ADVERTISEMENT
Dữ liệu về chỉ số PMI Caixin/Markit mới công bố hôm thứ Hai (2/3) cho thấy, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã bị thu hẹp mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chỉ số sản xuất quản lý thu mua PMI Caixin/Markit ở khối tư nhân của Trung Quốc trong tháng 2/2020 được công bố sáng ngày 2/3 chỉ đạt 40,3 điểm, mức thấp kỷ lục kể từ thời điểm chỉ số này được áp dụng tại Trung Quốc vào năm 2004. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức 51,1 điểm được ghi nhận trong tháng 1/2020. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 11/2008, chỉ số này cũng giảm thấp xuống còn 40,9.
Trong số các chỉ số phụ của chỉ số PMI Caixin/Markit, chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới của các doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã giảm xuống dưới ngưỡng âm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009.
Số liệu này đã củng cố thêm suy đoán của các chuyên gia về việc Trung Quốc có thể lần đầu tiên tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm 2020, kể từ sau Cách mạng Văn hóa vào cuối những năm 1960 – đầu những năm 1970.
Chỉ số PMI Caixin/Markit là chỉ số kinh tế độc lập do hãng truyền thông Caixin phối hợp với hãng tư vấn thị trường Markit thực hiện. Chỉ số này tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu. Trong khi chỉ số PMI chính thức của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước.Chỉ số PMI của Caixin được công bố không lâu sau khi Trung Quốc công bố chỉ số PMI chính thức hôm 29/2.
Số liệu ngày 29/2 của NBS cho biết chỉ số PMI chính thức của Chính phủ Trung Quốc đã giảm từ 50 hồi tháng 1/2020 xuống 35,7 trong tháng 2, thấp hơn cả mức 38,8 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo chỉ số PMI chính thức, chỉ số hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng 2/2020 chỉ đạt 27,8 điểm, giảm gần 50% so với mức 51,3 điểm của tháng 1/2020; chỉ số đơn đặt hàng mới cũng chỉ đạt 29,3 điểm, so với mức 51,4 điểm của tháng 1/2020.
Chỉ số PMI đạt trên 50 điểm cho thấy các hoạt động sản xuất đã được mở rộng và ngược lại, chỉ số PMI càng thấp hơn 50 thì hoạt động sản xuất càng co lại.
Sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI trong tháng 2 phản ánh các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị ảnh hưởng và thu hẹp mạnh do dịch COVID-19 bùng phát. Thông thường, các nhà máy ở Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng năm nay, sản xuất đã bị đình trệ gần 1 tháng trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Các nhà sản xuất hiện đang phải chật vật nối lại hoạt động, do nhiều công nhân chưa thể quay lại làm việc vì lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố.
Nhận định về chỉ số PMI tháng 2/2020, ông Zhengsheng Zhong, Nhà kinh tế trưởng của tập đoàn CEBM Group (hãng nghiên cứu tài chính và đầu tư độc lập lớn nhất Trung Quốc) cho biết: “Sự suy giảm mạnh này là do hoạt động kinh tế trì trệ trên cả nước bị gián đoạn trong bối cảnh dịch viêm phổi COVID-19 bùng phát.” “Cả phía cầu và cung đều bị suy giảm và chạm đáy kỷ lục. Các chuỗi cung ứng lâm vào bế tắc khi các doanh nghiệp kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và chính quyền các địa phương áp dụng biện pháp hạn chế di chuyển trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.”
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao tại hãng tư vấn kinh tế Capital Economics cũng nhận định: “Chỉ số PMI mới nhất phù hợp với dự đoán của chúng tôi nhưng có thể gây sốc cho phần lớn các nhà phân tích, vốn dự đoán rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ có tác động nhỏ hơn đối với hoạt động kinh doanh.” Ông nói thêm: “Điều đặc biệt dáng lo lại là sự sụt giảm nghiêm trọng trong về nhân công lao động, điều này sẽ làm giảm triển vọng phục hồi nhanh chóng.”
Theo ông Julian Evans-Pritchard, thực trạng ngành sản xuất của Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn những gì thể hiện ở các chỉ số. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch virus COVID-19 lan rộng tại khắp thế giới, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc được cảnh báo có thể sẽ tiếp tục bị suy giảm do nhu cầu của các đối tác nước ngoài sụt giảm. Do đó, khả năng phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V của nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng tới cũng đã giảm thấp.
Minh Ngọc (Theo SCMP)
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.