Test kit của Việt Nam có độ chính xác 100%, đúng hay sai?
29-3-2020
Gần đây, có một thông tin gây tranh cãi là test kit của Việt Nam có độ chính xác 100%, quanh việc này thì chủ yếu bạn nào tin thì tin, nhưng đa phần là không tin, cho rằng Việt Nam “nổ”. Sự thật thế nào?
Đây là bài viết từ Tuổi trẻ, được lấy để viện dẫn nguồn cho thông tin này: Bộ xét nghiệm COVID-19: Ai được xét nghiệm, có thể tự mua?
Trích câu nói trong bài. “Qua thử nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, xét nghiệm COVID-19 bằng test kit do Việt Nam sản xuất có độ chính xác 100% ở các mẫu bệnh phẩm có từ 2,5 copy. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để có thể phát hiện virus ở nồng độ thấp hơn, khi người bệnh đang ở thời gian ủ bệnh”.
Để cho rõ ràng thì người ta thử nghiệm độ chính xác của test kit bằng cách lấy bệnh phẩm từ bệnh nhân đã khẳng định là dương tính, sau đó thử bằng test kit xem kết quả có ra dương tính hay không. Tính chính xác của test kit thật ra gọi cho chuẩn là “độ nhạy” (sensitivity). Tức là ở những mẫu bệnh phẩm có nồng độ Virus cao thì test kit có độ nhạy thấp vẫn phát hiện được, trong lời trích dẫn người ta cũng có nêu rõ là chỉ chính xác 100% trong các mẫu bệnh phẩm có từ 2,5 copy. Còn nếu muốn phát hiện virus ở nồng độ thấp hơn cần phải…. nghiên cứu tiếp. Cho nên họ mới cần xét nghiệm lần 2 để biết chắc.
Như vậy thông tin test kit VN xét nghiệm chính xác 100% là sai. Fake news. Nhân viên y tế đã thận trọng trong lời nói nhưng chính tâm lý ca ngợi Việt Nam lên tầm ngạo nghễ đã tạo ra fake news này.
Mở rộng vấn đề thì trên thế giới bây giờ có 2 phương pháp dùng để xét nghiệm, là PCR (khuếch đại gene) và bằng Antibody (kháng thể). Xét nghiệm bằng phương pháp kháng thể có độ chính xác cao hơn, tiệm cận 100% nhưng có trở ngại là trong thời gian ủ bệnh, hệ miễn dịch chưa phát hiện ra và sản xuất kháng thể cho Coronavirus thì dùng phương pháp này không xác định được người bệnh dương tính dù trong người có mang virus.
Tất cả các nước hiện tại khi xét nghiệm nhanh đều sử dụng phương pháp PCR, tuy nhiên với từng nước thì sẽ có cách làm và độ chính xác riêng (Mình chưa rõ là khác biệt nhau chính xác thế nào, bao nhiêu phần trăm). Nên mới có chuyện Việt Nam muốn mua bộ test kit của Hàn Quốc.
Tóm lại là, bạn đọc hãy luôn cảnh giác và thận trọng trước thông tin, tự tập thói quen nghi ngờ và kiểm tra nguồn. Việt Nam không quá tồi nhưng cũng chưa đến tầm ngạo nghễ đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.