Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Trong cơn đại dịch Covid-19 mới thấy “tiếc” TPP của Obama…

Trong cơn đại dịch Covid-19 mới thấy “tiếc” TPP của Obama…

30-3-2020
Khủng hoảng Covid-19 bùng phát cho thấy các quốc gia tiên tiến không phải “liên thuộc” kinh tế với TQ mà là “lệ thuộc”. Tất cả dụng cụ y tế, từ khẩu trang cho tới máy móc, dụng cụ… đồ dổm hay đồ tốt, mắc hay rẻ… tất cả đều đến từ TQ. Đến nay thế giới vẫn phải nhập cảng những bộ “thử nghiệm” Covid-19 từ TQ, mặc dầu nhiều lô hàng nhập vô Tây ban nha, Phi… cho thấy độ chính xác chỉ ở 40%. Các quốc gia này vẫn phải tiếp tục nhập từ TQ các bộ thử nghiệm mới, từ những viện bào chế “uy tín” hơn, nhưng tất cả vẫn sản xuất từ TQ.
Vấn đề “liên thuộc” kinh tế giữa TQ với phần còn lại của thế giới từ lâu các chính trị gia Mỹ và Châu âu đã nhìn thấy. TQ đã hưởng lợi lớn lao từ sự “liên thuộc” này, từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. TQ một “quốc gia nghèo” thuộc “thế giới thứ ba”, TQ lần hồi “thay da đổi thịt”, hàng trăm triệu người TQ được “thoát nghèo”.
Vấn đề là quá trình phát triển của TQ không đơn thuần đến từ thành quả “mồ hôi” và “trí tuệ” của dân TQ. Nếu TQ “đi lên” bằng phương cách như vậy thì không ai thắc mắc, yêu cầu đặt lại “luật chơi”. Ngoài những “kẽ hở” về luật lệ của WTO, sự “thiếu thiện chí” của nhà nước TQ về vấn đề sở hữu trí tuệ hay sự hiện diện của nhà nước trong lãnh vực kinh tế khiến cho sự liên thuộc về kinh tế “đôi bên cùng hưởng lợi” trở thành TQ là phía hưởng lợi nhiều hơn, bằng một phương pháp “bất chánh”.
Tình hình lý ra không trầm trọng, vì các quốc gia có thể lấy lại cân bằng qua các biện pháp pháp lý.
Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, TQ đã để lộ nanh vuốt của một đế quốc vừa phát xít vừa cộng sản, sử dụng sức răn đe của vũ lực quốc phòng cùng với sức ép kinh tế lẫn ngoại giao, nhằm áp chế các quốc gia yếu chung quanh đồng thời thách thức các đại cường. Tham vọng xây dựng trật tự quốc tế mới, theo cái cách của TQ, thấy được qua các việc khuynh đảo các định chế quốc tế, như LHQ, bằng cách “gài” người thân vào vị trí lãnh đạo. Luật lệ quốc tế cũng bị TQ “diễn giải” lại, trường hợp thách thức UNCLOS để áp đặt đường chữ U chín đoạn. TQ cũng “vãi tiền” mua chuộc các lãnh đạo tham những các quốc gia Á, Phi… ngay cả Châu Âu, để thược hiện tham vọng bành trướng kinh tế qua các chương trình “vành đại con đường” hay “made in china 2025”.
Hiển nhiên “trật tự thế giới” được thiết lập từ sau Thế chiến II đã bị TQ thách thức.
Chính quyền Obama và phe Dân chủ Mỹ đã thấy tất cả các “âm mưu” của TQ. Vì tham vọng của TQ vừa lộ liễu, vừa “sống sượng”, nếu nói theo cách bình dân. Nhưng sự liên thuộc về kinh tế đã khiến mọi hành động đơn phương của Mỹ và Châu Âu (nhằm ngăn cản tham vọng của TQ) đều gây “hệ quả ngược”, đem lại thiệt hại cho mình nhiều hơn TQ.
Yếu tố đầu tiên mà Mỹ có thể yêu sách TQ “ngồi vào lại” vị trí của TQ, là Mỹ, Châu Âu và phần còn lại của thế giới không còn, hay bớt, “liên thuộc kinh tế” với TQ.
Dĩ nhiên có nhiều phương cách để chấm dứt sự liên thuộc về kinh tế với TQ.
Đến nay nhìn lại, ta thấy cái cách của phe Dân chủ, thể hiện qua chính quyền Obama, ở các kết ước về kinh tế với các đối tác mới, như Hiệp định TPP (đối tác xuyên Thái Bình Dương), mục đích không để TQ “độc tôn” trên các mặt hàng “chiến lược”. Ngoài ra ta còn có thể nói tới Hiệp ước Paris COP 21 về Biến đổi khí hậu…
“Sức mạnh mềm” của Nước Mỹ thời Obama thể hiện qua các việc nước Mỹ luôn đứng ở vai trò lãnh đạo, trên bất kỳ các vấn đề liên quan đến con người ở quả địa cầu này. Không có bất kỳ tiếng nói nào, ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả TQ và Nga, lên tiếng phản bác tính “chính đáng” của Mỹ, vị thế “ngọn đuốc soi đường” của thế giới.
Sang thời Trump lãnh đạo nước Mỹ ta thấy phương pháp “thoát Trung”, tức ra khỏi sự liên thuộc bất lợi của Mỹ đối với TQ, không đơn thuần là vấn đề lợi ích (chiến lược) quốc gia, mà là một vấn đề cá nhân và lợi ích phe đảng, cá nhân.
Trump đã tạo cho nước Mỹ một bộ mặt mới, một nước Mỹ có đầy đủ các hiện tượng “tân phát xít” như kỳ thị chủng tộc, thù hận chủng tộc, đơn phương chủ nghĩa, tôn sùng lãnh tụ…
Trump lãnh đạo nước Mỹ như kẻ mới biết đánh cờ, chỉ chú trọng việc “ăn quân”. Trump không có tầm nhìn chiến lược. Mở ra mặt trận “đánh TQ” về kinh tế nhưng cả thế giới cũng đều “sặc máu mũi” vì Trump.
Bây giờ, trong cơn đại dịch Covid-19 mới thấy “tiếc” TPP của Obama.
Lãnh đạo các phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất công kỹ nghệ của Mỹ, mặc dầu Trump ban bố luật về sản xuất trong tình trạng chiến tranh, những người này lên tiếng cho biết Mỹ đã thiếu trầm trọng các thứ vật liệu cần thiết.
Chính sách của Trump, trong chừng mực, là “duy ý chí”. Mỹ có thể “thoát Trung”, không lệ thuộc TQ về knih tế, nhưng cái giá phải trả cho dân Mỹ, cũng như phần còn lại của thế giới, là quá đắt.
Chương trình truyền hình của CNN phỏng vấn thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm qua cho thấy “sức mạnh mềm” của Mỹ đã mất. Theo ông Long, lý ra Mỹ phải là quốc gia dẫn đầu thế giới chống lại Covid-19. Ông Long “tố khổ”, lý ra thế giới phải tham vấn Mỹ, như ở bất kỳ tình thế nào, vì sự ưu việt của Mỹ thể hiện ở khắp các lãnh vực. Thì bây giờ các quốc gia Châu Âu phải tham vấn Nam Hàn, Đài loan, Singapore… trong vấn đề phòng dịch. Ông Long cũng nói Mỹ và TQ nên chấm dứt việc đổ lỗi cho nhau về Coronavirus. Vấn đề là các bên phải tìm phương án chống dịch chớ không phải lên án chống nhau…
Ông Trump chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thực tế là chủ trương “lợi ích gia đình Trump trên hết”, còn lại “sống chết mặc bây”. Nước Mỹ có bao giờ không vĩ đại?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.