Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Putin và Tập Cận Bình chờ sơ hở chiến lược của Trump để ngồi vào chiếc ghế mà Mỹ vừa bỏ trống…

Putin và Tập Cận Bình chờ sơ hở chiến lược của Trump để ngồi vào chiếc ghế mà Mỹ vừa bỏ trống…

31-3-2020
Tổ chức NATO thể hiện “sự vĩ đại” của Mỹ ở Châu Âu thì nước Ý là “trái tim” của sự vĩ đại đó. Lực lượng quân sự của Mỹ tại Châu Âu hầu hết đóng đóng ở Ý. Sự “vĩ đại” này trong thời gian tới chắc sẽ không còn.
Hôm qua nhân nói chuyện về dịch Covid-19, ông Trump lại “lên án” NATO và các quốc gia Tây Âu đã “lợi dụng” sự “hào phóng” của Mỹ, trong lúc các quốc gia từng nước rồi từng nước, “đầu hàng” trước nạn dịch. Ý kiến của ông Trump cho thấy chính sách “cô lập chủ nghĩa” của ông này vẫn tiếp tục thúc đẩy.
Đại dịch Covid-19 quét qua Châu Âu, nước Ý là quốc gia đầu tiên “ngã gục”. Mà Ý chỉ là nạn nhân đầu tiên, chớ không duy nhứt. Sự lên tiếng của ông Trump lúc này rõ là không đúng lúc.
Đối thủ chiến lược của Mỹ là Nga, quốc gia đầu tiên sốt sắng đổ lực lượng quân y cùng các thiết bị vệ sinh (của quân đội) vào giúp Ý chống dịch. Sau đó có Cuba gởi đạo quân y sĩ vào Ý để giúp hệ thống y tế tại đây đang sụp đổ. Các quốc gia Châu Âu khác, “ốc không mang nỗi mình ốc”, ngoài việc cầu nguyện thì bất lực ngồi đếm số tử vong trong nước ngày một lên cao. Sau đó TQ cũng gởi dụng cụ y tế cùng một nhóm y sĩ vào giúp nước Ý.
Hôm kia ông Lý Hiển Long thủ tướng Singapour trả lời phỏng vấn CNN cho rằng, nước Mỹ của ông Trump đã “trao” sự vĩ đại của Mỹ cho TQ. Thay vì Mỹ, quốc gia luôn thể hiện thái độ của một “lãnh đạo thế giới”, qua các hành vi viện trợ hào phóng cho các quốc gia lâm nạn, thì TQ đã thay thế nước Mỹ để làm việc này.
Dĩ nhiên sau đó Mỹ đã “mở hầu bao” viện trợ cho một số quốc gia. Cũng như các viện trợ của Nga, Cuba, TQ… viện trợ của Mỹ chỉ là “tượng trưng”, như muối đổ biển.
Nhưng các viện trợ này có ý nghĩa rất lớn. Nó góp phần khẳng định sư “vĩ đại” của một quốc gia trên trường quốc tế.
Sự “vĩ đại” của một quốc gia không đơn thuần là sức mạnh quốc phòng với số tàu bay, phi thuyền, hàng không mẫu hạm…
Sự vĩ đại của quốc gia cũng không đến từ nền kinh tế phồn vinh.
Sự vĩ đại của một quốc gia được tính bằng cả sức mạnh “cứng” lẫn sức mạnh “mềm”.
Sự sốt sắng của Nga, Cuba và TQ trong việc giúp đỡ nước Ý không đơn thuần là “nhân đạo”. Nga của Putin đang nóng lòng thấy NATO tan rã. TQ đang muốn chính sách “vành đai con đường” của họ được tiếp nhận rộng rãi ở Châu Âu. Còn Cuba thì muốn mở “sức mạnh mềm” của họ trong thời kỳ bị Mỹ cấm vận.
Chỉ bằng một phí tổn tối thiểu, Nga và TQ sắp đạt được toại nguyện. Vì vậy ta không ngạc nhiên khi Tập Cận Bình và Putin hết lòng ủng hộ Trump thắng cử thêm một nhiệm kỳ.
Nên biết là nếu không có NATO và các đồng minh Châu Âu, thì nước Mỹ đã không bao giờ giàu mạnh (và vĩ đại) như hôm nay. Kinh tế Mỹ phồn thịnh là nhờ “kinh tế thị trường”, tức nhờ sự “liên thuộc”, có đối tác qua lại. Mà việc này chỉ có thể thành công khi nền hòa bình được xây dựng, ổn định và lâu dài. Việc này đến từ đâu nếu không phải là nhờ sự hợp tác “chiến lược” giữa Mỹ và các quốc gia Châu Âu trong khối NATO?
Putin và Tập Cận Bình nóng ruột chờ mọi sơ hở chiến lược của Trump để ngồi vào chiếc ghế mà Mỹ vừa bỏ trống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.