Bỏ kỳ thi THPT toàn quốc – Giải pháp tốt nhất cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
30-3-2020
I. CỦA CAESAR HÃY TRẢ LẠI CHO CAESAR
1. Tôn Tẫn (382 TCN – 316 TCN), Bàng Quyên (385 TCN – 341 TCN), Tô Tần (? – 284 TCN), Trương Nghi (373 TCN – 310 TCN) cùng đều lên núi theo học Quỷ Cốc Tử. Sau thời gian theo học, tùy theo lực học của học trò mà Quỷ Cốc Tử cho xuống núi lập nghiệp. Tuy tất cả cùng là học trò của Quỷ Cố Tử, cùng rất thành danh ở hàng tướng quốc, nhưng Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi mỗi người học được từ Quỷ Cốc Tử những kiến thức rất khác nhau.
2. Từ thượng cổ, thầy dạy trò nào thì đánh giá năng lực trò đó. Không dạy không cho điểm.
Bởi thầy dạy là người biết rõ năng lực học trò mình dạy. Cùng một điều thầy dạy mà nhận thức của học trò khác nhau. Thầy quyết định dạy cho học trò điều gì, ở mức độ nào. Ai học được điều gì và không học điều gì, đều do thầy quyết định. Cho nên, thầy dạy từng học trò khác nhau và cho điểm từng học trò theo thước đo khác nhau.
3. Chiếu theo cách làm của Bộ GD-ĐT hiện nay ở Việt Nam, thì các thầy cô ở các trường THPT dạy học sinh, nhưng không được quyền đánh giá học sinh của mình có đủ tư cách tốt nghiệp THPT hay không, mà Bộ GD-ĐT mới là người chấm điểm quyết định tốt nghiệp PHTH của học sinh trên toàn quốc.
Quyền của Caesar đã bị đánh cắp.
II. SAO LẠI ĐÁNH GIÁ CẢ 12 NĂM HỌC CHỈ QUA MỘT KỲ THI?
Kết quả của kỳ thi THPT toàn quốc hiện nay được lấy làm cơ sở cho 2 quyết định: Tốt nghiệp 12 năm học PTTH; Và được vào học ở trường đại học nào trên toàn quốc.
Chỉ qua 4 bài thi trong vòng 90 – 180 phút mà lại quyết định năng lực của cả 12 năm học phổ thông và 4-6 năm đại học nghề nghiệp cả một đời. Đó là một thước đo phi lý.
Việc đánh giá học trò chỉ qua một bài thi, không bao giờ biết được hết năng lực thực sự của học trò.
Việc cho học trò trên toàn quốc thi cùng một đề thi và đánh giá học trò trên toàn quốc theo cùng một thước đo là không sát thực tế và không công bằng.
Việc cho cùng một đề thi để đánh giá năng khiếu cho trăm ngành học, đeo đuổi triệu sự nghiệp khác nhau, là không phù hợp.
Học là quá trình dài. Thể hiện năng lực cũng là quá trình dài. Lấy năng lực 1 thời điểm (kỳ thi) để đánh giá năng lực của cả quá trình dài là không biện chứng.
Cho điểm người mình không dạy cũng là phi biện chứng.
III. 5 ĐIỂM BẤT LỢI LỚN CỦA KỲ THI THPT TOÀN QUỐC
1. TỐN KÉM TO LỚN CHO TOÀN XÃ HỘI
Vô cùng tốn kém về tiền bạc, thời gian, sức lực, của học sinh phụ huynh và thầy cô giáo phổ thông cũng như đại học trên toàn quốc. Ngoài toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia, kỳ thi còn làm liên đới đến các ngành khác, trong đó có công an, y tế, giao thông, bưu điện…làm căng thẳng, tắc nghẹn, quá tải toàn bộ xã hội trong các ngày thi.
Theo đánh giá của cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì kỳ thi THPT toàn quốc năm 2014,chi phí cho mỗi thí sinh từ ngân sách Bộ GD – ĐT mất khoảng 400 000 đồng/học sinh. Như vậy, nếu cộng thêm chi phí của các Sở GD-ĐT địa phương, chi phí trong coi thi và chấm thi của các trường Đại học, chi phí của gia đình, thì mỗi học sinh tốn không dưới 1 triệu đồng. Cả nước có khoảng 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, tổng chí phí mọi mặt toàn xã hội dành cho kỳ thi THPT tính ra tiền bạc tốn đến cả ngàn tỷ đồng.
Nhưng tiền bạc là một nhẽ. Nhẽ quan trọng khác là sức nặng tâm lý. Gánh nặng tâm lý là của toàn xã hội, mà trước hết là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và toàn ngành Giáo dục và Đào tạo.
2. THÚC ĐẨY TIÊU CỰC
Việc thi THPT toàn quốc, không những không thể tránh được, mà còn thúc đẩy các tiêu cực trong thi cử. Trước hết là nạn gian lận thi cử. Không dừng ở mức gian lận thông thường, mà còn dẫn đến mua bán điểm số có hệ thống trên diện rộng toàn quốc, kéo theo nhiều hậu quả tai hại khác cho xã hội.
3. TẠO NÊN SỰ KHÔNG CÔNG BẰNG.
Học sinh ở các địa phương khác nhau có điều kiện học tập rất khác nhau. Bắt học sinh cả nước thi cùng một đề thi – là bắt miền núi rẻo cao cùng thi ngang điều kiện như thủ đô – đó là điều không công bằng. Làm sao các em học sinh vùng rẻo cao của các tỉnh Hà Giang, Cao bằng, Lai Châu, Lạng Sơn… lại thi cùng một đề với các em trường Amsterdam, Chu Văn An – Hà Nội?
Cũng không thể nào đưa ra được một thuật toán về điểm ưu tiên, để bù đắp cho sự bất hợp lý do một đề thi chung toàn quốc gây ra. Nên điểm ưu tiên vùng miền không đủ làm lý do bào chữa.
Công bằng là một trong những mục tiêu cao đẹp của giáo dục. Giáo dục phải là môi trường tốt nhất đảm bảo và nuôi dưỡng sự công bằng. Nhưng nếu nền giáo dục lại tự mình sinh ra bất công thì vô tình đã đi ngược với mục tiêu giáo dục.
4. TẠO NÊN SỰ PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN
Việc thi chung một đề thi toàn quốc dẫn đến điểm chênh lệch vùng miền rất cao. Việc gian lận để chạy thành tích chỉ là một mặt. Ở mặt khác, nó gây nên sự phân biệt vùng miền và đưa đến gánh nặng tâm lý cho các vùng có điểm thi thấp. Điểm thi thấp đã thành hệ thống sẽ làm cho học sinh vùng đó mất tự tin trong thi cử và học tập, ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến sự thiếu tự tin mà ảnh hưởng đến cả sự nghiệp về sau. Điều này một phần lý giải tại sao sai phạm về sửa bài thi, nâng khống điểm thi, lại xảy ra ở một loạt các tỉnh miền núi, nơi điều kiện học tập thua xa các thành phố lớn.
5. KHÔNG PHẢI LÀ THƯỚC ĐO TỐT CHO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TUYỂN SINH
Một mục tiêu khác của kỳ thi THPT toàn quốc là làm điểm chuẩn để chọn vào các trường đại học. Thì đây cũng là thước đo không phù hợp. Thứ nhất, là yêu cầu của các trường đại học khác nhau. Thứ hai, là ngay trong cùng một trường đại học thì yêu cầu của các khoa cũng khác nhau. Nên không thể có một đề thi chung cho tất cả các khoa, tất cả các trường trên toàn quốc.
Việc tuyển sinh đại học, cách tốt nhất là trả lại cho các trường đại học quyền tự tuyển sinh. Các nước có nền giáo dục và khoa học tiên tiến đều làm thế cả.
Không chỉ là thước đo không chính xác, mà mục tiêu tuyển chọn đại học cùng một bài thi cho đại học toàn quốc đã là nguyên nhân xảy ra gian lận điểm ở nhiều tỉnh năm 2019.
IV. THAY ĐỔI CĂN BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC
1. Trước đây, khi giáo dục, khoa học và công nghệ ở mức độ phát triển thấp hơn, thì giáo dục phổ thông giữ một vai trò quan trọng. Cụ thể, người có trình độ tốt nghiệp Tiểu học, Trung học Cơ sở, và Trung học Phổ thông, tùy theo giai đoạn mà được xã hội đề cao. Các bậc tốt nghiệp đó đều được lấy làm căn cứ để xin việc làm, đeo duổi sự nghiệp. Các bậc tốt nghiệp đó là một thước đo giáo dục trong xã hội.
2. Xã hội hiện nay đang ở mặt bằng khoa học và công nghệ rất cao. Cùng ở một lứa tuổi, nhưng tri thức của học trò bây giờ nhiều hơn tri thức của học trò các đây 50 năm. Vì xã hội ở mức phát triển cao, nên công việc đòi hỏi nhiều kiến thức cao hơn so với kiến thức của bậc THPT. Mặt khác, nhờ tiến bộ của khoa học và công nghệ, con người dễ dàng thu nạp được kiến thức qua thiét bị đa phương tiện và internet, thậm chí còn biết được những kiến thức ngoài phạm vị Trung học Phổ thông. Do đó, tốt nghiệp Trung học Phổ thông trỏ thành “yêu cầu giáo dục sơ cấp” của xã hội. Đó cũng là vì sao phải phổ cập phổ thông trung học.
3. Bởi thế, việc xác định tốt nghiệp THPT là việc của các thầy cô dạy học và của nhà trường nơi học sinh theo học. Việc chứng nhận đã học hết THPT – một “yêu cầu giáo dục sơ cấp” không thể là “đại sự của toàn quốc”. Còn việc nhận học sinh vào học đại học – phải là việc của chính các trường đại học.
Ở nhiều nước (trong đó có Hoa Kỳ), đã từ lâu việc xác nhận kết thúc THPT là việc của trường THPT; Và việc tuyển sinh đại học là việc riêng của mỗi trường đại học.
V. GIẢI PHÁP TỐT NHẤT CHO BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ
1. Dịch bệnh virus Vũ Hán Trung Quốc sẽ còn tác động lên cả thế giới suốt mùa Hè. Kết thúc nhanh chóng nhất là đầu mùa Thu. Muộn thì đến đầu Đông. Việt Nam có kiểm soát dịch tốt thế nào đi nữa, cũng vẫn có nguy cơ lây bệnh khi trên thế giới dịch đang tiếp diễn.
Bởi thế, có lùi thời gian, có dạy trực tuyến, có giới hạn chương trình, bằng cách khác nào nữa, thì việc học của học sinh vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng của virus Vũ Hán Trung Quốc.
2. Dịch bệnh là chiến tranh. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có thể dựa trên tình trạng đặc biệt để đề nghị Chính Phủ bỏ kỳ thi THPT toàn quốc năm 2020, thay vào đó là công nhận tốt nghiệp THPT. Việc tuyển sinh đại học – giao cho các trường đại học tự quyết.
Tình trạng đặc biệt đã xảy ra ở Việt Nam năm 1965 khi chiến tranh lan rộng ra miền Bắc. Năm 1966 các trường đại học tuyển sinh viên không phải qua thi. Việc thi vào đại học chỉ bắt đầu lại vào năm 1970.
Dịch bệnh virus Vũ Hán Trung Quốc cũng làm cho Indonesia quyết định hủy các kỳ thi THCS và THPT hôm 23/3/2020.
3. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là giải pháp tốt nhất cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Ông Phùng Xuân Nhạ sẽ không phải đau đầu chạy theo sự phá phách của con virus Vũ Hán Trung Quốc. Ông Phùng Xuân Nhạ sẽ tránh được hàng loạt các tiêu cực mà kỳ thi này tất yếu sẽ mang lại. Và nhờ đó, ông Phùng Xuân Nhạ tránh được “búa rìu” từ xã hội, Chính phủ và Quốc hội. Điều quan trọng khác nữa, là ông Phùng Xuân Nhạ sẽ tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng.
Điều mà ông Phùng Xuân Nhạ và Bộ GD-ĐT có thể mất – là một phần quyền lực và một phần lợi ích kinh tế. Nhưng lợi ích mà toàn xã hội nhận lại được – thì rất to lớn.
Đừng biện hộ rằng bỏ kỳ thi THPT toàn quốc thì chất lượng giáo dục xuống cấp. Chất lượng giáo dục cô đọng từ cả quá trình giáo dục lâu dài, chứ không đùn ra từ một kỳ thi. Những ai từng trải qua kỳ thi THPT toàn quốc đã tự chiêm nghiệm được vai trò của kỳ thi này trong cuộc đời của chính mình, mà không hối tiếc từ bỏ nó. Bỏ kỳ thi THPT toàn quốc sẽ chẳng làm mất đi thiên tài và cũng không đẻ thêm kẻ ngu ngốc.
Chất lượng của học trò trước hết phụ thuộc vào người dạy, sau tró mới đến trường học. Cho nên muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải đề cao thầy cô giáo đầu tiên. Sau đó là đề cao trường học. Không bao giờ là đề thi của Bộ GD – ĐT. Chừng nào thầy cô giáo không được đề cao đúng mức thì chừng đó giáo dục còn mãi tụt hậu.
Sự được mất đã rõ ràng. Thêm vào đó, đường nào thì nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng kết thúc vào năm 2021. Hy vọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có một quyết định có ích để lại vết tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.