự bạn đã chặn khả năng tranh luận với họ.
Lúc sinh thời, ông Phan Châu Trinh rất phản đối cách xưng hô phân biệt ngôi thứ, khuyến khích xưng hô ông – tôi. Sau này nhà văn Nguyên Ngọc kế tục quan điểm đó ở trường ĐH Phan Châu Trinh giữa thầy và trò. Tiếng Anh chỉ có 2 từ I và You nên tranh cãi rất thoải mái.
Hôm nọ mình tranh luận với ông GS TS già, thấy bảo nổi tiếng lắm. Mình xưng tôi, gọi ông ấy là ông, không có gì hỗn láo, mà ông ấy mắng mình hỗn láo và liên tiếp xóa cmt vạch lỗi ông ấy của mình! Như vậy tức là ông ta đã tự cho mình ngồi lên đầu người khác khi tranh luận rồi, ông ấy cậy già và bằng cấp cao sao?
Khi bạn đã chuẩn bị đủ tâm lý bình đẳng và không sùng bái trước lãnh tụ như vậy thì bạn mới có thể bình thản để đọc các thông tin trái chiều về lãnh tụ. Khi tiếp cận thông tin dạng đó thì cần bình tĩnh tìm hiểu, tự phản biện nguồn tin một cách bình tĩnh, lạnh lùng, như khi đối diện một fake news. Khi kiến thức nền của bạn đủ sâu rộng, thì bạn sẽ có khả năng tự phản biện nguồn tin. Còn khi kiến thức nền còn non thì bạn thường bác bỏ lập tức toàn bộ tin trái chiều hoặc ngược lại là quá dễ tin vào nguồn trái chiều mà chả cần căn cứ gì cả.
Lưu ý là dễ dàng tin mọi thứ hoặc dễ dàng bác bỏ mọi thứ thì đều là…ngu. Mình rất hay gặp “phản biện” dạng này: “Bạn viết chỗ này sai lầm nghiêm trọng…” Nhưng khi hỏi là sai cụ thể thế nào thì lại không thể đưa ra lý lẽ. Đó là phản ứng của các bạn trẻ trâu lớn tuổi khi tiếp cận tin trái chiều đó. Thấy sai sai, nhưng lại không thể dùng lý lẽ để bác bỏ, do không có kiến thức nền.
Ví dụ về những tin mà không làm cho mình tin được, dù là nguồn PĐ: Tin về việc VN sát nhập vào TQ theo hội nghị Thành Đô. Tin ông HCM là Hồ Tập Chương… Vì nó không đủ căn cứ để bác bỏ tin chính thống.
VN là thiên đường của fake news (tin giả) bởi vì dân VN vốn kém về lý tính do quá lâu năm sống dưới môi trường thông tin một chiều (của chính quyền đưa ra) và gần như bị triệt tiêu khả năng phản biện, nhất là với những đề tài nhạy cảm về lịch sử, chính trị.
Chính vì thế nên lãnh tụ, danh nhân ở VN bị tô vẽ quá nhiều, có thể vẽ cho đẹp hơn hoặc bôi nhọ cho bẩn đi. Ông HCM là nhân vật số 1 được vẽ cho đẹp lên và che lấp những chỗ xấu hoặc bình thường. Thái cực ngược lại là ông Diệm, ông Thiệu, ông Bảo Đại…
Trong khuôn khổ stt này mình không định tẩy trang cho danh nhân, như nhiều stt khác đã làm. Stt này mình chỉ viết về cách suy nghĩ, thái độ của mỗi chúng ta khi đánh giá, nhận xét về danh nhân, lãnh tụ. Mỗi cá nhân nên có ít nhiều tư duy của luật sư, để có thể tránh bị lừa bởi tin giả.
Khi bạn không bị mắc lừa bởi tin giả và có thái độ bình đẳng thì bạn cũng khó có thể bị lừa bởi hào quang ảo của lãnh tụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.